Lê Đức Anh: làm tướng giỏi, làm chính trị tồi?
23/04/2019 Ngọc Lễ - Về thân thế của ông Lê Đức Anh vốn từng bị cáo buộc là ‘man trá’ (ông Anh bị cáo buộc là từng làm cai đồn điền cho Pháp và khai man về việc được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam), ông Vũ nói rằng ‘theo nghiên cứu của ông, việc ông Anh tham gia Việt Minh là có thật’ nhưng trong giai đoạn 1936-1938, việc kết nạp đảng còn đại khái nên hồ sơ lưu trữ về ông Anh không còn nữa. Tuy nhiên, ông Vũ cũng không loại trừ ông Anh ‘chỉ dự vào sự tiếp xúc, liên hệ hay chỉ đạo của một vài đảng viên Cộng sản nào đó mà nói rằng ông đã được kết nạp’. “Dù thế nào đi nữa thì nếu theo dõi toàn bộ tuyến hoạt động của ông ấy sẽ thấy rằng ông ấy hoàn toàn theo Đảng Cộng sản,” ông Vũ lý giải.
Cựu Chủ tịch Lê Đức Anh trong bài diễn văn
cuối cùng trước Quốc hội vào năm 1997
Ông Lê Đức Anh, người vừa qua đời ở Hà Nội ở tuổi 99, được nhận định là ‘vị chỉ huy quân sự tài giỏi’ của Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng cũng được cho là ‘đã phạm sai lầm chính trị nghiêm trọng’, một người từng sống trong lòng chế độ sau trở thành nhà hoạt động lưu vong ở Mỹ nói. Trong cuộc đời trải gần một thế kỷ của mình, ông Anh đã kinh qua những vị trí cao cấp nhất trong bộ máy Đảng và Nhà nước Việt Nam: Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng, Chủ tịch nước rồi Cố vấn Ban chấp hành trung ương Đảng.Với sự ra đi của ông Anh sau cái chết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp hồi năm 2013 rồi cựu Tổng bí thư Đỗ Mười hồi năm 2018, thế hệ các lãnh đạo Việt Nam xuất thân từ những ngày đầu của Đảng Cộng sản, trải qua cả hai cuộc chiến với người Pháp và người Mỹ, giờ không còn một ai.
Cuộc đời hoạt động của ông Anh được nhớ đến với thời kỳ ông làm phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh của quân đội Bắc Việt tiến về Sài Gòn hồi năm 1975, Tư lệnh quân đội Việt Nam ở Campuchia trong cuộc chiến với Khmer Đỏ vào năm 1980, Chủ tịch nước trong giai đoạn cải cách mở cửa, bình thường hóa quan hệ với Mỹ (1995) sau khi đã bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (1990). Ông cũng là vị nguyên thủ đầu tiên của Việt Nam đi Mỹ vào năm 1995 để dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Liên Hiệp Quốc.
Trên vai trò Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng, ông Anh được nhớ đến trong việc cùng với cố Tổng bí thư Đỗ Mười, khi đó cũng là cố vấn, đã lật đổ được ông Lê Khả Phiêu khỏi chiếc ghế tổng bí thư tại Đại hội 9 của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2001.
Tuy nhiên, xung quanh cuộc đời của Anh cũng có nhiều điều tiếng không hay như khai man lý lịch để vào Đảng, theo phe cánh của Lê Duẩn-Lê ĐứcThọ để trù dập Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ra lệnh binh sỹ không nổ súng khi Trung Quốc chiếm đảo Gạc Ma vào năm 1988, nằm trong phe bảo thủ cùng với Đỗ Mười hiềm khích với phe cấp tiến của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và được cho là người bảo trợ chính cho cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Trao đổi với VOA, luật sư Cù Huy Hà Vũ, con trai của một ‘khai quốc công thần’ của chế độ Hà Nội và hiện là một nhà bất đồng chính kiến sống tại thủ đô Washington DC, Hoa Kỳ, đã bày tỏ những tình cảm tốt đẹp dành cho ông Lê Đức Anh.
Tài năng quân sự?
Ông Vũ nói với VOA rằng ông cùng vợ là bà Nguyễn Thị Dương Hà đã từng gặp trực tiếp và trò chuyện vợ chồng ông Lê Đức Anh ở nhà riêng của ông Anh tại khu Hoàng Diệu của Bộ Quốc phòng vào năm 2007.
Đánh giá về công trạng của ông Anh đối với Đảng Cộng sản và chính quyền của Đảng, ông Vũ cho rằng ông Anh là ‘nhân vật lịch sử’, nhất là trong cuộc chiến của quân đội miền Bắc với người Mỹ.
“Tướng Lê Đức Anh là một hiện tượng có thể nói là khác lạ và nổi bật so với toàn quân của cộng sản Việt Nam,” ông Vũ nói và dẫn lại việc sau khi ký kết Hiệp định Paris vào năm 1973 ông Anh, khi đó là đại tá, tư lệnh Quân khu 9, đã chủ trương là ‘phải tấn công, chiếm được lãnh thổ đối phương càng nhiều càng tốt’ để chống lại kế hoạch ‘tràn ngập lãnh thổ’ của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu, khác với ban lãnh đạo lúc đó vốn yêu cầu quân đội ở nguyên tại chỗ.
Về vai trò của ông Anh trong cuộc chiến chống lại quân Khmer Đỏ ở Campuchia, ông Vũ nói với vai trò là tư lệnh Chiến trường K (tức Campuchia), ông Anh thực hiện sứ mạng truy quét tàn quân Khmer Đỏ và ‘giúp người Campuchia xây dựng chính quyền của mình’.
“Khó khăn nhất là làm thế nào để xây dựng chính quyền Campuchia,” ông Vũ nói và cho rằng thành công chính trị của ông Anh ở Campuchia ‘có ý nghĩa quan trọng hơn về quân sự’.
Nhưng ông Anh cũng đã ‘phạm những sai lầm’ khi trong giai đoạn này khi đã để xảy ra những vụ oan sai do Khmer Đỏ làm công tác phản giác gây chia rẽ khiến quân đội Việt Nam ‘bắt nhầm những lãnh đạo cao cấp của Campuchia thân với Việt Nam khiến họ phải tự sát’, ông Vũ nói.
Thân Trung Quốc?
Về vụ thảm sát Gạc Ma do Giải phóng quân Trung Quốc gây ra vào năm 1988 khiến Việt Nam mất một số bãi đá trong quần đảo Trường Sa và hơn 60 quân nhân tử trận – vụ việc mà Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh bị quy trách nhiệm khi ra lệnh không nổ súng – ông Cù Huy Hà Vũ nói phải nhìn nhận sự việc này trong hoàn cảnh tổng thể lúc đó là Việt Nam ‘buộc phải hòa hoãn với Trung Quốc’.
“Vào năm 1987-1988, Tổng thống Liên Xô Gorbachev khi đó đã quyết định cắt viện trợ cho Việt Nam nên Việt Nam phải tính đến việc rút quân đội ở Campuchia về nước và tìm giải pháp chính trị cho Campuchia trên cơ sở đàm quán với Trung Quốc,” ông Vũ giải thích.
“Trung Quốc đã lợi dụng sự kiềm chế của Việt Nam để tổ chức cuộc tập kích ở Gạc Ma,” ông Vũ nói và cho biết ông tin rằng lệnh không nổ súng lúc đó ông Lê Đức Anh chỉ ‘nhân danh Bộ Quốc phòng, Bộ Chính trị’ mà thôi vì lúc đó Bộ Chính trị ra lệnh là ‘không thể làm căng thẳng hơn quan hệ với Trung Quốc’.
Trong giai đoạn ông Lê Đức Anh làm chủ tịch nước là sau khi Liên Xô sụp đổ, chính quyền Việt Nam chịu sức ép càng phải hòa hoãn với Trung Quốc hơn nữa để ngăn cho làn sóng tan rã của chủ nghĩa xã hội trên thế giới lan tới Việt Nam. Các lãnh đạo lúc đó, trong đó có ông Anh, ‘buộc phải giảm xung đột với Trung Quốc về lãnh thổ’, ông Vũ cho biết. Trong giai đoạn này, Việt Nam đã đàm phán hiệp định biên giới trên bộ và hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc.
Khi được hỏi có phải ông Lê Đức Anh cùng với ông Đỗ Mười tạo thành phái bảo thủ trong Đảng vốn chủ trương dựa vào Trung Quốc để giữ vững chế độ, trong khi ông cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có lập trường cấp tiến hơn và chủ trương xích lại gần hơn với Mỹ và phương Tây hay không, ông Cù Huy Hà Vũ khẳng định rằng ‘không bao giờ có chuyện đó’.
“Tuyệt đại đa số các nhà lãnh đạo Việt Nam không theo Trung Quốc, thậm chí chống lại Trung Quốc, kể cả Đỗ Mười hay Lê Đức Anh. Họ chỉ hòa hoãn với Trung Quốc để giữ vững chế độ cộng sản. Hòa hoãn không có nghĩa là nghe theo Trung Quốc về đường lối, chính sách,” ông nói.
“Ông Võ Văn Kiệt là người miền Nam nên đầu óc kinh tế tốt hơn hẳn các nhà lãnh đạo miền bắc và có tư duy kinh tế thị trường,” ông Vũ nói thêm. “Võ Văn Kiệt chủ trương đổi mới tư duy kinh tế. Chứ còn về mặt chính trị thì cả ông Đỗ Mười, Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt cũng như tuyệt đại đa số các lãnh đạo Việt Nam đều có chung lập trường trong quan hệ với Trung Quốc.”
Còn về lập trường đối với Mỹ với tư cách là nguyên thủ đầu tiên của nước Việt Nam cộng sản đến Mỹ, ông Vũ cho rằng theo truyền thống của Đảng Cộng sản Việt Nam thì đường lối đối ngoại ‘không phải là lập trường của cá nhân bất cứ ai mà là của tập thể Bộ Chính trị’.
Ông Vũ dẫn chứng là trong gần gặp trực tiếp ông Lê Đức Anh, ông đã đưa ra kiến nghị là Việt Nam nên ‘cùng với Mỹ lập quan hệ thật sự, thậm chí là liên minh quân sự chống lại Trung Quốc’. Khi đó, theo lời ông Vũ, ông Anh đã hứa sẽ ‘trình bày ký kiến này của tôi với ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (Bộ Chính trị)’.
“Khi đó, ông Lê Đức Anh không thể hiện sự quan tâm mãnh liệt (đến đề xuất liên minh với Mỹ) dù có cam kết tích cực,” ông Vũ cho biết.
Bảo trợ Nguyễn Tấn Dũng
Về sự ra đi của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu tại Đại hội 9 của Đảng, ông Vũ thừa nhận rằng đó kết quả sự vận động của ông Lê Đức Anh và Đỗ Mười khi đó là các cố vấn Ban chấp hành trung ương.
Tuy nhiên, ông Vũ cho rằng điều đó là do những sai lầm của ông Lê Khả Phiêu trong việc ‘ưu ái đặc biệt cho các đồng hương Thanh Hóa với ông lên nắm các vị trí chủ chốt’; ‘muốn nắm các cơ quan an ninh, tình báo’ và ‘đặt ra một cục để bí mật theo dõi các lãnh đạo cao cấp trong đó có Đỗ Mười, Lê Đức Anh’.
“Ông Phiêu đã bị mất tín nhiệm với hai ông Mười, Anh. Hai ông này bực tức nên đã có một cuộc vận động đến khắp các tỉnh thành từ Bắc đến Nam để kêu gọi các ủy viên trung ương ủng hộ phế truất ông Lê Khả Phiêu,” ông Vũ nói. Kết quả là ông Phiêu mất chức tổng bí thư nhưng để đổi lại, ông Phiêu cũng buộc hai ông Mười, Anh thôi chức cố vấn Ban chấp trung hành trung ương và do đó bãi bỏ luôn cơ chế ‘Thái thượng hoàng’ trong Đảng Cộng sản Việt Nam.
Một điều mà ông Vũ cho là ‘sai lầm nghiêm trọng’ trong cuộc đời hoạt động chính trị của ông Lê Đức Anh là bảo trợ cho cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng leo cao trong bộ máy Nhà nước Việt Nam mà kết quả là, theo lời ông Vũ, ‘ông Dũng đã phá nát nền kinh tế Việt Nam’.
Nguyên nhân ông Anh đứng ra bảo trợ cho ông Dũng quyết liệt như vậy, theo ông Vũ, là ‘ân tình chính trị’ từ thời chiến tranh.
“Bố Nguyễn Tấn Dũng là chính trị viên phó của tỉnh đội thuộc Quân khu 9 do Lê Đức Anh làm tư lệnh, Võ Văn Kiệt làm chính ủy. Ông ấy bị bom Mỹ giết chết trong chiến tranh,” ông Vũ nói. “Dường như có sự cam kết nào đó từ phía các ông Anh, ông Kiệt đối với người đã chết để cho Nguyễn Tấn Dũng nắm những cương vị ngày càng cao trong Đảng và Nhà nước để rồi ông Dũng được đề bạt hết sức nhanh chóng một cách vô tổ chức, vô kế hoạch.”
“Ông Lê Đức Anh phải chịu trách nhiệm chính (về sự phá hoại của Nguyễn Tấn Dũng),” ông nói thêm và cho biết mặc dù ông Anh ‘cũng thấy sự phá hoại của ông Dũng’ nhưng vì ông ‘đã trót là người bảo trợ cho Nguyễn Tấn Dũng nên không thể lên tiếng’.
“Đó là chưa kể Nguyễn Tấn Dũng đã tạo những ưu ái cho con trai ông Lê Đức Anh là Lê Mạnh Hà lên làm phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh rồi phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ của ông Dũng nên ông Lê Đức Anh càng không thể nói gì về ông Dũng,” ông Vũ, người từng kiện ông Dũng và bị bỏ tù về tội Tuyên truyền chống Nhà nước khi ông Dũng đang làm thủ tướng, nói.
Khi được hỏi có phải ông Lê Đức Anh ủng hộ ông Nguyễn Tấn Dũng tranh giành chiếc ghế tổng bí thư với ông Nguyễn Phú Trọng trước Đại hội 12 hồi năm 2016 hay không, ông Vũ nói rằng khi đó, mặc dù ông Dũng đã đến tuổi nghỉ hưu như ông Trọng nhưng ông Anh đã đề nghị Trung ương Đảng không nên quyết định trường hợp của ông Dũng mà ‘hãy để Đại hội quyết định’.
“Trong sự ganh đua quyết liệt giữa Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng, Lê Đức Anh với tư cách bảo trợ Nguyễn Tấn Dũng đã ủng hộ Nguyễn Tấn Dũng nhưng cũng không có hành động gì tấn công Nguyễn Phú Trọng quyết liệt,” ông Vũ cho biết.
Kỵ Võ Nguyên Giáp?
Về mối quan hệ giữa Đại tướng Lê Đức Anh với người Bộ trưởng Quốc phòng tiền nhiệm là cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Vũ cho là ‘phức tạp’.
Ông Lê Đức Anh là người được hai ông Lê Duẩn-Lê Đức Thọ bảo trợ và đưa lên trong khi giữa các ông Duẩn-Thọ và ông Giáp có sự hiềm khích. Hồi Quốc tang của ông Giáp hồi năm 2013, ông Lê Đức Anh đã không đến viếng mặc dù ông Đỗ Mười khi đó tuổi cao còn hơn ông Anh có đến.
“Ông Lê Duẩn là người Quảng Trị nên do tính chất vùng miền đã thể hiện sự ưu ái với ông Lê Đức Anh là người Thừa Thiên-Huế (hai ông được coi là đồng hương vì hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế lúc đó nằm chung trong tỉnh Bình Trị Thiên).
“Ông Lê Đức Anh ở hoàn cảnh là người bảo trợ cho mình là Lê Duẩn-Lê Đức Thọ có sự khác biệt thậm chí xung đột với Đại tướng Võ Nguyên Giáp nên tương đối dễ hiểu ông không có quan điểm ủng hộ ông Võ Nguyên Giáp,” ông Vũ nói.
Tuy nhiên, ông cũng nói rằng ông đã từng hỏi trực tiếp ông Anh nghĩ thế nào về Đại tướng Giáp, thì khi đó ông Anh đã trả lời ông Vũ rằng: “Tôi luôn coi Võ Nguyên Giáp là một người anh, một nhà lãnh đạo tài giỏi của Việt Nam.” Ông Vũ nói rằng ông Anh ‘bị giằng xé giữa phe phái chính trị và sự thật trong đời sống’.
Về thân thế của ông Lê Đức Anh vốn từng bị cáo buộc là ‘man trá’ (ông Anh bị cáo buộc là từng làm cai đồn điền cho Pháp và khai man về việc được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam), ông Vũ nói rằng ‘theo nghiên cứu của ông, việc ông Anh tham gia Việt Minh là có thật’ nhưng trong giai đoạn 1936-1938, việc kết nạp đảng còn đại khái nên hồ sơ lưu trữ về ông Anh không còn nữa. Tuy nhiên, ông Vũ cũng không loại trừ ông Anh ‘chỉ dự vào sự tiếp xúc, liên hệ hay chỉ đạo của một vài đảng viên Cộng sản nào đó mà nói rằng ông đã được kết nạp’.
“Dù thế nào đi nữa thì nếu theo dõi toàn bộ tuyến hoạt động của ông ấy sẽ thấy rằng ông ấy hoàn toàn theo Đảng Cộng sản,” ông Vũ lý giải.
Khi được hỏi về cảm nhận cá nhân trong lần gặp trực tiếp, ông Vũ mô tả ông Anh ‘là người tiết kiệm và chân thành’.
“Khi tôi gặp ông ấy vào mùa đông trong căn nhà lạnh, tôi đã hỏi vợ ông Anh là ‘Tại sao lạnh thế này mà Đại tướng không để sưởi’ thì tôi được trả lời rằng ‘Bác ấy tiết kiệm lắm cháu ạ’. Ông ấy tiếp chúng tôi trong trang phục Đại tướng rất đẹp mà không có áo khoác ngoài để giữ ấm,” ông Vũ kể.
Khi được yêu cầu đánh giá vai trò của ông với tư cách là tướng lĩnh và với tư cách chính trị gia, vai trò nào nổi bật hơn, ông Vũ trả lời ngay là ‘với tư cách nhà lãnh đạo quân sự’.
“Về chính trị ông ấy mắc sai lầm khi bảo trợ Nguyễn Tấn Dũng lên những vị trí cao nhất trong bộ máy đảng,” ông nói.
https://www.voatiengviet.com/a/l%C3%AA-%C4%91%E1%BB%A9c-anh-l%C3%A0m-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-gi%E1%BB%8Fi-l%C3%A0m-ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B-t%E1%BB%93i-/4886896.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét