Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

Người Việt “tham - lười - ích kỷ” sập bẫy thu nhập trung bình?

(ĐSPL) - Làm sao để ở nơi đâu, mọi người đều hăng say làm việc và được hưởng thành quả do công sức của mình bỏ ra thì cả xã hội sẽ khấm khá lên và quốc gia sẽ thịnh vượng?
45 năm nữa VN mới thoát bẫy thu nhập trung bình
Bẫy thu nhập trung bình là tình trạng khi mà một quốc gia đã đạt đến một mức thu nhập bình quân nhất định (do những lợi thế sẵn có) sẽ giậm chân tại chỗ.

Hiện mức thu nhập trung bình của VN hiện xấp xỉ 2.000 USD/năm, vẫn trong ngưỡng thu nhập trung bình thấp. Ước tính giai đoạn 2011 - 2015, tăng trưởng GDP chỉ đạt khoảng 6%, thấp hơn 1,5 điểm phần trăm so với kế hoạch. Theo tính toán của GS-TS Trần Thọ Đạt (Đại học Kinh tế quốc dân), để nâng mức thu nhập VN hiện tại tăng gấp đôi là 4.000 USD/năm (ngưỡng khởi đầu của thu nhập trung bình cao) trong 10 năm tới, tốc độ tăng trưởng phải đạt 7,2%/năm với điều kiện phải kéo dài và bền vững, nếu không, nguy cơ rơi vào "bẫy" là rất cao.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), bẫy thu nhập trung bình xảy ra khi một nước bị mắc kẹt trong 42 năm không vượt qua được ngưỡng thu nhập bình quân đầu người cơ bản từ 4.000 - 6.000 USD/năm. Dự báo của OECD công bố vào trung tuần tháng 12.2013 cho thấy từ một nước có thu nhập trung bình hồi đầu thập niên 1990, Indonesia dự kiến phải đến năm 2042 mới trở thành một quốc gia có thu nhập cao, tức sẽ chậm hơn rất nhiều so với các nước như Malaysia dự kiến sẽ lọt vào nhóm nước thu nhập cao vào năm 2020, Trung Quốc vào năm 2026 và Thái Lan vào năm 2031. Song Indonesia cũng sớm hơn một số nước láng giềng châu Á khác, như Philippines (năm 2051), VN (2059) và Ấn Độ (năm 2059). Những nước như Brazil, Ấn Độ hay Nam Phi hiện vẫn đang loay hoay tìm lối thoát nhanh khỏi bẫy.

Khi nào nền kinh tế ổn định, công bằng?

Sáng 15/4, tại hội thảo “tránh bẫy thu nhập trung bình ở Việt Nam”, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh, để Việt Nam tránh được bẫy thu nhập trung bình, cần nhận diện những yếu kém nội tại từ lâu để khắc phục, gồm: Năng suất và hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp Việt Nam rất thấp, chậm cải thiện, gây ra guy cơ tụt hậu, đuối sức cạnh tranh.

Tiếp đó, đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ nhận xét, việc phân bổ nguồn lực và vốn vẫn diễn ra bất hợp lý, méo mó dẫn đến lãng phí nguồn lực cho phát triển. Cần có sự đột phá về cải cách thể chế, với những quy định rõ ràng, cụ thể để tạo sự bứt phá nhanh về tốc độ tăng trưởng liên tục trong nhiều năm tới và thoát bẫy TNTB.


Việc phân bổ nguồn lực và vốn vẫn diễn ra bất hợp lý, tình trạng bao cấp vẫn diễn ra ở nhiều nơi.

Trong một bài phát biểu với báo giới về chủ đề này, TS Kinh tế Huỳnh Thế Du cho rằng, đói nghèo quả là đáng sợ, nhưng bẫy thu nhập trung bình còn đáng sợ hơn cho những nước muốn trở nên thịnh vượng.

Con người nói chung đều thích hưởng thụ, ngại khó khăn và hay chùn bước. Khi thấy các cơ hội không đáng là bao trong khi việc hưởng thụ, ăn chơi tụ tập sẽ vui thú hơn thì nhiều người không muốn làm việc. Dù sao vẫn có cái đổ vào nồi và có cố cũng chẳng đến đâu thì việc gì phải nhọc thân.

Mỗi cá nhân có thể phát huy tối đa bản chất “tham - lười - ích kỷ” của mình chính là sự mầu nhiệm đồng thời cũng là thách thức của cơ chế thị trường.

Những nơi mà ở đó hầu hết mọi người đều hăng say làm việc và được hưởng thành quả do công sức của mình bỏ ra thì cả xã hội sẽ khấm khá lên và quốc gia sẽ thịnh vượng.
Do vậy, vai trò của nhà nước, đơn giản chỉ là tạo ra một môi trường vĩ mô ổn định, các thể chế tạo dựng sự công bằng để mọi người hăng say theo đuổi lợi ích của bản thân.

HOÀI AN

1 nhận xét:

  1. những gì được cho là công bằng hoặc hướng tới công bằng đang được xây dựng trên nền tảng là chính sự bất công...

    Trả lờiXóa