Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Trăm dâu đổ đầu… giúp việc

Sẻ chia: tôi buồn cho thân phận của những người giúp việc. Buồn cho cái xã hội đầy rẫy những người đang khép chặt lòng nhân, nhìn người nghèo khó hơn mình bằng một con mắt bề trên, khinh khỉnh.


(Trái hay Phải)- Mấy hôm nay Hà Nội lại ồn lên về chuyện có một nữ tiến sĩ kết luận: “Giọng nói chuẩn của người Hà Nội có thể biến mất hoàn toàn trong tương lai vì người giúp việc”. Nghe mà nẫu cả ruột, một chị ở cơ quan tôi kết luận như thế.


Osin- Người giúp việc...

Buổi trưa, ở cơ quan tôi, mấy chị em bàn tán xôn xao về kết luận của nữ tiến sĩ. Người thì bảo, bà ấy nói đúng đấy, hai đứa con nhà hàng xóm của em, bố mẹ thì người Hà Nội gốc, mà đứa thì nói giọng Nghệ An, đứa thì nói giọng Thái Bình như hai người giúp việc mà anh chị ấy thuê để trông lúc bọn chúng còn nhỏ. Thế là chả mất tiếng còn gì.
Người kể chuyện đó là một cô gái còn khá trẻ, một chị lớn tuổi hơn “phản biện”: Thế bố mẹ chúng nó đâu, đẻ con ra rồi không bao giờ nói chuyện với con à? Giao khoán hết cho giúp việc à? Nếu có trách thì trách bố mẹ chúng nó trước, cho dù bận đến mấy cũng phải quan tâm, trò chuyện với con mình, chẳng lẽ không phát hiện ra con mình nói giọng pha để mà uốn nắn.
Một chị khác bất bình: “Chẳng hiểu sao giờ người ta có vẻ nghiệt ngã với nhau quá, cứ giở báo ra mà xem, hết những bài osin cướp chồng, osin giết người cướp của, osin trộm tiền tỷ, giờ lại đến chuyện osin triệt tiêu tiếng nói Hà Nội nữa. Mình cứ thấy báo chí viết như thế tội tội cho họ thế nào ấy”.


Nghe ý kiến cảm thông này, lòng tôi chợt thấy nao nao. Đúng là dường như hiện nay, cả xã hội đều đang ác cảm và có cái nhìn nhiều định kiến với người giúp việc, trong khi lẽ ra, người thành phố phải nghĩ tới họ một cách trân trọng hơn mới phải.

Phụ nữ thành phố hoặc do công việc bận rộn, hoặc do gia đình “có điều kiện”, không muốn vất vả nên thường có bên mình ít nhất là 1 người giúp việc, nhà khá giả có người còn có đến 2,3. Thế nhưng cứ tụ họp lại với nhau một đám năm người phụ nữ, thì ít nhất cả năm thể nào cũng lôi người giúp việc ra nói xấu một cách đầy hào hứng.

Nào thì là gian, tham, ăn vụng, xấu xa, lười, bẩn thỉu, nói dối như ranh… Người thì cay cú vì bị giúp việc quơ mất cả chồng. Nói chung, nếu cứ để cho phụ nữ thành phố vẽ chân dung về người giúp việc, thì tới 99% chúng ta sẽ có một quái vật đội lốt người. Chẳng mấy khi gặp được một người biết cảm thông và trân trọng.

Vì sao nhỉ, vì họ ở quê ra, thất học, nghèo nàn, quê mùa, lam lũ, ngơ ngơ, chậm chạp, hay còn vì gì nữa? Hay vì họ là “công dân hạng hai”, là “kẻ ăn người ở” trong nhà, hàng tháng phải ngửa tay nhận tiền lương từ gia chủ, nên người ta có quyền coi khinh họ?

Nghĩ tới điều này tôi chợt thấy xót xa. Người giúp việc đa phần là phụ nữ. Họ cũng là một kiếp người, là một con người bình đẳng như mỗi chúng ta, vất vả, nghèo khổ, phải tha hương ra thành phố kiếm sống, có thể chưa biết những tiểu xảo “lưu manh” là gì, nhưng trải qua vài ba đời gia chủ, lăn qua tay 5,7 trung tâm môi giới, họ cũng buộc phải “lưu manh hóa” để tồn tại nơi thành phố.

Có những vụ người giúp việc phạm tội, thậm chí giết người, nhưng cũng đừng vì thế mà ác cảm hay định kiến với người giúp việc. Đọc tin tức trên báo về những vụ chủ nhà hành hạ người giúp việc như thời trung cổ, tôi thường thấy lạnh sống lưng.

Tôi chợt nhớ đến bà tôi ngày xưa, chẳng phải là dân ở Kẻ Chợ kinh kỳ, bà chỉ buôn bán nhì nhằng ở một thị xã tỉnh lẻ, nhưng trong nhà bà, những người giúp việc bao giờ cũng được tôn trọng. Bà dạy con cái trong nhà, rằng không bao giờ được xem đó là kẻ ăn người ở mà phải xem họ như những người thân trong gia đình, đối đãi với họ ra sao, mình sẽ được nhận về như thế.

Thế nên trong nhà bà tôi, những người giúp việc bao giờ cũng hết lòng hết dạ, không bao giờ tơ hào một đồng hay làm ăn gian dối, họ gắn bó, trung thành bởi cảm nhận được tình cảm mà bà cũng như mọi người trong gia đình dành cho họ.

Cuộc sống bao giờ cũng phải có sự “thông dung”, như tình yêu, khó có thể gọi là hoàn hảo nếu chỉ đến từ một phía. Nếu chúng ta chỉ nhìn thấy những mặt xấu xí, gồ ghề của người thì cũng chỉ nhận được về những gồ ghề, xấu xí. Còn nếu chúng ta mở lòng ra, dành cho tha nhân tình yêu thương, thì dù ít hay nhiều, cũng sẽ nhận được về như thế.

Trở lại với kết luận của nữ tiến sĩ về sự ảnh hưởng tiêu cực của người giúp việc trong việc gìn giữ âm sắc tiếng nói người Hà Nội, có thể bà nói đúng về khía cạnh nào đó, nhưng tôi chợt thấy có cái gì đó lạnh lòng. Cứ như thể những người giúp việc là một thế lực đen tối tấn công vào Hà Nội ngàn năm văn hiến để dần dần làm mất đi tiếng nói người Hà Nội vậy.

Họ nào có lỗi gì đâu, nếu không vì nghèo đói, họ có buộc phải rời bỏ gia đình, chồng con, quê hương bản quán để đi tha hương kiếm sống? Họ nào có lỗi gì đâu khi lên thành phố với tiếng nói “quê mùa” cha sinh mẹ đẻ của họ, chẳng lẽ bắt họ phải học cấp tốc một khóa “Tiếng Hà Nội” rồi mới tuyển vào nhà?

Nếu những đứa trẻ, chỉ vì gần gũi với người giúp việc hơn cha mẹ mình, để rồi có tiếng nói “pha” âm sắc của tỉnh lẻ, thì người có lỗi là ai? Là cha mẹ chúng đã thiếu quan tâm, gần gũi con mình hay vì người giúp việc?

Trách người bao giờ cũng dễ hơn trách mình. Vì vậy tôi cũng chẳng dám quy kết cho ai. Nhưng buồn thì không ai cấm được mình buồn. Thế nên đọc ý kiến đanh thép của nữ tiến sĩ, tôi buồn cho thân phận của những người giúp việc. Buồn cho cái xã hội đầy rẫy những người đang khép chặt lòng nhân, nhìn người nghèo khó hơn mình bằng một con mắt bề trên, khinh khỉnh.


Mi An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét