Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Chuẩn bị đề án ứng phó kinh tế nếu có biến động

Đọc tin này lại nhớ hồi năm 1976-1978, sau sự kiện Polpot xâm lược lãnh thổ phía Tây Nam và người Hoa bỏ về Trung Quốc, Trung Quốc đã cắt viện trợ, rút chuyên gia, dừng tất cả các dự án hợp tác với VN. Rất may là Liên Xô đã lập tức có biện pháp giúp đỡ. Bây giờ doanh nghiệp TQ đang đầu tư khắp nơi, thắng thầu khắp nơi, hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng của VN đều phụ thuộc rất lớn vào TQ; nếu TQ gây ra biến động lớn, nền kinh tế nước ta sẽ vô cùng khó khăn. Đọc nhận xét của Phó TT Vũ Văn Ninh hơi buồn. Ông cho hay "quan hệ VN- TQ là cả đôi bên cùng có lợi". Chắc đa phần người có thông tin đều hiểu quan hệ bất bình đằng này chủ yếu làm lợi cho TQ.
Chuẩn bị đề án ứng phó kinh tế nếu có biến động
Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT làm đầu mối chuẩn bị đề án của Chính phủ về ứng phó kinh tế nếu có biến động bởi vụ việc giàn khoan mà TQ hạ đặt trong vùng biển chủ quyền của VN.
Ảnh: VGP
Chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ đưa ra trong phiên họp thường kỳ Chính phủ chiều 29/5. Sau khi đánh giá kỹ lưỡng những tác động của vụ việc giàn khoan, Thủ tướng cho rằng việc chuẩn bị một đề án như vậy là cần thiết để tránh bị động, đồng thời nhấn mạnh với tiến trình hội nhập đã sâu của nền kinh tế thì các phương án đa dạng luôn sẵn sàng, quan trọng nhất là phải chủ động.

Thủ tướng cho hay, VN và TQ đều là thành viên WTO và các hiệp định hợp tác kinh tế khu vực, là hai nước láng giềng có nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt TQ là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nên hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch Việt- Trung hoàn toàn tự nhiên trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi.

VN chủ trương tăng cường hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với TQ, đồng thời phải tái cơ cấu nền kinh tế, mở rộng thị trường, đàm phán và tham gia nhiều khuôn khổ hợp tác mới, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn trên thế giới. Thủ tướng nhấn mạnh việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường, tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với tất cả các đối tác trên thế giới để giảm rủi ro, lệ thuộc của VN vào một thị trường nhất định.

Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh đồng tình cho rằng, phải tiếp tục tìm kiếm thị trường, chủ động mở thị trường khi các thị trường truyền thống biến động.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho hay, vị thế, tiềm lực kinh tế của VN đã khác xưa nên VN có thể tự tin hơn. Quan hệ VN- TQ là cả đôi bên cùng có lợi. Nhưng đây cũng là cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế, bớt phụ thuộc vào TQ, mở rộng thị trường trong nước, nhất là những mặt hàng mà VN hoàn toàn có năng lực sản xuất, tìm cách bù đắp thị trường lao động...

Giao thương với TQ vẫn bình thường

Các thành viên Chính phủ nhất trí song song với đấu tranh chủ quyền, buộc TQ rút giàn khoan thì vẫn duy trì quan hệ bình thường với TQ trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại - đầu tư. Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho hay qua kiểm tra các địa phương giáp biên giới TQ, hoạt động giao thương chưa có dấu hiệu diễn biến đáng quan tâm.

Các dự án nhiệt điện có TQ tham gia trong vai trò nhà đầu tư hay tổng thầu EPC chưa có biến động lớn. Hay mới đây nhất, nhà máy gang thép công suất 500 ngàn tấn ở Lào Cai với 49% vốn của nhà đầu tư TQ vừa sản xuất thử một mẻ gang thành công. "Các dự án điện mà TQ tham gia với tư cách nhà đầu tư hay tổng thầu vẫn diễn ra bình thường" - ông Hoàng cho hay.

Các dự án phân bón, hóa chất, luyện kim với TQ đến nay vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, ông lưu ý nguyên vật liệu, dệt may, da giày nhập từ TQ ngoài tỷ trọng nội địa hóa thì còn khoảng 38% vẫn nhập từ TQ. Trường hợp nếu TQ có động thái làm gián đoạn thì VN hoàn toàn vẫn có thể nhập khẩu qua đối tác thứ 3. Theo Bộ trưởng Huy Hoàng, việc này có thể tính toán.

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho hay, nhiều du khách TQ vẫn muốn vào VN nên Bộ chỉ đạo Tổng công ty hàng không VN không phân biệt đối xử, đảm bảo an toàn cho mọi hành khách TQ có nhu cầu đến VN.

Theo Bộ KH&ĐT, TQ đã đầu tư tại 55/63 địa phương của VN. Dù sự việc đáng tiếc xảy ra vừa qua có những tác động nhất định, nhưng Bộ dự báo sẽ không tác động quá nhiều đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa VN và TQ. Dự kiến kim ngạch cả năm có thể vẫn như năm 2013 với VN xuất khẩu khoảng 12-13 tỷ USD, nhập khẩu 36-37 tỷ USD. Các mặt hàng chủ yếu liên quan đến thị trường TQ có thể vẫn duy trì dược như năm 2013, do hầu hết hợp đồng sản xuất và cung ứng giữa DN VN và TQ đã được xác lập.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục theo đuổi đấu tranh bằng con đường chính trị, ngoại giao, kiên quyết yêu cầu TQ phải rút giàn khoan 981 ra khỏi vùng biển chủ quyền của VN.

Theo Thủ tướng, cho đến nay, VN đã có hơn 30 cuộc giao thiệp với các cấp của TQ để phản đối và yêu cầu TQ đáp ứng yêu cầu chính đáng của VN. Tuy nhiên, TQ không những không đáp ứng mà còn vu khống, đổ lỗi cho VN và tiếp tục dùng sức mạnh, gia tăng các hành động uy hiếp, xâm phạm ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng hơn.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh VN vẫn sẽ tiếp tục kiên cường duy trì các lực lượng thực thi pháp luật trên thực địa để bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển đảo của VN. Bên cạnh đó, lãnh đạo VN sẽ cân nhắc và quyết định việc sử dụng các biện pháp pháp lý theo luật pháp quốc tế nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.

VN sẽ đẩy mạnh trên các kênh thông tin đối ngoại ở các thứ tiếng như Anh, Pháp, Hoa để tiếp cận được dư luận nhân dân TQ hiểu rõ sự chính đáng của nhân dân VN cũng như việc làm sai trái của chính quyền TQ.

Xuân Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét