Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

Nga đối phó TQ: “Kịch bản Crimea” ở Viễn Đông

Nga đối phó “hiểm họa da vàng” (*): “Kịch bản Crimea” ở Viễn Đông
Căn cứ vào nhiều nguồn thông tin, Trung Quốc đang chuẩn bị từng bước để giành lấy miền Viễn Đông và Đông Siberia từ tay Nga. Tình hình ở miền Viễn Đông Nga trong thời gian gần đây đã trở nên căng thẳng liên quan đến dân nhập cư Trung Quốc (TQ). Ở TP Blagoveshensk, 30 công dân TQ đã gây bạo động phản đối sự trả lương chậm trễ. Từ đó, các chuyên gia lưu ý đến số lượng vượt trội của người TQ trong khu vực và cảnh báo về khả năng Bắc Kinh sẽ áp dụng “kịch bản Crimea” ở Viễn Đông và Đông Siberia.
Các công nhân đang thi công tại một nhánh đường ống 
dẫn từ Đông Siberia vào Trung Quốc Ảnh: ITAR-TASS
Trung Quốc không giấu tham vọng

Theo hãng tin MixNews, ông Leon Taivans, một nhà Đông phương học tại Trường ĐH Latvia, nhấn mạnh sau khoảng 20 năm nữa, đất nước TQ quá đông đúc có thể sẽ lặp lại “kịch bản Crimea” ở Viễn Đông cũng với lý do công dân TQ cư ngụ ở đó quá vượt trội. Theo ông, ở phía Đông vùng Ural chỉ có 3 triệu người Nga sinh sống trong khi có 100.000 người TQ đã chuyển sang ở luôn bên Nga. Hơn nữa, ông dự đoán 90 triệu người từ TQ sẽ tràn sang biên giới nước Nga trong tương lai. Nhà Đông phương học trên cho rằng sự kiện Nga sáp nhập Crimea có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về địa - chính trị của Nga ở miền Viễn Đông.

Đầu tháng 3-2014, nhà báo Jeoff Dyer của tạp chí Foreign Policy (Mỹ) đã lưu ý rằng người TQ có thể xem động thái sáp nhập Crimea của Nga là hành vi “bật đèn xanh” để họ thúc đẩy một cách quyết đoán các tham vọng về lãnh thổ của riêng mình. Cũng theo lời nhà phân tích trên, TQ cảm thấy dao động trước các sự kiện xảy ra ở Ukraine. Một mặt, họ chủ trương không can thiệp vào công việc nội bộ các nước khác; mặt khác, TQ dị ứng đối với các phong trào ly khai.

Nhóm lao động nhập cư Trung Quốc bị bắt ở 
TP Blagoveshensk hôm 15-5 Ảnh: AMUR-INFO

Sau khi Hàn Quốc và Nhật Bản lên án hành động sáp nhập Crimea của Nga, TQ kêu gọi các bên bình tĩnh và giải quyết các vấn đề xung quanh bán đảo này bằng con đường hòa bình. Đáng lưu ý là trong suốt cả quá trình xảy ra khủng hoảng ở Ukraine, TQ đã cố duy trì thế trung lập. Mỗi khi được yêu cầu bày tỏ quan điểm về sự xâm lấn của Nga ở Ukraine, TQ đều tìm cách lảng tránh. TQ cũng đã bỏ phiếu trắng về tính hợp pháp của cuộc trưng cầu dân ý ở CH Crimea tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Phát biểu trên kênh truyền hình BTB, nhà phân tích chính trị nổi tiếng người Nga Alexander Paly cho rằng trên cơ sở kinh nghiệm từ sự kiện Nga sáp nhập Crimea, TQ có khả năng bộc lộ tham vọng to lớn đối với lãnh thổ của Liên bang Nga. Theo ông, TQ đang nghiên cứu “bài học Crimea” và một lúc nào đó họ sẽ đặt ra trước Nga những vấn đề về lịch sử bởi vì theo Điều ước Nerchinsk năm 1689 giữa Nga và TQ về vấn đề biên giới và thương mại, cả miền Viễn Đông là của TQ!

Chờ thời cơ để ra tay?


Vào thế kỷ XIX, TQ đã miễn cưỡng nhượng lại cho Nga quyền kiểm soát miền Viễn Đông và Siberia. Tuy nhiên, trong suốt 50 năm qua, TQ đã gia tăng động thái tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với khu vực này. Theo trang web Global Politician, các nhà lãnh đạo ở TQ đều đã công khai khẳng định rằng các TP Vladivostok và Khabarovsk là của TQ. Hơn nữa, một số nhà sử học TQ còn quả quyết biên giới Nga - Trung hiện nay là không đúng và Nga đã “đánh cắp” miền Viễn Đông bằng vũ lực.

Thực tế đã chứng minh nhận định của các chuyên gia là xác thực: TQ áp dụng chiến lược tiếp tục theo đuổi các thỏa thuận song phương với Nga trong các lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng và sản xuất, bao gồm việc xây dựng các đường ống dẫn, đường bộ và đường ray. TQ sẽ chơi trò chờ đợi với Nga, hy vọng nước này cuối cùng sẽ “nổ tung” do phải đương đầu cùng một lúc với tình trạng xung đột sắc tộc, tệ nạn tham nhũng, phong trào Hồi giáo nổi dậy, sự quản lý tài chính kém cỏi và nền kinh tế hàng hóa thiếu đa dạng. Khi đó, TQ sẽ ra tay hành động với miền Viễn Đông và Siberia.

Báo The Kiev Times khẳng định lãnh đạo TQ đã quyết định trang bị chiến thuật thôn tính lãnh thổ nước khác dưới dạng bảo vệ công dân của mình sinh sống trên lãnh thổ đó, giống như Nga đã làm đối với Crimea. Tại đại hội các đại biểu nhân dân toàn TQ cuối tháng 2-2014, nữ đại biểu Tôn Vạn Hàn đã đệ trình một dự luật cho phép sáp nhập một phần lãnh thổ quốc gia khác vào thành phần nước CHND Trung Hoa như một chủ thể mới trong trường hợp không có thỏa thuận quốc tế, theo phương cách như sau: TQ có thể công nhận lãnh thổ đó khi đa số cư dân bỏ phiếu ủng hộ việc sáp nhập qua cuộc trưng cầu dân ý hoặc nếu chính quyền hợp pháp tại lãnh thổ đó yêu cầu.

Ngoài ra, các đại biểu còn đề nghị xem xét dự luật đơn giản hóa thủ tục công nhận quốc tịch TQ cho cư dân Nga. Theo đó, các điều kiện để được cấp quốc tịch TQ là yêu cầu đó gắn liền với nhu cầu sinh sống trên lãnh thổ TQ, có nguồn thu nhập hợp pháp, từ chối quốc tịch Nga, thời hạn nhận quốc tịch là trong vòng 2 tháng chứ không phải 1 năm.

Bà Tôn Vạn Hàn nhấn mạnh rằng có thể so sánh các dự luật này với “ngọn hải đăng” sẽ soi sáng cho tất cả những người bị lạc ngoài biển khơi. Bà tuyên bố: “Các đạo luật trên sẽ trở thành công cụ làm tăng cao vị thế địa chính trị của CHND Trung Hoa”.

Tràn lan hàng Trung Quốc

Tân Hoa Xã đưa tin các sản phẩm của TQ đang giành được sự ưa chuộng ở TP Vladivostok, miền Viễn Đông; mặt hàng quần áo và điện tử do TQ sản xuất chiếm đến 80%-90% thị trường địa phương. Anh Vyacheslav, nhân viên bán hàng tại cửa hàng điện tử DNS, cho biết: “Khách hàng mua các sản phẩm này bởi vì chúng có chất lượng tuyệt vời và giá cả phải chăng”. Các kệ hàng 4 tầng tại DNS chất đầy laptop nhãn hiệu Lenovo và Huawei, giá khoảng 500-600 USD/chiếc. Người quản lý cửa hàng xác nhận: “Các nhãn hiệu nội địa TQ rất được cư dân địa phương ưa chuộng. Laptop hiệu Lenovo và Huawei bán chạy. Doanh số 2 nhãn hiệu này có thể lên đến 45.000 USD/tháng”.

Một người dân địa phương đánh giá: “Tất cả những chiếc máy tính chúng tôi sử dụng đều được lắp ráp ở TQ. Ở miền Viễn Đông này, các sản phẩm TQ không còn mang tiếng là chất lượng kém nữa”.

NGÔ SINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét