Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

QUYỀN PHÚC QUYẾT TRONG HIẾN PHÁP CÁC NƯỚC

Sinh viên thực hiện: Phạm Mai Diệp
Người hướng dẫn: Trương Hồng Quang

Lịch sử lập hiến hơn 200 năm của các nước trên thế giới cho thấy cách thức thông qua và ban hành hiến pháp của các nước khác nhau, nhưng xu hướng chung ngày càng dân chủ hơn, thu hút sự tham gia trực tiếp và mang tính quyết định của người dân vào sự kiện chính trị – pháp lý đặc biệt quan trọng này của đất nước[1]. Sự tham gia của người dân vào hoạt động lập hiến, lập pháp và quản lý nhà nước phụ thuộc khá nhiều vào quy trình lập hiến, mô hình Quốc hội của mỗi quốc gia. Nhìn chung, mô hình Quốc hội có thể có Quốc hội lập hiến (soạn thảo và thông qua Hiến pháp hoặc soạn thảo rồi đưa ra nhân dân thông qua); Quốc hội chỉ lập pháp, không lập hiến và Quốc hội vừa lập hiến, vừa lập pháp. Có thể thấy trong các mô hình này, mô hình Quốc hội chỉ lập pháp, không lập hiến là mô hình tiệm cận tính dân chủ, đảm bảo sự tham gia trực tiếp của nhân dân vào các sự kiện quan trọng của quốc gia nhất.
Đa số các quốc gia được nghiên cứu đều cho thấy quy định về quyền “phúc quyết” là một vấn đề thường được nhắc đến trong Hiến pháp của các nước này. Nhìn chung, Hiến pháp các nước không sử dụng thuật ngữ “phúc quyết”, chỉ quy định những nội dung có ý nghĩa như thuật ngữ “phúc quyết” do Việt Nam sử dụng, đó là: Hiến pháp mới hoặc các nội dung sửa đổi Hiến pháp sau khi được cơ quan lập pháp thông qua phải được đưa ra toàn dân lấy ý kiến biểu quyết thông qua; các vấn đề quan trọng của Quốc gia hoặc các đạo luật quan trọng phải được toàn dân biểu quyết thông qua; thậm chí các vấn đề địa giới hành chính của địa phương cũng phải được “phúc quyết” (ví dụ như Hiến pháp của Cộng hòa liên bang Đức ở Điều 29).

Như vậy, có thể nhận thấy phạm vi các vấn đề được đưa ra phúc quyết theo quy định của Hiến pháp các nước cũng rất đa dạng. Loại hình phúc quyết được quy định phổ biến nhất chính là phúc quyết Hiến pháp (thực hiện thông qua việc tổ chức trưng cầu dân ý, ví dụ theo quy định của Hiến pháp Thụy Sỹ thì vấn đề sửa đổi hiến pháp bắt buộc phải trưng cầu dân ý). Quy định về quyền phúc quyết Hiến pháp ở các nước trên thế giới khá đa dạng. Nhìn chung phúc quyết Hiến pháp là một hình thức trưng cầu dân ý hiến định tức là trưng cầu dân ý về Hiến pháp, ví dụ năm 1958 Pháp đã tiến hành trưng cầu dân ý về Dự thảo Hiến pháp mới. Đối với các đạo luật được đưa ra phúc quyết thì thường là các đạo luật quy định các vấn đề liên quan tới quyền và nghĩa vụ của công dân hoặc các vấn đề về an ninh quốc phòng, kinh tế (thuế, kiểm toán,…). Một số nước (ví dụ như Thái Lan), Hiến pháp còn quy định những đạo luật cơ bản mà quốc gia phải ban hành (ví dụ như Luật về trưng cầu dân ý) và chính những đạo luật này phải được toàn dân phúc quyết thông qua. Đối với các vấn đề quan trọng, ảnh hưởng sâu sắc thì thường Hiến pháp cũng quy định những vấn đề cụ thể phải đưa ra toàn dân phúc quyết.

Trong Hiến pháp các nước, quyền phúc quyết có thể có quy mô toàn quốc, hoặc ở phạm vi địa phương (địa phương được hiểu là các tiểu bang, các nước cộng hòa tự trị trong Nhà nước Liên bang và các đơn vị hành chính lãnh thổ như tỉnh, huyện, phường, xã). Tuy nhiên quyền phúc quyết Hiến pháp là trưng cầu dân ý bắt buộc. Thông thường thì Hiến pháp quy định việc giải quyết vấn đề nào đó chỉ có thể bằng trưng cầu dân ý.

Có một điều quan trọng cần nhấn mạnh ở đây là, như đã nêu Hiến pháp các nước không ghi nhận phúc quyết là quyền cụ thể mà xác nhận quyền này thông qua các nguyên tắc cụ thể trong Hiến pháp khi quy định về sửa đổi, ban hành Hiến pháp hay quyết định một vấn đề, một đạo luật quan trọng nào đó. Bởi vậy, cùng với quyền trưng cầu dân ý, phúc quyết không được Hiến pháp các nước quy định trong Chương về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Dường như, phúc quyết không còn đơn giản chỉ là quyền mà đã phát triển lên thành một nguyên tắc chính trị – điều mà một bản Hiến pháp thực sự dân chủ nào cũng nên ghi nhận.

Liên quan đến hình thức phúc quyết Hiến pháp của các nước cũng có một số vấn đề cũng nên nhấn mạnh thêm. Có thể nhận thấy yêu cầu phổ biến và được thừa nhận rộng rãi đối với việc soạn thảo và sửa đổi Hiến pháp là sự tham gia của nhân dân. Tuy nhiên, mức độ và hình thức tham gia lại rất khác nhau ở các nước. Nhiều nước xem Quốc hội hoặc Quốc hội lập hiến chính là nhân dân. Nhưng quy trình tương đối phổ biến ở đa số các nước, là Hiến pháp do Quốc hội tổ chức rồi sau đó đưa ra toàn dân thảo luận để rồi bản dự thảo được tiếp thu, chỉnh lý và thông qua tại Quốc hội hoặc đưa ra trưng cầu dân ý (phúc quyết). Như vậy, toàn dân thảo luận dự thảo Hiến pháp là khâu không thể thiếu được, kể cả trong trường hợp sau đó cần đến sự phúc quyết của nhân dân theo thủ tục trưng cầu dân ý


Đối với Hiến pháp, việc đưa ra thảo luận toàn dân là điều hết sức quan trọng. Thứ nhất, nếu việc thảo luận có chất lượng, nó sẽ bảo đảm để Hiến pháp ghi nhận và phản ánh được ý chí chung của các giai tầng và nhóm xã hội. Thứ hai, thảo luận toàn dân là yếu tố tâm lý tạo nên ý thức về sự gắn bó của dân chúng với Hiến pháp sau khi Hiến pháp được ban hành. Để soạn thảo và ban hành Hiến pháp có thể có hai hình thức tổ chức thực hiện là: (1) thành lập Quốc hội lập hiến hay Hội nghị lập hiến; (2) giao cho Quốc hội (Nghị viện) đương nhiệm.

Quốc hội lập hiến hay Hội nghị lập hiến là một cơ quan dân bầu với thời hạn và mục đích rất cụ thể và được xác định là soạn thảo và ban hành Hiến pháp. Hình thức này được tổ chức đầu tiên ở Hoa Kỳ dưới tên gọi là Hội đồng lập hiến Philadenphia để soạn thảo Hiến pháp năm 1787 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Hiến pháp Italia năm 1947, Hiến pháp Bồ Đào Nha năm 1976, Hiến pháp Rumani 1991, Hiến pháp Estonia năm 1992, Hiến pháp Campuchia… đều được soạn thảo và ban hành theo cách đó. Giữa Quốc hội lập hiến và Hội nghị lập hiến có nhiều điểm giống nhau, nhưng cũng có một số nét khác nhau. Nếu như Quốc hội lập hiến chỉ bao gồm những người được cử tri bầu, thì Hội nghị lập hiến có thể có những thành viên được bầu là chủ yếu cộng với những thành viên theo cơ cấu quyền lực, cơ cấu xã hội hoặc các chuyên gia lớn trong lĩnh vực Hiến pháp (Italia, Nga, Brazil, Ấn Độ, Ucraina, Campuchia,…). Quốc hội lập hiến hoặc Hội nghị lập hiến ở các nước trên thế giới có phạm vi thẩm quyền không giống nhau theo hai mức độ của trình tự soạn thảo và ban hành Hiến pháp. Ở mức độ thứ nhất, Quốc hội lập hiến vừa là cơ quan soạn thảo, vừa là cơ quan ban hành Hiến pháp. Trong trường hợp đó, Quốc hội lập hiến là cơ quan có toàn quyền lập hiến. Ở mức độ thứ hai, Quốc hội lập hiến có chức năng soạn thảo Hiến pháp, còn việc ban hành Hiến pháp sẽ do một Quốc hội khác hoặc do kết quả trưng cầu dân ý quyết định. Ở trường hợp này Quốc hội lập hiến có thẩm quyền hạn chế.

Hình thức thứ hai của việc soạn thảo và ban hành Hiến pháp thường thấy là hình thức do Quốc hội đương nhiệm thực hiện. Trong những trường hợp như vậy, người ta thường lập ra Uỷ ban soạn thảo Hiến pháp gồm các thành phần hết sức đa dạng, từ đại diện của cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp cho đến đại diện của tổ chức, đảng phái, các chuyên gia có tên tuổi, Uỷ ban này do Quốc hội chỉ đạo. Ban soạn thảo Hiến pháp có tính lâm thời, hoạt động có mục đích và giải tán sau khi trình được dự thảo Hiến pháp. Kế đó là thủ tục thảo luận và thông qua ở Quốc hội. Việc thảo luận bao giờ cũng gồm hai vòng. Vòng thứ nhất được tổ chức và thực hiện để thảo luận về dự thảo của Ban soạn thảo, quyết định đưa dự thảo Hiến pháp ra thảo luận toàn dân. Vòng thức hai là trên cơ sở kết quả thảo luận toàn dân, Quốc hội tiếp tục thảo luận và quyết định thông qua Hiến pháp, hoặc, nếu Hiến pháp quy định, đưa kết quả ra để cử tri phúc quyết.

Để đánh giá về hiệu quả và tính ưu việt của các hình thức, thủ tục soạn thảo và ban hành Hiến pháp vừa nêu trên, cần có các tiêu chí. Tiêu chí khách quan đầu tiên là phải dựa vào điều kiện lịch sử cụ thể của việc áp dụng hình thức này hay hình thức khác ở mỗi nước. Những tiêu chí chung nhất có thể kể đến là tính dân chủ của thủ tục, mức độ hợp pháp và chính đáng của phương pháp thực hiện, tính hoàn chỉnh, mức độ phức tạp và thời gian của việc áp dụng các hình thức và thủ tục. Trong số đó, đáng chú ý nhất phải là các yếu tố về tính dân chủ của thủ tục, làm sao để thu hút được nhân dân tham gia, khả năng bảo đảm tính hợp pháp của các thủ tục. Hiệu lực của Hiến pháp một phần lớn phụ thuộc vào chính quá trình và các thủ tục ban hành, sửa đổi này[2]. Thực tế cho thấy, rất nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới đã ban hành quyền phúc quyết Hiến pháp được thực hiện dưới hình thức trưng cầu dân ý. Khi nêu ra những điều này cho thấy trên thế giới, quyền phúc quyết phụ thuộc khá nhiều vào mô hình lập hiến và trong mỗi mô hình thì quyền phúc quyết có những đặc điểm và vị trí khác nhau.

Bên cạnh đó, khi nói đến Hiến pháp, một trong những tố chất thường được nhắc đến là tính ổn định cao của nó. Tuy nhiên, đặc trưng này cũng đã cho thấy những ngoại lệ. Chẳng hạn, từ năm 1811 đến nay, Venezuela đã lần lượt có 40 lần ban hành Hiến pháp, tức là cứ 5 – 6 năm thì có một Hiến pháp mới, thường là khi có Tổng thống mới, mặc dù nội dung Hiến pháp ít có gì mới. Thái Lan cũng là nước hay sửa đổi Hiến pháp. Ở Liên Xô trước đây, bản Hiến pháp năm 1977 cũng đã có hàng trăm lần sửa đổi. Hiến pháp năm 1958 của Cộng hòa Pháp, Hiến pháp năm 1949 của Cộng hòa Liên bang Đức cũng tương tự. Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787 trong khoảng 220 năm tồn tại đã có 27 lần bổ sung và điều khoản thay thế. Chỉ có Hiến pháp năm 1946 của Nhật Bản là chưa có sự sửa đổi, bổ sung nào[3]. Và mỗi lần sửa đổi, vai trò của nhân dân lại được đề cao trong việc quyết định vận mệnh của quốc gia: thông qua Hiến pháp. Điều đó đã thể hiện tầm quan trọng của quyền phúc quyết trong đời sống chính trị – pháp lý của bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới.
[1] Quy trình lập hiến: Những con đường của hiến pháp, nguồn:
http://nguoibaovequyenloi.com/User/ThongTin_Chitiet.aspx?MaTT=111009012, ngày 9/10/2011.

[2] GS,TSKH. Đào Trí Úc (Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội), Hiến pháp trong đời sống xã hội và quốc gia, Hà Nội, tr 45.

[3] GS,TSKH. Đào Trí Úc (Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội), Hiến pháp trong đời sống xã hội và quốc gia, Hà Nội, tr 38.


http://hongtquang.wordpress.com/2012/05/25/tong-quan-ve-quyen-phuc-quyet-trong-hien-phap-cac-nuoc-tren-the-gioi-2/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét