Thứ Năm, 25 tháng 4, 2019

Chăm sóc y tế toàn dân đã hết khi tư nhân hóa y tế?

Chăm sóc y tế toàn dân còn không khi Việt Nam tư nhân hóa y tế?
Việt Nam đang tiến tới tư nhân hóa một số phần trong hệ thống y tế, đặt ra câu hỏi về nghĩa vụ của nhà nước đảm bảo chăm sóc y tế toàn dân như một quyền cơ bản, và về ngân sách để thực hiện việc này. Một trường y công lập tại Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng này loan báo đang tìm kiếm một nhà đầu tư tư nhân để giúp họ xây dựng một trung tâm đào tạo và ngoại trú mới trong khuôn viên trường. Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết ý tưởng này nhằm giúp họ xử lý các hoạt động lâm sàng và đào tạo, trong khi một công ty tư nhân sẽ lo việc thi công.

Bệnh nhân nằm trong một bệnh viện 
ở Hà Nội, ngày 9 tháng 10, 2018.
Tìm nguồn tài trợ tư nhân
“Hiện nay, nhu cầu chăm sóc y tế của Thành phố Hồ Chí Minh là rất lớn do quá trình đô thị hóa nhanh chóng và gia tăng dân số,” Bác sĩ Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Đại học Y Phạm Ngọc Thạch nói. “Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng về y tế tại thành phố như hiện nay không thể đáp ứng được nhu cầu này hiệu quả và kịp thời nếu chỉ dựa vào nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.”

Sự chuyển hướng sang tư nhân hóa một phần các dịch vụ y tế này là một xu hướng đang diễn ra khi mà đất nước 100 triệu dân này đang xích lại gần chủ nghĩa tư bản hơn. Ngày càng có nhiều bệnh viện quốc tế xuất hiện và mở rộng, như Bệnh viện Hạnh Phúc và Bệnh viện Việt Đức, trong khi chính phủ ngày càng mở cửa ngành y tế cho các bên tư nhân, như thông qua một thỏa thuận thương mại với Liên hiệp Châu Âu cho phép đầu tư nước ngoài cao hơn.

Thành tích về chăm sóc y tế toàn dân


Kể từ khi thành lập một quốc gia cộng sản vào cuối Chiến tranh Việt Nam năm 1975, Việt Nam đã cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế toàn dân, với hầu hết người dân tiếp cận bảo hiểm bao cấp nhưng cũng trả tiền túi cho một số chi phí. Vì dư luận nhìn chung ủng hộ ý tưởng tất cả mọi người đều có quyền được chăm sóc y tế, các bác sĩ coi vai trò của họ là phụng sự công chúng, thường xuyên luân chuyển công tác từ cơ sở địa phương của họ tới các bệnh viện ở vùng nông thôn và các cộng đồng ít được phục vụ khác. Chính phủ cũng nỗ lực cải thiện tiếp cận y tế ở nông thôn, thông qua một mạng lưới các trung tâm y tế xã là điểm tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên khi họ không thể đến được các bệnh viện lớn hơn trong thành phố.

Thành tích của Việt Nam về trong lĩnh vực dịch vụ y tế là một phần lí do mà nước này được xếp hạng tương đối cao trong Đánh giá Phát triển Kinh tế Bền vững (SEDA), xem xét không chỉ một quốc gia giàu đến mức nào mà cả việc họ biến sự thịnh vượng đó thành chất lượng cuộc sống cho người dân tốt đến đâu. Việt Nam có thành tích cao hơn mức trung bình của Đông Nam Á về chăm sóc y tế trong chỉ số SEDA. Từ năm 2009 đến 2018, tuổi thọ của người dân Việt Nam tăng từ 74,8 lên 75,9 tuổi, trong khi tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, tử vong vì bệnh lao và vì suy dinh dưỡng giảm và tỉ lệ chủng ngừa sởi tăng.

Hệ thống hiện thời eo hẹp về tài chính

“Trong một thập niên qua, Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể, đặt họ vào nhóm phần tư thứ nhất về thay đổi điểm số SEDA,” Tập đoàn Tư vấn Boston, tổ chức tạo ra chỉ số này, nói trong một thông cáo. “Năm 2018, hệ số giàu có so với phúc lợi của Việt Nam là 1,28 và nó nêu bật khả năng cao hơn mức trung bình khá nhiều của Việt Nam trong việc biến sự thịnh vượng thành phúc lợi.”

Nhưng những yếu kém trong hệ thống chăm sóc y tế đang khơi ra những lời kêu gọi khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn. Bệnh nhân hối lộ bác sĩ để được chăm sóc tốt hơn, hay bệnh nhân nằm chung giường bệnh viện hoặc trải chiếu nằm chờ bên ngoài các tòa nhà, không phải là chuyện lạ.

Có những lo ngại về khả năng chi trả của nhà nước vốn đã tiến gần đến trần nợ công của mình là 65 phần trăm tổng sản phẩm quốc nội. Trong bối cảnh ngân sách công đang eo hẹp, Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm tỉ lệ bác sĩ trên 1.000 người và về số lượng giường bệnh có sẵn trong thập niên qua, theo Boston Consulting Group. Đó đặc biệt là một gánh nặng đối với Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm thương mại với khoảng 13 triệu dân, chiếm khoảng một phần tư nhu cầu chăm sóc y tế của Việt Nam nói chung. Có hơn 100 bệnh viện trong thành phố, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Đồng thời, Việt Nam dự kiến sẽ chuyển từ vị trí một quốc gia có thu nhập trung bình thấp sang thu nhập trung bình cao trong thập niên tới.

“Sự chuyển tiếp này sẽ khiến Việt Nam trở thành một thị trường tăng trưởng nhanh cho nhiều loại hàng hóa và dịch vụ” -- bao gồm cả y tế -- theo nhà kinh tế trưởng Châu Á Thái Bình Dương Rajiv Biswas và nhà kinh tế trưởng Bernard Aw trong một báo cáo chung cho công ty nghiên cứu đầu tư IHS Markit vào tháng 2.

Với nhu cầu y tế gia tăng, cuộc tranh luận ở Việt Nam về chăm sóc y tế công và tư sẽ càng nóng lên trong những năm tới.

(VOA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét