Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

Bầu Kiên đề nghị triệu tập đại diện nhiều bộ ngành ra tòa

Bầu Kiên kêu oan, đề nghị triệu tập đại diện nhiều bộ ngành ra tòa
(NLĐO)- Trông khỏe khoắn, có lúc chắp tay sau lưng trước vành móng ngựa trong phiên tòa sáng 16-4, bị cáo Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) đã kêu oan, đề nghị triệu tập đại diện các bộ ngành: Công Thương, KH-ĐT, Tài chính, Ngân hàng... ra tòa.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên (tóc bạc) cùng các đồng phạm 
trước vành móng ngựa - Ảnh chụp qua màn hình
11 giờ, sau 15 phút hội ý, HĐXX đã quyết định không hoãn phiên tòa. Về trường hợp của ông Trần Xuân Giá, HĐXX cho rằng chiều 15-4, bị cáo Giá đã có đơn xin vắng vào ngày 16-4, nghĩa là sẽ có mặt vào những ngày tiếp theo. "Tuy nhiên, sáng nay ông Giá lại có đơn xin hoãn phiên tòa vì lý do sức khỏe. Đơn này chỉ có chữ ký của ông Giá mà không có xác nhận của cơ quan y tế. Do đó, tòa sẽ tiếp tục cử cán bộ tòa án đi xác minh. Trong thời gian đó, phiên tòa vẫn xét xử bình thường" - chủ tọa nói.

11 giờ 10,  HĐXX tuyên bố nghỉ buổi sáng, chiều 14 giờ tiếp tục.

10 giờ 10: Sau khi nghe ý kiến của đại diện VKS và các Luật sư, bị cáo Nguyễn Đức Kiên xin có ý kiến: "Tôi bị buộc tội trốn thuế trên cơ sở văn bản yêu cầu của Tổng cục thuế nên yêu cầu người ký văn bản hoặc đại diện có thẩm quyền của Tổng Cục thuế có mặt”.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên đề nghị tòa triệu tập đại diện nhiều bộ ngành - Ảnh chụp qua màn hình
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên đề nghị tòa triệu tập đại diện nhiều bộ ngành - Ảnh chụp qua màn hình

Bị cáo Kiên cũng cho rằng bản thân bị buộc tội kinh doanh trái phép trong khi tất cả việc làm của bị cáo là được cơ quan có thẩm quyền cấp phép nên yêu cầu toà triệu tập: Phòng đăng ký kinh doanh của TP HCM và Hà Nội; đại diện các bộ, ngành: Công Thương, Kế hoạch và Đầu Tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước. “Đây là những bộ đã có ý kiến về việc cho phép cấp phép cho tôi” – bị cáo Kiên nói.

Bị cáo Kiên cũng đề nghị toà triệu tập một số cá nhân liên quan đến các vụ án của mình vắng mặt dù toà đã có giấy triệu tập trước đó.

"Tôi bị buộc tội 4 tội danh trong khi cá nhân tôi trong 20 tháng qua đã có nhiều đơn, nhiều lần trả lời bản cung cơ quan điều tra, tôi cho rằng tôi không có tội, tôi bị oan. Do đó, tôi mong muốn phiên toà xét xử sớm, công khai cho mọi người biết, dư luận xã hội biết" – Bị cáo Kiên nói rõ ràng, rành mạch, nhấn mạnh từng câu.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên kêu oan nhưng đề nghị tòa tiếp tục xét xử - Ảnh chụp qua màn hình
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên kêu oan nhưng đề nghị tòa tiếp tục xét xử - Ảnh chụp qua màn hình

Cuối cùng, bị cáo Kiên tiếp tục kiến nghị: "Tôi cho rằng tôi không liên quan đến vụ án Huyền Như nên toà xét xử trước 3 tội danh mà không liên quan đến Trần Xuân Giá. Việc vắng mặt của ông Trần Xuân Giá không ảnh hưởng đến 3 tội danh khác mà VKSND tối cao truy tố. Đề nghị VKS cho tiến hành phiên toà. Có thể chờ ông Giá ở phần sau vì đây là phiên toà kéo dài. Đề nghị HĐXX cho xét xử trước 3 tội danh không liên quan đến các hành vi ở ACB và sự vắng mặt của ông Trần Xuân Giá không ảnh hưởng tới các tội danh khác của tôi".

10 giờ 22: Toà nghỉ hội ý.

"Siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như xuất hiện, bị cáo Trần Xuân Giá vắng mặt

9 giờ 40: "Siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như xuất hiện được kiểm tra căn cước. Hôm nay (16-4), Như ra toà với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Ngày 6-1 vừa qua, TAND TP HCM đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt chung thân với bị cáo này tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phải bồi thường cho ACB 718 tỉ đồng.

Siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như xuất hiện tại tòa
"Siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như xuất hiện tại tòa

9 giờ 50: HĐXX hỏi VKS việc vắng mặt của bị cáo Trần Xuân Giá sẽ được quyết định như thế nào? Đại diện VKS giữ quyền công tố tại toà cho rằng, đối với sự vắng mặt của bị cáo Trần Xuân Giá cần xác minh sự vắng mặt của bị cáo. Sau đó trên cơ sở kết quả xác minh sẽ quyết định theo luật. Phiên toà này là phiên toà kéo dài, đề nghị HĐXX tiếp tục xét xử và triệu tập các cá nhân, đại diện tham gia phiên toà.

Tiếp đó, HĐXX hỏi ý kiến các luật sư. Luật sư của bị cáo Trần Xuân Giá xin hoãn do lý do sức khoẻ không thể tham dự. Đồng tình với ý kiến trên, một số luật sư khác đề nghị hoãn xử do còn một số chi tiết chưa được làm rõ liên quan đến vụ án Huỳnh Thị Huyền Như đang chờ xử phúc thẩm.

Một luật sư cũng đề nghị mời lãnh đạo Ban Nội chính, Tư pháp Trung ương đến dự phiên toà.

Vợ bầu Kiên đến phiên tòa xét xử chồng

Trước đó, sáng nay 16-4, TAND TP Hà Nội đã bắt đầu phiên xét xử sơ thẩm vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và một số công ty trên địa bàn TP HCM và TP Hà Nội.

Từ sáng sớm 16-4, lực lượng an ninh đã có mặt trước cổng TAND TP Hà Nội để làm các thủ tục cần thiết. Công tác an ninh được siết chặt tối đa. Những người được mời dự phiên tòa đều được kiểm tra chặt chẽ. 

Tất cả mọi người tham dự phiên tòa đều được kiểm tra chặt chẽ
Tất cả mọi người tham dự phiên tòa đều được kiểm tra chặt chẽ

Bà Đặng Ngọc Lan, vợ bầu Kiên, cũng đến khá sớm để tham dự phiên tòa. Bà Lan đến tòa trên một chiếc xe ô tô đắt tiền.

Bà Đặng Ngọc Lan, vợ bầu Kiên, đến tòa trên chiếc xe đắt tiền
Bà Đặng Ngọc Lan, vợ bầu Kiên, đến tòa trên chiếc xe đắt tiền

Từ khoảng 6 giờ 30 đến 6 giờ 45, xe chở các bị cáo bị bắt giam đã lần lượt đến toà. Xe chở bị cáo Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên) được cho là đến sớm nhất.

Xe chở bị cáo Nguyễn Đức Kiên đến tòa từ rất sớm
Xe chở bị cáo Nguyễn Đức Kiên đến tòa từ rất sớm
Đúng 8 giờ 5 phút, bầu Kiên được dẫn giải ra trước vành móng ngựa. Bầu Kiên trong bộ áo sọc tối màu có mái tóc đã bạc trắng đặc trưng trông có vẻ khoẻ khoắn, linh hoạt. Bầu Kiên liên tục trò chuyện với các cán bộ hỗ trợ tư pháp, nhìn trước, nhìn sau trong phòng xử án.

Bị cáo Phạm Trung Cang có mặt tại tòa

Bị cáo Phạm Trung Cang đã có mặt tại tòa. Tuy nhiên, bị cáo Trần Xuân Giá (75 tuổi) vắng mặt trong phiên tòa sáng nay vì lý do sức khỏe.

Bị cáo Đặng Trung Cang vào tòa
Bị cáo Phạm Trung Cang vào tòa

Sau khi phiên tòa sau khi bắt đầu được không lâu thì phòng tác nghiệp của báo chí tại phiên tòa bị mất điện từ khoảng 8 giờ 20 phút đến 8 giờ 40 phút. Sau đó, điện còn mất vài lần, mỗi lần một vài phút trước khi ổn định trở lại.

Trước đó, các bị cáo phải ra trước tòa trong phiên sơ thẩm sáng 16-4 gồm:

Ông Nguyễn Đức Kiên (50 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ÂB, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB), bị đưa ra xét xử về 4 tội: Kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Các bị cáo bị đưa ra xét xử về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng gồm:

- Ông Trần Xuân Giá (75 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB)

- Ông Lê Vũ Kỳ (58 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB)

- Ông Trịnh Kim Quang (60 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB)

- Ông Phạm Trung Cang (60 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB)

- Ông Lý Xuân Hải (49 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng ACB)

- Ông Huỳnh Quang Tuấn (56 tuổi, nguyên thành viên HĐQT Ngân hàng ACB)

2 bị cáo còn lại bị đưa ra xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm:

- Trần Ngọc Thanh (62 tuổi, nguyên giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội)

- Nguyễn Thị Hải Yến (45 tuổi, nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội )

Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm 2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân nhân. Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa là ông Nguyễn Hữu Chính - Phó Chánh án TAND TP Hà Nội, Thẩm phán thứ hai là ông Nguyễn Quốc Thành - Phó Chánh tòa hình sự.

Giữ quyền công tố tại tòa là ông Đào Văn Cường - Phó Viện trưởng VKSND TP Hà Nội và bà Nguyễn Thị Thu Yến.

Tham gia bào chữa cho 9 bị cáo trong vụ án có 20 vị luật sư, trong đó bị cáo Nguyễn Đức Kiên có 4 luật sư bào chữa, bị cáo Lý Xuân Hải và Huỳnh Quang Tuấn đều có 3 luật sư bào chữa.

Gây thiệt hại gần 1.700 tỉ đồng

Theo cáo trạng, “bầu” Kiên cùng các bị can: Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải đã đồng ý cho thực hiện chủ trương, ủy thác cho các nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng sai quy định gây thiệt hại số tiền 718,9 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank Chi nhánh TP HCM chiếm đoạt.

Đối với hành vi cấp tín dụng để đầu tư cổ phiếu ACB, ngày 2-1-2009, Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB đã họp và ra chủ trương cấp tín dụng cho Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) để mua cổ phiếu ACB. Chủ trương này trái với quy định của Bộ Tài chính, gây thiệt hại cho ACB hơn 687,7 tỉ đồng. Cáo trạng lần 2 truy tố 2 bị can Nguyễn Đức Kiên và Lê Vũ Kỳ về hành vi này.

Về tội trốn thuế, năm 2009, Công ty B&B kinh doanh vàng trên tài khoản ngoài lãnh thổ Việt Nam với ACB, thu được số tiền lãi hơn 100 tỉ đồng. Tuy nhiên, "bầu" Kiên đã trốn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 25 tỉ đồng.

Về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, "bầu" Kiên chỉ đạo Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến lập khống biên bản họp HĐQT và quyết định của HĐQT thể hiện chủ trương của HĐQT công ty để bán 20 triệu cổ phần cho Công ty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát, lấy 264 tỉ đồng, bất chấp số cổ phần này đang bị thế chấp cho ACB.

Tổng số tiền thiệt hại do 9 bị can gây ra trong vụ án này là 1.695,6 tỉ đồng.

Đáng chú ý, ban đầu cơ quan điều tra đã khởi tố ông Phạm Trung Cang, song cáo trạng của VKSND Tối cao bất ngờ đình chỉ vụ án đối với ông này. Ngày 3-1-2014, TAND Hà Nội trả hồ sơ do có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, đề nghị điều tra bổ sung ông Cang và ông Huỳnh Quang Tuấn.

Đến cáo trạng lần 2, VKSND Tối cao xác định 2 bị can Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn phải chịu trách nhiệm hình sự về chủ trương ủy thác trái quy định, gây thất thoát cho ACB.

Nguyễn Quyết 
(Người Lao động)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét