Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

Phá giá VNĐ sẽ là “mồi lửa”

Phá giá VNĐ sẽ là “mồi lửa”
Từ đầu tháng 6 đến nay, tỉ giá USD trong các ngân hàng thương mại luôn được giao dịch ở mức kịch trần. Liệu đã đến lúc phải điều chỉnh tỉ giá?
Ngày 22-6, giá USD bán ra trong các ngân hàng (NH) thương mại tiếp tục đứng ở mức trần biên độ cho phép 21.036 đồng/USD, chiều mua vào quanh mức 21.025 đồng/USD. Giá USD tự do cũng đã tăng mạnh, nhiều thời điểm chạm mốc 21.400 đồng/USD (bán ra).
Nhiều áp lực lên tỉ giá
Theo NH Nhà nước, ngay từ đầu năm, Thống đốc đã đề ra mục tiêu ổn định tỉ giá tăng không quá 2%-3% trong năm nay nhằm kiểm soát nguy cơ mất giá của VNĐ. Thực tế, tính đến gần giữa tháng 6, tỉ giá mua trung bình của các NH thương mại cũng chỉ tăng khoảng 0,9% so với đầu năm. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tỉ giá đã có nhiều đợt tăng mạnh, đẩy giá USD trên thị trường tự do tăng cao. Đặc biệt, từ đầu tháng 4, tỉ giá có xu hướng tăng, một mặt do yếu tố tâm lý và do áp lực cầu ngoại tệ xuất hiện khi nhập siêu tăng trở lại, buộc NH Nhà nước phải can thiệp. Từ đầu tháng 6, giá USD tự do có nhiều lúc chạm mốc 21.400 đồng/USD, trong khi giá USD tại các NH cũng liên tục chạm trần 21.036 đồng/USD.

 
Tỉ giá USD tại nhiều ngân hàng hiện nay đều ở mức kịch trần biên độ cho phép. Ảnh: TẤN THẠNH
                                                                                                            
Chuyên gia tài chính NH, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận xét có nhiều nguyên nhân khiến tỉ giá tăng, như nhu cầu mua ngoại tệ nhập khẩu nguyên vật liệu của doanh nghiệp (DN), Chính phủ trả nợ nước ngoài, do hiện tượng đầu cơ găm giữ USD trước kỳ vọng điều chỉnh tỉ giá… Ngay việc chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức quá cao (từ 5-6 triệu đồng/lượng) cũng kích thích nhu cầu mua ngoại tệ nhập vàng qua kênh không chính thức…
Theo ông Phạm Hồng Hải, Giám đốc khối tài chính toàn cầu thị trường vốn và tiền tệ NH HSBC Việt Nam, có nhiều nguyên nhân kích tỉ giá tăng, trong đó có cả nguyên nhân các nhà đầu tư gián tiếp đang chốt lời bằng cách bán trái phiếu VNĐ và mua ngoại tệ khi lợi tức trái phiếu Chính phủ giảm nhanh thời gian gần đây. “Khi thấy tỉ giá tăng và thanh khoản thị trường thấp dù chỉ tạm thời, một số DN chưa cần mua ngoại tệ cũng cố gắng mua ngay, còn DN có ngoại tệ lại chuyển sang tâm lý găm giữ thay vì bán ra. Đây là yếu tố tâm lý” - ông Hải nói.
Nặng yếu tố tâm lý
Ghi nhận của chúng tôi, những ngày qua, tại nhiều thời điểm, các NH thương mại niêm yết giá mua vào - bán ra USD chênh lệch chỉ 1 đồng (mua vào 21.035 đồng/USD, bán ra 21.036 đồng/USD). Khi chênh lệch mua bán USD ở mức rất nhỏ, các NH sẽ không đủ bù đắp chi phí kinh doanh nhưng do giá bán đã ở mức kịch trần, các NH không thể bán giá cao hơn. Điều này nếu kéo dài sẽ phát sinh tình trạng NH “lách trần” bằng cách thu phí chênh lệch tỉ giá hoặc khách hàng phải trả thêm phí để có ngoại tệ…
Ông Phạm Hồng Hải cho rằng thị trường hoàn toàn không mong muốn quay trở lại tình trạng một số NH phải thu phí chênh lệch tỉ giá. Các chi phí này thường sẽ rất khó được hạch toán và không minh bạch về sổ sách. Tỉ giá được giữ ở mức ổn định trong một thời gian rất dài, từ đầu năm 2012 đến nay, nên thị trường kỳ vọng có thể được điều chỉnh trong thời gian tới cũng là dễ hiểu. Tuy nhiên, việc nhiều NH đang nắm giữ trạng thái ngoại tệ dương và cầu ngoại tệ chưa tăng quá mạnh cho thấy tình hình ngoại hối không phải quá căng thẳng. Tình trạng khan hiếm ngoại tệ trên thị trường xuất phát từ yếu tố tâm lý là chủ yếu.
TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng chưa đến mức phải phá giá tiền đồng bởi điều này rất nguy hiểm. Trong bối cảnh lạm phát còn rình rập, nền kinh tế còn nhiều vấn đề cần giải quyết như nợ xấu, vàng, DN lao đao, nền kinh tế trì trệ… “Việc phá giá VNĐ chẳng khác nào thêm “mồi lửa” đánh vào lòng tin của người dân đối với tiền đồng là rất nguy hiểm” - TS Hiếu nhận xét.
Chỉ nên nới biên độ
Nhiều ý kiến cho rằng trong tình hình hiện nay chỉ cần NH Nhà nước can thiệp vào thị trường, thanh khoản sẽ được cải thiện ngay. Trước mắt không nên điều chỉnh tỉ giá nhưng NH Nhà nước có thể nới rộng biên độ tỉ giá từ mức ± 1% hiện nay lên mức ± 2%, thậm chí ± 3% nhằm tạo điều kiện cho các NH thương mại linh hoạt trong việc định giá mua bán ngoại tệ.

  • 24/06/2013 10:00
    Nếu phá giá đồng tiền VN thì điều tồi tệ sẽ xảy ra với nền KT VN.
  • chi vu dai
    23Thích  
    24/06/2013 10:22
    Tui chuyển hết vốn liếng qua vàng, đem chôn, giờ ngủ ngon!
  • Ho Nguyen
    28Thích  
    24/06/2013 10:43
    Muốn biết nền kinh tế của một quốc gia mạnh hay yếu thì hãy nhìn vào sự ồn định của đơn vị tiền tệ nước đó.
  • dan lao dong
    29Thích  
    24/06/2013 10:57
    Dự trữ ngoại tệ của Nhà nước quá ít ỏi NHNN lại đem đi nhập vàng thay vì dự trữ và hổ trợ sản xuất, Giá vàng chênh lệch cao ngoại tệ thêm 1 lần chảy máu vì buôn vàng lậu. Tỉ giá cao là điều dự đoán trước , 21.400đ/1USD chưa phải là giới hạn.
  • Hanh Xuân
    9Thích  
    24/06/2013 11:12
    Ông già bà già tui nói lấy kinh nghiệm bản thân, có dư chút ít tiền thì cứ mua Vàng cất dể dành là chắc ăn nhất. Không mối mọt, dể cất dấu, không hao hụt vì chỉ khi cần thì mới xuất ra để chi phí, nên không xài phung phí như có tiền trong túi. Chí lí, chí lí.
  • kim thanh
    2Thích  
    24/06/2013 11:57
    Hên quá,tui không có nhiều tiền vnđ cũng như đô la nên đỡ phải nhức đầu....
  • Kim
    0Thích  
    24/06/2013 12:04
    @chi vu dai: Ngủ ngon nhưng nhớ làm thêm viên thuốc ngủ để khỏi gặp ác mộng nha bác vì vàng sắp tới có thể về 21 triệu cây,sợ bác chôn kỹ quá thì đào không kịp với tốc độ tụt dốc của giá vàng.
  • Minh Dũng
    0Thích  
    24/06/2013 12:06
    Phá giá đồng nội tệ có nghĩa là sẽ có lạm phát cao quay trở lại và ai cũng biết làm phát cao chính là liều thuốc độc đối với mọi nền kinh tế.
  • chi vu dai
    0Thích  
    24/06/2013 14:20
    @Kim! Không phải lo gì cả, tui cũng không còn nhớ mình chôn chỗ nào!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét