Đừng dại nghi ngờ nhà khoa học xứ ta
Đừng bao giờ dại dột nghi ngờ thành quả lao động của các nhà khoa học ở ta hiện nay, bởi bạn sẽ phải im lặng trước hàng chồng bằng khen lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, sáng tạo khoa học...Xin được giải thích ngay, tháp ngà ở đây là cách nói ẩn dụ, ngầm chỉ các viện nghiên cứu khoa học hàn lâm. Đã từng có thời kì, lối ẩn dụ này phổ biến ở nhiều nước bao gồm cả các nước phương Tây. Trong trí tưởng tượng của không ít người, đây là nơi làm việc của những nhà khoa học uyên bác, thông làu Đông- Tây, Kim-Cổ. Vì thế, họ thường là những người cao tuổi, thâm trầm, cả ngày miệt mài bên những chồng sách cũ kĩ, nhìn thế giới qua gọng kính cận dày cộp, nặng nề trên khuôn mặt nhàu nhĩ, khắc khổ, bị che bởi lưa thưa đâu đó vài sợi tóc bạc còn sót lại.
Họ thường là những kẻ "khác người", "kì dị" từ cách ăn mặc đến hành vi. Ngôn ngữ họ nói như đến từ hành tinh khác và thế giới thực tại dường như là quá xa lạ. Họ đã từng là cảm hứng cho không ít đạo diễn điện ảnh trong việc xây dựng nên những nam nhân vật "sợ" phụ nữ, "ngại" kết hôn, đầu tóc rối bù, quần áo luộm thuộm, đêm ngày trong phòng thí nghiệm với thực đơn chung thân là bánh mì hay mì tôm. Họ dường như đến từ thế giới khác, công việc của họ dường như kì bí và kết quả nghiên cứu thì người thường không bao giờ có thể hiểu được.
... nay
Những "phẩm chất" trên không hẳn là mô tả chính xác về các nhà khoa học trước đây. Nó có thể là kết quả của sự định kiến, việc khái quát hóa qua một vài trường hợp cá biệt. Không biết trong lòng công chúng, những định kiến ấy có còn không và còn ở mức độ nào, chỉ biết rằng, qua trải nghiệm thực tế của tác giả bài viết ở một trung tâm khoa học đầu não của cả nước, thì dường như đã có một sự thay đổi lớn.
Các viện nghiên cứu ở đây không còn là những "tháp ngà" âm u, rêu phong tường rủ. Hầu hết trụ sở các cơ quan mà tôi được biết đều nằm ở vị trí đắc địa, nơi hẳn nhiều doanh nghiệp thèm thuồng, nơi các nhà đầu tư bất động sản định danh là "đất vàng". Đó đã bắt đầu là những tòa nhà cao tầng mang dáng vẻ của khách sạn 3 sao và nếu bước vào trong, bạn sẽ thấy một thế giới hiện đại chả kém là bao so với dòng chảy đang tấp nập ở bên ngoài. Cũng điều hòa mát đến tận từng ngóc ngách, cũng máy lau giày sành điệu bên những chiếc thang máy hàng hiệu. Máy tính bàn được trang bị cho từng nhà khoa học với đủ cả máy in, điện thoại, máy fax còn wifi thì phủ sóng ngang cùng ngõ hèm, nét căng.
Phần lớn các nhà khoa học mà tôi biết hiện nay còn trẻ, thậm chí là rất trẻ. Hầu như chưa ai có tóc bạc. Họ không hề lập dị, cổ quái, mà đời, rất đời là khác. Bạn sẽ không có cơ hội phê phán trang phục của họ vì chúng chẳng bao giờ nhàu nhĩ, u ám. Bạn sẽ thấy cả một thế giới thời trang với nhiều trường phái khi nhìn vào cách họ ăn mặc. Không hề cắp ô đi làm mà trái lại họ cắp laptop, cắp iphone, ipad. Đố bạn tìm thấy bóng dáng chiếc xe đạp cà tàng nào trong bãi gửi xe nơi mà những con "giấc mơ" ngày xưa giờ phải tủi phận nằm im bên bao nàng tay ga thời thượng.
Đố bạn tìm thấy ai trong họ chưa có bằng đại học. Tiến sĩ, thạc sĩ là lẽ tất nhiên và bạn đừng có sửng sốt khi được giới thiệu với một tiến sĩ nào đó, người mà phải vài mùa xuân nữa mới tròn...30 tuổi. Nếu có lòng tự trọng cao, hẳn bạn sẽ xấu hổ khi nhìn vào hồ sơ của họ. Một cơ man là bằng, là chứng chỉ, là bằng khen, là danh hiệu. Quên tiếng Anh đi bởi ngay cả các chị lao công cơ quan họ cũng sẵn sàng "hello", "thank you, how are you" với bạn và tin học ư, bạn đã bao giờ ngồi kiên trì "chém gió", "chơi game", "lướt báo", "shopping" trên mạng được 8 tiếng một ngày, 5 ngày một tuần trong liền tù tì hàng chục năm không? Đừng bao giờ dại dột nghi ngờ thành quả lao động khoa học của họ bởi bạn sẽ phải im lặng trước hàng chồng bằng khen lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, sáng tạo khoa học...
Và những con số biết nói...
Việt Nam hiện nay có xấp xỉ 9.000 giáo sư và phó giáo sư, 24.000 tiến sĩ và hơn 100.000 thạc sĩ. Con số này không ngừng gia tăng bởi chúng ta đã, đang và chắc chắn còn có thêm nhiều dự án, chương trình đạo tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Theo thống kê Viện thông tin khoa học (ISI), từ năm 1996 đến 2011, cả nước có 13.172 ấn phẩm khoa học công bố trên các tập san quốc tế có bình duyệt. Điều đó có nghĩa mỗi năm chúng ta có khoảng 880 công trình xuất bản quốc tế và bình quân phải mất vài chục năm, mỗi tiến sĩ của ta mới sản xuất được một bài báo cho quốc tế.
Những con số thường khô cứng lắm, tương đối lắm, dễ gây tranh luận và phân trần. Vì thế, để hiểu thêm cần so sánh chúng với những con số khác. Cũng nguồn thống kê trên, trong cùng khoảng thời gian ấy, số ấn phẩm khoa học của cả nước chưa bằng 1/5 số công bố của trường ĐH Tokyo (69,806 ấn phẩm) và một nửa của trường ĐH quốc gia Singapore (28,070 ấn phẩm). Nếu ai đó bảo rằng thật bất công khi so sánh một nước nghèo như Việt Nam với các nước giàu có như Nhật Bản và Singapore, thì xin hãy nhìn sang các nước láng giềng. Số công trình xuất bản của hơn 24.000 tiến sĩ của chúng ta chỉ bằng khoảng 1/5 của Thái Lan (69.637), 1/5 của Malaysia (75.530), và 1/10 của Singapore (126.881). Trong khi đó, dân số Việt Nam gấp 17 lần Singapore, 3 lần Malaysia và gần gấp rưỡi Thái lan.
Nếu những con số kia vẫn chưa gợi lên cho bạn điều gì, xin kể thêm một câu chuyện có thật. Khoảng giữa năm 1998, tập san khoa học số 1 trên thế giới Science có một loạt bài điểm qua tình hình khoa học ở các nước châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á. Trong loạt bài này, ngạc nhiên thay (hay không đáng ngạc nhiên thay),không có đến một chữ nào nói về khoa học ở Việt Nam. Thậm chí, hai chữ "Việt Nam" cũng không được nhắc đến.
Năm 2002, Chính phủ phê duyệt "Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020" với mục tiêu đến 2010, phải đáp ứng 40% -50% nhu cầu cơ khí cả nước, xuất khẩu đạt 30% giá trị sản lượng. Tuy nhiên, phần lớn các mục tiêu đề ra đều không đạt được. Thậm chí, có ngành còn tụt hậu hơn thời bao cấp. Về cơ bản, chúng ta xuất khẩu cho thế giới nguyên liệu thô, những mặt hàng đòi hỏi cơ bắp trong khi nhập về các sản phẩm mang hàm lượng chất xám cao.
Những con số trên không biết có đủ cho ta đưa ra liên tưởng gì đó về sự đóng góp của khoa học cho sự phát triển của nước nhà? Câu hỏi này có lẽ xin được gửi cho các nhà khoa học (trong đó có tôi) để tiếp tục tranh luận, trao đổi.
Nguyễn Công Thảo
Ý kiến bạn đọc (35)
Lê Ngô Trinh19 giờ trước
Ôi! Thật hài hước với các nhà khoa học xứ ta, nhất là các nhà khoa học xã hội nhân văn.
Tang Cong Son19 giờ trước
bài viết quá hay, quá đúng thực tế hiện nay, các bác thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư giấy nên về quê làm ruộng để cho các bác nông dân lên ngồi phòng lạnh thay là vừa, các bác nông dân còn nhiều công trình khoa học có chất xám hơn và dám nghĩ, dám làm hơn nhiều !
tung19 giờ trước
Nói đi thì phải nói lại, các nhà khoa học cũng bị trói trong cơ chế xin cho, xin được tiền thì làm đề tài, đề tài có hữu dụng đến mấy cũng khó có kinh phí để thực hiện thương mại hóa, hiện tại không có cơ chế để sử dụng chất xám, mà nhà nước chỉ nuôi cho CÓ. Nếu không đổi mới chính sách hiện nay cứ để các viện nghiên cứu ăn lương bao cấp, tách biệt hoàn toàn với nền sản xuất trong nước thì nền khoa học công nghệ sẽ vẫn như hiện nay cho dù có đầu tư bao nhiêu đi nữa.
Đỗ Quốc Minh19 giờ trước
Thử tìm hiểu và công bố những "công trình khoa học"của những NHÀ ít học(những công trình như chế tạo máy bay,tầu ngầm,các loãi máy nông cụ,những thần đèn...) xem,biết đâu xứ ta lại ăn đứt họ???.
Nguyễn Xuân Tịnh18 giờ trước
Nếu kê thêm số liệu so sánh về số lượng TS,ThS giữa VN và các Nước ĐNA nữa thì sinh động biết bao...để chứng tỏ rằng phần lớn các nhà khoa học của ta chỉ là hư hảo, là những tiến sĩ giấy, thực lực của họ còn kém xa những nông dân, công nhân chân chất, ít học mà vẫn tạo ra những sáng kiến, cải tiến, sáng chế khoa học ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống.
Nguyễn Công Thảo19 giờ trước
Cảm ơn các nhận xét. Bá Thịnh đưa ra một câu hỏi rất hay đó là tìm ra nguyên nhân để qua đó kê thuốc. Mời cả nhà cùng góp ý nhé.
Nguyễn Xuân Tịnh18 giờ trước
Nếu kê thêm số liệu so sánh về số lượng TS,ThS giữa VN và các Nước ĐNA nữa thì sinh động biết bao...để chứng tỏ rằng phần lớn các nhà khoa học của ta chỉ là hư hảo, là những tiến sĩ giấy, thực lực của họ còn kém xa những nông dân, công nhân chân chất, ít học mà vẫn tạo ra những sáng kiến, cải tiến, sáng chế khoa học ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống.
Nguyễn Văn Pha18 giờ trước
Dân VN thuộc diện thông minh, sáng tạo nhưng không hiểu tại sao với đội ngũ giáo sư, tiến sĩ như vậy mà lại đóng góp quá khiêm tốn vào sự phát triển khoa học của đất nước. VN đã xuất hiện nhiều nhà khoa học mang tầm cỡ thế giới như Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng vv nhưng hiện nay có bao nhiều nhà khoa học đạt chuẩn như vậy. Để nền khoa học nước nhà phát triển nhanh và bền vững tôi kiến nghị: 1- Nhà nước cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ tự do nghiên cứu, sáng tạo đặc biệt là sự sáng tạo của cá nhân vì từ trước đến nay các phát minh sáng chế có giá trị trên thế giới phần lớn thuộc về cá nhân, không thuộc về trí tuệ tập thể. 2- Cần tuyển chọn và gửi những người có khả năng nghiên cứu sáng tạo xuất sắc sang học tập, nghiên cứu ở các nước có nền khoa học phát triển. Tránh đưa những người trình độ làng nhàng nhưng thuộc diện con ông cháu cha. 3- Nhân tài đích thực là vốn rất quí của mỗi quốc gia, đất nước thịnh vượng một phần nhờ vào họ,nhà nước cần có đãi ngộ xứng đáng
Lê Hường18 giờ trước
Bài viết của anh thật hay, phản ánh những con số cho thấy thực tế thực lực chưa xứng với học vị mà họ đang có. Nhưng cũng phải nói rằng, VN là một nước có không ít học sinh giỏi đã đoạt giải quốc tế với các môn Toán, hóa,.. nhưng chỉ học mà không hành thì rất phí. Đó là kiểu đào tạo nửa vời. Còn những đối tượng thật giỏi khi ra trường có bao nhiêu phần trăm tự giác ở lại cống hiến cho sự nghiệp nước nhà hay lại cao chạy xa bay ở phương trời nước khác???
Nha Lien18 giờ trước
Tác Giả hằn học quá, ít nhất cũng cho cụm từ “Nhà khoa học” vào trong ngoặc kép để chỉ những Nhà khoa học rởm, ít nhất để cho những Nhà khoa học chân chính khỏi tủi thân. Mặt khác, việc hình thức/điều kiện của những người nghiên cứu cũng chả liên quan đến kiến thức/trình độ của người ta. Có cần thiết phải phân tích kiểu đó không?
nguyen ba18 giờ trước
bài viết thật hay1 đây là trách nhiệm hàng đầu đối với người quản lý nhà nước, sau đó là đến những người có tri thức, có tâm với đất nước cần phải thay đổi mạnh dạn thay đổi không thì tự chúng ta sẽ tiêu tan....
lifecare15 giờ trước
Thế ra nước ta cũng có các nhà khoa học cơ đấy. Nhà cháu tưởng chỉ có mấy anh hai lúa ở trong nam ông công nhân ở Thái Bình mấy lại anh thợ sửa xe máy ở Hà nội thôi chứ, thế mà cũng có người xưng danh là NHÀ KHOA HỌC.
Lê Minh Hải14 giờ trước
Hàng năm chúng ta đều trao các giải thưởng khoa học như Nhân tài đất Việt; Giải thưởng trí tuệ Việt. Có người từng nói tài năng chúng ta ngang bằng các nước ở khu vực. Và chúng ta có rừng vàng biển bạc; Và chương trình giáo dục ta nặng ...
Black13 giờ trước
Việt Nam có mọi điều trên thế giới và chúng nằm trên giấy.. Làm khoa học hay nghệ thuật đều có 1 điểm chung là phải coi trọng cá tính riêng của cá nhân, cái mà ở ta người ta coi nhẹ hơn sự vâng lời. Đó là lí do tại sao người Việt luôn nổi bật khi ở các nước tiên tiến khác hoặc ở các lĩnh vực chưa bị kiểm soát.
Khoa12 giờ trước
Đừng lên án những người đam mê nghiên cứu khoa học. Vì đam mê, vì lòng tự trọng, vì nếu cơ chế này xin được đề tài về đau đầu lắm. Phải làm vừa lòng: Viện trưởng, 3-4 viện phó, 1 trưởng và 1 phó phòng kế toán, ít nhất 2 ...
habeck18 giờ trước
Nên thực hiện những lời khuyên của mình đối với người khác trước đã; Bảo người khác đừng dại dột trong khi cả bài báo này thể hiện người viết là dại dột.
Châu Tuấn17 giờ trước
Đừng vội đổ hết lỗi cho các nhà khoa học Việt Nam. Tôi lại cho rằng, muốn tìm câu trả lời về nguyên nhân tình trạng bài báo này nêu, cần phải đặt trong "phạm trù Khoa học - Chính trị" (có lẽ đây mới là tính đặc thù của VN).
Nguyễn mạnh Huân04:12 Thứ tư
Những con số biết nói , điều đó là sự thật nhưng cũng đừng vội trách các nhà khoa học , họ cũng muốn cống hiến , muốn có công trình khoa học lắm chứ nhưng tại sao lại có những con số ngược như vậy ? theo tôi lỗi chính là từ cơ chế xin cho , cào bằng mới nên nông nỗi này - Chúng ta cứ hay cải tiến này nọ , những mong khả dĩ khá hơn , nhưng sao cứ phải lao tâm khổ tứ tốn tiền tốn công sức của dân để cải tiến vậy . Cứ học ngay cách quản lý của các nước tiên tiến mà áp dụng , có thể thay đổi chút ít cho phù hợp với VN . Tôi tin là các con số trên sẽ được đảo ngược lại . Tôi chỉ là một Công nhân bình thường đã về hưu , tầm nhìn có hạn , nhưng với cảm nhận của tôi , cứ mạnh dạn có ý kiến như vậy .
Pham Duy22 giờ trước
Bài viết thật sâu sắc! Cám ơn tác giả đã cho chúng ta "những điều trông thấy mà đau đớn lòng!"
vũ thảo21 giờ trước
bài viết hài hước, đọc rất thú vị vì nó nói đúng thực trạng của nền khoa học Việt Nam hiện nay. Cám ơn tác giả
Vũ Văn Phái21 giờ trước
Tôi đồng ý với nhận xét của tác giả bài báo. tất cả điều đó cũng chỉ vì bệnh THÀNH TÍCH để mong nhanh chóng được làm LÃNH ĐẠO, để HƯỞNG LỢI. Đây cũng lại là lỗi hệ thống. Mong rằng, trong tình hình hiện nay, các nhà khoa học TRẺ làm thế nào đó để xứng đáng với các chiến sỹ đang ngày đêm giữ vững chủ quyền thiêng liêng bờ cõi của nhiều thế hệ ông cha để lại. Hãy làm khoa học như cố GS Đặng Văn Ngữ, hay Tác giả của Tàu ngầm Trường Sa 01, v.v.v
HMD20 giờ trước
Bài báo rất hay! Nhưng xin đừng bình luận nhiều về nền khoa học của Việt Nam. Vì ở Việt Nam, phần lớn (lớn hơn 9/10) nhà khoa học là học và làm việc để có được bằng Giáo sư, Tiến sĩ, v.v.. để được ngang hàng hoặc vượt trội với anh chị em, chứ không phải học và nghiên cứu lấy bằng giáo sư, tiến sĩ để nghiên cứu và làm việc, v.v.. Vì đối với họ, những gì thế giới đã làm được rồi thì cần gì đến họ phải làm nữa, vì họ làm thì ai xài những gì thế giới làm ra và làm việc riêng của họ, v.v.. vì vậy tôi tha thiết tác giả đừng lên án họ nhiều mà tội nghiệp cho những người đã nuôi họ ăn học được như vậy. Đồng thời tôi thấy họ cũng có công tác động xuôi chiều đối với các nhà lãnh đạo của chúng ta luôn thuận buồn xuôi gió trên đường công danh đấy chứ!
Đức Quang20 giờ trước
Nhiều nhà khoa học của ta ngày nay không được đào tạo đến nơi đến chốn,bằng thật nhưng kiến thức dổm,bằng dổm,bằng giả đầy rẫy.Nhiều nhà khoa học cũng chỉ lo "cơm áo"cho gia đình còn đâu tâm trí mà nghiên với cứu.Nhiều người "chạy" cho được cái bằng,cái chức danh khoa học để đánh bóng tên tuổi của mình.Đặc biệt chính sách của nhà nước mình đối với các nhà khoa học còn quá khiêm tốn.
ngoctoan20 giờ trước
buồn cho đất nước. người ta học Th.S hay TS thì vừa làm vừa ng/c. còn việt nam chủ yếu học về lên chức, đã vậy học còn lót tay cho thầy cô nữa chứ. tội và vạ lây những người học và đam me ng/c chân chính. ôi việt nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét