Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Sự tàn nhẫn của im lặng

Vừa lưu bài "Ngày tàn của trí thức", đọc bài dưới đây mình lại nhớ ai đó nói chỉ giới trí thức mới có đủ hiểu biết, có tầm nhìn xa trông rộng để vạch hướng phát triển xã hội, căn cứ theo đó giới chính trị tổ chức thực hiện. Nhưng ở Việt Nam, từ khi đi học đã được nhà trường dạy dỗ: Trí thức thuộc tầng lớp tiểu tư sản, có kiến thức nhưng lập trường tư tưởng bấp bênh, hèn nhát, nay theo Đảng và Nhà nước, mai lại trở cờ theo địch; do đó không thể tuyệt đối tin tưởng mà giao trọng trách cho họ, kể cả trọng trách trong khoa học (chi bộ Đảng trong khoa học phải quán triệt tinh thần này; đề tài quan trọng, lắm tiền phải giao cho trí thức là đảng viên chức to thực hiện). Có nhà khoa học đã kể với thành phần bần cố nông như ông, nếu cứ làm nông dân, rồi theo con đường Mặt trận, Đoàn, Đảng thì chắc chắn sẽ có chức to, bổng lộc lớn. Nhưng ông đã lỡ đi học (học thật chứ không phải học giả như đám quan chức bây giờ), có bằng cấp cao, vô tình hay cố tình nói thẳng, nói thật; lập tức ông được coi là nhà trí thức tiểu tư sản và hậu quả thế nào thì ở trên đã viết. Cuối cùng nghèo (vì lương không đủ sống) và hèn (vì năng lực đấu tranh chính trị không có, chỉ biết nghiên cứu khoa học) nên ông im lặng, chấp nhận đối diện "sự tàn nhẫn của im lặng" để mong bình an đến cuối đời.
Sự tàn nhẫn của im lặng
Nguyễn Công Thảo: Tục ngữ Việt Nam có câu “im lặng là vàng”, “một điều nhịn, chín điều lành” hay “dĩ hòa vi quý”. Bản chất của những lời răn này là dạy con người ta tiết chế cảm xúc, biết hành xử vừa phải, đúng mực, đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng. Đáng tiếc thay, “một bộ phận không nhỏ” trong chúng ta đang vận dụng lời răn này một cách sai lệch. Đó là sự im lặng tuyệt đối trước sự thật, im lặng nhu nhược trước cái ác hay im lặng nhẫn nhục trước bất công. 
Phải chăng, ban đầu thói quen này xuất phát từ sự cả nể, tâm lí xuê xoa, ngại va chạm? Phải chăng, đâu đó không ít trong chúng ta quan niệm rằng “nói ra chẳng phải đầu cũng phải tai” trong khi “chẳng được lợi lộc gì”? Để rồi vì thế, lựa chọn im lặng được đưa ra để khỏi mất lòng ai, tránh mâu thuẫn, thù oán.

Phải chăng đó là biểu hiện của sự bất lực hay một tâm thế phản ứng tiêu cực với cái sai, nơi mà người ta lựa chọn im lặng thay vì hùa theo nó. Liệu ta có thể hài lòng khi lựa chọn im lặng trước khuyết điểm của đồng nghiệp và tự nhủ chỉ cần ta không tung hô họ đã là đủ. Liệu ta có thể thuyết phục được ta rằng chỉ bản thân sự im lặng của mình đã là thông điệp đủ mạnh để thay đổi cái sai và chỉ với chừng ấy ta cảm thấy không hổ thẹn với chính mình?

Phải chăng chúng ta không có niềm tin vào hiệu ứng từ sự lên tiếng của mình? Hay đã quen với việc tự nhủ “một cây làm chẳng lên non” dẫn đến lo sợ bị đánh giá là “ngựa non háu đá”? Có phải ai ai trong chúng ta cùng tự nhủ “mình nhường để người khác nói”, để rồi cứ im lặng chờ đợi trong…im lặng? Có lúc nào đó chúng ta tự biện hộ cho việc im lặng của bản thân mình như một sự “hy sinh thầm lặng” cho sự bình yên của chính bản thân và gia đình chúng ta?

Phải chăng đó chính là sự đầu hàng với chính bản thân mình, với cái sai, cái ác. Hay im lặng là sự hoài nghi của chúng ta vào chân lí, vào niềm tin cái thiện sẽ thắng cái ác, dù có phải trải qua một quá trình tranh đấu lâu dài? Hãy cứ dành thời gian lắng nghe câu chuyện từ những bàn nhậu, quán cà phê hay quán trà chanh “chém gió” bên vỉa hè, tôi tin chúng ta sẽ được nghe thôi thì cơ man là những bất công, bất bình, phản biện được người ta lôi ra với bạn hữu. Người ta hăng say, hằn học, hậm hực, day dứt, trì triết, mỉa mai một ai đó, một quyết định sai nào đó đã được đưa ra ở cơ quan mình dù cho khi quyết định ấy được đưa ra, họ hoàn toàn im lặng, họ giơ tay biểu quyết và thực tế, họ là một phần của quyết định đó.

Sự tàn nhẫn của im lặng là ở chỗ bên cạnh việc phó mặc cho cái sai tồn tại, nó tạo ra một hiệu ứng im lặng có tốc độ lan tỏa nhanh chóng trong cộng đồng. Để rồi đến một lúc nào đó, im lặng lại được coi là cách hành xử khôn ngoan, chuẩn mực. Và như thế, im lặng chính là sự tàn nhẫn với sự thật, với điều đúng, và với cả vận mệnh của chính bản thân, gia đình và thậm chí cả một dân tộc.

Đã đến lúc chúng ta cần phải đối diện với sự thật rằng, im lặng trước cái sai này chính là mầm mống nuôi dưỡng cho sự xuất hiện của những cái sai khác. Đã đến lúc chúng ta không thể trốn tránh được thực tế nghiệt ngã rằng im lặng có thể cho ta sự yên ổn tạm thời, nhưng dần dần nó sẽ xói mòi lương tâm, làm thui chột ý chí phản biện, tinh thần hướng thiện, sức mạnh đấu tranh cho cái đúng của không chỉ bản thân ta mà cả của những người quanh ta. Sự yên ổn ấy, đáng tiếc thay chắc chắn sẽ không kéo dài lâu. Nó sẽ mau chóng qua đi và trả lại cho ta những mất mát, tổn thương với cấp số nhân so với chút yên bình giả tạo.

Tác giả gửi Quê Choa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét