Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Hiểu để đối phó với các ngón đòn của Trung Quốc

Hiện nay chúng ta đang có hai cái khó: 1) Dân không đoàn kết và không ủng hộ chính quyền; 2) Chính quyền không có quyết sách rõ ràng, công khai cho sự phát triển của mình và đối phó với những ngón đòn của Trung Quốc. Đặc biệt, như nhiều người vẫn nói, quan trí thấp hơn dân trí; cấp quan càng cao thì trí càng thấp vì càng xa rời quần chúng và càng viển vông không thực tiễn; quan có quyền quyết định thì nô lệ về trí tuệ (răm rắp nghe lời cấp trên), tối mắt tối mũi vì tiền và lợi ích cá nhân...
Hiểu để đối phó với các ngón đòn của Trung Quốc
Một trong những “luật bất thành văn” truyền trong giới ngoại giao châu Á đó là “đừng làm Trung Quốc mất mặt”. Là một nước lớn, có tính sỹ diện cao Trung Quốc sẵn sàng nổi đóa khi bị công kích, bất kể đúng hay sai. Chính vì vậy trong ngoại giao khu vực, rất ít nước dám công khai lên án Trung Quốc, các tuyên bố về những vấn đề liên quan đến Trung Quốc thường tránh nêu đích danh Trung Quốc. Điều này khác hẳn ngoại giao với các nước lớn đã trưởng thành như châu Âu hoặc Mỹ.
Ảnh: các xe trở dưa hấu bị dồn ứ ở cửa khẩu Trung Quốc (nguồn: internet)

Những ngày qua, việc Việt Nam công khai phản đối Trung Quốc tự động đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của mình đã làm Trung Quốc bị mất mặt. Trung Quốc cảm thấy bị “tổn thương” vì vỏ bọc “trỗi dậy hòa bình” của mình bị lột bỏ. Việc thành phần xấu kích động công nhân ở Bình Dương và Hà Tĩnh đập phá nhà máy chắc chắn sẽ làm cho tình hình xấu thêm. Theo các hãng tin nước ngoài, Trung Quốc đang đưa hàng nghìn người Trung Quốc về nước vì những lý do về an ninh. Tuy nhiên, đây cũng có thể là bước đi của họ chuẩn bị cho các ngón đòn hướng vào Việt Nam.

Trước tình hình này, chính phủ và nhân dân Việt Nam cần chuẩn bị đối phó với những diễn biến phức tạp trên mặt trận an ninh, ngoại giao và kinh tế mà Trung Quốc có thể phát động.

Trên mặt trận an ninh, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường các lực lượng vũ trang và bán vũ trang để “bảo vệ” giàn khoan trên Biển Đông của Việt Nam. Mục đích của Trung Quốc là tập trung càng nhiều tàu càng tốt nhằm kiểm soát được bờ biển Việt Nam và các tuyền đường hàng hải quốc tế quan trọng. Việt Nam cần hiểu đây là cuộc đấu tranh đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, và tỉnh táo trong việc ngăn cản sự xâm lấn của Trung Quốc. Việt Nam cần khôn khéo để các quốc gia có lợi ích bị đe dọa bởi sự chiếm đóng của Trung Quốc lên tiếng và vào cuộc để gây sức ép Trung Quốc rút giàn khoan, trả lại nguyên trạng.

Bên cạnh việc tăng cường lực lượng trên biển, Trung Quốc có thể sẽ có những động thái gây hấn dọc biên giới phía Bắc nhằm phân tâm Việt Nam trên mặt trận Biển Đông. Trung Quốc khó phát động một cuộc chiến biên giới như năm 1979, vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của Trung Quốc. Tuy nhiên, khả năng tạo ra những xung đột nhỏ, gây rối loạn biên giới, khiến Việt Nam phải căng mình trên hai mặt trận, gây tốn kém nguồn lực và không tập trung vào phát triển được là hoàn toàn có thể xảy ra. Nó cũng là cách Trung Quốc dùng để làm “loãng” vấn đề Biển Đông.

Tuy nhiên, việc tiếp tục đe dọa trên biển và gây áp lực trên đất liền chưa phải là con bài duy nhất và chính yếu của Trung Quốc. 

Con bài thâm hiểm họ có thể sử dụng là chia rẽ nội bộ, ngừng trao đổi thương mại và đầu tư kinh tế hòng làm rối loạn và suy yếu toàn diện Việt Nam. Đó chính là điều mà Việt Nam cần chuẩn bị đối phó.

Về kinh tế, đầu tiên, Trung Quốc có thể đóng cửa khẩu dừng nhập khẩu các sản phẩm nông sản của Việt Nam. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến người nông dân vì hiện tại nền nông nghiệp Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Thứ hai, các dự án đầu tư hoặc trúng thầu Trung Quốc đang triển khai ở Việt Nam có thể bị chậm tiến độ, thậm chí bị đình trệ hoặc bỏ dở do Trung Quốc rút vốn đầu tư hoặc cố vấn kỹ thuật. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam vì đây là các dự án kinh tế quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng. Thứ ba, nhiều nền công nghiệp sản xuất của Việt Nam như may mặc và giầy da phụ thuộc nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc. Chắc chắn căng thẳng hiện tại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp này, làm giảm kim ngạch xuất nhập khẩu cũng như công ăn việc làm của người công nhân.

Về ngoại giao, Trung Quốc có thể tạo các biến động làm xấu hình ảnh của Việt Nam. Họ sẽ sử dụng các hình ảnh người Trung Quốc về nước để biến mình thành “nạn nhân’, lôi kéo sự chú ý của quốc tế ra khỏi hành vi xâm lấn của họ. Họ sẽ tiếp tục sử dụng sự việc ở Bình Dương và Hà Tĩnh để làm giảm uy tín của môi trường đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Nếu thành công trong chiến lược này, Trung Quốc có thể ngăn cản xu thế rút nguồn vốn ra khỏi Trung Quốc đồng thời làm suy yếu nền kinh tế Việt Nam hơn nữa.

Như vậy, hơn lúc nào hết Việt Nam cần có những quyết sách rõ ràng cho sự phát triển của mình và đối phó với những ngón đòn của Trung Quốc. Một lộ trình phát triển cần được thống nhất để nhân dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế ủng hộ công cuộc chính nghĩa của Việt Nam. Chính phủ cần tiếp tục duy trì hòa bình, đàm phán ngoại giao và kiên trì ngăn cản Trung Quốc đặt và vận hành giàn khoan. Các doanh nghiệp cần chủ động phân tích rủi ro và tìm nguồn nguyên liệu và thị trường thay thế. Chúng ta cần đoàn kết, đồng lòng để gìn giữ hòa bình, cải thiện môi trường và hình ảnh của Việt Nam. Hơn nữa, hãy coi đây như cơ hội để chúng ta cân bằng lại quan hệ với Trung Quốc trên tất cả các mặt trận, để Việt Nam có thế và lực thực sự trên trường quốc tế và phát triển bền vững.
(Diễn ngôn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét