Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

Chuyên gia kinh tế: Bàn mãi cũng chỉ là bàn chơi

Ông Vũ Khoan tỏ vẻ không tin tưởng: “Kinh tế năm 2013 bàn nát ra rồi. Chính phủ có nghị quyết rồi, Quốc hội cũng thông qua kế hoạch rồi, bây giờ có bàn cũng là bàn chơi thế thôi”.
GS Trần Hữu Dũng bình: "Đảng cũng đã viết xong Hiến Pháp 2013 rồi, giả vờ "hỏi ý kiến" cũng là để chơi thôi!".

Bàn mãi cũng chỉ là bàn chơi

Trong khi Việt Nam theo đuổi mô hình kinh tế thị trường, thì khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn, khoảng 34% GDP.

Tư Hoàng, TBKTSG: Mặc dù dự thảo sửa đổi Hiến pháp mới nhất đã bỏ khái niệm “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” (xem TBKTSG số 3-2013), những chuyên gia kinh tế và hoạch định chính sách vẫn lo ngại cho sức ì của khu vực này sẽ ảnh hưởng đến cả toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tới nay chưa được khởi động một cách có thực chất.
Khi chủ tọa nhắc đến tên Trương Đình Tuyển, ông đã được đón nhận bằng những tràng pháo tay rộn rã của các nhà kinh tế tham dự hội nghị do Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức cuối tuần trước. Là người dẫn đầu nhóm 14 nhà kinh tế thường họp hàng tháng để đưa ra những kiến nghị giúp các nhà điều hành kinh tế, ông Tuyển hiểu hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan hiện nay. Ông giải thích: “Chính phủ đang phải giải quyết vấn đề doanh nghiệp đang kiệt quệ mà lạm phát (tháng 1) đã lại cao, dù tháng 2 mới là tháng Tết. Chính phủ không thể không giải quyết vấn đề ngắn hạn, nhưng giải quyết cách nào để không phá vỡ dài hạn?”. “Dài hạn”, như ông ám chỉ, đó là cam kết ổn định lại kinh tế vĩ mô vốn đã trở nên dễ tổn thương suốt nhiều năm qua do “vung tay quá trán”.
Thế nhưng, khi sự ổn định đã có dấu hiệu trở lại bởi những chính sách tài khóa và tiền tệ thắt chặt đến khắc nghiệt, thì cái giá phải trả là “quá đắt” cho nhiều khu vực kinh tế, theo Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông Chương nói: “Chính sách của Chính phủ đã mang lại sự ổn định vĩ mô nhưng cũng mang lại tiêu cực là sự đình trệ. Liệu Chính phủ kéo dài những chính sách này được bao lâu?”. Hơn nữa, ông nhận xét tiếp, kinh tế Việt Nam vẫn còn nguyên những tồn tại lâu dài chưa được giải quyết.
Một trong những điểm “còn tồn tại” đó chính là khu vực DNNN đang giữ nguồn lực lớn của quốc gia và đang được gắn mác “giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế”. Ông Tuyển nói: “Tôi không đồng ý quan điểm DNNN góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Nó chiếm tỷ lệ lớn trong tín dụng và đầu tư công, nên phải coi tái cơ cấu DNNN là trụ cột để tái cơ cấu kinh tế”.
Đánh giá của ông Tuyển nay đã nhẹ nhàng hơn các nhà kinh tế khác. GS.TS. Nguyễn Kế Tuấn, Đại học Kinh tế Quốc dân, nói: “Nếu không có sự thay đổi về quan điểm và tư tưởng thì việc tái cấu trúc khu vực kinh tế đang nợ tới hơn 1,3 triệu tỉ đồng vẫn còn “luẩn quẩn””. Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược đồng tình: “Chúng ta không thể tái cơ cấu kinh tế trên nền tảng tư duy cũ. Làm sao tái cơ cấu khi vẫn giữ DNNN làm chủ đạo”. Theo ông Lược, nếu để DNNN thuê đất, tiếp cận vốn vay như khu vực doanh nghiệp tư nhân thì chắc chắn là 100% thua lỗ. “Khu vực gây tai họa cho nền kinh tế mà không ông nào chết, trong khi khu vực đóng góp cho nền kinh tế thì chết như ngả rạ”, ông nói với vẻ xót xa.
Ông Võ Đại Lược nhận xét, trong khi Việt Nam theo đuổi mô hình kinh tế thị trường, thì khu vực DNNN vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn, khoảng 34% GDP. Ông nói đầy vẻ lo lắng: “Trên thế giới không có nền kinh tế thị trường nào có khu vực nhà nước khổng lồ như vậy”. Theo ông, người ta đang lờ hai điểm quan trọng nhất khi tái cơ cấu DNNN, đó là dẹp bớt về số lượng và quản trị theo chuẩn quốc tế. “Chúng ta không thể lấy yếu tố đặc thù của Việt Nam để loại bỏ những yếu tố tiên tiến, hiện đại mà nhân loại đã phát hiện ra hàng trăm năm trước khi có nền kinh tế thị trường tự do”.
"Khu vực gây tai họa cho nền kinh tế mà không ông nào chết, trong khi khu vực đóng góp cho nền kinh tế thì chết như ngả rạ."
Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược
Ông Phạm Hồng Chương lo ngại, kinh tế Việt Nam sẽ cứ loay hoay mãi trong một vòng xoáy đã hình thành. Lượng vốn quá lớn đã đổ vào thị trường bất động sản, mà ông ước tính thu hút được sự tham gia của hầu hết các doanh nghiệp lớn và vừa. Lợi nhuận dễ dàng làm họ không chú tâm đến lĩnh vực kinh doanh chính, làm triệt tiêu động lực kinh doanh. Khi thị trường bất động sản xì hơi, hệ thống doanh nghiệp đổ dốc và không cho thấy lợi thế cạnh tranh nào thực sự. Vòng xoáy của thị trường này lên doanh nghiệp, ngân hàng, nhà đầu cơ... sẽ còn kéo dài 5-7 năm nữa. “Vấn đề là niềm tin vào thị trường này hầu như không còn nữa”, ông Chương nói. Ông cho rằng, Nhà nước không tin doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp không tin vào sự ổn định của chính sách và tính minh bạch của Nhà nước. Ngân hàng không tin vào doanh nghiệp và nhà đầu tư cá nhân. Kết cục là tín dụng thắt chặt, nợ xấu tăng nhanh, thị trường đóng băng. Ông Tuyển cũng lo ngại, nợ xấu sẽ làm kinh tế ngưng trệ. “Doanh nghiệp có dự án tốt cũng không vay được; còn ngân hàng cũng không sao giảm lãi suất được. Các ngân hàng đều phải lách trần huy động để bù vào khoản nợ xấu. Thống đốc cứ nói là giảm lãi suất, giảm làm sao được”.
Câu hỏi đặt ra, liệu có những tín hiệu nào cho thấy Việt Nam sẽ thay đổi, ít nhất là về dài hạn? Trả lời câu hỏi này không dễ. Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Lê Xuân Bá than thở, cơ quan ông vừa được yêu cầu xây dựng một đề án tái cơ cấu DNNN khác, sau khi Bộ Tài chính đã có Đề án 929. Ông nói: “Chúng tôi đến khổ vì đề án tái cơ cấu có quá nhiều ý kiến khác nhau. Một dạng ý kiến vẫn cho rằng, đề án phải định được tỷ lệ bao nhiêu sắt, thép, xi măng, phân bón. Còn dạng ý kiến thứ hai là để thị trường phân bổ lại nguồn lực. Tôi theo trường phái này”.
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan phàn nàn, ông không biết chương trình tái cấu trúc làm như thế nào. Ông nói: “Chúng ta lúc nào cũng hô khẩu hiệu chung chung là tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nhưng báo cáo Quốc hội xong rồi thôi, để đấy”. Ông nói, cả thế giới đang chuyển động, mà Việt Nam hoàn toàn không để ý gì đến nó cả.
Liệu những ý kiến của các nhà kinh tế tại hội thảo này có tác dụng? Ông Vũ Khoan tỏ vẻ không tin tưởng: “Kinh tế năm 2013 bàn nát ra rồi. Chính phủ có nghị quyết rồi, Quốc hội cũng thông qua kế hoạch rồi, bây giờ có bàn cũng là bàn chơi thế thôi”.

http://www.thesaigontimes.vn/home/diendan/sotay/91143/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét