Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Thực chất động thái dịch chuyển giàn khoan của Trung Quốc

Thực chất động thái dịch chuyển giàn khoan của Trung Quốc
(PLO) – Theo phân tích của nhiều chuyên gia, việc dịch chuyển giàn khoan cùng tuyên bố bắt đầu giai đoạn khoan thử nghiệm thứ hai cho thấy ý đồ lâu dài của Trung Quốc. Báo chí Trung Quốc không giấu diếm thông tin Cục hải sự nước này thông báo rằng Hải Dương 981 đã hoàn thành nhiệm vụ giai đoạn một. Từ ngày 27-5, giàn khoan trái phép sẽ bắt đầu khoan thăm dò giai đoạn hai. Vị trí thứ hai của giàn khoan cách vị trí đầu 23 hải lý.
Những kỹ thuật viên của giàn khoan Hải Dương 981 vẫn tiếp tục việc khoan thăm dò trái phép của họ khi được sự bảo vệ của hơn 100 tàu Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Một số chuyên gia nhìn sự việc này dưới con mắt của nhà kỹ thuật. Trong đó có ông Hoàng Bá Cường, giám đốc Công ty điều hành thăm dò khai thác dầu khí trong nước và ông Lê Trí Thành, giám đốc Công ty TNHH một thành viên dịch vụ và khảo sát công trình ngầm PTSC. Hai đại diện này cùng thống nhất quan điểm đây là hoạt động kỹ thuật thông thường khi vị trí khoan ban đầu chưa phù hợp. "Nếu vị trí ban đầu đáy biển chưa phù hợp hoặc có dấu hiệu của khí nông thì họ không dám làm, không thể đặt được thiết bị đầu giếng", ông Cường thông tin với báo Tuổi Trẻ.

Tuy nhiên Giáo sư Hà Hoàng Hợp, Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, nhìn nhận sự việc theo một góc độ khác. Ông dự đoán vì tháng 8 là thời điểm mưa bão lớn trên biển Đông, việc duy trì giàn khoan lớn là rất khó khăn cho Trung Quốc. Do đó, ông lo ngại rằng tháng 8, khi rút giàn khoan Hải Dương 981 đi, Trung Quốc sẽ đặt giàn khoan nhỏ hơn thay thế. Bản chất việc làm này là nhằm khẳng định chủ quyền một cách trái phép. Về mặt kỹ thuật hay quân sự, đây là động thái để Trung Quốc thiết lập hạ tầng cơ sở cho vùng phòng không trên Biển Đông.

Mặc dù thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, tại khu vực giàn khoan trái phép này, trữ lượng dầu khí không nhiều, chính Trung Quốc đang úp mở về trữ lượng không ngờ của một loại tài nguyên quý hiếm khác, đó là băng cháy. Đây được xem là nguồn năng lượng tương lai của nhân loại. Liệu có thể đây mới là mục đích cuối cùng của Hải Dương 981 hay không?

Là một người nhiều năm nghiên cứu vấn đề biên giới, biển đảo, trao đổi với Dân Trí, TS.Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, chỉ ra rằng Trung Quốc đã tính toán, thăm dò khá lâu trên vùng biển của nước ta và họ đưa ra nhiều kết luận khác các nước khác. Vì sao Trung Quốc vẫn cố ý bỏ ngoài tai tất cả những chỉ trích của thế giới để tiếp tục hành vi vi phạp pháp luật quốc tế nghiêm trọng trên biển Đông? Mục đích cuối cùng của họ chỉ là để đặt được giàn khoan trong khu vực này, nhằm tiến hành công việc lâu dài tại đây.


Giàn khoan Hải Dương 981 còn có một bãi đáp trực thăng. Ảnh: Xinhua

Cụ thể là Trung Quốc đang hiện thực hóa yêu sách đường lưỡi bò, chiếm toàn bộ 90% diện tích trên biển Đông. Để đạt được điều đó, họ đang sử dụng mọi lực lượng và phương tiện để khống chế không gian, mặt biển nhằm mục đích cốt lõi là khống chế hoạt động giao thương kinh tế, hàng hải trên tuyến đường huyết mạch của biển Đông, từ đó thu về những nguồn lợi khổng lồ.

Mỗi ngày Trung Quốc bỏ ra 10 triệu USD cho giàn khoan đang hạ đặt trái phép và cho các phương tiện tham gia bảo vệ. Trong tình thế hiện nay, chỉ có hấp lực từ nguồn lợi kinh tế biển to lớn mới khiến một nước lớn như Trung Quốc phải tung ra chiêu bài đắt giá như vậy.

Thực tế “Trung Quốc gây hấn không chỉ vì mục đích chính trị mà quan trọng hơn là lợi ích kinh tế, lợi ích kinh tế sẽ chi phối hoạt động chính trị và quân sự trong khu vực này, và đó thực chất là cuộc chiến tranh “mềm”, TS. Trần Công Trục nhấn mạnh.


Bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc gần như bao trọn diện tích biển Đông

Phương Dung (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét