Liệu chiến tranh Mỹ-Trung có xảy ra?
Sự điều chỉnh chiến lược quốc phòng của Mỹ đã khiến một số người đặt vấn đề xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ không tránh khỏi. Phóng viên BBC thường trú tại Bắc Kinh Damian Grammaticas có bài phân tích. BBC Việt ngữ trân trọng giới thiệu.
Liệu sự trỗi dậy của Trung Quốc có dẫn đến xung đột với Hoa Kỳ? Liệu Bắc Kinh sẽ có chiến tranh với siêu cường toàn cầu không phải bàn cãi ngày nay?Các câu hỏi này không được đưa ra trực tiếp trong bản điều chỉnh chiến lược quốc phòng của Mỹ. Tuy nhiên, dù không nói ra, nó vẫn hiện diện trong đó, vẫn nằm xuyên suốt trong tài liệu được cho là sẽ định hình tư duy quân sự mới của Mỹ trong thế kỷ 21.
Cốt lõi chiến lược
Nếu đọc văn bản này chúng ta sẽ thấy rõ thách thức đến từ một nước Trung Quốc trỗi dậy nằm ngay ở cốt lõi của chiến lược quân sự mới của Mỹ.Văn bản này đã cẩn thận khi viết rằng Trung Quốc sẽ không là kẻ thù nhưng cũng nói rõ rằng Hoa Kỳ sẽ sắp xếp lại lực lượng quân sự để kiềm chế Trung Quốc, và, trong trường hợp cần thiết, để đối đầu với nước này.
"Sự lớn mạnh của sức mạnh quân sự Trung Quốc cần phải được đi kèm với tính minh bạch hơn về những dự định chiến lược của nước này để tránh gây ra va chạm trong khu vực."
Báo cáo điều chỉnh chiến lược quân sự của Mỹ
Chắc chắn cả Lầu Năm Góc và Nhà Trắng đều không sẵn sàng chấp nhận quan điểm rằng về lâu dài Mỹ tất yếu sẽ suy yếu trong khi Trung Quốc chắc chắn sẽ vươn lên tương ứng.
Mỹ muốn mình vẫn là số một, và chiến lược quốc phòng mới này là nhằm để đạt được mục đích đó.
Ngay trong câu đầu tiên trong lời tựa, Tổng thống Obama nói: ‘đất nước chúng ta đang ở thời điểm chuyển giao’ và trong văn bản cũng có câu ‘chúng ta đang đối mặt với một bước ngoặt’.
Bản điều chỉnh nêu ra hai nhân tố định hình quá trình chuyển giao này, một bên trong và một bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ.
Ở trong nước đó là sức ép ngân sách ngày một tăng đồng nghĩa với việc cắt giảm chi phí quân sự. Còn bên ngoài, đó là nhận thức rằng sức mạnh kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc đang thay đổi cán cân quyền lực ở châu Á.
Chiến lược quân sự mới này, Mỹ cho biết, khuyến khích ‘sự trỗi dậy hòa bình của các cường quốc mới.” Điều này có nghĩa là Mỹ chào đón sự vươn lên của Trung Quốc như đã được nói đi nói lại nhiều lần trước đây.
Còn về việc Trung Quốc trỗi dậy có ý nghĩa như thế nào đối với Mỹ, chiến lược mới đề cập thẳng thắn: “Về lâu dài, sự trỗi dậy của Trung Quốc như là một cường quốc khu vực sẽ có khả năng tác động đến kinh tế Mỹ và an ninh của chúng tra bằng nhiều cách khác nhau”.
Xin lưu ý cách mà Trung Quốc được mô tả là một ‘cường quốc khu vực’ đang nổi. Lầu Năm Góc không sẵn sàng gán cho Trung Quốc vị thế cường quốc toàn cầu hay siêu cường, hay thậm chí là một siêu cường mới nổi. Điều này thể hiện thực tế rằng quân đội Trung Quốc còn lâu mới mang tính toàn cầu.
Thiếu lòng tin
“Hai nước chúng ta đều dựa rất nhiều vào hòa bình và ổn định ở Đông Á và có lợi ích trong việc xây dựng mối quan hệ song phương mang tính hợp tác. Tuy nhiên, sự lớn ṃanh của sức mạnh quân sự Trung Quốc cần phải được đi kèm với tính minh bạch hơn về những dự định chiến lược của nước này để tránh gây ra va chạm trong khu vực,” bản điều chỉnh viết.
Nước Mỹ vẫn đang thận trọng bảo vệ ván cờ của mình khu vực. Hồi năm ngoái, chính quyền Obama đã đưa ra trọng tâm trong chính sách đối ngoại của mình và hướng sự quan tâm đến khu vực Thái Bình Dương. Sự thay đổi chiến lược đó được thể hiện rõ ràng trong học thuyết quân sự mới của nước này.
“Vì sự cần thiết, chúng tôi sẽ tái cân bằng lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương,” Hoa Kỳ đã nhiều lần phát biểu như thế.
Giờ đây Hoa Kỳ nói rằng họ sẽ làm việc trên nhiều mặt trận để kiềm chế sức mạnh ngày một tăng của Trung Quốc.
Có sự quan ngại rõ ràng về những nỗ lực của Trung Quốc nhằm phát triển những loại vũ khí sẽ làm cho quân đội Mỹ khó mà hoạt động ở một số nơi ở Đông Á.
Trung Quốc đang đầu tư vào các loại vũ khí ‘chống tiếp cận’ và ‘không cho hoạt động’ chẳng hạn như cái mà họ gọi là tên lửa ‘diệt tàu sân bay’ có thể đánh chìm các tàu sân bay của Mỹ trên biển. Họ cũng đang đổ nhiều tiền của để xây dựng tàu ngầm và các máy bay chiến đấu tàng hình.
Tất cả những thứ này có thể đẩy hạm đội hàng không mẫu hạm của Mỹ ra xa bờ biển Trung Quốc và hạn chế khả năng của Mỹ trong việc kiểm soát các tuyến hàng hải thương mại quan trọng ở Biển Đông hoặc bảo vệ Đài Loan trong trường hợp họ bị Trung Quốc tấn công.
Bản điều chỉnh cho biết ‘các quốc gia như Trung Quốc và Iran sẽ tiếp tục theo đuổi các phương tiện không tương xứng để chống lại năng lực thực thi sức mạnh của chúng ta’.
Tuy nhiên nó cũng hứa hẹn rằng ‘Mỹ phải duy trì năng lực thực thi sức mạnh tại những khu vực mà khả năng tiếp cận và sự tự do hoạt động của chúng ta bị thách thức.”
Củng cố đồng minh
Do đó Hoa Kỳ vẫn muốn ưu thế quân sự của họ đối với Trung Quốc vẫn được giữ nguyên. Điều này dẫn đến leo thang chạy đua vũ trang khi Mỹ có những động thái để vô hiệu hóa những tiến bộ quân sự của Trung Quốc.
Có thể Lầu Năm Góc sẽ làm giống như chiến lược của chính Trung Quốc là đầu tư vào những loại vũ khí tương tự. Họ sẽ tập trung vào phát triển năng lực hải quân và không quân và vào những vũ khí tiên tiến chẳng hạn như các máy bay tàng hình tinh vi hơn nữa, các loại tên lửa và máy bay không người lái bên cạnh chiến tranh mạng và năng lực chiến tranh vũ trụ.
Củng cố hệ thống đồng minh xung quanh Trung Quốc là một cột trụ khác trong chiến lược quốc phòng mới của Mỹ: “Chúng tôi sẽ nhấn mạnh những mối quan hệ đồng minh hiện tại vốn là nền tảng quan trọng cho an ninh của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chúng tôi cũng sẽ mở rộng các mạng lưới hợp tác với các đối tác mới nổi trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương.”
Hoa Kỳ đã có quan hệ quân sự chặt chẽ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines và Úc và đang xây dựng quan hệ với Việt Nam, Indonesia cũng như đang đầu tư vào mối quan hệ đối tác chiến lược dài hạn với Ấn Độ.
Tất cả những điều này cho thấy một thông điệp hết sức mạnh mẽ về việc kiềm chế Trung Quốc. Hoa Kỳ sẽ chống lại bất cứ kẻ nào thách thức sự thống trị của họ. Họ sẽ xây dựng mối quan hệ cốt lõi với các nước láng giềng của Trung Quốc và bảo vệ lợi ích của mình ở Đông Á.
"Trung Quốc phải làm cho Mỹ nhận thấy rằng sự trỗi dậy của chúng ta là không thể ngăn chặn và tốt nhất là Mỹ nên thể hiện tình hữu nghị đối với Trung Quốc."
Hoàn cầu thời báo
Câu trả lời sẽ tùy thuộc vào Trung Quốc sẽ hành xử như thế nào với chiến lược quân sự mới của Mỹ. Liệu nước này có tìm cách khẳng định sức mạnh của mình ở Đông Á? Liệu điều này có gây ra va chạm với các nước xung quanh?
Câu trả lời sớm cho chính sách quân sự mới của Mỹ đến từ tờ Hoàn cầu thời báo, vốn có giọng điệu dân tộc chủ nghĩa.
Tờ báo này nói rằng ‘Trung Quốc cần tăng cường khả năng tấn công ở khoảng cách xa và tìm thêm nhiều phương cách đe dọa lãnh thổ Mỹ để dần dần đẩy lùi chiến tuyến của ‘ván cờ’ chúng ta chơi với Mỹ’.
“Trung Quốc phải làm cho Mỹ nhận thấy rằng sự trỗi dậy của chúng ta là không thể ngăn chặn và tốt nhất là Mỹ nên thể hiện tình hữu nghị đối với Trung Quốc.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét