Kênh đầu tư nào hấp dẫn nhất năm 2012?
Cập nhật lúc :6:50 AM, 01/01/2012
(ĐVO) 2011 được xem là một năm đầy khó khăn của các nhà đầu tư. Hầu hết kênh đầu tư đều có những diễn biến không thuận, thậm chí ảm đảm trong suốt cả năm. Có lẽ vì vậy mà nhiều người chỉ còn biết hy vọng vào năm 2012, nền kinh tế khởi sắc hơn, họ sẽ tìm trúng kênh đầu tư "hốt tiền" hiệu quả hơn.
Giới nhà giàu thích đầu tư tiền vào đâu?BĐS ế ẩm, Indochina Capital vẫn ‘đút túi’ hơn 40 triệu USD
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa quản trị kinh doanh, ĐH Ngân hàng TP HCM, cho rằng, nhận định về kinh tế năm 2012, có thể thấy các biến khó khăn vẫn nhiều hơn thuận lợi. Các vấn đề tăng trưởng, lạm phát, lãi suất, tình hình xuất nhập khẩu… chủ yếu phụ thuộc vào chủ trương, chính sách của Nhà nước, nhưng chủ trương này sẽ đi theo hướng nào hiện vẫn đang bàn luận. Vì thế chưa thể khẳng định được điều gì rõ ràng về bức tranh tổng thể của nền kinh tế Việt Nam năm sau.
Tuy nhiên, theo ông Dương, chứng khoán sẽ là kênh khởi sắc trong năm sau, vì một số lý do. Thứ nhất, chứng khoán đã ảm đạm trong một thời gian dài và hiện xuống mức khá thấp, trong khi sự thăng trầm của thị trường này lại ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế. Khi thị trường lao dốc, các nguồn tiền rút lui khỏi chứng khoán, doanh nghiệp không huy động được vốn vào sản xuất, kinh doanh. Điều này buộc cơ quan chức năng phải có động thái để vực dậy thị trường. Thực tế Quốc hội kỳ vừa qua cũng đã tuyên bố sẽ sớm có biện pháp cứu thị trường này.
Chứng khoán có nhiều cơ sở để khởi sắc trong năm sau. Ảnh: Đông Nhiên. |
Thứ hai, chủ trương tái cấu trúc các doanh nghiệp Nhà nước sắp tới sẽ giúp nền kinh tế bật dậy. Khi kinh tế đi lên thì tất nhiên chứng khoán cũng khởi sắc theo. Về kênh đầu tư bất động sản, có thể nói quý 4/2011 là giai đoạn khắc nghiệt nhất đối với giới đầu cơ và đầu tư địa ốc. Những gì chưa được bộc lộ vào thời điểm giữa năm 2011 thì đến tháng 11 năm nay đã hiện ra, bắt đầu có những doanh nghiệp bất động sản phải dừng cuộc chơi, tuyên bố phá sản. Nguyên nhân là họ không còn đủ sức cầm cự với khối nợ vay khổng lồ cùng lãi suất treo cao của ngân hàng.
Theo thống kê, hiện các doanh nghiệp bất động sản đang có khối nợ khổng lồ 245,000 tỷ đồng (chưa tính đến trái phiếu doanh nghiệp). Số tiền này chủ yếu chôn vào những dự án căn hộ trung - cao cấp và một số dự án đất nền, "biến các ngân hàng và nền kinh tế thành con tin của thị trường BĐS".
Vì vậy, theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính, điều Chính phủ lo nhất hiện nay là nợ xấu cho vay bất động sản. Rủi ro từ khu vực bất động sản với ngân hàng là rất lớn nên sự phục hồi của thị trường bất động sản không chỉ là cúu cánh cho ngân hàng mà còn cho các lĩnh vực kinh tế khác.
Kỳ họp Quốc hội vừa qua cũng thông qua việc giải cứu thị trường bất động sản thời gian tới. Do vậy, nhiều nhà đầu tư hy vọng rằng năm 2012, thị trường địa ốc sẽ ấm lên, cơ hội để họ rót vốn vào.
Gửi tiết kiệm ngân hàng là một trong những kênh trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư trong năm nay, nhất là thời điểm cuối năm. Chuyên gia kin tế Võ Trí Thành dự đoán, thời điểm vài tháng đầu năm 2012, khi thị trường chưa có kênh đầu tư nào khởi sắc rõ rệt, tiết kiệm ngân hàng vẫn là kênh thu hút vốn nhất.
Hiện các ngân hàng đang ưu tiên cho việc gửi tiết kiệm ngắn hạn với mức lãi suất kịch trần là 14%, thậm chí mức lãi suất không kỳ hạn cũng xấp xỉ hoặc bằng 14%… Mức lãi suất trên được cho là khá ưu đãi đối với nhà đầu tư nhỏ, nguồn vốn tập trung không nhiều, tiết kiệm trong thời gian ngắn, vừa sinh lãi lại đảm bảo an toàn.
Cafe có tỷ lệ nguyên liệu nội địa 100% nhưng doanh thu hằng năm vẫn ở mức thấp, nên đây là một ngành hấp dẫn để đầu tư. Ảnh minh họa. |
Các thống kê cũng cho thấy, dòng tiền nhàn rỗi đã trở lại với kênh đầu tư an toàn bậc nhất này. Bên cạnh đó, để thu hút nguồn vốn nhàn rỗi thời điểm cuối năm, các ngân hàng cũng mở ra nhiều chương trình khuyến mãi, tặng quà hấp dẫn cho khách hàng, các dịch vụ chăm sóc khách hàng ngày càng được nâng cao hơn...
Tuy nhiên, với các nhà đầu tư luôn muốn sinh lợi lớn thì gửi tiết kiệm ngân hàng dù an toàn nhưng cũng chỉ là nơi trú chân tạm thời. Những lĩnh vực đầu tư nóng khác như bất động sản, vàng, chứng khoán dù hy vọng khởi sắc song họ vẫn chưa hết tâm lý e ngại, lo sợ. Trong tình cảnh này, nhiều người đã nghĩ đến việc chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực giao dịch hàng hóa.
Theo Ủy ban chứng khoán Nhà nước, hàng hóa được xem như kênh giao dịch thứ hai sau chứng khoán, khối lượng hợp đồng giao dịch trên kênh đầu tư này tăng mạnh từ năm 2009 và tăng cao hơn kênh chứng khoán trong năm 2010. Tại Việt Nam, Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (VNX) là sở giao dịch hàng hóa đầu tiên chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2011. Hiện chỉ có 3 nhóm sản phẩm chính gồm cà phê, cao su, thép và một số sản phẩm theo tiêu chuẩn của các sàn quốc tế khác đang giao dịch tại VNX.
Chuyên gia tài chính cao cấp Bùi Kiến Thành, người Việt Nam đầu tiên được đào tọa tài chính - ngân hàng tại nước ngoài, cho rằng, giao dịch hàng hóa là đầu tư giá trị hàng hóa, về lâu dài sẽ là một kênh hấp dẫn. “Năm 2012, tôi nghĩ nếu đầu tư vào 2 mặt hàng café và chè sẽ thu được lợi lớn”, ông Thành nói. Theo phân tích của ông Thành, hiện nay ngành café Việt Nam đứng hàng thứ 2 trên thế giới, sau Brazil với sản lượng trên 1 triệu tấn, doanh thu trên 2 tỷ USD/năm. Tuy nhiên chất lượng còn kém và giá bán còn thấp so với thị trường thế giới. Đây là một ngành đầy tiềm năng phát triển, nâng cao chất lượng, và tiếp cận thị trường hiệu quả hơn.
Còn với mặt hàng chè, hiện nay ngành chè Việt Nam, với sản lượng khoảng 1 triệu tấn/năm, đứng hàng thứ 5 thế giới và có khả năng bật lên mạnh, bằng quản lý tốt nguồn nguyên liệu, tạo sản phẩm chất lượng cao và thương hiệu mạnh. Thay vì xuất khẩu ở mức dưới 5 USD/kg, giá xuất khẩu có thể tăng lên đến trên 10 USD/kg, thậm chí 50 – 100 USD/kg cho các loại chè cao cấp. Khi đó doanh thu toàn ngành có thể đạt mức 5 tỷ USD và vươn lên cao hơn nữa thay vì dưới 2 tỷ USD như hiện nay.
Một điều quan trọng nữa là các hàng hóa này có tỷ lệ nội địa 100%, nhưng doanh thu lại khá thấp so với nhiều ngành gia công (doanh thu 5 – 10 tỷ USD mỗi năm), nhưng các ngành gia công này tỷ lệ nội đia rất thấp, chủ yếu là tạm nhập tái xuất, không đem lại lơi thể cho nền kinh tế phát triển bền vững.
Theo ông Thành, ngoài đầu tư vào hàng hóa, một số dịch vụ khác cũng đem lại lợi nhuận cao trong năm sau, như ngân hàng, quản lý tài sản.
Đối với Việt Nam, năm 2012 sẽ là năm tái cấu trúc nền kinh tế, và chuẩn bị cho phát triển ổn định bền vững trong những năm tiếp theo. Do vậy, một trong những kênh đầu tư hấp dẫn nhất vẫn là ngân hàng. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, dịch vụ ngân hàng cũng luôn cần thiết cho sự phát triển kinh tế. Hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam còn đang trong thời kỳ phát triển, cho nên lĩnh vực này chứa đầy tiềm năng. Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam (ngoài quốc doanh) lớn nhất hiện nay có tổng tài sản khoảng 10 tỷ USD, trong khi tổng tài sản một ngân hàng tầm cỡ lớn trong khu vực là trên 100 tỷ USD và ngân hàng hàng đầu thế giới là trên 1000 tỷ USD. So về toàn ngành, tổng tài sản của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam chỉ có 171 tỷ USD, so với Singapore là 1.916 tỷ USD. Vì vậy tiềm năng phát triển và sinh lợi của ngành ngân hàng Việt Nam trong những năm tới vẫn rất lớn.
Bên cạnh việc đầu tư vào ngành ngân hàng, lĩnh vực quản lý tài sản cũng là kênh hấp dẫn để rót vốn vào. Năm 2012 sẽ có rất nhiều cơ hội thu gom các công ty tốt, chưa niêm yết, thiếu nguồn tài chính để phát triển. Thị trường chứng khoán trì trệ cũng tạo cơ hội mua và sáp nhập một số công ty có sản phảm tốt, thị phần tốt, lực lượng điêu hành tốt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét