Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

‘Kinh tế Việt Nam cần một liều thuốc niềm tin’

Đúng là chơi khó nhau. Người dân, doanh nghiệp cần niềm tin, nhưng biết tin ai bây giờ.
Mình rất ghét các ông TS kiểu này, đến VN toàn cho dân VN uống thuốc an thần. Không nghiên cứu sâu, vẫn khẳng định rất hùng hồn và rất vô trách nhiệm để lấy tiền công tác phí; sau đó ra về để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng...

‘Kinh tế Việt Nam cần một liều thuốc niềm tin’

Tồn kho, nợ xấu, khó vay vốn ngân hàng đang là những từ thường dùng để nói về khó khăn của doanh nghiệp. Nhưng theo giới chuyên gia và chính các doanh nhân, rủi ro lớn nhất lại nằm ở hai chữ niềm tin.
Patrick Dixon: 'Việt Nam sẽ là công xưởng của thế giới'
'Môi trường kinh doanh Việt Nam chưa hấp dẫn'

Cuối tuần trước, hội thảo quốc tế lớn về dự báo và chính sách kinh tế vĩ mô Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội với sự góp mặt của Tiến sĩ Patrick Dixon, người được biết đến như một trong những “bộ óc” quản trị hàng đầu thế giới. Trước hơn 300 trăm doanh nghiệp, nhà nghiên cứu kinh tế Việt Nam, phần trình bày của tiến sĩ Dixon được ví như “một làn gió lạc quan, thổi vào bầu không khí u ám” của nền kính tế. Chưa nghiên cứu sâu về Việt Nam, nhưng với cái nhìn của nhà tương lai học hàng đầu, vị chuyên gia này đã chỉ ra một loạt cơ hội từ những thách thức mà Chính phủ và doanh nghiệp đang gặp phải.

Tiến sĩ Patrick Dixon cho rằng Việt Nam đang có nhiều cơ hội ngay trong khủng hoảng. Ảnh: Nhật Minh
Tiến sĩ Patrick Dixon cho rằng Việt Nam đang có nhiều cơ hội ngay trong khủng hoảng. Ảnh: Nhật Minh
Chuyên gia này không xem nặng việc GDP, thu nhập đầu người tăng chậm, chuyện doanh nghiệp trong nước đang phải đối mặt với nguy cơ cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài ngay trên “sân nhà”.
Bởi theo ông bản thân trong những thách thức đó đã ẩn chứa nhiều cơ hội, chẳng hạn như các tập đoàn đa quốc gia mạnh hơn về nguồn lực, uy tín nhưng không thân thuộc thị trường và không có khả năng quyết định nhanh như các doanh nghiệp nội địa.
Tiến sĩ Dixon cũng nhận định rằng nhìn từ bên ngoài, Việt Nam vẫn là một câu chuyện đáng ngưỡng mộ với thành tích tăng xuất khẩu tới 24,2% trong năm qua, trong khi Trung Quốc chỉ tăng 7,6%, Indonesia và Philippines là 6,9 và 5,2% trong khi Thái Lan giảm 3,9%.

Patrick Dixon lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam
Tuy nhiên, từ những gì mắt thấy, tai nghe, chuyên gia kinh tế này nhận định rằng tại Việt Nam hiện nay, người ta đang nói quá nhiều về suy thoái. Cộng với một số chính sách chưa thật sự nhất quán đã khiến nhiều doanh nghiệp và người dân trở nên thiếu niềm tin vào nền kinh tế. “Việt Nam đang trong giai đoạn rất dễ mất lòng tin. Khi tôi ra thị trường, cảm nhận này là rất lớn”, Tiến sĩ Dixon phát biểu.
Theo khảo sát của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp muốn mở rộng kinh doanh trong năm 2012 chỉ đạt 33%. Con số này thấp hơn nhiều so với mức 47% của năm 2011 và trung bình trên 70% của những năm trước.
Thất vọng ở kết quả kinh doanh hiện tại, theo vị chuyên gia này đã khiến nhiều doanh nghiệp, kể cả trong nước lẫn khu vực FDI mất niềm tin cũng như mong muốn mở rộng đầu tư trong tương lai, dù đang là những công ty rất có tiềm năng. Trong khi đó, do lo lắng về triển vọng kinh tế sẽ có chiều hướng xấu hơn, người tiêu dùng lại thắt chặt chi tiêu, vì thế càng gây khó cho doanh nghiệp.
Ngay sau hội thảo này, vấn đề niềm tin lại một lần nữa được đặt ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) ngày 3/12. Theo ông Trần Anh Vương, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, bên cạnh những âu lo về thị trường, quan ngại của doanh nghiệp còn đến từ những chính sách của cơ quan quản lý.
“Trước bối cảnh suy thoái, nhiều chính sách kinh tế, chính sách tiền tệ cũng như những “gói giải cứu” đã được tuyên bố, nhưng không đủ liều”, đại diện này nhận định. Đặt câu hỏi về việc doanh nghiệp đang cần gì nhất tại thời điểm này, nhiều đại biểu cho rằng đó là việc lấy lại niềm tin. “Niềm tin chỉ có thể đến từ sự minh bạch, nhất quán và kịp thời chính sách. Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, sự kịp thời là rất quan trọng bởi với độ trễ trong thực thi, nhiều doanh nghiệp đã không còn tồn tại đề chờ chính sách thay đổi”, ông Trần Anh Vương lưu ý.
Tại diễn đàn VBF, đại diện các nhà đầu tư trong và ngoài nước cho rằng quá trình gây dựng lại niềm tin nên được bắt đầu từ chính cơ quan quản lý với những quyết định nhất quán và mau lẹ, tập trung cho các nhiệm vụ dài hơi như tái cơ cấu nền kinh tế, thay vì chỉ tập trung tháo gỡ các khó khăn trước mắt, thông qua chính sách tiền tệ hay tài khóa.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cần được vực dậy niềm tin. Ảnh: NYTimes
Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cần được vực dậy niềm tin. Ảnh: NYTimes
Cũng có chung quan điểm này, Tiến sĩ Patrick Dixon cho rằng phần lớn các chính phủ thường có xu hướng đánh giá thấp quy mô cũng như tác động của các cuộc khủng hoảng trong giai đoạn đầu, nhưng lại phản ứng thái quá khi các vấn đề bắt đầu lan rộng. Chính những bất cập này, trong nhiều trường hợp, đã tác động xấu đến doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. “Với trường hợp của Việt Nam, tôi tin nếu các nhà quản lý có thể cải thiện hơn nữa việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp, cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia sâu hơn vào nền kinh tế, các bạn có thể vượt qua khúc quanh này”, nhà tương lai học này nhận định.
Ở góc độ vi mô, Tiến sĩ Dixon cho rằng đây là thời điểm mà các chủ doanh nghiệp phải tự lấy lại niềm tin và tìm ra cơ hội: “Kinh doanh, dù thề nào đi nữa vẫn là dựa trên lòng tin. Nhiệm vụ của doanh nghiệp là phải hiện thực hóa các cam kết của mình. Do đó, bạn chỉ được phép bán chính những gì mà bạn tin tưởng”, chuyên gia này phân tích.
“Việt còn nhiều tiềm năng chưa khai thác. Những khách sạn chưa kín chỗ, sân bay dư công suất. Đừng nhìn đó là bi kịch, đó là cơ hội cho du lịch. Việt Nam cũng ở cạnh Trung Quốc, một xã hội đang giàu lên và có nhu cầu rất cao về tiêu dùng, đặc biệt là hàng xa xỉ…", Tiến sĩ Dixon lấy ví dụ.
"Tôi nghĩ điều quan trọng với các bạn lúc này là một liều thuốc niềm tin", ông nói thêm.
Nhật Minh


-------


Patrick Dixon lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

Tiến sĩ Patrick Dixon, người được mệnh danh là "bộ óc" quản trị xuất sắc của thế giới, đã đưa ra nhiều lời khuyên đắt giá cho doanh nghiệp Việt.

Trong 20 năm vừa rồi, Việt Nam đã chứng kiến những mức tăng trưởng ngoạn mục (trung bình 7,1% từ 1991 đến năm 2012). "Với những tiềm năng sẵn có, tôi tin rằng trong vòng 30 năm tới, tăng trưởng trung bình hằng năm của Việt Nam cũng sẽ giữ được ở con số trên", Tiến sĩ Patrick Dixon nhận định.
Patrick Dixon
Tiến sĩ Patrick Dixon được mệnh danh là một trong những "bộ óc" quản trị xuất sắc, nhà tư tưởng bậc thầy của thế giới. Ảnh: PV
Lý do khiến vị Tiến sĩ đưa ra dự báo trên là Việt Nam đã có những chính sách đúng đắn, tập trung vào các vấn đề then chốt là giảm lạm phát và kích thích tăng trưởng trong thời gian qua. Dù IMF và World Bank mới đây điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay, nhưng họ đều chỉ ra những hướng đi đúng của Chính phủ Việt Nam trong việc điều hành kinh tế. Bằng chứng là dự trữ ngoại tệ đã tăng gấp đôi trong năm vừa rồi (tính đến tháng 9/2012) và kim ngạch xuất khẩu cũng được dự báo khởi sắc trong năm tới.
"Tất nhiên kinh tế có tính chu kỳ nên trong dài hạn, chúng ta sẽ gặp những giai đoạn đi xuống", ông Dixon nói thêm. Nhất là trong tình hình khó khăn chung của kinh tế thế giới hiện nay, việc các công ty gặp thua lỗ, tín dụng tăng trưởng chậm chạp là không thể tránh khỏi.
Patrick Dixon
Tiến sĩ Patrick Dixon sắp đến Việt Nam vào cuối tháng này để chia sẻ kinh nghiệm quản lý chính sách vĩ mô, tư duy quản trị chiến lược. Ảnh: PV
Là chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, ông Patrick Dixon đưa ra khái niệm "Future-thinking" (Tư duy tương lai) để làm lời khuyên cho các doanh nghiệp muốn vạch chiến lược. "Là chủ doanh nghiệp, bạn phải có nhiều hơn một kế hoạch hoặc một chiến lược. 'Future-thinking' nghĩa là công ty cần phản ứng nhanh hơn các biến động, các rủi ro có thể có, hoặc nắm bắt cơ hội nhanh hơn những người không có khái niệm 'future-thinking", ông Patrick Dixon đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp Việt.
Một ví dụ tiêu biểu cho "future-thinking" là trong thời khủng hoảng, các công ty có lượng dự trữ tiền mặt cao hơn thường đối phó tốt hơn, nhất là khi họ có thể mua lại công ty đối thủ hoặc tài sản cố định với giá thấp.
"Hãy nhớ nguyên tắc 80:20, trong hầu hết các hoạt động kinh tế, hầu hết ảnh hưởng (80%) có thể bắt nguồn từ một tỷ lệ nhỏ (20%) nỗ lực mà chúng ta bỏ ra. Hãy làm những việc có thể tạo ra sức ảnh hưởng lớn nhất có thể", Tiến sĩ Dixon khuyên. Nhất trong thời điểm kinh tế Việt Nam gặp nhiều thách thức như hiện nay, giới doanh nghiệp cần mau chóng nắm bắt các quy tắc trên để vượt khủng hoảng.
Ông Patrick Dixon cũng gợi ý Chính phủ cần có những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ - nhóm dễ bị tổn thương. Nhóm doanh nghiệp này là lực lượng chủ lực trong việc tạo ra việc làm, nên hỗ trợ họ cũng là hỗ trợ tương lai của Việt Nam, ông nhận định.
Khi nói về kinh tế thế giới, Tiến sĩ Patrick Dixon cho rằng kinh tế thực đáng lạc quan hơn những dự báo u ám gần đây của các tổ chức, định chế tài chính. Nhất là tại châu Á, tăng trưởng kinh tế có thể ở tiếp tục cao hơn nhiều nhóm các quốc gia phát triển ở phương Tây. Điều đáng ngạc nhiên hiện nay là lực đẩy từ nhóm đông dân số có mức thu nhập thấp ở châu Á lại là đòn bẩy kéo cả kinh tế thế giới đi lên. Các nước trong khu vực châu Á sẽ đóng vai trò là lực lượng kinh tế chính, và tính tới năm 2015 sẽ chiếm 40% sản lượng toàn cầu xét về Sức mua tương đương (PPP).
Patrick Dixon sinh năm 1957 tại Luân Đôn, Vương Quốc Anh. Ông được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới như là một nhà tư tưởng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực khác nhau trong đó đặc biệt là lĩnh vực tương lai học. Ông được Wall Street Journal đánh giá là nhà tương lai học hàng đầu của thế giới và đã có nhiều dự đoán chính xác về khủng hoảng tại Hy Lạp, sự đi lên của những nền kinh tế mới nổi…
Nhiều năm liền, ông được Thinkers50 xếp cùng nhóm với các tên tuổi lớn khác như Michael Porter, Phillip Kotler hay Bill Gate trong danh sách những nhà tư tưởng quản trị xuất sắc nhất thế giới.
Hiện ông là Chủ tịch của Global Change, một tổ chức chuyên tư vấn chiến lược phát triển cho các công ty đa quốc gia như: Google, Microsoft, IBM, KLM, Air France, BP, ExxonMobil... Bên cạnh đó, Patrick cũng là tác giả của 15 cuốn sách được xếp vào danh mục các đầu sách bán chạy nhất tại Mỹ và Châu Âu.
Anh Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét