Về nước làm việc - 'tiếng gọi từ con tim'
Trong cuộc tranh luận về việc các nhà khoa học nên ở nước ngoài hay về Việt Nam, VnExpress phỏng vấn Nguyễn Bá Hải. Anh về nước công tác sau khi nhận bằng tiến sĩ tại Hàn Quốc cách đây hai năm. Bá Hải, 29 tuổi, hiện là phó giám đốc trung tâm bồi dưỡng giáo viên và đào tạo nhân lực công nghệ cao, Đại học sư phạm kỹ thuật TP HCM.
- Sau khi làm nghiên cứu sinh ở Hàn Quốc với kết quả cao và nhận nhiều lời mời làm việc, vì sao anh không ở lại để có môi trường làm việc tốt hơn so với Việt Nam?
- Mọi so sánh đều tương đối, tôi nghĩ với một thế giới phẳng, việc bạn làm ở đâu không quan trọng bằng điều chúng ta thực sự có đam mê gì? chúng ta đã làm gì? Và điều chúng ta làm có ích cho bản thân và xã hội như thế nào?.
Thời gian bên Hàn Quốc, nhờ giới thiệu của giáo sư cùng với các bằng sáng chế tại đây, tôi có cơ hội làm việc tại công ty lớn của Hàn. Nếu ở lại có thể tôi sẽ có mức thu nhập cao hơn, còn điều kiện phát triển thì tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi người. Nó giống lựa chọn công việc vậy, có người thích dạy học, có người thích kinh doanh, có người thích ca hát, có người lại chỉ thích đọc báo suốt nhiều giờ trong ngày. Ngôi trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật nơi tôi trở về công tác khi đó là một trong những môi trường tốt – nơi tôi có thể tiếp tục những hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và gắn kết công việc dạy học và nghiên cứu của bản thân với xã hội.
Về lý do về Việt Nam, thú thật vào thời điểm mùa thu 2010, khi quyết định trở về Việt Nam, tôi cũng không hiểu tại sao tiếng gọi con tim “về nước, về lại ngôi trường xưa, và về lại với gia đình” trong tôi lại mạnh mẽ như vậy. Có thể đó là tâm lý chung của đa số người Việt Nam khi trở về. Nhiều bạn bè thân thiết của tôi cũng trở về Việt Nam và họ đang giữ vị trí quan trọng trong doanh nghiệp, hoặc mở dịch vụ kinh doanh theo chuyên ngành của mình tại quê hương.
- Anh bắt đầu như thế nào khi mới về Việt Nam?
- Khi mới về, tôi cũng gặp khó khăn là mức lương khá thấp so với chi phí và trang trải nghiên cứu. Sau đó, tôi vừa dạy vừa tranh thủ tìm kiếm các dự án có liên quan lĩnh vực chuyên môn của các doanh nghiệp để trang trải thêm cho cuộc sống. Trường tôi có một trung tâm chuyển giao công nghệ, nơi đó gắn kết chúng tôi với các doanh nghiệp bên ngoài; nhà trường cũng khuyến khích những nghiên cứu có tính ứng dụng phục vụ nhu cầu xã hội.
Đến nay, cùng một số thầy và bạn bè, chúng tôi đang phát triển một nhóm nghiên cứu ứng dụng vừa giảng dạy cho học viên đại học và sau đại học trong nhà trường, vừa cố gắng làm được gì đó tuy nhỏ nhưng có ích cho các doanh nghiệp, cá nhân cần tư vấn, học tập về kỹ thuật. Từ kinh phí hỗ trợ từ các doanh nghiệp đó, chúng tôi mua sắm thêm trang thiết bị nghiên cứu và trả lương cho các em trong nhóm nghiên cứu. Tôi cùng một số bạn bè cùng nhau tổ chức lớp học 1 đô la cho gần 1.000 người từ năm 2011 đến nay. Gần đây nhất, nhóm chúng tôi có nghiên cứu thiết bị cho người khiếm thị và cũng có một số kết quả khả quan.
Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải và chiếc mũ cho người khiếm thị. Đeo mũ này vào, người khiếm thị sẽ cảm nhận và tránh được các vật cản giúp họ di chuyển dễ dàng hơn. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
- Hai năm làm việc ở Việt Nam, đã khi nào anh nghĩ đến việc sẽ trở lại Hàn Quốc hay đến quốc gia khác làm việc?
- Tôi chưa có suy nghĩ về điều đó. Nếu có thì chỉ là đến dự hội thảo khoa học hoặc hợp tác theo một dự án nào đó, còn sống và làm việc ở đâu đó lâu dài là điều tôi chưa nghĩ tới.
Đến lúc này, tôi thấy hài lòng và hạnh phúc với cuộc sống hiện tại, càng vui hơn khi công việc của mình đang giúp ích cho xã hội.
- Hầu hết các nhà khoa học phàn nàn về cơ chế chính sách đang cản trở việc nghiên. Anh thấy môi trường nghiên cứu khoa học Việt Nam thế nào?
- Cơ chế Việt Nam đang thay đổi đấy chứ, tuy nhiên nói cơ chế hoàn thiện, cơ chế tốt thì có lẽ còn cần tiếp tục thay đổi và nhiều cố gắng. Thực sự, có vô vàn khó khăn khi bắt tay nghiên cứu. Với tư duy nhà khoa học, mỗi người phải tìm cách để giải quyết, mà cách tốt nhất tôi nghĩ là tự thân vận động, hợp tác với bạn bè, đồng nghiệp, doanh nghiệp, tranh thủ những hỗ trợ từ nhà nước, nhà trường, sao cho phù hợp để vẫn giữ lửa nghiên cứu như lúc ở nước ngoài.
Việt Nam hiện có rất nhiều việc cần bàn tay của những công nhân lành nghề và khối óc của nhà khoa học giỏi. Nhiều trung tâm công nghệ cao cấp hình thành ở hai đầu đất nước, nhưng các doanh nghiệp trong và ngoài nước vẫn phải mời chuyên gia tư vấn là người nước ngoài đến Việt Nam làm việc. Tại sao đất nước có nhiều người giỏi lại không trực tiếp tham gia?
Tôi nghĩ khoa học nước nhà sẽ có tương lai tươi sáng. Tôi tin điều đó và cả nước ta, trong đó có một đóng góp không nhỏ từ những người Việt ở nước ngoài, sẽ cùng nhau cố gắng. Gần đây, tôi vui vì có nhiều hợp tác trên bình diện khoa học giữa Việt Nam và các nước, đặc biệt là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản.
- Là thế hệ trẻ, anh nghĩ gì về lời chia sẻ của giáo sư Nguyễn Văn Thuận, trường Đại học Konkuk, với mong muốn về xây dựng quê hương?
- Đọc dòng tâm sự về hay ở của giáo sư Thuận, tôi rất cảm động. Tôi nghĩ những trăn trở của giáo sư Thuận là chuyện thường tình, đặc biệt ở vị trí của giáo sư có lẽ việc về hay ở thì càng nên cân nhắc xem thế nào để vừa thuận lợi cho cá nhân giáo sư và vừa có thể cống hiến nhiều hơn cho đất nước.
Thật khó để lấy kinh nghiệm của một người để tư vấn cho người khác vì ông bà ta đã nói “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà một cảnh”. Những người Việt ở nước ngoài cống hiến cho đất nước thầm lặng là điều đáng quý biết bao, còn về trong lúc đất nước khó khăn thì lời khuyên của tôi là cần chuẩn bị tinh thần để giữ lửa và gây dựng từng bước một.
- Một viện nghiên cứu tên là V- KIST dự kiến sẽ được thành lập ở Việt Nam theo mô hình viện KIST của Hàn Quốc. Anh có nghĩ nếu V- KIST ra đời có thể thu hút nhà khoa học về nước hay không?
- Điều đó còn tùy thuộc vào V-KIST hoạt động theo cơ chế nào? Có thực sự cầu thị và hợp lòng đại đa số những người tri thức không? Tôi muốn đóng góp thêm một ý kiến để cùng cân nhắc, là nên chăng cho các nhà khoa học nước ngoài tư vấn cơ chế, giám sát, và cho nhà khoa học giỏi Việt Nam vào làm việc.
Hương Thu
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét