Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Cảnh sát giao thông: Cười lên nào!



“Nghiêm nhưng cũng cần thân thiện”. Nhiều bạn đọc mong muốn lực lượng cảnh sát nước mình làm được điều mà cảnh sát nước ngoài vẫn đang làm rất bình thường.

Báo chí đưa tin tân giám đốc Công an TP Hà Nội chỉ đạo “trong khi làm nhiệm vụ, CSGT phải nở nụ cười”. Tôi có một vài so sánh về mức độ thân thiện của cảnh sát nước ngoài và cảnh sát Việt Nam.
Muôn màu muôn sắc
Mỗi khi đến một nước khác, các du khách đều thích chụp ảnh, tranh thủ thu vào ống kính cá nhân những khung cảnh đẹp, những hình ảnh lạ và đặc biệt là con người ở nước sở tại. Ở nước ngoài, nếu để ý, bạn sẽ thấy nhiều người dân rất thích chụp ảnh và chụp chung với các anh cảnh sát đang bảo vệ ở các dinh thự, đang làm việc trên đường phố. Bởi một lẽ cảnh sát chính là hình ảnh đại diện cho cơ quan quyền lực của một quốc gia. Nhận thức được như thế, các cảnh sát ở các đô thị thường là những người được lựa chọn có hình thể đẹp, nếu là nam thì cao, to, vạm vỡ, có khuôn mặt ưa nhìn, nếu là nữ thì rất quyến rũ.
Không chỉ là biểu tượng của quyền lực, cảnh sát còn thể hiện một đặc trưng văn hóa. Du khách thích chụp ảnh cảnh sát bởi cảnh sát của mỗi nước có kiểu ăn mặc khác nhau và các trang bị cũng khác nhau. Cảnh phục của cảnh sát Nga, Trung Quốc toát ra vẻ đẹp uy nghiêm và lịch lãm; cảnh sát Pháp, Thái Lan, Philippines mặc khá vui mắt với rất nhiều huy chương, dây chiến thắng; cảnh sát của Ấn Độ đỏm dáng với chùm lông trên mũ; cảnh sát Ai Cập mang khăn trùm đầu cưỡi lạc đà…

CSGT không chỉ là biểu tượng của quyền lực mà còn thể hiện một đặc trưng văn hóa. Ảnh: HTD
Điều thú vị mà tôi chứng kiến là hầu như tất cả cảnh sát ở các nước rất vui khi chụp ảnh với khách nước ngoài. Trong bộ sưu tập của tôi có đến hàng chục bức ảnh chụp với các cảnh sát nước ngoài.
Tại sao phải dị ứng?
Ở Việt Nam thì ngược lại: Các anh cảnh sát dường như rất dị ứng khi được ai đó chụp ảnh. Ít nhất tôi đã hai lần bị rắc rối với chuyện này. Tết năm 2012, tôi và các con đi chơi chợ hoa xuân ở Tao Đàn. Thấy các anh công an trẻ đứng ngoài nắng canh cho dân được bình yên du xuân, khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, chúng tôi rất cảm động. Tôi vội ghi lại những hình ảnh này định bụng sẽ có lúc sử dụng vào bài giảng của mình. Thế nhưng lập tức bốn, năm anh lao đến với những câu hỏi như chụp để làm gì, tại sao chụp, có anh còn lớn tiếng… Cuối cùng để tránh rắc rối, tôi phải xóa hết hình ảnh dưới sự chứng kiến của các anh và sự sợ hãi của các con tôi.
Một lần khác, tôi cũng lại phải xin lỗi các anh CSGT vì một vị giáo sư bạn tôi người Nhật lỡ chụp ảnh các anh khi đang chạy xe trên đường trong sự ngạc nhiên sững sờ của ông ấy và sự ngượng ngùng của chính tôi.
Phải chăng các anh công an có suy nghĩ thường trực là hễ ai đó chụp ảnh mình là có ý đồ xấu xa, có ý định bêu xấu? Hoặc các anh cố tình tạo ra khoảng cách lớn với người dân để tôn lên vẻ quyền uy? Hoặc các anh thường không có biểu hiện đẹp (hành động, thái độ) trong khi làm việc cho nên tránh xa việc bị ghi hình là tốt nhất? 
Theo tôi, nếu không vi phạm điều lệnh (nếu điều lệnh mà có thì cũng nên sửa), các anh hãy gần gũi hơn với dân, thân thiện với khách nước ngoài và thật đẹp nếu các anh cười lên khi ai đó đang hướng máy ảnh về mình. Chúng tôi sẽ cảm thấy tự hào hơn một khi các anh là biểu tượng cho cơ quan công quyền với một tư thế đàng hoàng, lịch lãm và nhân văn của cảnh sát Việt Nam.

Vì sao cảnh phục có màu vàng cam?
Còn nhớ khi các cán bộ công an hỏi Bác Hồ là cảnh sát nên mặc cảnh phục màu gì, Bác nói nên chọn màu vàng cam bởi màu đó nổi bật trong đám đông để người dân dễ nhận biết khi cần đến sự giúp đỡ và màu nổi bật đó cũng làm cho các anh công an biết là mình đi đâu cũng được người dân chú ý để từ đó phải luôn gương mẫu.
NGUYỄN MINH HÒA

QUỐC SỬ (kesitinh...@gmail.com) (19/12/2012 - 08:04)
Cũng cần thông cảm cho cảnh sát giao thông ở Việt Nam.
Theo tôi có nhiều lý do cảnh sát giao thông ở nước chúng ta không cười khi thi hành nhiệm vụ, có thể là:
1- Khi còn học ở các trường nghiệp vụ, họ không được học tiết phải cười khi làm nhiệm vụ.
2- Thời tiết ở nước ta nóng bức, môi trường ô nhiễm. Thử hỏi làm việc trong môi trường như vậy ai mà có thể cười nổi?
3- Giao thông ở nước ta quá lộn xộn, ý thức của người tham gia giao thông chưa cao nên cảnh sát giao thông phải tập trung cao độ để điều tiết giao thông nên không có thời gian để cười.
4- Một lý do nữa không kém phần quan trọng đó là không cười để tạo sự nghiêm trang khi thi hành nhiệm vụ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét