Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

Ba kịch bản cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2013

Ba kịch bản cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2013


(VOV)-Tương ứng với 3 kịch bản này, mức tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2013 lần lượt là 5%; 5,68% và 6,34%.

Tăng trưởng năm 2013 sẽ là 5,68%?
Dự báo những tác động của kinh tế thế giới đến nền kinh tế Việt Nam năm 2013, PGS, TS Đỗ Văn Thành, Phó Giám đốc NCEIF, cho biết: Về mặt tích cực, các nền kinh tế châu Âu và Mỹ đang trên đà khôi phục là thuận lợi quan trọng cho xuất khẩu của Việt Nam. Thêm vào đó sự sụt giảm tăng trưởng của hai nền kinh tế là Ấn Độ và Trung Quốc cũng tạo ra một lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong việc xuất khẩu khi nhân công và chi phí đầu vào của Việt Nam được đánh giá là thấp hơn 2-2,5 lần so với Ấn Độ, Trung Quốc. Dòng vốn đầu tư FDI, ODA vào Việt Nam trong năm 2013 có nhiều triển vọng tăng cao hơn năm 2012 sẽ giúp cho kinh tế Việt Nam, nền kinh tế phụ thuộc còn phục thuộc nhiều vào đầu tư khởi sắc.
Nhiều chuyên gia đặt niềm tin vào mức tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2013 là 5,68%
Tuy nhiên, bên cạnh đó, những tác động tiêu cực có thể dự báo như: Tăng trưởng kinh tế Nhật Bản trong năm 2013 được dự báo sụt giảm có ảnh hưởng không thuận cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, vì Nhật Bản không chỉ là 1 trong 3 nước có quan hệ thương mại lớn nhất với Việt Nam mà còn là nước có lượng vốn đầu tư vào Việt Nam lớn nhất. Tăng trưởng kinh tế Nhật Bản có xu hướng giảm sẽ gây lo ngại ảnh hưởng tới vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Tuy rằng kinh tế châu Âu và Mỹ có dấu hiệu phục hồi nhưng các bảo hộ thương mại có xu hướng được sử dụng nhiều hơn sẽ là rào cản lớn đối với hàng hóa Việt Nam vào hai nền kinh tế lớn này, vì vậy chính phủ các nước có khả năng dè dặt trong việc nhập khẩu hàng hóa và nhu cầu có tăng nhưng sẽ không tăng cao.
Dựa trên ước tính tình hình kinh tế Việt Nam năm 2012 đã được báo cáo trước Quốc hội, dựa vào bối cảnh kinh tế Việt Nam năm 2013 và một số kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới do một số tổ chức quốc tế xây dựng, Nhóm nghiên cứu của NCEIF đề xuất dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2013 theo 3 kịch bản: Kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế thế giới đạt 2,8%, khi đó vốn đầu tư phát triển tăng 5,5%; Kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế thế giới đạt 3,3%, khi đó vốn đầu tư phát triển tăng 11%; Kịch bản 3, tăng trưởng kinh tế thế giới đạt 3,6%, khi đó vốn đầu tư phát triển tăng 15%.
Giải thích về 3 kịch bản cho năm 2013 của kinh tế Việt Nam, Thạc sĩ Phó Thị Kim Chi cho biết: Ở kịch bản 1, kinh tế thế giới không tăng trưởng cao như mong muốn ở các nền kinh tế EU, Nhật, Mỹ… xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác chính bị ảnh hưởng. Khi đó tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo ở mức 5% so với năm 2012.
Trong kịch bản 2, nợ công ở khu vực đồng tiền chung châu Âu tìm thấy lối thoát và không còn là vấn đề lớn; xung đột chính trị và tranh chấp chủ quyền biển đảo dịu bớt; nền kinh tế Mỹ được phục hồi khá, tăng trưởng kinh tế Nhật bản gần tương tự như năm 2012, thương mại thế giới tốt hơn năm 2012, luồng vốn FDI vào Việt Nam khả quan hơn, khi đó tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ là 5,68%; vốn trên GDP là 30,5%; tăng trưởng xuất khẩu 14,6%.
Còn đối với kịch bản 3, kinh tế thế giới tăng trưởng khá, Chính phủ Việt Nam có chính sách điều hành linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, tăng trưởng GDP sẽ là 6,34%, tăng trưởng xuất khẩu là 16,3%; nhập siêu trên xuất khẩu là 6,6%.  
Trong 3 kịch bản này, nhóm Nghiên cứu cho rằng kịch bản 2 sẽ là kịch bản chủ, có nhiều khả năng xảy ra nhất.
5 nhiệm vụ quan trọng
Để đạt được mức GDP 5,68% theo kịch bản 2, nhóm nghiên cứu của NCEIF đề xuất:
Thứ nhất, Chính phủ vẫn cần thiết duy trì ưu tiên ổn định vĩ mô, giữ lạm phát ở mức tương tự như năm 2012, thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, linh hoạt. Chú trọng triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong nền kinh tế, đặc biệt khu vực kinh tế nhà nước. Đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó đặc biệt là tái cơ cấu đầu tư công; 
Thứ hai, có giải pháp nhằm khắc phục tình trạng đình đốn sản xuất của các doanh nghiệp như  thực hiện chính sách miễn giảm thuế, phí, …, hỗ trợ và thúc đẩy tiêu dùng nội địa, chú ý tập trung vào đối tượng thu nhập trung bình và thấp trong xã hội. Thực hiện các chính sách thu hút các nguồn vốn trong nước đưa vào sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng.
Thứ ba, có giải pháp phá băng thị trường bất động sản nhằm giải quyết vấn đề nợ xấu, nhất là nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Việc tái cơ cấu ngân hàng cần được thực hiện triệt để và quyết liệt, không chỉ nhằm giải quyết một phần vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng mà quan trong hơn là làm lành mạnh hóa thị trường tín dụng, khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp.
Thứ tư, thực hiện đồng bộ các giải pháp (nhất là những chính sách về đất đai, đầu tư, …)  nhằm tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn FDI từ các nước Trung Quốc, Ấn Độ, …, vào các nước ASEAN, định hướng dòng vốn này vào những lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư, loại bỏ những dự án đầu tư với công nghệ cũ, lạc hậu, …, cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực của đầu tư FDI lên công đồng doanh nghiệp trong nước. 
Thứ năm, từng bước thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp và thực hiện nghiêm túc, trong đó nhất là đối với các doanh nghiệp nhà nước nhằm giảm sự thất thoát lãng phí trong sử dụng vốn, tạo môi trường lành mạnh và bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét