Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

(1) Tản Mạn Về Chữ Ăn Trong Mùa Giáng Sinh


Video: Vũ Khanh (Asia) - Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời...người ơi.
http://www.youtube.com/watch?v=G7Byyu8gPCY
Tiếng Việt mình rất phong phú và rất đa dạng. Một tiếng hay một câu nào đó cũng có thể hiểu theo nhiều nghĩa theo nhiều cách khác nhau. Ngoài ra, còn tùy theo địa phương nào thí dụ như Bắc hay Trung hoặc Nam, và cũng tùy vào cách  nói hay lúc nói hoặc giới nào nói nữa, vân vân.
Nào là nói để hiểu theo nghĩa trắng, nghĩa đen; nào là tiếng lóng, nói theo kiểu mật khẩu cho riêng một vài người hiểu mà thôi; nào là nói lái, chẳng hạn như, khi gặp nhau nếu có ai hỏi thăm thì mình nói mình cũng "nguyễn y vân" (vẫn y nguyên) hay "vũ như cẫn" (vẫn như cũ) hoặc Tết nhứt thì chúc nhau "mạnh sự lòi" (mọi sự lành) hoặc bực mình bí lối thì than là "đâu cái điền" (điên cái đầu)…
Cũng như một số chữ hoặc một số tên như Thu, Lan, Đức, Paul, Cự, Bắc, Đại, Mao, Đức, Đại, Dủ, Cao, Hai, Hải, Thái, Lài, Môn, Tôn, Tốt, Tu, Tú, Công, v.v… chỉ cần thêm phía sau một hai chữ khác là cái tên cao quý đẹp đẽ ban đầu kia sẽ bị lái lại biến thành tục tĩu hết biết luôn!

Nói lái là sở trường của dân miền Nam. Càng trẻ càng tếu, nói lái càng dữ. Đàn ông con trai thường ưa nói lái hơn đàn bà con gái. Nói lái càng tục chừng nào thì càng… đã cái miệng chừng nấy! Khả năng nói lái chịu ảnh hưởng rất nhiều của giáo dục gia đình, tôn giáo, môi trường sống, và cũng tùy thuộc một phần vào cá tánh của mỗi người nữa.

Dường như não của con người có khả năng chọn lọc những gì nó muốn hiểu thì hiểu, những gì nó muốn biết thì biết và những gì nó muốn nhớ thì nhớ mà thôi, còn những gì nó không cần biết đến, thì nó lờ đi quên đi. Bởi vậy, trong cuộc sống hằng ngày thường xảy ra lắm chuyện ngộ nhận, hiểu lầm, có khi cười ra nước mắt... Ông nói gà, bà hiểu vịt, là chuyện có thể xảy ra, đây chưa kể trường hợp bà nói thế để thử lòng hay để gài bẫy ông, nếu mình mà trả lời lạng quạng là có chuyện đó!
Ăn dimsum-Làm bậy một cái cẳng gà béo ngậy. (Photo NTC 2010)
Chữ ăn sao mà rắc rối thế

Nói vậy mà không phải vậy, nội cái chữ ăn không thôi mà đôi khi cũng là đầu mối của nhiều thứ rắc rối trong cuộc đời, ăn đôi khi cũng không phải là ăn.

Ăn để sống, chớ không phải sống để ăn, đây là câu thường được các nhà đạo đức thiệt cũng như đạo đức giả phán ra để dạy đời thiên hạ. Trâu bò, chó mèo, gà vịt chim chóc gì cũng đều phải ăn cả. Ăn thức ăn gì? Người và heo ăn đủ thứ, ăn cái gì cũng được hay là còn gọi là loài ăn tạp (omnivorous).

Ở Việt Nam ngày nay, con gì nhúc nhích thì người ta cũng ăn được hết kể cả con kiến, con dế, bò cạp, cào cào, châu chấu, chuột, rắn, v.v...

Chó mèo hùm beo là loài ăn thịt (carnivorous), còn trâu bò dê cừu là loài ăn cỏ (herbivorous).

Ăn không no được gọi là ăn đói, còn ngược lại là ăn no.

Ăn cũng biến thái theo thời gian và không gian.

Thời ăn lông ở lỗ, người ta ăn những loại thức ăn ít cầu kỳ hơn ngày nay, và cách biến chế ra các món ăn cũng khác hơn và đơn giản hơn.

Đồ ăn mỗi nước mỗi khác. Cách nấu món ăn mỗi nhà cũng mỗi khác, và ít có bà nào chịu tiết lộ thật tình bửu bối làm món ăn của mình cho các bà khác biết, vậy có hỏi nhau cũng vô ích mà thôi, vì có ai nói thiệt đâu mà ham!

Ngày nay nhà hàng thức ăn nhanh (fast food) như McDo lan rộng khắp thế giới, nhưng cũng có nơi chẳng hạn như bên Ý thì có phong trào cổ suý loại thức ăn chậm (slow food). Phương châm của họ là: "Ê! Hãy chậm chậm lại nào".

Đối với Tây Phương, họ kêu gọi mọi người nên trở về nguồn với những món ăn chế biến từ những nguyên vật liệu nuôi trồng theo lối thiên nhiên, nghĩa là không có trụ sinh và hóa chất nào cả... Họ hô hào mọi người hãy tẩy chay thức ăn nhanh, vì chúng chỉ là sản phẩm của kỹ nghệ mà thôi và còn bình phẩm đại khái là fast food đã tước mất cái gu, cái tính chất riêng biệt của mỗi cá nhân chúng ta (?).

Bình thường thì có ba bữa ăn chính trong ngày, ăn sáng còn gọi là ăn điểm tâm hay ăn lót lòng hay ăn lót dạ, kế đến là ăn trưa và chót là ăn chiều. Có người còn chơi luôn một bữa ăn tối, ăn khuya nữa! Cuối tuần mình muốn đổi gu, thì đi ăn cơm Tây, ăn cơm Tàu, ăn dimsum, còn làm biếng ở nhà thì ăn mì gói, ăn cơm tay cầm (nghĩa là cầm ổ bánh mì để ăn) hoặc có gì ăn nấy.

Ăn ngon hay ăn dở cũng tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: thức ăn ngon, lúc ăn ngon, chỗ ngồi ăn ngon và phải có người bạn tri kỷ cùng ăn mới ngon. Đói bụng thì ăn cái gì cũng ngon hết. Thỉnh thoảng, mình nổi hứng đi ăn cơm tiệm lạ miệng cũng thấy thích hơn là ăn cơm nhà hoài. Có cha còn bảnh hơn, ăn cơm nhà hoài ngán quá, lại tìm đủ cách để đi…ăn phở (ý nói là đi ăn vụng mèo mỡ), bị bà nhà ra chiêu trước bắt buộc phải ăn cho đủ ba chén cơm nhà rồi mới thả ra cho đi ăn phở, thế thì kẹt quá xá vì còn bụng dạ gì đâu mà tính tới chuyện đớp phở nữa... Còn nếu bạn có ăn phở (thứ thiệt) thì sau khi đã xơi gần xong, hãy thử bỏ thêm chút cơm nguội (đã để trong tủ lạnh một ngày) và tiếp tục ăn tiếp xem sau, vì có nhiều người rất thích ăn kiểu nầy.
Liều mình cứu cháu-Cô Tư ăn thua đủ với ác thú/Miami Zoo. (photo NTC 2011)
Nếu phạm tội bị nhốt nằm khám ở Việt Nam, thì đành phải ăn cơm tù chán phèo và đói meo.

Các thầy trong chùa có khi chỉ ăn ngọ hay ăn trưa mà thôi. Các nhà sư Thái Lan thuộc tiểu thừa, mỗi sáng phải ôm bình bát đi khất thực (đi xin ăn), đồ ăn mặn, đồ ăn chay hay ăn lạt các thầy đều hoan hỷ nhận hết... Ở trong chùa, sau lễ Phật thì cúng vong, mình ở lại ăn cơm chùa, khỏi phải trả đồng xu cắc bạc nào cả, nhưng mà cũng nên bỏ chút đỉnh tiền công đức tùy hỷ vào thùng cúng dường để chùa khỏi bị khánh tận sạt nghiệp khiến các thầy bị mất jobs hết!

Ăn thì có người ăn bằng đũa, có người ăn bằng muỗng nĩa, nhưng cũng có người chỉ bóc thức ăn bằng tay như người Ấn Độ vậy. Hình như họ chỉ sử dụng có tay mặt để bốc đồ ăn mà thôi, còn tay trái thì dành để rửa hay để chùi đ…

Có người ăn lấy ăn để vì đói và cũng có người ăn no rồi mà vẫn phải ăn nữa để cho người khác được vui lòng. Có người ăn vì xã giao, rồi cũng còn có người ăn bằng mắt, thí dụ như khi đọc được một quyển sách hay mà người ta còn gọi đó là món ăn tinh-thần!

Về cá tánh, có người thì ba hoa chích chòe hay nổ dữ lắm. Có người thì ba xạo, cương ẩu hết biết, ăn to nói lớn, bạo ăn bạo nói, không ngán sợ, không nể nang ai hết!

Lại có người bị ăn loi, ăn dao, ăn búa vì cà chớn quá hay đi giựt đào, hay đi gù vợ người khác! Còn có người hay ăn lạp xạp tối ngày để cho bớt sự buồn chán…

Con nít đẻ ra, tháng đầu tiên thì ăn đầy tháng, được tròn 12 tháng thì ăn thôi nôi, bắt cục sôi hay cây viết thì biết sau nầy nó sẽ làm nghề gì (không chắc lắm!), cùng lắm thì cũng được ăn queo phe (tiền trợ cấp xã hội) nếu sống tại Âu Mỹ. Thời buổi văn minh, mỗi năm trẻ em đều được ăn lễ sinh nhật của mình, lãnh ca-đô cả đống, nghĩ lại tủi thân phận mình vì hồi nhỏ tui có bao giờ được ăn sinh nhật của tui lần nào đâu, chỉ có đi ăn đám giỗ, ăn đám ma hay ăn đám cưới của người khác không hà!

Theo phong tục Việt Nam, mỗi năm đều có nhiều ngày lễ cho người sống và cho cả người chết, thường thì những ngày lễ kỷ niệm nầy là những dịp để cùng nhau ăn nhậu cho thỏa thích. Truyền thống nầy rất hay, cũng là dịp mà anh chị em, bà con, họ hàng, bạn bè gặp nhau một năm một lần để tâng bốc, tâm sự và có khi cũng để tuôn trút ra những chuyện gia đình luôn thể!

Mua nhà mới thì phải ăn khao, ăn mừng làm tiệc ăn tân gia cho nó le, trước để nhận quà sau là để khoe của với người ta cho nó xôm tụ. Sau đó, thì hai vợ chồng phải méo mặt ngày đêm ra sức kéo cày sạt gạch trong cả chục năm mới đủ tiền trả nợ thế chấp mọt-ghê (mortgage)!

Theo văn chương Cầu Muối, thì ăn được xếp hàng đầu trong tứ khoái: đó là ăn, ngủ, ậy và ể…đây phải nói rõ là chỉ chuyện đớp hít ăn ngon, ăn sướng, ăn cho đã miệng mà thôi.

Nhưng tuy nói vậy chớ bốn cái tứ khoái nầy đều quan trọng như nhau và còn có thể thay đổi thứ tự tùy theo hoàn cảnh, theo tuổi tác và theo sức khỏe của mỗi người nữa...

Hồi còn trẻ, thì tứ khoái rất mạnh, càng về già nó càng giảm đi lần lần để rồi tịt ngòi luôn. Bốn cái đó có hạnh thông thì mới sống được, chớ nếu có một cái bị trục trặc là có chuyện đó!

Các nhà đạo đức thiệt cũng như đạo đức giả, các nhà ba phải và các tôn giáo lớn thường hay khuyên con người cần phải kềm chế ăn, ngủ và ậy. Còn lại món ể thì họ tha cho, không dám đá động gì đến nó hết vì đây là luật tạo hóa có vô thì phải có ra...

Đối với các nhà sư Phật Giáo và các linh mục Công Giáo, nếu tu hành thật sự chính chắn thì họ cần phải giữ giới, không có quyền nghĩ tới cái vụ kia, phải cố gắng diệt dục để mau được đắc quả lên Thiên Đàng hay Niết Bàn gì đó. Mấy năm trước, có một độc giả VietNam Daily ở San José đã cho tác giả biết trong mục phản hồi về bài 1001 Chuyện Ăn, là bên Mẽo tên ANDY (ăn, ngủ, đ., i.) cũng rất là phổ biến, thế là quá tốt quá sướng rồi còn đòi hỏi gì nữa.

Ai cũng phải ăn hết, con nít đẻ ra 6-7 tháng, răng cỏ vừa chốm nhú ra là bắt đầu ăn rồi. Bạ gì ăn nấy. Nếu cháu thình lình yếu ăn thì chắc là bị bệnh hoạn gì đó...

Con người ta ăn suốt cuộc đời, đến già răng cỏ rụng hết, trồng hay gắn răng giả vô ăn tiếp. Đến khi ăn không nổi, hết muốn ăn nữa, nuốt không vô, thì con cháu chở tía vô giao cho nhà thương lo. Người ta đút ống vô bao tử để bôm thức ăn, đút ống vô lỗ mũi cho tía thở, đút ống vô chim cho tía đé, nhét vaseline vào lỗ hỏa tiển.. cho trơn để tía ể cho dễ. Người tía toàn là dây nhợ và ống không hà, thấy tội lắm, tía càng ngày càng ốm nhom ốm nhách chỉ còn da bọc xương như bộ xương cách trí mà thôi. Ngày nầy qua ngày nọ, tía nằm đó thoi thóp, ngáp ngáp mà hồn tía ở tận đâu đâu. Tía ơi, ngoài kia vòng tử sinh Samsara đang chờ đón tía đó!

Ngày xửa, ngày xưa, có một thi sĩ bất cần đời, đã nói:

"Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến gốc cây ta sẽ nhấp,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao."

Sống kiểu nầy sao giống như đi vacation vậy cà. Nhưng đây là sống theo kiểu thiền, sống nhàn hạ, sống gần gũi với thiên nhiên, quả thật là hạnh phúc quá xá rồi, ganh đua làm chi cho khổ tâm, cho nhọc xác vân vân, nhưng ngày nay thử hỏi có mấy ai thực hiện được cái lối sống lành mạnh như thế đâu!

Mỗi lần có họp hành gì, thì có người ăn nói rất là hay, giỏi chỉ trích, giỏi nói hơn giỏi làm, chắc là hội viên của tổ chức NATO (no action talk only) quá... Họ thuộc vào hàng giám đốc (coi chừng đốc xúi người khác) hết chớ chẳng phải chơi đâu!

Hồi còn nhỏ mình thích chơi nhà chòi, nấu cơm ăn giả. Cũng có vài trò chơi mình chơi ăn thiệt, như đánh bài, đánh cờ chẳng hạn. Ăn thua không quan trọng, miễn sao được vui là đủ rồi. Có khi cũng chơi ăn gian, gây lộn, ăn thua đủ với nhau rồi cũng huề cả làng mà thôi.

Ăn nhằm gì ba cái lẻ tẻ đó!

Có nhà có cửa vẫn hơn là ăn bờ ngủ bụi, ăn nhờ ở đậu, ăn dầm nằm dề nhà người khác để bị chủ nhà có khi bực mình chửi là thứ đồ ăn bòn, thứ đồ ăn hại...

Còn kẻ ăn người ở trong nhà, được chủ giao cho đi chợ, thì có khi cũng ăn lời, kiếm chút đỉnh anh hai $$ để ăn quà, ăn vặt…

Đi ăn cưới, thì lúc nào cũng bắt đầu bằng mấy món ăn chơi, sau đó rồi mới tới mấy món ăn thiệt, sao không thấy mấy món ăn giả đâu hết. Nhưng ngược lại, thì là những lời đẩy đưa giả dối đầu môi chót lưỡi không thiếu gì.

Lúc ăn, thì có người ăn nói tía lia, gắp xỉa lung tung lia lịa như ở nhà vậy. Cũng có người ăn nói rất bạt mạng, bạo gan, nổ dữ lắm để bắt le, hay châm biếm, xỏ ngọt, ăn ốc nói mò, ăn có nói không, chê bai người nầy, kích bác người khác, móc lò người nọ, khoe mình, khoe của, khoe con, hình như chỉ có một mình họ là ngon lành là chân lý, còn tất cả người khác là đồ bỏ là cỏ rác hết mà thôi… Người cùng bàn, nếu yếu bóng vía, thì sân si sẽ sôi lên sùng sục, ăn hết ngon. Có người thì chẳng chịu thua chịu lép một ai, ăn thua đủ hay ăn miếng trả miếng khiến không khí trên bàn tiệc trở nên căng thẳng quá xá quà xa, ăn chẳng còn thấy ngon nữa.

Có người thì chỉ nói úp úp mở mở hay là nói nửa chừng, ai muốn hiểu sao cũng được bởi vậy mới có câu: "Người khôn ăn nói nửa chừng để cho người dại nửa mừng nửa lo".

Khôn điệu nầy chắc phải nói là khôn mánh hay khôn liền gì đó…

Ông già bà cả thường hay nói, ăn coi nồi ngồi coi hướng, không được ăn lấy ăn để, đó là muốn dạy chúng ta khi ngồi vào bàn ăn, phải đàng hoàng dòm trước ngó sau cho đúng phong cách của người lịch sự, biết kính trên, nhường dưới...

Miếng ăn là miếng tồi tàn, ý muốn nói cũng đừng vì một miếng ăn mà phải bán rẻ nhân phẩm của mình.

Trong nhiều gia đình cũng vì giành ăn mà anh chị em phải xích mích nhau, kiểu chị ăn cá em mút xương, chị ăn kẹo em mút cây, v.v… xảy ra không thiếu gì, có khi máu sân si nổi lên dám nói lẫy là: nè, lấy đi, ăn dọng gì ăn đi!Lại có gia đình thì đời cha ăn mặn đời con khát nước, thì cũng đúng với quy luật thường tình của tạo hóa mà thôi, giống như câu "giận cá chém thớt" hay "cha làm thì con chịu" vậy!.

Nhà ăn tập thể là nơi công nhân xí nghiệp vào đó để dùng bữa. Ham ăn hốt uống là chỉ những hạng người du thủ du thực chỉ biết có ăn mà thôi, ngoài ra các thứ khác đều không quan trọng. Ăn cỗ thì đi trước còn lội nước thì đi sau, khôn thấy mẹ!

Có người ăn ở bất nhơn thất đức, nhưng ngược lại cũng có người ăn hành ở liền (ăn hiền ở lành)…

Làm ăn hùn hạp chung với nhau thì làm sao ăn cho đồng chia cho đủ để tránh gây gổ xung đột với nhau.

Ở thôn quê, người ta ăn nói hết sức mộc mạc như ăn dằn bụng ba hột cơm rồi hãy ra đồng mần việc!

Còn mấy bà già trầu thì hay rủa mấy cậu thanh niên..."bộ tụi bây ăn phải đồ dơ của ai hay sao mà tụi bây ngu quá vậy hả?"... Hèn chi, đời mới có lắm kẻ ngu như thế nầy! Nói vậy, thì đàn ông con trai Tây Mẽo và Việt Nam ở thời đại văn minh bi giờ đều ngu hết hay sao vậy cà?

Ngày nay, càng ngày càng có nhiều giới trẻ, thường từ bỏ nông thôn ruộng vườn vừa cực nhọc mà lại cũng vừa lâu ăn huê lợi được, hoặc không có công ăn việc làm vững chắc, họ mu lên thành thị để sống khỏe hơn, dễ kiếm việc làm hơn. Có khi họ làm ăn công, làm gì cũng được, có làm có ăn, có ít ăn ít có nhiều ăn nhiều, mà lại mỗi đêm còn có em út bia ôm, cà phê ôm, karaoké ôm nầy ôm nọ, cho đời thêm hương chẳng thua gì các đại gia, thấy cũng phê, sướng lắm...

Có đói bụng thì ăn lai rai vài cái bánh tráng mè dằn bụng cho chắc ăn, chờ cơm chín rồi mới ngồi vô bàn.

Sau những ngày mần việc mệt nhọc, cuối tuần bọn nình ông hay tụ họp ăn nhậu với nhau, nhưng họ hổng thích có nình bà con nít xía vô ăn vã phá mồi.

Ở đâu cũng vậy, có làm mới có ăn.

Tại các xứ Tây xứ Mẽo, đi làm thêm ngoài giờ quy định thì được ăn tiền phụ trội, tiền súp (supplémentaire), hay tiền ô quờ thêm (overtime), một giờ tính bằng một giờ rưỡi hoặc bằng hai giờ... Khi bị mất việc thì được ăn tiền thất nghiệp, về hưu thì ăn tiền hưu trí, đến lúc già thì ăn tiền già, không có việc làm thì mình có quyền ăn tiền xã hội... Nếu bạn là công chức, nếu lỡ chết thình lình, thì bà xã được ăn tiền tử (death benefit), rồi còn ăn tiền bảo hiểm nhân thọ nữa cũng đủ để vợ con trang trải chi phí tang lễ hay hỏa táng, bạn khỏi phải lo lắng thắc mắc làm chi, cứ yên tâm nhắm mắt mà...đi đi để người ta còn có thì giờ tái giá!

Trên bàn ăn, nên ăn miếng nhỏ, ăn nhỏ nhẹ, ăn xong rồi hãy nói, có xỉa răng thì che cái miệng để khỏi văng tùm lum làm mất thẩm mỹ thấy ghê quá chừng!

Đi ăn buffet, nên lấy vừa đủ ăn, chớ đừng ăn cho nó lỗ chỉ làm khổ cho cái bụng mình!

Ăn hết thì đi lấy nữa, lấy một lần nhiều quá ăn không hết bỏ tội chết đi!

Ở xứ mình, thời nào cũng có tệ nạn con ông cháu cha cocc, ăn hối lộ, lớn ăn theo lớn, nhỏ ăn theo nhỏ…

Trước 75 cũng như bây giờ, thời nào cũng có những tai to mặt lớn thường làm thứ gì là ăn thứ đó, còn được gọi là hạm, thí dụ như là hạm ăn tiền viện trợ, hạm ăn phân bón, ăn thuốc trừ sâu, ăn xi măng, ăn thiếc, ăn sắt, vân vân.

Làm việc gì cũng bị bọn họ ăn bòn, ăn bớt, ăn hớt khiến dân tình thấp cổ bé miệng rất ư là khốn khổ.

Ngày xưa cũng như ngày nay, tệ nạn phong bì, tệ nạn ăn hối lộ, ăn đút, ăn chẹt, ăn lót, v.v… quá ư là phổ biến, muốn được việc thì phải biết đút lót cho họ ăn chút đỉnh, đúng nghĩa kẻ cơm người cháo chớ có gì là lạ đâu. Ngoài ra, còn có nạn bè phái, ăn chặn của công, ăn tiền mãi lộ, ăn rút tiền viện trợ hay tiền cứu trợ…là chuyện rất phổ biến trong cái xã hội xô bồ như chuyện ăn cơm bữa vậy.

Có người còn ví tiền là Tiên là Phật, là huyết mạch trong đời sống. Có tiền là có thể thay đen thành trắng. Vung cho họ ăn tiền thì chuyện xấu hôm qua trở thành chuyện tốt hôm nay cũng như chuyện chuyển bại thành thắng hay chuyển thù nghịch thành bồ nhà mấy hồi!

Ăn là một tệ-nạn hệ thống hóa từ trên xuống dưới. Thực là ngồi mát ăn bát vàng, khỏe ru bà rù!

Mấy năm gần đây, trong nước cũng như ở hải ngoại đã bộc phát ra dịch quyên góp tiền từ thiện một cách ồ ạt "vô tư" lạ thường. Phải chăng cái dịch vụ kinh doanh từ thiện (charity business) nầy là một lối kiếm ăn mới mẻ đầy tính tâm lý sáng tạo?

Thiệt giả vàng thau cứ lẫn lộn. Ai muốn làm thì cứ làm, ai thấy mình cần phải cho thì cứ việc cho, không ai ép buộc ai hết, tùy hỷ mà...

Ai cũng có thể ăn cánh được hết, họ hợp thành phe cánh ăn chia với nhau để kiếm lợi. Ai cũng có thể nhân danh từ thiện nhảy ra làm ăn được hết. Họ khai thác triệt để lòng hảo tâm hay lòng từ tâm của Việt kiều tị nạn ở hải ngoại, nhất là làm cho họ có mặc cảm tội lỗi, lương tâm cắn rứt nếu hổng chịu giúp chút đỉnh cho đồng bào khốn khổ lầm than bên nhà. Mạnh ai nấy quyên nấy góp… Vui lắm, vừa xem văn nghệ, vừa ăn nhậu đớp hít lại vừa nhảy nhót mà hổng tới một bò..."Trước mua vui sau làm nghĩa" hay "Miếng khi đói bằng gói khi no" hoặc "Của tuy tơ tóc nghĩa so ngàn trùng," v.v...

Ai dám nói dân tị nạn mình không giàu lòng nhân ái đâu?

Chuyện tranh ăn đôi lúc cũng không thể tránh khỏi.

Ăn không được thì phá cho hôi, cho bỏ ghét, chẳng khác gì trâu cột ghét trâu ăn. Phe nầy tổ chức thì phe kia cũng bắt chước làm theo. Ai cũng giành độc quyền thương người tàn tật khốn khổ bên nhà. Đúng với câu "Thương người như thể thương thân"...

Nhưng ở đời, hễ dính tới tiền bạc thì rắc rối lắm, dễ bị thiên hạ nghi kỵ nầy nọ. Chuyện nói xấu hay chụp mũ qua lại cũng thỉnh thoảng khó tránh khỏi.

Lâu lâu, cũng có xì ra một vài vụ gạt gẫm hoặc làm ăn lem nhem, nhưng mà rồi những người có lòng nhân ái thật sự, đều lại nghĩ đại khái là: "thây kệ, có ít còn hơn không" hay "người ta ăn thì còn, mình ăn thì mất" hoặc "gieo nhân nào gặt quả nấy" cũng như "ai làm bậy tội ráng chịu" đúng theo tinh thần của Thiên Chúa Giáo hay Phật Giáo, nghĩa là làm phước thì sẽ gặp phước, làm lành ất sẽ gặp lành, vân vân nên rồi đâu cũng lại vào đó mà thôi!

Trong nước, thì vợ công nhân viên biên-chế (bên nầy Tây Mẽo gọi là permanent) thì ăn theo chồng.

Những kẻ ăn trên ngồi trước lúc nào cũng hưởng nhiều quyền lợi và bổng lộc vì biết nguyên tắc ăn chia cho cấp trên cấp dưới, vui vẻ cả làng!

Có một hạng người háo danh, ăn cơm nhà đi lo chuyện bao đồng của thiên hạ, lăng xăng lạch xạch chạy tới chạy lui cho ra vẻ ta đây... Cũng có người bợ đít, ăn bã mía mong kiếm chút cháo!

Có người ăn không có mà mắng mỏ nghe hơi nhiều, cũng là thường tình thôi!

Hoặc có người bị xúi...ăn cứt gà mà phải tấm tắc khen ngon, vậy mới biết là bã danh lợi nó quyết rũ đến cỡ nào!

Làm chuyện gì thì cũng bị họ đòi ăn tiền trà nước hay ăn tiền đầu tiền đít hoặc ăn hai đầu, gọt mình sát ván mà còn nói toàn là ơn với nghĩa không hà!

Lúc đi vượt biên thì bị đòi ăn toàn cây, mà phải là cây ba số 9 (vàng Kim Thành) mới được. Có khi tiền họ đã lấy đủ nhưng ăn trớt không thèm giúp đỡ, hoặc có khi họ còn bỏ rơi mình ở lại một cách không kèn không trống nữa. Đúng là quân bất lương, cái đồ ăn cướp!

Sau 75, họ chủ trương chính sách ăn no mặc ấm, ăn chắc mặc bền trước, rồi sau nầy mới có thể nói đến chính sách ăn ngon mặc đẹp, ăn sung mặc sướng được! Trong thời buổi khó khăn đó, lo cái ăn cái mặc cũng đã hụt hơi rồi còn sức đâu mà làm những chuyện gì khác, lại có người bị xuống dốc đâm thất chí, ăn nói lảm nhảm hoặc đổi tánh trở thành ít ăn ít nói, lầm lầm lì lì suốt ngày suốt tháng để… suy nghĩ về thế sự thăng trầm hoặc về tình đời thay trắng đổi đen, nhưng có người cũng biết an phận thủ thuờng, nín thở qua sông, chờ thời…

Trong đời sống hằng ngày, đa số dân chúng VN phải chịu cảnh ăn dặm, như ăn độn khoai lang khoai mì hay bo bo để cầm hơi cho đỡ đói, và cong lưng đạp xe đạp xe máy suốt ngày, nắng cũng như mưa. Nhờ cái môn thể thao exercise bắt buộc và bất đắc dĩ nầy mà rất tốt cho sức khỏe, nên ít ai bị béo phì như tụi Tây tụi Mẽo bên nầy!

Còn tiếp
Montreal, 21 Dec 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét