Tình hình Biển Đông: Mỹ, Nhật đều ủng hộ Việt Nam
Mỹ, Nhật Bản đều liên tiếng cho rằng Trung Quốc đang cố tình gây căng thẳng ở Biển Đông, yêu cầu nên chấm dứt hành động này. Mỹ khẳng định chỉ có Trung Quốc là bên khiêu khích trong căng thẳng hiện nay ở Biển Đông.
Tàu sắt của Trung Quốc tiến ra khiêu khích tàu cảnh sát biển Việt Nam
Mỹ: Trung Quốc là bên khiêu khích gây căng thẳng ở Biển ĐôngNgày 27/5, trong cuộc họp báo thường ngày tại Bộ Ngoại giao Mỹ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao bà Jen Psaki cho biết Mỹ chưa có đủ thông tin để xác nhận việc một tàu cá của Việt Nam bị tàu cá Trung Quốc đâm chìm ở khu vực biển tranh chấp nhưng khẳng định chỉ có Trung Quốc là bên khiêu khích trong căng thẳng hiện nay ở Biển Đông.
Bà Psaki nêu quan điểm của Bộ Ngoại giao Mỹ: “Chúng tôi không có nguồn thông tin độc lập liên quan tới vụ việc này và sẽ tìm kiếm thông tin bổ sung. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục quan ngại về cách hành xử của tàu thuyền Trung Quốc hoạt động trong khu vực.
Chúng tôi tiếp tục kêu gọi các bên cùng kiềm chế, giảm căng thẳng, giải quyết vấn đề một cách an toàn và có trách nhiệm.”
Bên cạnh đó, trước câu hỏi liệu các hành động của Việt Nam ở Biển Đông có phải là khiêu khích hay không, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định rằng chỉ có các hành động của Trung Quốc là mang tính khiêu khích.
Phóng viên quốc tế chứng kiến hành động phi pháp của Trung Quốc
Mặt khác, trên các tàu cảnh sát biển đang thực hiện hoạt động chấp pháp tại vùng biển Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) trái phép, nhiều nhà báo quốc tế đã có mặt để làm nhiệm vụ của mình.
Trưởng văn phòng đại diện của Thời báo Asahi Shimbun tại Việt Nam, anh Manabu Sasaky cho hay: “Hành động lần này của Trung Quốc đã làm dấy lên rất nhiều quan ngại trong cả cộng đồng quốc tế nói chung.Việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam theo tôi là rất nguy hiểm".
Sasaky cho biết thêm: “Người dân Nhật Bản cũng giống người dân Việt Nam đều mong muốn một nền hòa bình ổn định và lâu dài. Hành động của Trung Quốc đã gây nên tình trạng căng thẳng trên biển. Vì vậy, theo tôi, phía Trung Quốc nên rút giàn khoan về và ngồi xuống đối thoại với các bên trên tinh thần tôn trọng và với thiện chí hòa bình.”
Giống Sasaky, đây cũng là lần đầu tiên Enas McKirdy, phóng viên đài CNN tới Hoàng Sa để làm tường trình. Anh cho hay: “Chính Phủ Việt Nam đã chứng minh được lập trường rõ ràng của mình với Trung Quốc nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung là giải quyết bằng phương pháp hòa bình”.
Nhật Bản ủng hộ Việt Nam, cứng rắn với Trung Quốc
Trong một diễn biến khác, trả lời phỏng vấn báo Mỹ Wall Street Journal ngày 27/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bày tỏ hy vọng đẩy nhanh tiến trình trợ giúp hàng hải cho Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc gây hấn ở biển Đông.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc gặp tại Tokyo hôm 22/5
|
Theo Wall Street Journal, Thủ tướng Abe coi hành động Bắc Kinh đơn phương kéo giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam gây căng thẳng trong khu vực. “Chúng tôi sẽ không bao giờ dung thứ cho mưu toan thay đổi hiện trạng”, ông Abe tuyên bố.
Kyodo dẫn nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết, dự kiến, Ngoại trưởng Fumio Kishida thăm Việt Nam trong tháng 6 nhằm thúc đẩy hợp tác trong việc bảo đảm an ninh hàng hải trong vùng biển Hoa Đông và biển Đông, tăng tốc độ tham vấn về việc Nhật Bản cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam.
Việc Nhật Bản tiếp tục lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam khiến Trung Quốc chỉ trích Nhật Bản một cách gay gắt. Trong buổi họp báo thường kỳ, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cảnh cáo Nhật Bản “không nên xen vào cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á tại khu vực biển Đông”.
Trung Quốc cho rằng, các tuyên bố của Nhật Bản phản đối hành vi của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là “không phù hợp với thực tế và lẫn lộn giữa các sự kiện”, rồi vu cho Nhật Bản rằng “xuất phát từ động cơ chính trị muốn can thiệp vào tình hình biển Đông”.
Chiều 27/5, T.Ư Hội Nghề cá Việt Nam lên tiếng phản đối tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam, đồng thời yêu cầu phía Trung Quốc bồi thường thiệt hại cho ngư dân.
Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, hành động đâm chìm tàu cá của ngư dân là sai trái, ngang ngược, vô nhân đạo của phía Trung Quốc. Hội này yêu cầu Trung Quốc không tái phạm hành động trên, gây cản trở ngư dân Việt Nam hoạt động đánh bắt hải sản trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trước đó, chiều 26/5, tàu cá ĐNa 90152 (Đà Nẵng) bị tàu vỏ sắt giả danh tàu cá số 11290 truy đuổi, đâm chìm khi đang khai thác trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Dù không ai thương vong, nhưng toàn bộ con tàu trị giá 5 tỷ đồng đã bị đắm.
Thái Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét