Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Trung Quốc phát tín hiệu mạnh về cải cách kinh tế


Bắc Kinh sẵn sàng chấp nhận mức tăng trưởng chậm lại trong ngắn hạn để cải tổ nền kinh tế...
Các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc vừa phát đi những tín hiệu mạnh mẽ về cải cách kinh tế. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là tăng cường tiêu dùng nội địa, giảm bớt sự phụ thuộc vào các lĩnh vực xuất khẩu và đầu tư vào các doanh nghiệp quốc doanh, cho dù cách làm này có làm giảm tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.
Báo Wall Street Journal cho biết, trong một tuyên bố phát đi sau Hội nghị Công tác kinh tế Trung ương diễn ra vào cuối tuần vừa qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng cường nhập khẩu và đẩy mạnh cải thiện cuộc sống của người lao động di cư từ nông thôn ra đô thị, theo đó tăng cường tiêu dùng nội địa. Hội nghị này là nơi để các nhà lãnh đạo Trung Quốc đánh giá những thách thức kinh tế trong ngoài nước. Tuyên bố sau hội nghị cũng cho biết, Trung Quốc cần cho thấy nhiều hơn quyết tâm thực hiện cải cách.
Hội nghị Công tác kinh tế Trung ương lần này của Trung Quốc do Phó thủ tướng Lý Khắc Cường, người được dự báo sẽ trở thành Thủ tướng tiếp theo của Trung Quốc thay cho ông Ôn Gia Bảo, chủ trì. Trọng tâm được đưa ra bàn thảo tại hội nghị này là vấn đề đô thị hóa, một trong những ưu tiên kinh tế hàng đầu của ông Lý Khắc Cường. Hội nghị xem đô thị hóa là một “nhiệm vụ lịch sử” và “đầu tàu tiềm năng lớn nhất của nhu cầu nội địa”. Người lao động nông thôn ở Trung Quốc có thể kiếm thu nhập cao hơn khi kiếm được việc làm ở thành thị và có nhiều tiền để tiêu dùng hơn.

Hội đồng Nhà nước Trung Quốc hiện đang xem xét một kế hoạch cải cách đất đai, trong đó tăng tiền đền bù cho nông dân bị thu hồi đất cho các dự án phát triển bất động sản. Những khoản bồi thường như thế sẽ giúp người nông dân bị thu hồi đất dễ dàng chuyển tới sống ở thành phố hơn. Năm ngoái, tỷ lệ dân số thành thị của Trung Quốc lần đầu tiên vượt ngưỡng 50%.

“Chúng ta sẽ đối mặt với một số rủi ro và thách thức. Vấn đề phát triển mất cân bằng và không bền vững vẫn còn tồn tại. Tăng trưởng đối mặt áp lực suy giảm. Tình trạng dư thừa công suất còn đó. Các doanh nghiệp đối mặt với chi phí hoạt động gia tăng và năng lực đổi mới còn kém. Trong khu vực tài chính đang tồn tại những rủi ro tiềm tàng”, tuyên bố của hội nghị nhận định.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giảm mạnh trong 7 quý liên tiếp vừa qua. Trong quý 3/2012, GDP nước này tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng trưởng chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009. Sau đó, hoạt động sản xuất và thị trường bất động sản của Trung Quốc đã khởi sắc. 

Phần đông các nhà phân tích dự báo, trong quý 4 này, tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ đạt mức khoảng 8%. Tuy vậy, ít chuyên gia cho rằng, Trung Quốc sẽ trở lại được với mức tăng trưởng hai con số như những năm trước.

Giới quan sát nhận định, Trung Quốc sẽ giữ mục tiêu tăng trưởng 7,5% cho năm 2013, bằng mức đặt ra cho năm 2012, hoặc giảm nhẹ mục tiêu này. Con số này không có nghĩa là một mức dự báo chính xác, bởi tăng trưởng thực tế của Trung Quốc thường vượt mục tiêu, nhưng là một tín hiệu quan trọng cho thấy dự định của Bắc Kinh. 

Một con số mục tiêu tương đối khiêm tốn như mức 7,5% phản ánh rằng Bắc Kinh sẵn sàng chấp nhận mức tăng trưởng chậm lại trong ngắn hạn để cải tổ nền kinh tế nhằm đặt tới một nền móng tăng trưởng vững chắc hơn cho những năm tới. Tuyên bố của Hội nghị Công tác kinh tế Trung ương của Trung Quốc phản ánh ưu tiên của nước này đang muốn tìm kiếm sự tăng trưởng “có chất lượng”.

Những ai đang kỳ vọng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh cấp vốn vay mới hoặc đầu tư cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2013 có thể sẽ phải thất vọng. Tuyên bố của hội nghị cho biết sẽ chỉ mở rộng hoạt động tín dụng ở mức độ hợp lý. Về đầu tư, trọng tâm sẽ là tăng cường đầu tư trong khu vực tư nhân, thay vì khu vực công.

Các nhà hoạch định chính sách kinh tế Trung Quốc không muốn lặp lại kế hoạch kích thích kinh tế khổng lồ hồi năm 2009, bởi một kế hoạch như vậy rốt cục có thể lại dẫn tới cơn sốt bất động sản mà Chính phủ nước này đã mất 3 năm để hạ nhiệt. Bên cạnh đó, kế hoạch kích thích kinh tế hồi năm 2009 cũng đã dẫn tới sự hình thành của một “núi” nợ xấu khổng lồ trong hệ thống ngân hàng của Trung Quốc.

Tuyên bố của Hội nghị Công tác kinh tế Trung ương Trung Quốc cũng khẳng định sẽ tiếp tục các biện pháp kiểm soát đã áp dụng đối với cho vay bất động sản cũng như các biện pháp kiểm soát khác đối với giá nhà.

Mặc dù hội nghị đề cập tới vấn đề tăng nhập khẩu “để hỗ trợ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và cân bằng cán cân thanh toán quốc tế”, biện pháp hay dự định thực hiện vấn đề này như thế nào chưa được đề cập. 

Theo giới phân tích, một trong những biện pháp để Trung Quốc đạt mục tiêu này là tăng tỷ giá đồng Nhân dân tệ so với Euro và USD, theo đó giúp hàng nhập khẩu vào Trung Quốc từ hai đối tác thương mại lớn nhất của nước này là châu Âu và Mỹ rẻ hơn nếu tính bằng Nhân dân tệ.

Từ đầu năm đến nay, đồng Nhân dân tệ đã tăng giá khoảng 1% so với đồng USD và chưa đầy 1% so với Euro. Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc vẫn đang liên tục khẳng định rằng, tỷ giá đồng Nhân dân tệ đang ở gần mức cân bằng, một tín hiệu cho thấy Bắc Kinh không có dự định thay đổi nhiều đối với tỷ giá. 

Tuyên bố của Hội nghị Công tác kinh tế Trung ương Trung Quốc lần này cam kết giữ tỷ giá “cơ bản ổn định”. Các nhà lãnh đạo nước này lo ngại nếu tỷ giá Nhân dân tệ tăng nhanh hơn sẽ gây khó cho các nhà xuất khẩu nước này vốn đã phàn nàn về sự lên giá của đồng nội tệ kể từ tháng 6/2010.


Kết thúc hai ngày họp tại Bắc Kinh, chiều 16/2, Hội nghị Công tác Kinh tế trung ương đã công bố báo cáo tổng kết công tác kinh tế của Trung Quốc năm 2012 và triển khai công tác phát triển kinh tế năm 2013.

Báo cáo khẳng định Trung Quốc sẽ tiến hành cải tổ sâu rộng hệ thống kinh tế, thúc đẩy nhu cầu nội địa như một nhiệm vụ chiến lược, tiếp tục chính sách kiểm soát thị trường bất động sản, khuyến khích đầu tư cả khu vực nhà nước lẫn tư nhân, và cam kết bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài.

Năm 2013 là năm mở đầu thực hiện tinh thần Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng là một năm then chốt trong Kế hoạch “5 năm lần thứ 12” của Trung Quốc, vì vậy công tác kinh tế được Bắc Kinh xác định có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Báo cáo kết luận của hội nghị nêu rõ trong năm 2013, Trung Quốc sẽ tiến hành cải cách sâu rộng và triệt để hệ thống kinh tế, coi đây là nhiệm vụ mang tính sống còn đối với ổn định tăng trưởng; tiến hành chuyển đổi mô hình kinh tế tăng trưởng và thực hiện các bước điều chỉnh kết cấu kinh tế.

Hội nghị xác định thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu nội địa là cơ sở chiến lược cho sự phát triển của Trung Quốc trong năm 2013, lấy tiêu dùng nội địa làm mũi nhọn tăng trưởng vì đây là nền tảng cho sự phát triển mạnh và bền vững của kinh tế Trung Quốc.

Về chính sách kiểm soát thị trường bất động sản, Bắc Kinh tiếp tục mở rộng xây dựng và quản lý nhà ở cho người thu nhập thấp, cải tạo những khu chung cư xuống cấp, thực hiện một loạt biện pháp nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản...

Các số liệu thống kê cho thấy trong tháng 10 vừa qua, có thêm nhiều thành phố có giá nhà ở tăng so với trong tháng 9. Thị trường bất động sản nước này bắt đầu có dấu hiệu ấm lên sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (tức Ngân hàng Trung ương) hai lần hạ lãi suất chủ chốt trong năm 2012, đồng thời giảm tỷ lệ dữ trữ bắt buộc đối với các ngân hàng.

Báo cáo còn cho biết Trung Quốc khuyến khích cả khu vực nhà nước lẫn tư nhân tăng cường đầu tư trong năm tới nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh tế. Song song với việc khuyến khích và định hướng cho các nhà đầu tư tư nhân, chính phủ sẽ mở rộng đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng, thông qua việc lập các quỹ phát triển dài hạn.

Bên cạnh đó, thúc đẩy đô thị hóa theo hướng cải thiện về chất, ổn định dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc và gia tăng đầu tư ra nước ngoài cũng nằm trong số trong những nhiệm vụ kinh tế trọng tâm trong năm 2013. Trong báo cáo, Trung Quốc cam kết tiếp tục bảo vệ quyền và lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như đảm bảo thực hiện quyền sở hữu trí tuệ.

Trước đó, Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 4/12 đã chỉ rõ những nhiệm vụ kinh tế của năm 2013 là lấy chất lượng và hiệu quả tăng trưởng kinh tế làm trung tâm, tích cực mở rộng nhu cầu nội địa, đẩy nhanh việc điều chỉnh mang tính chiến lược kết cấu kinh tế, cải thiện dân sinh, duy trì ổn định cơ bản giá cả, thực hiện kinh tế tiếp tục phát triển lành mạnh và xã hội ổn định hài hòa.../.
(TTXVN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét