NƯỚC SẠCH CHO SÉO DÌ HỒ
Lưng chừng đường lên Xéo dì Hồ |
Đã ba lần tôi đến với Lao Chải - Mù Cang Chải, nơi núi rừng Tây bắc thân thương, đến với các em nhỏ học sinh dân tộc H'Mông, đến với các thày cô giáo bám bản bám trường mang con chữ cho các em thơ, đến với ruộng bâc thang Mù Cang Chải đẹp mê đắm để có tên gọi "Nơi có lễ hội ruộng bậc thang". Xã Lao Chải bây giờ đã khoảng 7.000 dân, toàn bộ là người dân tộc nên xã phải chia ra hai trường tiểu học đó là TH Lao Chải và TH Xéo Dì Hồ " Xéo Dì Hồ gộp cả cấp học mần non"
Các em thơ Lao Chải |
Lao Chải không chỉ đẹp vì ruộng lúa trải trên các sườn núi như những tấm thảm muôn màu. Lao Chải còn đẹp vì những cô giáo thày giáo đã kiên trì bán trụ nơi đây, đêm ngày mang văn hóa đến cho người dân tộc và giúp họ dần dần bỏ qua những hủ tục muôn đời của người dân tộc thiểu số H'Mông.
Một thày giáo quê Thái Bình đã 15 năm bám trụ nơi đây kể. Người dân tộc nơi đây có tục ăn tết từ đầu tháng chạp đến hết tháng giêng, nên cứ mỗi lần vào bản để gọi các em đến lớp là một lần hướng dẫn và nhắc nhở họ cách ăn tiêu dè xẻn để làm sao có đủ cái ăn đến mùa sau.
Hiệu trưởng XDH - Nguyên trước khu nội trú của giáo viên |
Một cô giáo bám điểm trường bản òa khóc khi thấy có người dưới xuôi lên và cứ mong một phụ nữ trong đoàn ngủ lại với cô một đêm thôi cho đỡ nhớ quê nhà. Cô bảo, hồi tháng 9 tất cả các em đều được một đoàn thiện nguyện tặng một chiếc áo, nhưng hôm nay sẽ không còn nhận ra chiếc áo đó nữa đâu bởi nó đã được khai thác hết công suất rồi. Trẻ em ở đây cứ tự nhiên sống như cây cỏ vậy, có hôm rét thì mặc áo lạnh không mặc áo ấm vì chiếc ấm đó đang giặt chưa khô.
Thầy Nguyên hiệu trưởng Xéo Dì Hồ đã đủ 15 năm dạy học ở đây, nhưng hỏi thày có xin về Nghĩa Lộ quê thày không thì thầy bảo: "Thôi các anh ạ, người dân tộc họ còn khổ và lạc hậu quá, mình không nỡ về" và các thầy cô khác đều có ý nghĩ như vậy.
Ai nỡ xa chúng! |
Cô Hạnh quê Hưng Yên, mỗi lần về thăm nhà lên trường là ốm vài ba ngày vì say xe nhưng cô vẫn nguyện bán bản - bán trường với các con thơ.
Điều kiện sinh hoạt thì không cần phải nói, điểm trường tiểu học và mần non Xéo Dì Hồ cách đường QL32 8km, lên với Xéo Dì Hồ chỉ có một cách là nhờ các thầy quen đường chở lên trên con đường dốc đứng và cheo leo bằng xe máy. Chính các thầy cũng nói: "Nếu trời mưa hay buổi tối là không dám đi". Chả vậy mà, xe máy tốt cũng chỉ đạt tuổi thọ 2 năm thôi.
Cái ăn cái mặc của thầy trò đều thiếu thốn lắm lắm, và một nguồn nước sạch cũng chưa ra hồn. Hôm tôi đến là ngày 31/12/2011 nhìn hai cái bồn nước bằng nhựa cũ kỹ chẳng có giọt nước nào. Hỏi ra thày Nguyên kể:
Nước sinh hoạt của điểm trường chính hàng ngày phục vụ 56 cháu mầm non và 127 cháu tiểu học "Tổng số 130 cháu mần non và 356 cháu học sinh tiểu học của toàn trường, thày cô tổng số là 38" và thầy cô giáo hiện vẫn xin của nhà dân. Nếu nhà dân đủ nước rồi thì họ sẽ chuyển sang cho trường dùng, hôm nào họ dùng nhiều thì mình thiếu.
Tôi nhẩm tính, hai cái bồn cũ sẽ chuyển lên đầu nguồn cách đó 2,5km làm bồn thu, rồi trường mua ống dẫn nước từ nguồn về chứa vào hai chiếc bồn Inox mới sẽ tạm đủ và chủ động. Hỏi vậy với thầy Nguyên, Nguyên bảo: "Được thế thì còn gì bằng, và em cam kết sẽ 24/24 đủ nước cho cả trường sinh hoạt".
Trường lớp của các em đây. |
Lại nghe thầy Nguyên kể: "20/11 vừa rồi trường vừa liên hoan một bữa gọi là khánh thành sân chào cờ mới, mời cả Lao Chải sang đây. Chả là, sân trường trước chỉ là sân đất, tập thể thầy cô quyết định quyên góp tài chính để lát cho các em một khoảng sân nhỏ bê tông để các em chơi. Tài chính thì không đáng là bao, mỗi thầy cô chỉ góp mỗi người 200.000đ, nhưng gian nan nhất là việc chuyển xi măng - cát - gạch từ đường QL32 lên đến trường. Vậy mà sau không biết bao nhiêu chuyến xe máy với hành trình 8km đường đất ấy và mỗi chuyến chỉ chở được 30kg vật liệu, các em học sinh và nhà trường đã có một khảng sân sạch sẽ.
Hai chiếc bồn này sẽ cấp đủ nước sạch cho nhà trường |
Câu chuyện về con người và nghị lực nơi đây còn nhiều lắm, tôi cũng không đủ khả năng để giãi bày thêm, nếu các bạn muốn tận mắt đến và biết hãy đồng hành cùng chúng tôi nhé.
Từ hôm đó về, tôi suy nghĩ và muốn kêu gọi mọi người, các anh các chị và các bạn. Kêu gọi những tấm lòng hảo tâm từ khắp nơi trên hành tinh này. Chúng ta mỗi người chung một tay để lắp đặt cho Xéo Dì Hồ một hệ thống nước sinh hoạt. Ngoài ra tất cả quần áo - giày dép - đồ dùng học tập còn có thể sử dụng đều có thể chuyển lên giúp đỡ các em thơ trên miền núi đó.
Sơ bộ, chi phí khoảng 20.000.000đ (Hai mươi triệu đồng). Rất mong được sự giúp đỡ và đóng góp về vật chất và tài chính của tất cả mọi người (Về vật chất sẽ quyên góp sau khi chuẩn bị đi lên Xéo Dì Hồ - sẽ thông báo địa điểm quyên góp cụ thể).
Tài khoản tiếp nhận đóng góp về tài chính: Số tài khoản 32265979 - Vpbank Kim Liên - chủ TK Nguyễn thị thanh Nhàn (Sẽ được minh bạch thường xuyên).
Thay mặt các em thơ và thầy cô giáo Xéo Dì Hồ xin trân trọng cảm ơn!
Rau xanh lại tốt tươi khi có nước sạch. |
Những gói hàng tình nghĩa. |
Các em thơ lại ngập tràn niềm hạnh phúc! |
Hẹn gặp lại Xéo Dì Hồ. |
Lần thứ nhất là xe thồ quà năm học mới cho Lao Chải.
Lần thứ hai là khảo sát cơm có thịt cho Lao Chải - Đã thành công dự án cơm thịt với Blog TĐT.
Lần thứ ba xe thồ máy tính của Trưng Vương cho Lao Chải
Làn thứ tư các bạn hãy đồng hành với "Nước sạch cho Xéo Dì Hồ - xã Lao Chải - huyện Mù cang Chải"
Lần thứ hai là khảo sát cơm có thịt cho Lao Chải - Đã thành công dự án cơm thịt với Blog TĐT.
Lần thứ ba xe thồ máy tính của Trưng Vương cho Lao Chải
Làn thứ tư các bạn hãy đồng hành với "Nước sạch cho Xéo Dì Hồ - xã Lao Chải - huyện Mù cang Chải"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét