Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Vì sao lạm phát không tăng mạnh?

Vì sao lạm phát không tăng mạnh?

Tư Hoàng
(TBKTSG Online) - Vì sao lạm phát không tăng dù Việt Nam đã tung tiền đồng mua vào 10 tỉ đô la Mỹ trong vòng một năm qua?
Dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã tăng trở lại để đảm bảo 2,5 tháng nhập khẩu vào cuối quí 3 vừa rồi, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB). Như vậy, dự trữ ngoại tệ đã tăng mạnh nếu so với mức chỉ đảm bảo 1,7 tháng nhập khẩu thời điểm quí 4-2011 và 1,8 tháng nhập khẩu trong quí 1-2011, cũng theo WB.
Dự trữ ngoại tệ được tăng cường, tỷ giá được giảm áp lực và cán cân thanh toán tổng thể được đảm bảo là kết quả của tình trạng tăng xuất khẩu, giảm nhập khẩu, và dòng kiều hối vào tương đối mạnh trong thời gian qua.
Mức gia tăng dự trữ ngoại hối như WB tính toán cho thấy, Ngân hàng Nhà nước đã tung một lượng lớn tiền mặt để mua vào đô la Mỹ cho dự trữ ngoại hối. Điều này giống như đánh giá của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, theo đó Ngân hàng Nhà nước đã mua vào một lượng ngoại tệ khá lớn” kể từ đầu năm tới nay.
Lượng ngoại tệ đó, theo Ủy ban Giám sát tài chính là vào khoảng 10  tỉ đô la Mỹ, có nghĩa là đã có hơn 200.000 tỉ đồng được bơm ra lưu thông chỉ trong gần 1 năm qua.

Đánh giá của WB và Ủy ban Giám sát tài chính cho thấy, số dự trữ ngoại hối mua vào trong khoảng 1 năm qua là tương đương với lượng ngoại tệ mà Ngân hàng Nhà nước đã mua vào trong giai đoạn 1 năm trong khoảng 2007-2008.
Câu hỏi đặt ra, vì sao Việt Nam đã không lạm phát cao trong năm 2012, dù cũng đã bơm nhiều tiền đồng để mua vào đô la Mỹ như giai đoạn trước?
Giải thích tình trạng này, cả WB và Ủy ban Giám sát tài chính đều cho rằng do tổng cầu suy giảm nghiêm trọng.
WB nhận xét, cầu trong nước đang giảm sút và hàng tồn kho gia tăng được thể hiện qua nhập khẩu nguyên liệu thô và hàng hoá trung gian như phân bón, thức ăn gia súc, bông vải sợi rất thấp.
Về phần mình, Ủy ban Giám sát tài chính bổ sung thêm cầu đầu tư đã suy giảm mạnh do tắc nghẽn của nguồn vốn  tín dụng ngân hàng.
Hơn nữa, theo Ủy ban Giám sát tài chính, dù đang trong thời điểm cuối năm nhưng sức mua của hộ gia đình vẫn khá thấp, khiến cho tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đang có dấu hiệu tăng chậm dần đáng lo ngại.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ trong 10 tháng đâu năm 2012 tăng 17,9% so với cùng kỳ, 11 tháng năm 2012 tăng 16,4% so với cùng kỳ, trong khi đó chỉ số này của năm 2011 có mức tăng dần đều, 10 tháng đạt 23,1%, 11 tháng tăng 23,5%, và tăng đạt đỉnh 24,2% vào tháng 12.
Sự suy giảm tổng cầu của nền kinh tế cùng với khả năng hấp thụ vốn yếu kém là nguyên nhân khách quan góp phần kìm hãm sự gia tăng chỉ số giá tiêu dùng trong năm nay, dù Ngân hàng Nhà nước đã tung tiền ra mua lượng ngoại hối như năm 2007.
Bên cạnh đó, mức dự trữ ngoại tệ hiện tại của Việt Nam vẫn thấp dù được cải thiện. Theo WB, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam chỉ đảm bảo 2,3 tháng nhập khẩu, thấp hơn nhiều so với 7,2 tháng của Indonesia, 8 tháng của Singapore, 8,5 tháng của Malaysia và 13 tháng của Phillippines.
Đây chính là một trong những biểu hiện cho thấy kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn còn rất còn nhiều rủi ro trước mắt.
Trong động thái mới nhất khi sửa đổi Pháp lệnh ngoại hối, Chính phủ được yêu cầu phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội “định kỳ hàng quý” về tình hình biến động dự trữ ngoại hối nhà nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét