Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

Cách duy nhất cứu nông nghiệp là tái cơ cấu

Đồng ý với TS Sơn: "Sự tăng trưởng có được những năm qua là nhờ chính sách tạo thuận lợi cho khai thác hết nội lực theo kiểu nhiều, nhanh, tốt, rẻ", nhưng tôi muốn bỏ chữ "tốt" đi vì thực chất ta có quan tâm tới nâng cao chất lượng hàng nông sản đâu; thậm chí cứ bỏ mặc đến nỗi bây giờ ăn thực phẩm gì cũng có nguy cơ sinh bệnh.
Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với TS Sơn là trong một cuộc họp năm 2001 của 1 nhóm gồm một số ít chuyên gia nổi tiếng do GSTS Đỗ Hoài Nam chủ trì 
bàn về cách chống đỡ khủng hoảng nếu chẳng may nổ ra. Ấn tượng nhất để lại trong tôi là TS Sơn là người nói thật tất cả những vấn đề bức xúc của nông nghiệp, và có lẽ TS Sơn cũng là người duy nhất nói thật trong cuộc họp đó.
Cách duy nhất cứu nông nghiệp là tái cơ cấu
“Tôi đồng tình với trả lời của bộ trưởng Bộ NN&PTNT trong phiên chất vấn trước Quốc hội. Tập trung tái cơ cấu mạnh mẽ chính là giải pháp đột phá để giải quyết các vấn đề căn cơ của ngành nông nghiệp!”.
Đó là ý kiến của TS Đặng Kim Sơn (ảnh), Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, trong buổi trao đổi với báo chí chiều 13-6 do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp tổ chức.
Phải có sự phối hợp của các bộ
. Hôm qua (12-6), có đại biểu nói rằng giải pháp của Bộ trưởng Cao Đức Phát “hiền quá”, trong khi ngành nông nghiệp cần những giải pháp mạnh hơn. Theo dõi phiên chất vấn, ông có ý kiến gì?
+ Theo tôi, bộ trưởng không thể nói “dữ hơn” vì muốn phát triển nông nghiệp phải có sự phối hợp của các bộ, ngành khác liên quan. Nếu chất vấn để bắt lỗi bộ trưởng thì rất dễ, từ việc nông dân phải đối mặt với vấn nạn được mùa mất giá, vật tư nông nghiệp tăng giá, thiên tai dịch bệnh, đến cạnh tranh thương mại bất bình đẳng… Chừng đó thôi cũng khiến bộ trưởng khó trả lời.

Tuy nhiên, đừng trách ngành nông nghiệp khủng hoảng lúc này vì sự đi xuống của nông nghiệp mang lại lợi ích cho cả nền kinh tế đang rất khó khăn. Nông nghiệp “hy sinh” để cứu các ngành khác, như nhờ giá nông sản giảm mà cứu được cái “rổ” chỉ số giá tiêu dùng cả nước không tăng cao.

Ngành nông nghiệp là động lực phát triển kinh tế đất nước, là nền tảng phát triển kinh tế tư nhân và thu hút đầu tư nước ngoài. Nhưng đáng buồn là sự đầu tư cho nông nghiệp quá ít ỏi, thiếu công bằng.


. Sự thiếu công bằng trong đầu tư vào nông nghiệp cụ thể như thế nào?
+ Chẳng đâu xa, cứ nhìn ra các nước trong khu vực Đông Nam Á, sự đầu tư của nhà nước cho nông nghiệp rất cao, Thái Lan luôn là ví dụ điển hình, cả những nước nhập khẩu lương thực như Philippines, Malaysia cũng thế. Trong khi đó, nông dân Việt Nam cứ “cởi trần đánh nhau”, không được hỗ trợ hiệu quả. Năm nào cũng phải đối mặt với khó khăn về giá cả, thiên tai, dịch bệnh mà không hề có bảo hiểm, rồi còn chịu tác động từ sự phát triển công nghiệp lấy đi tài nguyên đất, nước, xả chất thải. Nói một cách trắng trợn là nông nghiệp phải chịu thiệt ít nhất 20-30 năm nữa cho công cuộc công nghiệp hóa đất nước, mà chưa chắc có kết quả gì.

Ngành nông nghiệp đang chững lại. Sự tăng trưởng có được những năm qua là nhờ chính sách tạo thuận lợi cho khai thác hết nội lực theo kiểu nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Kết quả là sản xuất tăng nhưng giá rẻ, chất lượng thấp. Có thể nói chính sách phát triển nông nghiệp 10 năm trở lại đây đúng một cách đau đớn. Vì đó là giải pháp duy nhất để đưa ngành nông nghiệp từ xuất phát điểm thấp kém trở thành nước xuất siêu nông nghiệp nhanh nhất.
Nhưng cũng may là lúc này chúng ta đã có đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được Chính phủ phê duyệt.

Kết nối chuỗi giá trị toàn cầu
. Đề án tái cơ cấu tốt như thế nào mà ông tự tin sẽ giúp ngành nông nghiệp thoát khỏi tình trạng hiện tại, đi đến và phát triển bền vững?
+ Kết nối chuỗi giá trị toàn cầu là giải pháp phát triển nông nghiệp chính trong đề án tái cơ cấu ngành. Sản phẩm sẽ được kết nối từ khâu sản xuất đến bảo quản, chế biến đến khâu tiêu thụ và cuối cùng là kết nối với chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, nếu sản phẩm có khả năng cạnh tranh tốt để xuất khẩu. Nếu sản phẩm cạnh tranh ở mức trung bình thì chuyển tiêu thụ thị trường nội địa.

Khâu sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sẽ nằm gọn trong các khu liên hiệp nông nghiệp là các cụm công-nông nghiệp hạt nhân. Bao quanh các cụm công-nông nghiệp này là các vùng chuyên canh được kết nối chặt chẽ. Vùng chuyên canh được giới hạn, thu hẹp lại với diện tích, sản lượng được quản lý ở mức hợp lý, cân đối cung-cầu. Phát triển được các cụm công-nông nghiệp này thì bài toán tiêu thụ nguyên liệu con cá tra, lúa gạo sẽ được giải.

. Vậy chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo đang bị chỉ trích không mang lại hiệu quả cho nông dân có được điều chỉnh trong đề án không?
+ Chính sách thu mua tạm trữ chỉ là giải pháp tình thế, không mang lại hiệu quả cho ngành nông nghiệp, cụ thể là nông dân sản xuất lúa. Còn nếu muốn làm như Thái Lan thì nói thẳng ra là Nhà nước không có tiền. Chính sách này sẽ không nằm trong đề án tái cơ cấu. Nếu làm tốt những giải pháp trong đề án tái cơ cấu thì doanh nghiệp (DN), người nông dân, ngành nông sẽ được hưởng lợi bền vững.

. Xem ra đây là chìa khóa giải quyết khó khăn cho nông nghiệp. Nhưng Chính phủ đã phê duyệt thì đến khi nào đề án được thực hiện trong thực tế?
+ Đúng vậy, đây sẽ là chìa khóa giải quyết mọi khó khăn của ngành nông nghiệp. Chính phủ đã ủng hộ, vấn đề bây giờ là cần tổ chức sản xuất ngành theo hướng tháo gỡ vướng mắc trong chuỗi giá trị từ vật tư đầu vào, sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản đến thương mại và tiêu dùng. Đồng thời, chính sách phải được đổi mới nhằm khuyến khích, thu hút DN trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nếu vậy, cần có sự liên kết của các bộ, ngành liên quan cùng Bộ NN&PTNT thì mới làm sớm được, còn hiện giờ không thể nói rõ thời gian cụ thể.
. Xin cảm ơn ông.

Vai trò của VFA không còn hợp lý

Việc điều hành thu mua tạm trữ lúa gạo, rồi việc điều hành xuất khẩu gạo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thời gian qua đã cho thấy vai trò của VFA không còn hợp lý. Cần sự thay đổi nhân sự trong VFA, không chỉ có DN xuất khẩu mà cần có cả đại diện nông dân, DN ở những lĩnh vực khác liên quan đến sản xuất, xuất khẩu gạo cùng các thành phần khác từ sở Nông nghiệp, sở Công Thương… Khi đó việc điều hành xuất khẩu gạo sẽ minh bạch hơn.
TS ĐẶNG KIM SƠN
QUANG HUY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét