Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

Tại sao Facebook bị chặn ở Việt Nam?

(PetroTimes) – Trong nhiều ngày cuối tháng 6, rất nhiều người sử dụng Facebook ở Việt Nam và một số nơi trên thế giới cho biết không truy cập được vào mạng xã hội này một cách bình thường từ phiên bản web. Dù vậy, họ vẫn có thể vào Facebook ổn định bằng phiên bản trên smartphone hay tablet.Trong những ngày gần đây, rất nhiều người sử dụng facebook phản ánh về việc các mạng như Viettel, VNPT hay FPT... không thể truy cập vào facebook. Điều này đã làm "gián đoạn" nhiều hoạt động của người dùng Facebook.
Trước thông tin trái chiều việc Facebook sẽ ngừng hoạt động tại Việt Nam sau ngày 25/6, chiều ngày 19/6 ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc phát triển Facebook tại Việt Nam đã tỏ ra bất ngờ trước thông tin “trên trời” này và cho rằng: “Đây chỉ là tin vịt, hoàn toàn không chính xác”. Đồng thời, ông cũng khẳng định: “Người sử dụng Facebook ở Việt Nam hoàn toàn có thể yên tâm không có việc Facebook sẽ ngừng hoạt động từ 25/6 như tin đồn”.
Trước đó, khi có nhiều người sử dụng lên tiếng yêu cầu “cần đóng cửa hoạt động Facebook tại Việt Nam”, ông Huỳnh Kim Tước cho rằng: “Sau khi thông tin đó được đưa ra đã có đến 90% người sử dụng Facebook không đồng tình, con số đó đã nói lên tất cả”.
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc phát triển Facebook tại Việt Nam.

Một trong số những lý do Facebook bị nhiều người sử dụng và nhiều nhà mạng “xa lánh” là do trên mạng xã hội Facebook thời gian gần đây xuất hiện nhiều cá nhân, hội nhóm thành lập tài khoản và đưa ra ý kiến bình luận nhằm mục đích bêu xấu cá nhân, tổ chức. Về vấn đề này ông Huỳnh Kim Tước cho rằng, mạng xã hội Facebook cũng như xã hội thực tế thu nhỏ. Trong đó mọi người chia sẻ thông tin, đưa ra ý kiến bình luận theo quan điểm cá nhân.

“Cần đưa ra vấn đề nếu không có Facebook thì cũng sẽ một mạng xã hội khác hoặc một dạng trang thông tin khác để người ta đưa ra quan điểm ý kiến chia sẻ, vì nhu cầu trao đổi thông tin có từ khi con người xuất hiện” – ông Huỳnh Kim Minh Tước phân tích.

Về việc cá nhân, hội nhóm có những lời nói phát ngôn nhằm mục đích bôi xấu nhà mạng quản lý Facebook sẽ làm gì? Ông Huỳnh Kim Tước cho rằng, việc phát ngôn đưa ra ý kiến của cá nhân từng người thì người đó phải chịu trách nhiệm.

Trước ý kiến của nhiều độc giả cho rằng nhà mạng Facebook cần “nhặt” sạn với những bình luận không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, ông Huỳnh Kim Tước cho biết việc đó là không thể bởi Facebook là trang mạng xã hội đa phương tiện thông tin, số lượng truy cập tham gia tới hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới không thể có chương trình nào sàng lọc phù hợp để “nhặt” sạn cho ngôn ngữ từng quốc gia được.

Về việc thông tin những người có phát biểu không đúng với thuần phong mỹ tục của Việt Nam, nếu cơ quan điều tra muốn có thể xem toàn bộ thông tin công khai ngay chính trên giao diện của cá nhân, hội nhóm này.

Cũng xung quanh chủ đề Facebook tại Việt Nam thời gian qua, ông Huỳnh Kim Tước cho rằng mạng xã hội Facebook đang chứng tỏ ưu điểm về trao đổi thông tin và độ tương tác. Nhiều doanh nghiệp hiện nay đang sử dụng Facebook làm nơi tiếp thị maketing sản phẩm. Những trang Fanpage trên Facebook có số lượng khách hàng gấp 81 lần so với một thương hiệu...

Trước đó, trong “Hội thảo “Công nghệ xử lý ngôn ngữ và phát triển thị trường nội dung số Việt Nam ra thế giới” do Viện CNTT – Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức năm 2012, ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc công ty Viễn thông và Dịch vụ truyền hình VTC đã giải thích lý do Facebook bị chặn tại Việt Nam.

“Đường truyền quốc tế đắt hơn hẳn đường truyền quốc nội. Khi các nhu cầu sử dụng dịch vụ có thể sinh ra tiền như Voice, IP… gia tăng thì nhà mạng sẽ “bóp” ngay đường truyền của những dịch vụ không tạo ra tiền mà tiêu tốn băng thông như Facebook, YouTube. Theo thống kê, hiện có tới 70 – 80% băng thông quốc tế chạy qua 2 cổng Facebook và YouTube mà không tạo bất cứ đồng tiền nào cho nhà mạng”, ông Thanh giải thích.

“Ngay cả các dịch vụ như truyền hình Internet như VTC đang làm dù đã được ưu tiên nhưng cũng vẫn phải “xếp hàng” dưới các dịch vụ như điện thoại, IP có khả năng sinh ra tiền ngay lập tức”, ông Thanh nói thêm.

Ông Thanh khẳng định việc chặn Facebook không xuất phát từ lý do chính trị mà chỉ đơn thuần vì lý do kinh tế, hiện tượng Facebook bị chặn không bao giờ diễn ra đồng loạt và liên tục trên phạm vi toàn quốc, chỉ thỉnh thoảng tắc nghẽn ở đâu đó khi các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cân nhắc về việc tạm dẹp những dịch vụ không sinh lời để thông đường cho những dịch vụ có tính ưu tiên, sống còn hơn.

Mới du nhập vào Việt Nam không lâu nhưng Facebook – do có những tính năng giúp chuyển tải thông tin nhanh đến chóng mặt nên đã thổi bùng lại làn sóng sử dụng mạng xã hội ảo sau khi blog 360 bị đóng cửa vào ngày 13/7/2009. Trong thời gian qua có nhiều ý kiến trái chiều về Facebook khi nhiều người cho rằng việc sử dụng Facebook và những ứng dụng của nó gây lãng phí quá nhiều thời gian làm việc trong công sở và tính riêng tư của mỗi cá nhân cũng không được đảm bảo.

Facebook đã từng bị cấm ở một số quốc gia như Iran, Trung Quốc, Syria... vì những tranh cãi về bản quyền cũng như nguy cơ lây lan virus, trojan (phần mềm gián điệp), fishing email (thư rác lừa đảo) qua mạng xã hội này. Gần đây ở Việt Nam, nhiều phần tử xấu đã lợi dụng tính năng phát tán thông tin nhanh chóng của Facebook để phát đi những hình ảnh, bài viết, video clip có nội dung tiêu cực.

Facebook là một website mạng xã hội truy cập miễn phí do Cty Facebook, Inc điều hành và sở hữu tư nhân. Người dùng có thể tham gia các mạng lưới được tổ chức theo thành phố, nơi làm việc, trường học và khu vực để liên kết và giao tiếp với người khác.

Facebook hiện được mở rộng cho bất cứ ai trên 13 tuổi. Website này hiện có hơn 175 triệu thành viên tích cực trên khắp thế giới. Facebook vừa mới trở thành mạng xã hội phổ biến nhất, tiếp theo sau là MySpace và Twitter.

T.V

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét