Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

Gập ghềnh đường kinh tế

Gập ghềnh đường kinh tế
Thứ sáu 14/06/2013 06:28
ANTĐ - Không phải ngẫu nhiên, báo cáo thường niên “Kinh tế Việt Nam năm 2013” vừa được Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố, đã tập trung vào chủ đề: “Trên đường gập ghềnh tới tương lai”. Báo cáo phân tích sâu sắc đặc điểm lạm phát của Việt Nam giai đoạn “hậu” WTO, xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại, đặc biệt là nguy cơ công nghiệp hóa sau khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc.
Một trong 4 nhóm vấn đề chính được nhóm tác giả báo cáo tập trung “mổ xẻ” là nguy cơ công nghiệp hóa không thành công của nước ta khi Hiệp định Thương mại có hiệu lực.
Do nhu cầu ngày càng lớn về tài nguyên, hàng hóa thô sơ của Trung Quốc, nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đang bị hút mạnh vào dòng xoáy của quốc gia đông dân nhất thế giới và tăng trưởng nóng nhất toàn cầu. Từ đó buông dần nguồn lực, tài nguyên, nguyên liệu khỏi khu vực sản xuất công nghiệp, khiến đất nước mất dần khả năng cạnh tranh trong lâu dài. Trong tương lai, các nước này khó thoát khỏi vòng xoáy của Trung Quốc. 

Việc Hiệp định Thương mại tự do loại bỏ thuế suất với 9.000 nhóm hàng được coi như dỡ bỏ toàn bộ rào cản đối với hàng nông sản xuất khẩu. Trong khi hàng xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc vẫn chủ yếu là tài nguyên thô và sơ chế, giá trị thấp, còn nhập khẩu về toàn là hàng công nghiệp chế tạo, thiết bị linh kiện. 

Mô hình thương mại Việt-Trung là bằng chứng sinh động cho quan hệ thương mại quá chênh lệch về trình độ phát triển mà Việt Nam luôn đứng ở nấc thang thấp hơn, vị thế yếu hơn. Đây chỉ là một trong những khúc “gập ghềnh” nhất của con đường kinh tế nước ta.

Giám đốc VEPR, đại diện nhóm tác giả nhận định, cũng tương tự như năm 2012, năm nay nền kinh tế tiếp tục có dư địa chính sách nhờ lạm phát tương đối thấp, nhưng vẫn còn đó những vấn đề đáng lo ngại như doanh nghiệp tiếp tục suy yếu, chính sách giải pháp không thiếu nhưng thực thi chưa đủ mạnh… chứng tỏ nền kinh tế vẫn tiếp tục “đi ngang”. 

Dưới góc nhìn của một số tiến sĩ kinh tế, báo cáo chưa đề cập được vấn đề nhức nhối của nền kinh tế. Doanh nghiệp nhà nước hiện gánh nợ tới 1,34 triệu tỷ đồng, “cục nợ” này sẽ biến đi đâu? Công ty quản lý tài sản với tài sản chỉ có 500 tỷ đồng, liệu có giải quyết được nợ xấu 500 tỷ đồng không, trong bao lâu? Nên nhớ, để “phá băng” bất động sản, nước Mỹ phải tốn rất nhiều tiền trong suốt 5 năm, còn nước ta lại kỳ vọng chỉ cần hạ lãi suất thì “băng” tín dụng sẽ tan ra.

Nhìn thấy trước con đường kinh tế gập ghềnh ở phía trước để chuẩn bị vượt qua, song ngay trước mắt, giám đốc một số ngân hàng bán lẻ quốc tế tại Việt Nam khuyến cáo, cần kích cầu tiêu dùng trong nước. Để đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng trong khi người tiêu dùng trong tư thế phòng thủ, thắt chặt túi tiền, các ngân hàng cần tăng hạn mức cho vay và nới lỏng hơn các điều kiện cho vay, mở rộng cho vay tiêu dùng tín chấp, cho vay siêu ưu đãi lãi suất sẽ mang đến nguồn vốn giá rẻ.

Đan Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét