Thận trọng khi vốn ngoại rót kỷ lục vào bất động sản
(Thị trường) - Để phát triển bền vững, các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam cần phải đón nhận vốn ngoại một cách thận trọng và chuyên nghiệp hơn. Báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy vốn FDI 4 tháng đầu năm 2019 đạt kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký so với cùng kỳ trong vòng 4 năm trở lại đây.Hết 4 tháng năm 2019, vốn FDI đã đổ vào Việt Nam gần 14,6 tỉ USD. Cụ thể, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 14,59 tỉ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó đứng đầu là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, thứ hai là lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản với 1,1 tỉ USD thu hút được từ FDI, chiếm 7,5% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng hơn 36% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là số vốn khủng khi gần bằng toàn bộ nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực này cả năm 2016 là 1,68 tỉ USD. Như vậy liên tục kể từ năm 2016 đến nay, bất động sản vươn lên đứng thứ hai thu hút vốn ngoại đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với số vốn không ngừng gia tăng.
Hà Nội là nơi lượng vốn ngoại đổ vào nhiều nhất với 4,47 tỉ USD, đứng thứ 2 là TP.HCM với 2,37 tỉ USD, Bình Dương đứng thứ 3 với số vốn hơn 1 tỉ USD.
Ba địa phương này chiếm hơn 50% tổng lượng vốn ngoại đổ vào Việt Nam trong thời gian qua.
Trước đó, năm 2018, lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam thu hút hơn 6,6 tỷ USD vốn của nhà đầu tư nước ngoài, chiếm hơn 18% tổng lượng vốn đăng ký.
Các đại dự án bất động sản của nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Indonesia vẫn dẫn đầu trong các phân khúc bất động sản tại Việt Nam.
Đáng lưu ý, bên cạnh các ông lớn, khá nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động vừa và nhỏ vào Việt Nam mua bán các dự án, đăng ký lập dự án nhưng chỉ có lượng vốn nhỏ mang từ nước ngoài vào.
Không ít nhà đầu tư thực hiện hợp tác, liên danh với các ngân hàng, tổ chức trung gian tài chính trong nước để vay tiền của ngân hàng, tổ chức tín dụng Việt Nam để triển khai các dự án đầu tư, lấy vốn Việt để triển khai các dự án Việt Nam, điều này nảy sinh hệ quả một số dự án thua lỗ, nhà đầu tư nước ngoài bỏ của chạy lấy người về hệ quả là doanh nghiệp Việt, ngân hàng Việt phải xử lý nợ xấu.
Đánh giá về những lợi ích mà vốn FDI đổ vào lĩnh vực bất động sản, giới chuyên môn nhìn nhận, dòng vốn ngoại này sẽ góp phần chuẩn hóa thị trường, tạo ra những giá trị theo tiêu chuẩn quốc tế, nâng tầm thị trường bất động sản Việt Nam và san sẻ nhiều gánh nặng từ thị trường tài chính.
Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng để phát triển bền vững, các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam cần phải đón nhận vốn ngoại một cách thận trọng, kiểm soát chặt chẽ và chuyên nghiệp hơn.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cảnh báo, việc thu hút FDI vào lĩnh vực bất động sản cần phải lường trước được những rủi ro tiềm ẩn, trong đó có nguy cơ tạo nên bong bóng bất động sản, gây rủi ro tín dụng do lượng vốn dư thừa trong hệ thống.
Theo đó, lượng vốn quá lớn có thể thổi phồng bong bóng bất động sản ở Việt Nam lên và đến một lúc nào đó, nhà đầu tư nước ngoài rút vốn hay bán tháo chạy khỏi thị trường, lập tức nó sẽ ảnh hưởng trước hết đến các nhà đầu tư bỏ vốn, thứ nữa là đến những người đang vay vốn để đầu tư (như chủ doanh nghiệp xây dựng vay vốn đầu tư dự án ở các phân khúc trong thị trường), đẩy họ vào khó khăn. Khi ấy, các ngân hàng cho vay đầu tư bất động sản cũng trở nên khó khăn.
Đặc biệt, khi lượng vốn FDI đổ vào bất động sản Việt Nam nhiều khiến thị trường nóng lên, các doanh nghiệp Việt cũng vì thế mà đi vay vốn đổ tiền vào bất động sản. Một nguồn lực không nhỏ đáng lẽ để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh lại chảy sang bất động sản.
Minh Thái
http://baodatviet.vn/bat-dong-san/thi-truong/than-trong-khi-von-ngoai-rot-ky-luc-vao-bat-dong-san-3379084/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét