Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

New York - nghĩa địa ngôn ngữ

New York là thành phố có mật độ ngôn ngữ dày nhất thế giới
Đường số 7 nối Flushing ở Queens với Times Square tại trung tâm Manhattan đưa quý vị đi trên chặng đường vốn sẽ làm cho các nhà nhân chủng học ngôn ngữ thích thú.Để nghe các ngôn ngữ khác nhau ở New York, hãy lên tàu điện ngầm.
Mỗi chặng dừng của tàu trên tuyến đường này đưa người ta tới một vũ trụ ngôn ngữ khác nhau - Triều Tiên, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Bengal, Gujarat, Nepal.
Và không chỉ có ngôn ngữ nói thay đổi.

Các biển trên đường phố và tên các công ty cũng thay đổi, ngay cả các quảng cáo của các ngân hàng đa quốc gia hay các chuỗi khách sạn cũng vậy.
Trong tàu điện ngầm, thông tin cảnh báo hành khách tránh tới gần đường ray chạy điện được viết bằng bảy ngôn ngữ khác nhau.
Tàu điện ngầm ở New York
Đường số 7 đi qua các 'vũ trụ ngôn ngữ' khác nhau

'Ngôn ngữ chết dần'

Nhưng như tôi khám phá ra, New York không chỉ là thành phố có nhiều ngôn ngữ sống mà nó cũng là nơi ngôn ngữ tới và vĩnh viễn ra đi, điểm đến cuối cùng cho những người cuối cùng nói một số ngôn ngữ có nguy cơ tuyệt chủng ở dạng nói trên hành tinh.
Trong số 6.500 ngôn ngữ, UNESCO tin rằng có tới một nửa đang có nguy cơ tuyệt chủng nghiêm trọng và có thể ra đi trước khi thế kỷ này chấm dứt.
Ngay lập tức chúng ta nghĩ tới các thung lũng Himalaya hay những cao nguyên ở Papua New Guinea, những làng quê nơi một vài người vẫn nói các phương ngữ ít ai biết tới.
Nhưng ngôn ngữ cũng có thể từ trần trên tầng 26 của các tòa nhà trọc chời.

Thành phố New York là một trong những địa điểm giàu ngôn ngữ nhất trên thế giới, một nơi tuyệt vời để nghiên cứu các ngôn ngữ có nguy cơ tuyệt chủng.
Một báo cáo gần đây của Cục Khảo sát Dân số Hoa Kỳ nói số người nói ngôn ngữ ngoài tiếng Anh tại nhà đã tăng 140% trong vòng 30 năm qua và có 303 ngôn ngữ được ghi nhận ở dạng này.
Năm quận hình thành thành phố, còn được gọi là Trái Táo Lớn, - Bronx, Brooklyn, Manhattan, Queens và Staten Island - ban đầu là quê hương của thổ dân Lenape, sau đó là nơi định cư của người Hà Lan rồi bị Anh chinh phục cho tới trước khi một loạt các làn sóng di dân từ khắp mọi nước tới đây.

Vài ngôn ngữ mới tuyệt chủng

  • Ubyh - Phương ngữ Thổ Nhĩ Kỳ tuyệt chủng năm 1992 khi người cuối cùng nói phương ngữ này qua đời hồi năm 1992
  • Akkala Saami - Người cuối cùng nói phương ngữ này ở Liên bang Nga qua đời hồi năm 2003.
  • Eyak - Ngôn ngữ ở vùng Alaska của Hoa Kỳ mất đi năm 2008 khi bà Marie Smith Jones tạ thế.
Nguồn: UNESCO

Giờ Trái Táo Lớn là nơi cư trú của mọi ngôn ngữ chính trên thế giới nhưng cũng là của rất nhiều tiếng nói đang tắt dần, trong đó có những ngôn ngữ chỉ còn có vài người nói.
Các nhà ngôn ngữ học không còn phải đi nửa vòng thế giới để thu thập dữ liệu về tiếng Zaghawa, phổ biến ở Chad và Sudan, hay tiếng của người Livonia ở Latvia.
Họ chỉ cần lên tàu Số 7, đi vài bến để tìm những người nói 800 ngôn ngữ khác nhau ở New York.
Tôi vừa làm như vậy xong, dừng ở ga Jackson Heights, để thăm một gia đình trẻ người Nepal mà tôi quen.
Họ sống trong một tòa căn hộ lớn mà theo tên ghi trên các hộp thư tôi cho rằng có những người nói 40 loại ngôn ngữ.
Mọi hộ gia đình tại ngôi làng ở Nepal, nằm trên triền núi cách biên giới Tây Tạng vài cây số, đều có con trai hay con gái đang làm việc tại New York.
Và họ đã tạo ra cảm giác của ngôi làng Himalaya tại vùng đất mới này - họ sống cách nhau chỉ vài chục mét và thường xuyên gặp gỡ khi có sinh nhật của con cái, chơi bài và tán gẫu bằng ngôn ngữ hiếm được gọi đơn giản là tiếng làng.
Và không chỉ có vậy, chủ gia đình tôi quen, Wangdi, cũng đã học tiếng Hoa và tiếng Tây Ban Nha khi làm tại quán bán bánh kẹp và quán ăn ở New York.
Con trai của ông, Sonam, giờ mới một tuổi, đã nghe ba ngôn ngữ khác nhau ở nhà. Có lẽ cháu sẽ lớn lên và nói được bốn thứ tiếng.
Ngôn ngữ chung duy nhất trong khu căn hộ là tiếng Anh.
Khi có các buổi lễ Phật giáo ở New York, người ta sẽ ghi hình lại trên điện thoại và ngay lập tức đưa lên mạng để ông bà ở Nepal có thể xem và cùng tham gia.

'Trái táo độc đáo'

Nhận thấy cơ hội độc đáo có ở New York, hai nhà ngôn ngữ và một nhà thơ - Daniel Kaufman, Juliette Blevins và Bob Holman - lập ra Liên minh Ngôn ngữ Đỏ, một sáng kiến nhằm nghiên cứu và bảo tồn các ngôn ngữ có nguy cơ tuyệt chủng.
"Đây là thành phố với mật độ ngôn ngữ cao nhất thế giới và chủ yếu vì thành phố thu hút được số đông người di dân với tỷ lệ gần như ngang nhau từ khắp nơi trên thế giới - đây là điều độc đáo của New York," ông Kaufman nói.
Vài ngôn ngữ đã có những tiếng nói cuối cùng ở New York, ông nói.

New York vẫn là nơi có cư dân nói hàng trăm ngôn ngữ khác nhau

"Có những cộng đồng nay đã không còn ở quê hương họ nữa. Một trong những cộng đồng như vậy là nhóm người Gottscheers xuất xứ từ Đức nhưng sống ở Slovenia và hoàn toàn biệt lập khỏi dân số Đức.
"Họ sống xung quanh những người nói tiếng Slovenia trong hàng trăm năm và bởi vậy họ có dạng ngôn ngữ riêng của họ mà nay người Đức không còn hiểu được nữa."
Ông Kaufman nói những người cuối cùng nói ngôn ngữ này đã tới Queens và điều này cũng xảy ra với nhiều cộng đồng khác.
Garifuna là ngôn ngữ có ở Honduras và Belize nhưng cũng là tiếng của người di dân ở Hoa Kỳ.
Nhân viên của Liên minh Ngôn ngữ Đỏ đã hợp tác với hai người nói tiếng Garifuna, Loreida Guity và Alex Colon, để ghi lại không chỉ ngôn ngữ của họ mà còn cả các nét văn hóa thông qua các bài hát truyền thống trước khi ngôn ngữ mất đi.

'Vì sao tiếng chết?'

Nhưng tại sao ngôn ngữ chết?
Các cộng đồng có thể bị tuyệt chủng vì chiến tranh, bệnh dịch hay các thảm họa tự nhiên và ngôn ngữ cũng mất theo.
Nhưng lý do phổ biến hơn là người ta rời bỏ tiếng mẹ đẻ để tới ngôn ngữ khác, có thể là tự nguyện hay bắt buộc, một quá trình thường được gọi là chuyển đổi ngôn ngữ.
Là một trong những người cuối cùng nói một ngôn ngữ nhất định là quá trình cô đơn - bạn có thể không có ai để cùng trò chuyện, không có cách để ghi lại và có nhiều kiến thức lịch sử và văn hóa không dễ có thể chuyển ngữ sang tiếng Anh, Tây Ban Nha hay các ngôn ngữ chính khác.
Ngôn ngữ thịnh rồi suy, một số thịnh hành trong một khoảng thời gian rồi mất đi.

Văn hóa Do Thái thịnh hành ở đông Manhattan hồi đầu thế kỷ 20

Vào cuối thế kỷ 19, vùng phía đông của Manhattan là trung tâm của văn hóa Do Thái Châu Âu, là thế giới của các nhà hát tiếng Yiddish, sách báo và nhà hàng.
Nhưng sang thế kỷ 20, cộng đồng Do Thái rời bỏ khu này và đi ra ngoại ô. Con cái của người di dân Do Thái hiểu tiếng của bố mẹ nhưng hiếm khi nói ngôn ngữ này.
Không còn người đọc, các tờ báo đóng cửa và sách thành đồ bỏ đi.
Nhưng vào đúng lúc tiếng Yiddish bị đe dọa nghiêm trọng nhất, nó hồi phục trở lại nhờ sự kết hợp của công nghệ, tín ngưỡng và cố gắng của Aaron Lansky, người sáng lập và chủ tịch của Trung tâm Sách Yiddish.
Ông lập ra trung tâm để cứu nhiều ấn bản phẩm bằng tiếng Yiddish trong đó 11.000 ấn phẩm đã được số hóa và có thể được tra cứu miễn phí trên mạng.
Tiếng Yiddish cũng tìm được sự hỗ trợ từ một nhóm khác - trong khi những người Do Thái thế tục ngày càng bỏ ngôn ngữ mẹ đẻ để theo tiếng Anh thì những cộng đồng Do Thái sùng đạo vẫn tiếp tục nói ngôn ngữ của họ.
Ngay cả đài phát thanh bằng tiếng Yiddish, một thời rất thịnh hành ở New York, cũng được phục hồi với lịch phát sóng một tuần một lần.
New York là thành phố không bao giờ ngủ và cũng là thành phố không bao giờ ngừng nói.
Đây là lợi thế tuyệt vời để biết các ngôn ngữ trên thế giới chìm nổi ra sao cùng với các đợt thủy triều trong đời sống.
Tôi tự hỏi không biết bạn có thể nói các từ 'Trái Táo Lớn' bằng mấy ngôn ngữ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét