Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

Cuộc chiến giành nguồn tài nguyên

Căng thẳng kéo dài tại đảo Điếu Ngư/Senkaku

Cuộc chiến giành nguồn tài nguyên

(PL&XH) - Cuộc tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên biển Hoa Đông đã gây căng thẳng cho quan hệ hai nước trong thời gian gần đây.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng (Hồng Công), giờ đây cuộc tranh chấp này đã vượt lên trên cả niềm tự hào dân tộc, khi mà việc nước nào giành quyền sở hữu quần đảo này cũng đồng nghĩa với việc có quyền tiếp cận với những nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào ở vùng biển đó.

Hai tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản chặn các 
nhà hoạt động Trung Quốc lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Cuộc tranh chấp dai dẳng

Cuộc tranh chấp kéo dài giữa Bắc Kinh và Tokyo giờ đây không đơn giản chỉ là một vấn đề về địa lý hay niềm tự hào dân tộc, mà là một cuộc chiến tranh giành nguồn tài nguyên thiên nhiên, các lợi ích kinh tế và các lợi ích chiến lược. Cuộc chiến này cũng diễn ra vì vị thế và ảnh hưởng quốc gia không chỉ hạn chế ở châu Á mà còn ảnh hưởng cả vũ đài toàn cầu, khiến hai cường quốc kinh tế và quân sự hùng mạnh nhất khu vực ở vào thế đối đầu. 

Đối với Mỹ và các đồng minh khu vực của nước này, vụ tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku là một vụ việc để kiềm chế một cường quốc đang nổi lên – Trung Quốc, và cũng là bài kiểm tra đối với tham vọng mới tuyên bố của Trung Quốc là trở thành một “cường quốc biển,” như Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã đưa ra trong báo cáo chính trị tại Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc mới đây. 

Quần đảo nhỏ và không có người ở, được biết đến với tên gọi Senkaku ở Nhật Bản, có vị trí nằm giữa Đài Loan và hòn đảo Okinawa phía Nam Nhật Bản hiện thuộc quyền kiểm soát của Tokyo. Quần đảo này đang bị thách thức chủ quyền bởi Bắc Kinh và Đài Loan, với cáo buộc rằng người Nhật Bản đã xâm chiếm quần đảo này trong cuộc chiến tranh Trung-Nhật năm 1895

Cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku có lẽ sẽ tồn tại trong một thời gian dài nữa, nhưng tầm quan trọng của nó đã trở nên rõ ràng chỉ trong vài thập kỷ gần đây khi cả hai cường quốc kinh tế châu Á này đều cùng có chung mô hình phát triển đầy bức bách. Cả Trung Quốc và Nhật Bản hiện đều là những gã khổng lồ sản xuất của thế giới với việc phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa, trong đó an ninh hàng hải là một yếu tố quan trọng. Cuộc tranh chấp này khiến hai cường quốc mạnh nhất châu Á ở vào thế đối đầu, cả hiện nay và trong những năm tới khi mà những thỏa hiệp và giải pháp vẫn ít – mặc dù hầu hết các chuyên gia đều tin rằng việc nói về xung đột trước mắt có lẽ là sự cường điệu, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Quan hệ giữa hai nước đã rơi vào tình trạng ngày càng tồi tệ, đặc biệt kể từ khi Tokyo quốc hữu hóa quần đảo Điếu Ngư/Senkaku hồi tháng 9 vừa qua. Hành động này khiến cả hai nước điều động các tàu vũ trang đến vùng biển quanh quần đảo tranh chấp trong nhiều tuần. 

Thiếu tướng La Viện, một chiến lược gia nổi tiếng của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), nói rằng vấn đề quần đảo Điếu Ngư/Senkaku không chỉ là đánh mất hay bảo toàn lãnh thổ Trung Quốc. An ninh và sự phát triển của Trung Quốc cũng đang bị đe dọa. Viên tướng về hưu này nhận xét: “Đằng sau cuộc tranh chấp chủ quyền nào cũng có cuộc đua tranh về những lợi ích địa kinh tế, lợi ích địa chiến lược và địa chính trị ở dưới đáy biển”. 

Trong một chương trình đặc biệt của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) gần đây về vấn đề làm thế nào để đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc biển, Thiếu tướng La Viện đã nói rằng: “Nước nào kiểm soát được các hòn đảo, nước đó sẽ chiếm ưu thế quân sự trong các cuộc xung đột trong tương lai”.

Nhật Bản bắt giữ các công dân Trung Quốc xâm nhập quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Nguồn lợi khổng lồ

Trong khi đó, Giáo sư Kim Xán Vinh, một chuyên gia an ninh và là Phó Viện trưởng Học viện Quan hệ quốc tế thuộc ÐH Nhân dân (Trung Quốc) nhận định: “Những hòn đảo trên quần đảo Điếu Ngư sở hữu nhiều giá trị hơn so với những giá trị đơn thuần về mặt chiến lược, quân sự và kinh tế bởi vì chúng là vấn đề về an ninh hàng hải và chúng có một lượng lớn dầu mỏ và nguồn cá phong phú”.

Quả thực như vậy, cuộc tranh cãi quốc tế giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku xảy ra không chỉ vì phần lãnh thổ trên các hòn đảo, mà là những gì xung quanh và những thứ nằm dưới mặt nước ở vùng biển đó. Vùng biển sâu rộng quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku được cho là rất giàu tài nguyên. Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, trữ lượng dầu mỏ chưa khai thác ở vùng biển này ước tính vào khoảng từ 100 đến 160 tỷ thùng. Những đánh giá khác nhau đối với biển Hoa Đông, nơi có nhiều quốc gia cùng tuyên bố chủ quyền, trong đó có Trung Quốc, dự đoán vùng biển này có trữ lượng dầu mỏ vào khoảng từ 28 đến 213 tỷ thùng. 

Theo các số liệu liên quan, trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên ở biển Hoa Đông sẽ đủ để đáp ứng các nhu cầu năng lượng của Trung Quốc trong ít nhất 80 năm. Theo Bộ Đất đai - Cơ sở hạ tầng - Vận tải và Du lịch Nhật Bản, lượng Mangan ở vùng biển Hoa Đông gần quần đảo Điếu Ngư có thể đáp ứng được nhu cầu của Nhật Bản trong 320 năm, đủ Coban trong 1.300 năm, đủ Niken trong 100 năm và đủ khí đốt tự nhiên trong 100 năm, chưa tính đến những tài nguyên khoáng sản và nguồn cá dồi dào. 

Nếu một quốc gia kiểm soát được những nguồn tài nguyên đại dương đó, thì nguồn tài nguyên ấy sẽ biến một quốc gia hạn chế về tài nguyên thiên nhiên thành một cường quốc về tài nguyên thiên nhiên. Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều là những nước nhập khẩu và tiêu thụ rất nhiều năng lượng, và cuộc đua tranh giữa hai nước được tạo nên từ nhu cầu năng lượng ngày càng trở nên cấp thiết ở mỗi nước. 

Giáo sư Trương Văn Mộc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược của ÐH Hàng không Bắc Kinh nói rằng mức độ thiếu hụt tài nguyên trên toàn thế giới tương xứng với mức độ căng thẳng giữa các cường quốc lớn. Giáo sư Trương Văn Mộc cho rằng “ở đâu có sự khan hiếm các nguồn tài nguyên, ở đó sẽ xảy ra các vấn đề địa chính trị. Các nguồn tài nguyên có liên quan trực tiếp đến sự sống còn và phát triển của Trung Quốc bởi vì nước này phụ thuộc gần 50% vào lượng dầu mỏ nhập khẩu”. Giáo sư Trương Văn Mộc viết trong báo cáo nghiên cứu gần đây mang tên “Bảo vệ An ninh biên giới và Ranh giới An ninh” rằng “Trung Quốc không thể kiểm soát những mục tiêu phát triển mà không có sự kiểm soát phù hợp với những nguồn tài nguyên có vai trò “bơm nhiên liệu” cho nền kinh tế”. 

Các chuyên gia chiến lược của Trung Quốc đã kêu gọi chính phủ nước này thực hiện sách lược phát triển thành một cường quốc biển để hỗ trợ cho sự phát triển nhanh chóng của nước này, trong khi đã có những tuyên bố rằng những quan ngại về quân sự và an ninh cũng đã chi phối tâm trí của các nhà hoạch định chính sách và các chiến lược gia ở cả Tokyo và Bắc Kinh. 

Các quan chức và giới học giả Trung Quốc nói rằng Mỹ đang đóng một vai trò chủ chốt trong việc làm leo thang tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku sau chính sách chuyển trọng tâm trở lại châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama, chính sách nhằm tạo cho Washington một lợi thế chiến lược lâu dài và sự lãnh đạo trong khu vực. 

Tiến sĩ Tôn Thiệu Chính nói rằng Bắc Kinh đã nhận thức được việc Mỹ triển khai các tên lửa ở Nhật Bản, sự liên quan của Mỹ trong cuộc tranh chấp giữa Philippines với Trung Quốc xung quanh chủ quyền các hòn đảo ở biển Đông, và việc làm trầm trọng thêm cuộc xung đột xung quanh chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku là những nhân tố nằm trong nỗ lực của Mỹ nhằm phủ nhận những quyền và lợi ích thương mại của Trung Quốc trong khu vực. 

Theo thuyết duy vật về chính trị quốc tế, sự bất hòa giữa một nước Mỹ đang sa sút và một Trung Quốc đang nổi lên là điều không thể tránh khỏi. Và người Trung Quốc tin rằng đằng sau tranh chấp Trung-Nhật là một cuộc chiến tranh lạnh ở hậu trường giữa Bắc Kinh và Washington. Trong bối cảnh này, Mỹ đang sử dụng Nhật Bản và các nước nhỏ hơn khác trong khu vực để kiềm chế sự lớn mạnh nhanh chóng của Trung Quốc bởi vì Mỹ sẽ không thể một mình dẫn dắt các đồng minh châu Á như họ đã làm trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Sự hiện diện của Trung Quốc chỉ mang tính danh nghĩa trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh, nhưng hiện nay nước này đã trở thành một cường quốc vững mạnh ở châu Á. Giáo sư Kim Xán Vinh nhận định: “Khi Trung Quốc trỗi dậy, Nhật Bản loạng choạng và Mỹ bị căng sức quá mức, một cuộc cạnh tranh an ninh quyết liệt đang diễn ra ở Đông Á”. 

Chiến thắng luôn thuộc về phía ai sở hữu những khẩu súng lớn. Điều này bao gồm những khẩu súng theo nghĩa đen và các loại vũ khí khác, như sức mạnh kinh tế, văn hóa, lòng yêu nước và sự gây hấn – tất cả các nguồn lực để giành được các vùng lãnh thổ cũng như là những người bạn và ảnh hưởng đến mọi người trên toàn cầu.


        Minh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét