Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2019

Phân biệt: Tri thức, Trí tuệ và Trí huệ

Tri thức, Trí tuệ và Trí huệ
Trí tuệ là cái làm nên Con Người. Đó là hiện tại của Con Người. Thông qua Trí tuệ Con Người thực hiện chức năng sống. Và tất cả các hoạt động khoa học, tất cả các hoạt động kinh doanh, tất cả các hoạt động chính trị, hệ thống tôn giáo và các hoạt động tâm lý,... của Con Người đều dựa vào nền tảng chung đấy là Trí tuệ. Trí tuệ là cái làm nên con người.
1. Chỉ có Con Người mới có Tri thức, Trí tuệ và Trí huệ, tất cả các loài động vật khác đều không có. Tri thức, Trí tuệ và Trí huệ là ba cấp độ khác nhau của Con Người. Tri thức tích luỹ được từ trường lớp, từ sách vở,... Trí tuệ hấp thụ được từ cuộc sống, từ thất bại, từ thành công,... Trí huệ là cái ở bên trong của con người, được tích luỹ, được hấp thụ và được giác ngộ qua nhiều kiếp sống.

Trên mạng Internet, trong sách và báo, tại các hội nghị khoa học và giảng đường,... Tri thức được bàn rất rộng rãi. Trí thức hay kiến thức có khái niệm mở, mang nhiều ý nghĩa, tuỳ theo từng văn cảnh; Luôn liên quan đến những khái niệm khác như: hiểu biết, thông tin, ý nghĩa, lập luận, phân tích, giảng dạy, giao tiếp, diễn tả, học tập, và kích thích trí óc... Môn học về tri thức được gọi Nhận thức luận. Trong Nhận thức luận, khái niệm phổ biến của tri thức là bao gồm ba tiêu chí khả tín, xác thực, và chứng minh được.

Về hình thức, Tri thức là: các thông tin, các tài liệu, các cơ sở lý luận, các kỹ năng khác nhau, đạt được bởi một tổ chức hay một cá nhân thông qua các trải nghiệm thực tế hay thông qua sự giáo dục đào tạo; các hiểu biết về lý thuyết hay thực tế về một đối tượng, một vấn đề, có thể lý giải được về nó; là những gì đã biết, đã được hiểu biết trong một lĩnh vực cụ thể hay toàn bộ, trong tổng thể; các cơ sở, các thông tin, các tài liệu, các hiểu biết hoặc những thứ tương tự có được bằng kinh nghiệm thực tế hoặc do những tình huống, hoàn cảnh cụ thể. Tri thức giành được thông qua các quá trình nhận thức phức tạp: quá trình tri giác, quá trình học tập, tiếp thu, quá trình giao tiếp, quá trình tranh luận, quá trình lý luận, hay kết hợp các quá trình này.

Tuy nhiên không có một định nghĩa chính xác nào về tri thức hiện nay được mọi người chấp nhận, có thể bao quát được toàn bộ, vẫn còn nhiều học thuyết, các lý luận khác nhau về tri thức.

Con người có được Tri thức chuẩn mực chỉ cần có thời gian và điều kiện học là có thể tích luỹ được, học 12 năm thì tốt nghiệp phổ thông, thêm 4 năm nữa thì có bằng đại học, thêm 2 năm nữa có bằng Thạc sỹ, thêm 2 năm nữa có học vị Tiến sĩ,...

2. Trí tuệ là khái niêm độc lập với Tri thức. Trong tác phẩm "10 Bí quyết thành công của người Do Thái", tác giả Lý Hạo, nhà nghiên cứu người Trung Hoa, có một phần rất hay bàn về Trí tuệ và Tiền bạc. Tóm lược là, Người Do Thái có một chuyện vui cười nói về mối quan hệ giữa trí tuệ với của cải. Có hai học giả nói chuyện với nhau. "Trí tuệ và tiền bạc cái nào quan trọng hơn?" Người kia trả lời: "Tất nhiên là trí tuệ quan trọng hơn!". "Vậy tại sao người có trí tuệ lại phải làm việc cho người giàu có nhiều tiền bạc. Người giàu lại không phải phục vụ người có trí tuệ. Ai cũng đều thấy các học giả triết gia phải chiều lòng theo ý muốn các triệu phú, còn các triệu phú lại có thái độ trịnh thượng đối với người có trí tuệ". "Người có trí tuệ biết được giá trị của tiền bạc, còn triệu phú liệu có luôn hiểu rõ giá trị của trí tuệ?" Không thể cho rằng lời nói của học giả thiếu đạo lý bởi con người ta có biết được giá trị của đồng tiền mới đi làm việc cho nhà giàu. Chỉ những ai không biết giá trị của trí tuệ mới lên mặt đối với bậc trí giả. Trí Tuệ và Tiền Bạc luôn là một nghịch lý. Người có trí tuệ đã biết được giá trị của tiền bạc, vậy tại sao không dùng trí tuệ để kiếm tiền bạc? Biết được giá trị của đồng tiền nhưng vẫn phải dựa vào sự phục vụ các triệu phú để kiếm sống. Trí tuệ như vậy có gì và còn đáng được coi trọng không?

Tuy trí tuệ của các học giả triết gia được gọi là “Trí Tuệ” nhưng không phải là trí tuệ thực sự vì nó không có quan hệ gì với cuộc sống, với đồng tiền. Đó chỉ đơn giản là Tri thức, thứ được tích luỹ từ sách vở, tích luỹ từ trường lớp. Nó chưa được hấp thụ vào trong Trí óc, chưa được hấp thụ vào trong Trái tim, chưa thể chảy trong từng mạch máu, thấm đậm trong từng tế bào,... để có thể hình thành nên một Bản lĩnh. Đó chưa phải là Trí tuệ. Nó phải khuất phục trước sự kiêu hãnh của đồng tiền sao có thể quan trọng hơn tiền bạc. Trái lại các triệu phú không có tri thức như học giả, nhưng lại biết chi phối đồng tiền thu nhận được giá trị của nó. Họ có Trí tuệ dựa vào đồng tiền để sai khiến Tri thức, các Triệu phú - Học giả đó mới có Trí tuệ thức sự.

Không phải ai có Tri thức cũng có Trí tuệ, người có Trí tuệ là người biết dùng Tri thức mình có chuyển hoá nó để phục vụ bản thân và cộng đồng. Nếu người có Tri thức uyên bác mà không biết dùng tri thức đó để phục vụ bản thân và cộng đồng thì đó chỉ là loài Vô minh.

Trí tuệ là cái làm nên Con Người. Đó là hiện tại của Con Người. Thông qua Trí tuệ Con Người thực hiện chức năng sống. Và tất cả các hoạt động khoa học, tất cả các hoạt động kinh doanh, tất cả các hoạt động chính trị, hệ thống tôn giáo và các hoạt động tâm lý,... của Con Người đều dựa vào nền tảng chung đấy là Trí tuệ. Trí tuệ là cái làm nên con người.

Năm 1983, giáo sư Howard Gardner, giáo sư về giáo dục tại Đại học Harvard, Trong cuốn sách có tên Các mô hình của Tư duy: Học thuyết Đa trí tuệ, ông đã đưa ra nhiều nghiên cứu để củng cố lý thuyết của mình rằng trí tuệ của con người đa diện chứ không phải đơn diện. Giáo sư Howard Gardner đã chuyển trọng tâm từ câu hỏi “Bạn thông minh bao nhiêu?” thành “Bạn thông minh như thế nào?” Sự dịch chuyển tinh tế nhưng hết sức quan trọng này thực sự đã mạnh mẽ phủ định quan điểm cũ, cho rằng tiềm năng trí tuệ của một người hoàn toàn có thể được đánh giá đầy đủ thông qua chỉ số I.Q.

Giáo sư Gardner đề xuất 8 hình thái khác nhau để miêu tả phạm vi rộng lớn các tiềm năng Trí tuệ của con người. Những hình thái Trí tuệ này bao gồm: (1)Trí tuệ ngôn ngữ; (2) Trí tuệ logic, toán học; (3) Trí tuệ không gian; (4) Trí tuệ vận động thân thể; (5) Trí tuệ âm nhạc; (6) Trí tuệ về tự nhiên; (7) Trí tuệ giao tiếp và (8) Trí tuệ nội tâm. Sự phân tích đa diện của Trí tuệ là một khám phá thú vị, nhưng chưa phải là tất cả. Một phương diện rất lớn khác là Trí tuệ tâm linh, chưa được đề cập tới. Khoa học về trí tuệ không chỉ thuộc về Triết học Duy vật, nó thuộc về Cuộc sống. Triết học Duy tâm đã có những hiểu biết khá sâu sắc về Trí tuệ. Phật giáo đã biết về Trí tuệ từ hai ngàn năm trăm năm trước.

3. Trí tuệ có ba thuộc tính, đó là tính Vận động, tính Sáng tạo và tính Chủ quan. Đây mới là điều quan trọng.

Thật là ngây thơ, khi lấy chỉ số I.Q. để đánh giá tiềm năng Trí tuệ của một con người. Bản lĩnh Trí tuệ được hấp thụ từ Tri thức của Khoa học, của Tự nhiên, của Nghệ thuật, của Cuộc sống. Qua kinh nghiệm của cuộc sống, từ niềm hân hoan của thành công, từ mùi vị cay đắng của thất bại, mà bản lĩnh Trí tuệ được hình thành, được bồi đắp, được hun đúc. Người già nhiều Trí tuệ, ngườ trẻ ít Trí tuệ. Người từng trải giàu Trí tuệ, người ít lăn lộn trong cuộc sống nghèo Trí tuệ. Trí tuệ phát triển theo thời gian, phát triển theo những trải nghiệm của cuộc sống, trong một đời người.

Tri thức cũng có thuộc tính Vận động, thuộc tính thứ hai của nó là tính Logic, nó không có thuộc tính Sáng tạo. Sáng tạo là thuộc tính thứ hai của Trí tuệ. Stephen Hewking, nhà vật lý hàng đầu hiện nay, trong tác phẩm "Lược sử Thời gian", đã lược sử toàn bộ quá trình phát triển của ngành Vật lý; và ông cũng chỉ rõ, chỉ có tính Sáng tạo của Trí tuệ, Tri thức của Vật lý, Tri thức Khoa học, Tri thức của Thế giới mới phát triển được. Tồn tại trong hệ quy chiếu của Aristotle, mọi vật đều cố định và trái đất thì đứng yên; Trí tuệ sáng tạo của Galileo, không chấp nhận điều đó. Trên tháp nghiêng Pisa nổi tiếng, Galileo đã chứng minh được các vật có khối lượng khác nhau đều rơi với cùng một vận tốc. Và sau đó Newton có một bước nhảy về những định luật chuyển động và định luật về lực hấp dẫn, mở ra một kỷ nguyên mới về phát triển vật lý. Cơ học Newton ra đời, đặt dấu chấm hết cho ý niệm về vị trí tuyệt đối trong không gian. Nhiều thế kỷ sau, lại một bước nhảy nữa, đứng trong hệ quy chiếu của Newton, hệ quy chiếu 3 chiều, Trí tuệ sáng tạo của Albert Einstein không chịu dừng lại. Ông xây dựng nên lý thuyết tương đối. Vũ trụ có thể được mô phỏng bằng việc chia ra nhiều mảng, mỗi mảng được gắn cho nó một toạ độ 3 chiều. Vũ trụ không có thời gian tuyệt đối, thay vào đó mỗi một cá thể có một độ đo thời gian khác nhau, tuỳ thuộc vào vị trí và tốc độ chuyển động của nó. Và lý thuyết tương đối đã vứt bỏ khái niệm thời gian tuyệt đối. Một kỷ nguyên mới về vật lý vũ trụ lại được mở ra. Tính Sáng tạo của Trí tuệ tạo ra bước nhảy cho Tri thức.

Thuộc tính thứ ba của Tri thức là tính Khách quan, Trí tuệ không có thuộc tính Khách quan. Trí thức được tích luỹ, rồi được hấp thụ, rồi mới chuyển hoá để được thành Trí tuệ. Trí thức là cái bên ngoài. Trí tuệ là cái bên trong của mỗi Cá thể Con Người. Trí tuệ sống dựa vào những định kiến, nó luôn không công bằng. Thuộc tính thứ ba của Trí tuệ là tính Chủ quan. Chủ quan theo tưng cá thể con người, chủ quan theo từng giai đoạn của cuộc sống, chủ quan theo từng xã hội và môi trường tồn tại,...

4. Mới đấy trên mạng internet có một câu chuyển rất cảm động. Ở Nhật bản, sau sự kiện động đất và sóng thần có hàng triệu người có cuộc sống khó khăn, có hàng trăm ngàn người bị đói và phải sống bằng đồ cứu trợ. 

Một người Nhật bản gốc Việt nhìn thấy một em bé Nhật bản khoảng 9 tuổi, đứng trong hàng dài người xếp hàng nhận đồ cứu trợ. Người này, động lòng trắc ẩn, tặng em bé một cái bánh, mong rằng sẽ giúp em đỡ được cơn đói. Nhưng em bé, đã từ từ bước lên phía đầu hàng, bỏ cái bánh vào trong hộp của những người đang phát chẩn, và nói rằng: "Để cho công bằng". Rồi mệt mỏi, em bé trở về vị trí đang xếp hàng. 9 tuổi. Em bé còn rất nhỏ, chưa có nhiều Tri thức và càng chưa có nhiều Trí tuệ. Nhưng tại sao em bé lại có một hành vi chứa đựng một hàm lượng Văn hoá quá cao như vậy? Đó chính là Trí huệ.

Tương truyền, Bậc Thánh nhơn Đức Khổng Tử khi tuổi 50 là đã rõ thông chân lý, cái lý sanh Trời Đất và sanh muôn vật. Cái lý ấy là nguồn gốc và là đạo lý của Trời Đất, của muôn vật. Đến tuổi 60 khi ứng sử trong thiên hạ, hễ điều gì lọt vào tai thì tức khắc phán đoán được ngay, không cần nghĩ ngợi mà hành sự vẫn hoà hợp. Đến tuổi 70 thì toan nói điều gì, làm điều gì, tùy theo lòng muốn sao thời được vậy, nhưng không bao giờ vượt ngoài khuôn khổ đạo lý, thung dung mà trúng tiết. Đó chính là bậc Thánh nhân có Trí huệ Mẫn tiệp.

Trong Thế kỉ 20 của chúng ta, đã chứng kiến những tiến bộ vượt bậc của khoa học và công nghệ. Những tiến bộ này đã làm nền tảng thúc đẩy sự phát triển của nhân loại trên bình diện vật chất: toàn thế giới đi vào nền kinh tế thông tin và tri thức, xã hội chuyển biến thành xã hội tri thức. Nhưng cũng thế kỉ này còn chứng kiến những phát triển vượt bực nữa của tâm thức con người: việc xuất hiện nhiều bậc thầy tâm linh như Gurdjieff, Ramakrishna, J. Krishnamurti, và đặc biệt là Osho… với những chỉ dẫn phong phú về sự phát triển của con người mới và nhân loại mới. Nhưng điều mà Osho đã giảng giải trong suốt cuộc đời mình, thực sự cũng chính là những điều mà Phật, Mahavira, Lão Tử, Trang Tử, Jesus… những người chứng ngộ trong quá khứ đã nói.

Con người hiện đại, tuy có tầm mức trí tuệ và suy diễn cao hơn ngày xưa, nhưng hầu hết tập trung vào những vấn đề cuộc sống vật chất bên ngoài và ít khi chú ý tìm hiểu tâm thức bên trong của mình. Osho là người nêu ra vấn đề phát triển tâm thức của từng người ngay trong thực tế sống động của đời thường hàng ngày. Tâm linh theo Osho không phải là hệ thống đẳng cấp các lực lượng tinh thần chi phối thế giới vật chất. Trái lại, theo Osho, tâm linh đích thực chính là sự phát triển tâm thức của mỗi người, để sống một cách hoàn toàn tỉnh táo, có ý thức trong mọi suy nghĩ, hành động, tư tưởng, tình cảm của mình và tham gia vào các hoạt động sáng tạo trong thế giới vật chất. Ông là một Bậc thày có Trí huệ Chứng ngộ, ở thì hiện đại.

Cách đây hai ngàn năm trăm năm, rời bỏ Vương triều, rời bỏ Cung vàng điện ngọc, rời bỏ cuộc sống phu thê vinh hoa giàu sang, Đức Phật làm một samon vô gia cư để tìm đường giải thoát bản thân và nhân loại. Ngài đã đi rất nhiều nơi, tiếp xúc với rất nhiều học giả, theo nhiều tông phái. Với gần một năm theo học đạo sĩ Alara Kalama, lãnh đạo phái Samkhya (Số luận) ở thành Vesali; với Uddaka Ramaputta, lãnh đạo phái Yoga, tại kinh đô Rajagaha; Samon Gotama đã thấu triệt những gì mà hai đạo sĩ đạt được, nhưng Ngài không thỏa mãn. Ngài cho rằng chúng chưa là giác ngộ tối thượng. Ngài từ bỏ hai đạo sĩ và đến cùng tu với năm người tu khổ hạnh là Kondanna, Bhaddya, Vappa, Mahanama và Assaji . Cuộc tìm kiếm chân lý trên đường tu khổ hạnh kéo dài 6 năm, kết quả chẳng có gì ngoài những cảm giác đau đớn, kiệt sức...

Một lần nữa, Ngài chối bỏ tất cả những gì mà đã đi tìm và Tự mình thắp đuốc lên để đi. Sau 49 ngày đêm tư duy thiền định dưới cội cây Assatha , vào một đêm sau khi sao Mai vừa xuất hiện, trí giác siêu việt bừng sáng nội tâm, Samon Gotama chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Ngài được cung kính với 10 tôn hiệu: Như-Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Ngài là bậc Chứng ngộ Tối thượng.

5. Tri thức rất khách quan, con người tích luỹ kiến thức là một quá trình khách quan.
Con người tiếp thu Tri thức của Khoa học, của Tự nhiên, của Nghệ thuật, của Cuộc sống; Qua kinh nghiệm của cuộc sống, từ niềm hân hoan của thành công, từ mùi vị đắng cay của thất bại, mà bản lĩnh Trí tuệ được hình thành, được bồi đắp, được hun đúc. Trí tuệ có tính Chủ quan. 

Trong Tâm thức con người, cùng với Trí tuệ luôn có Tâm trí. Đó là những cảm xúc, những suy luận, những định kiến, những phán xét, những liên hệ,... Tâm trí lôi kéo Trí tuệ. Tâm trí là lăng kính của Trí tuệ. Qua 5 giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi và thân) chúng ta luôn nhận biết được 5 đặc tính của sự vật (sắc, thanh, hương, vị và xúc). Chúng ta thấy một Bông hoa mọc ven đường; cảm nhận được hương thơm nhè nhẹ, bồi hồi bởi sắc tím nhàn nhạt,... 

Hãy cảnh giác với Tâm trí, tâm trí đã hiện về rất nhanh, và rất nhanh. Nếu ta vui, tâm trí sẽ mách bảo ta sẽ mua một cây hoa này để trồng, ta sẽ hái những đoá hoa này tặng bạn, ta sẽ trồng bên hồ nước sau nhà,... Nếu ta buồn, tâm trí sẽ hiện về, rằng bông hoa này đẹp nhưng mình không thích nó gợi đến kỷ niệm buồn, hoa này đẹp nhưng bán khá đắt tiền, hoa này đẹp nhưng hương vị nhạt nhoà, hoa này nhà bên cạnh cũng có ta sẽ trồng bụi hồng rực rỡ cho nó đẹp hơn,... Nếu bạn là người hiểu biết, có thể tâm trí sẽ hiện về: đấy là cây thuộc họ gì, chỉ mọc ở vùng nào, chỉ ra hoa vào thời gian nào,... 

Tâm trí hiện lên đủ chuyện: phải hay trái, đúng hay sai, đẹp hay xấu,... để rồi khởi lên mọi thứ tâm thiện hoặc ác. Tâm trí không những khởi lên những vấn đề của hiện tại, mà còn nhớ lại các cảnh thuộc quá khứ, mơ ước các cảnh trong tương lai cũng mãnh mẽ không kém. Tâm trí luôn liên hệ với vô minh, với ngã chấp, luôn cho sự vật những ý nghĩa theo ngã, ngã sở, theo các tâm tham, sân, si, đầy phiền não, mà lãng quyên đi thật tướng của sự vật. Làm che mờ đi Tâm thức đối với thật tướng của sự vật, chỉ là một vật với màu sắc, hình tướng, do nhân duyên mà có đó, đó chỉ là một bông hoa.

Thật tướng của sự vật hay Sự thật, không là khái niệm sự thật, không phải là ý tưởng của sự thật mà là sự thật, những từ tuyệt đối trần trụi, sự trống rỗng tuyệt đối của tất cả sự suy đoán; sự thật thô ráp, chưa bị ô uế bởi tâm trí của loài người, không khái niệm hoá.

Từ 2500 năm trước, Giáo lý của Đạo Phật đã khái quát sự nhận thức của con người qua quan niệm về lục thức. Lục thức lấy lục căn và lục trần làm cơ sở. Lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) là sáu hình thái tiếp cận sự thật và lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp) là sáu đối tượng của sự thật. Từ lục căn và lục trần mà sinh ra lục dục. Lục dục là: (1) ham muốn nhìn sắc đẹp, nhìn những cảnh gợi dục; (2) ham muốn nghe âm thanh êm tai, những lời ca ngợi; (3) ham muốn ngửi mùi hương dễ chịu và quyến rũ; (4) ham muốn những món ăn ngon, bổ; (5) ham muốn xác thân thoả mãn dục, được sung sướng thụ hưởng; và (6) ham muốn ý nghĩ được thực hiện, tư tưởng của mình được triển khai và tung hô. Lục dục là gốc của cái làm sai lệch đi thật tướng của sự thật. Nó chính là lăng kính của Trí tuệ, nó là sợi dây lôi kéo Tâm trí với vô minh, với ngã chấp, luôn cho sự vật những ý nghĩa theo ngã, ngã sở, theo các tâm tham, sân, si, đầy phiền não, mà lãng quyên đi thật tướng của sự vật.

Sự tu tập là tiến tới chế ngự cái phần Tâm trí liên hệ với ngã chấp và tham, sân, si; chứ không phải là tiêu diệt toàn thể Tâm thức. Chế ngự phần Tâm trí để Trí tuệ triệt tiêu tính Chủ quan, đi sát với Sự thật, được tự do, được trung thực, phân biệt trực tiếp sự vật. Nhận biết sự thật của sự vật, mà không bị cái phần Tâm trí phiền não kia ào ạt xen vào đem các ý nghĩa phiền não gán cho sự vật và che mờ đi mật nghĩa chân thật và trong sáng của nó. Các phương pháp để chế ngự như thế được gọi là Thiền định. Trí tuệ phát triển, Tâm trí được chế ngự, Tâm thức được độc tôn hiện hành và làm Sự thật của sự vật hiển hiện ra như nó vốn có, trạng thái ấy gọi là Trí huệ.

Trí huệ là sự phát triển cao cấp của Trí tuệ đi kèm với sự chế ngự của Tâm trí và gia tăng Định tâm. Trí huệ là cái ở bên trong của con người, được tích luỹ, được hấp thụ và được giác ngộ qua nhiều kiếp sống. Trí huệ là một trạng thái của Tâm thức.

Trí huệ còn liên quan tiềm thức. Điều đó giải thích cho hành vi có hàm lượng Tri tuệ rất cao của em bé 9 tuổi người Nhật bản trong câu chuyện trên.


Và còn nhiều câu chuyện khác đã nói lên về tiềm thức. Có rất nhiều nhà khoa học có được khả năng giải quyết khá nhiều vấn đề toán học, mà không cần trải qua một quá trình tính toán, phân tích và lập luận nào cả. Người khác chỉ cần nêu vấn đề, thậm trí trước khi nói thành lời, lời giải cho vấn đề đã tới. Cho dù máy tính điện tử thì cũng phải cần tới vài ba phút, những người này thậm trí không cần đến một giây.

Câu truyện thứ hai là nữ bác học Marie Curie, bà đã phải bỏ ra ba năm ròng để giải quyết một vấn đề, và đã cố gắng tiếp cận theo nhiều hướng khác nhau. Nhưng mọi hướng tiếp cận đều thất bại. Một đêm nọ, bà đã thiếp đi vì kiệt sức, nhưng thật tuyệt vời là chính trong giấc ngủ đó bà đã tìm ra đáp án. Câu chuyện thứ ba về nhà khoa học đã đoạt giải thưởng Nobel trong việc tìm ra cấu trúc gen của con người. Trong một giấc mơ, ông đã nhìn thấy rõ cấu trúc gen của con người. Sáng hôm sau khi tỉnh dậy, ông chỉ còn phải làm một việc duy nhất là tái hiện lại hình ảnh mà minh đã nhìn thấy hôm qua...

Phát triển Tâm thức hay tu tập Trí huệ, là nâng cao Trí tuệ, gia tăng Định Tâm, khai mở Tiềm thức. Nâng cao Trí tuệ để tu tập Trí huệ là con đường của tư duy logic. Dù thuộc tính của Trí tuệ là tính Sáng tạo, nhưng không thể tạo ra bước nhảy từ Trí tuệ để tới Chân lý, vì con đường đó quá dài, dài qua nhiều nhiều kiếp sống. Tri thức của thời đại còn có khoảng cách rất xa với với Chân lý. Nhưng gia tăng Định Tâm, cho Từ bi tuôn chảy, cho Hỷ xả tràn đầy, bước nhảy tới Chân lý sẽ bất ngờ xuất hiện.

Osho nói: "Những gì Phật biết đã không xuất hiện bởi bất kỳ quá trình logic nào; Ngài đã tới nơi bằng việc bỏ rơi hoàn toàn Tâm trí".

Xin bày tỏ lòng biết ơn tới tất cả những Tác giả và Dịch giả của các bài viết, bài nói mà chúng tôi đã sử dụng để làm tư liệu và cảm xúc để viết bài này; xin chân thành hồi hướng công đức nhỏ bé của mình tới Quý vi. Nam mô Bổn sư Thích Ca Màu Ni Phật. Nam mô Chứng minh sư Bồ Tát Ma ha tát.

http://www.daophatngaynay.com/vn/cuoc-song/8802-Tri-thuc-Tri-tue-va-Tri-hue.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét