Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

(1) Christmas Bombing – Ném bom trong dịp Giáng Sinh (Phần 1)

Xem bản tiếng Anh (Christmas Bombing) tại đây.
Cuối bài này có 1 đoạn hồi ức của chủ Blog đăng trên Hiệu Minh Blog.
Christmas Bombing –


B52 đang rải bom. Ảnh: internet
B52 đang rải bom. Ảnh: internet
HM BlogTôi tìm trên mạng về cuộc chiến 12 ngày trên bầu trời Hà Nội thì thấy bài này của Viện Bảo tàng Smithsonian, một trong những tạp chí uy tín nhất thế giới. Dù bài đã đăng cách đây 11 năm nhưng tư liệu tác giả đưa ra có nhiều chi tiết rất đáng suy ngẫm. Cũng chả biết bên mình đã đăng và dịch chưa.
Nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến Điện Biên Phủ trên không, HM Blog xin đăng một vài entry về sự kiện lịch sử này.
Nếu bạn đọc nào từng sống qua những ngày đó, hoặc chính mình tham gia chiến trận 12 ngày đêm, và muốn chia sẻ trên HM Blog thì sẽ được vui mừng đón nhận.
Bài này do bạn đọc có nick là Dove, một TS của Viện Khoa học Việt Nam, biên dịch và chuyển tải. Cảm ơn anh Dove rất nhiều.

Christmas Bombing

Tác giả: Marshal Michel, Air & Space Smithsonian Magazine, 01/2001
Tháng 12/1972, các máy bay ném bom B-52 mà những khẩu đội tên lửa của  Bắc Việt đón lõng đã bay đến Hà Nội. Đêm này sang đêm khác, chúng xâm nhập bầu trời thủ đô hầu như theo cùng một đường bay.

1. Giữa hai dòng quan điểm.
Năm ngoái, tôi đã xem buỗi trình diễn về chiến dịch oanh tạc cuối cùng của Hoa Kỳ tại một gian trưng bày nhỏ của Bảo tàng chiến thắng B-52. Trên sân khấu là 3 màn hình video và một sa bàn điện lớn của thành phố Hà Nội. Khi âm thanh của bản quân nhạc, được đệm bởi những tiếng nổ vang rền của lưới lửa phòng không, đã tràn ngập căn phòng thì các màn video chiếu lên cảnh tên lửa đất đối không lao vọt vào bầu trời đêm như những tia chớp và máy bay B-52 cháy đùng đùng rơi xuống đất lả tả.
Các ngọn đèn trên sa bàn lóe sáng để thể hiện những vị trí bị oanh tạc hoặc những nơi mà B-52 rơi. Ảnh các vị lãnh đạo Bắc Việt thăm các tòa nhà bị ném bom hủy diệt hay động viên khích lệ các khẩu đội phòng  không đan xen nhau hiện ra trên màn video.
Hướng dẫn viên Việt Nam dịch đoạn kết: “Điện Biên Phủ trên không, 12 ngày đêm chiến thắng B-52…mãi là niềm tự hào và sức mạnh tinh thần của dân tộc Việt Nam đầy thiện chí và thông minh”.
Tôi đã đến Hà Nội khảo cứu để viết cuốn sách thứ hai của mình về không chiến tại miền Bắc Việt Nam nhằm tường thuật lại chiến dịch Linebacker II (Người yểm trợ tiền phương?), đó là chiến dịch ném bom Hà Nội bằng B-52 vào tháng 12/1972.
Tôi đã đến với nhận thức chuẩn mực của người Mỹ về cuộc không kích. Đó là vào đầu tháng 12/1972, Tổng thống Richard Nixon và cố vấn an ninh Henry Kissinger phải đối mặt với thất bại chính trị.
Bắc Việt đã hủy bỏ cuộc thương lượng tại Paris. Rõ ràng họ chờ Quốc hội chống chiến tranh của Hoa Kỳ sẽ trở lại (chính trường) trong tháng 1, ngân sách chiến tranh sẽ bị cắt và nhờ vậy họ sẽ toàn thắng.
Để buộc Bắc Việt kí hòa ước, Nixon đã quyết định ném bom Hà Nội. Sau những thất bại ban đầu nặng nề, B-52 đã có thể tấn công mà không bị trừng phạt tương xứng và sau 11 ngày đêm không kích, Bắc Việt đã trở lại Paris để kí hiệp ước mà họ đã bác bỏ trong tháng 12.
Nhưng giờ đây, sau vài ngày ở Hà Nội, tôi thấy Bắc Việt có nhận thức khác về chiến dịch ném bom. Theo họ, Linebacker II là chiến thắng chung cuộc của Việt Nam đối với Hoa Kỳ, một chiến thắng có cùng tầm cỡ với chiến thắng đã buộc người Pháp phải rời bỏ Đông Dương.
Tôi đã tới bảo tàng nhằm cố gắng lí giải các bức tranh nước đôi và đối lập nhau về trận chiến, thế nhưng tôi đã không tìm được câu trả lời.
Tôi đã ra khỏi bảo tàng qua một cái sân, nơi mà những mảnh vụn và bộ phận của chiếc B-52 bị bắn hạ được chất thành đống cao khoảng 20 thước Anh (khoảng 6m). Cạnh đấy là 2 tên lửa SA-2 nằm trên bệ phóng, một trạm phát sóng rada điều khiển tên lửa và một xe điều khiển, nơi mà khẩu đội tên lửa bám theo các máy bay ném bom và cố gắng bắn hạ.
Tôi bước đi giữa đống xác B-52 ở một bên và chiếc xe điều khiển ở phía bên kia, thế là tôi chợt nghĩ ra rằng những người lính đã chiến đấu trong hoàn cảnh tương tự nhau:  sáu người trong khoang phi hành đoàn chật hẹp của chiếc B-52 bị nhắm bắn bởi 7 người bị nhốt trong chiếc xe không rộng hơn, điều khiển tên lửa SA-2.

 2. Chiến dịch ném bom đã được mở màn như thế đấy
Thứ sáu ngày 15/12/1972, tại căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam,  đại úy Bob Certain và phi hành đoàn của chiếc B-52G nhận thấy việc luân phiên trở về Mỹ của tất cả các phi hành đoàn đều bị đình chỉ.
Quả thật là cú, bởi nhẽ phi hành đoàn đã chuẩn bị để trở về căn cứ  không quân Blythville tại Arkansas vào hôm thứ hai và thế là thêm một lần nữa kế hoạch lại bị đảo lộn: lần đầu họ dự định trở về hôm 4/12, rồi sau đó là 12/12.
Cơ trưởng, thiếu tá Don Rissi, thì đặc biệt là bực mình, vì đáng nhẽ ra được bổ nhiệm làm chỉ huy phi đội khi trở về nước.
Trong một hồi kí chưa được xuất bản, Certain, hoa tiêu B-52, đã nhớ lại rằng các thành viên phi hành đoàn phản ứng như thế nào: “Thoạt đầu, họ đã nghĩ và hy vọng rằng chiến tranh đã kết thúc và họ bị giữ lại Guam để đưa tất cả các phi cơ trở lại Hoa Kỳ. Thế nhưng vào sáng thứ bảy, khi đáo qua vùng trực chiến họ lại thấy tất cả các B-52 đều được cấp nhiên liệu và chất đầy bom.” (Xem toàn bộ hồi kí tại www.airspacemag.com.)
11 giờ sáng thứ hai ngày 18/12, phi hành đoàn của Certain bước vào phòng chỉ dẫn tác chiến và tụ tập với hơn 100 thành viên của các phi hành đoàn khác. Trong bối cảnh giống hệt như trong Twelve O’clock High (Cao điểm 12 giờ) – một bộ phim kinh điển về Thế chiến II, sĩ quan tác chiến bước đến bục và tuyên bố, “Thưa các vị, mục tiêu tối nay của các vị là Hà Nội,”.
Thế rồi trên màn hình phía sau ông ta hiện ra bản đồ Bắc Việt với thủ đô nằm trọn trong tam giác mục tiêu. Đấy là lần đầu tiên mà các máy bay ném bom hạng nặng được điều động bất kể lưới phòng không dày đặc của Hà Nội.
Nixon đã ra lệnh ném bom Hà Nội vào hôm 14/12 và Bộ Tổng hành dinh của không quân chiến lược (SAC) tại Omaha, Nebraska, đã vội vã lập kế hoạch. Bộ chỉ huy của Không đoàn số 8 tại Guam đã ngạc nhiên với quyết định tác chiến của SAC tại Omaha.
Bởi nhẽ, các sĩ quan tác chiến của Không đoàn số 8, những người đã nhiều năm lập phương án không kích cho B-52 và do đóng tại Guam, họ có thể thảo luận chiến thuật với các phi hành đoàn B-52 và bởi vậy họ e rằng khoảng cách nửa vòng trái đất giữa SAC và các phi hành đoàn chiến đấu dường như chắc chắn sẽ làm nẩy sinh rắc rối.
Theo kế hoạch tác chiến của SAC, các máy bay ném bom B-52, bay từ Guam và từ một căn cứ của Mỹ tại U-Tapao, Thái Lan, được phiên chế thành 3 đợt tấn công trong suốt cả đêm với khoảng cách giữa mỗi đợt là 4 tiếng. Các máy bay ném bom phải bay đến Hà Nội hầu như theo duy nhất một tuyến bay.
Sau phiên thông báo nhiệm vụ tác chiến thứ nhất, đại úy Jim “Bones” Schneidman, một phi công phụ của B-52, đã có ấn tượng chẳng hay ho gì. “Ngay trước khi thực hiện nhiệm vụ, đã rõ rằng đó là một chiến thuật ngu xuẩn, mọi người đều bay đến theo cùng một hướng, cùng một độ cao và bay ra theo cùng một đường,” anh ấy nói. “Nó giống làm sao cảnh tượng quân Anh trong chiến tranh cách mạng (giành độc lập cho Hoa Kỳ?)
- Tất cả đứng thẳng, bước theo hàng và trở thành những mục tiêu dễ hạ
- Quả là quái dị.”
Ngày 18/12, trong điều kiện gió mùa đông bắc, hoàng hôn tại một làng  nhỏ thuộc tỉnh Nghệ An, ở ven biên giới phía Tây của Bắc Việt, đặc biệt rét và mưa. Đại đội Rada số 45, trung đoàn rada số 29, thuộc Bộ tư lệnh Phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam, do Đinh Hữu Thận là đại đội trưởng, đóng ngay bên rìa làng và thực hiện nhiệm vụ trên tuyến cảnh giới số một (ngoại vi) của hệ thống cảnh báo phòng không.
Khi một đám các đốm sáng xuất hiện, di chuyển về hướng bắc và oai vệ diễu qua sông Mekong, biên giới tự nhiên giữa Thái Lan và Lào, thì Thận và các đồng đội gò mình bám màn hình rada cảnh giới P12 do Liên Xô chế tạo.
Các đốm sáng được bao bọc bởi nhiễu tĩnh điện dày đặc và căn cứ trên dạng nhiễu, Thận và đội nhận ra đó là B-52, máy bay ném bom chiến lược lớn nhất của Hoa Kỳ, có khả năng chở đến 30 tấn bom.
Trước đây các trắc thủ của đại đội 45 đã từng nhiều lần phát hiện được tín hiệu phản hồi của B-52, nhưng chưa bao giờ nhiều đến như vậy và họ sững sờ khi thấy các đốm sáng hướng đến cao điểm 300, nơi mà B-52 thường rẽ sang trái để oanh tạc các mục tiêu trên đất Lào hoặc rẽ phải đến các mục tiêu ở khúc eo miền Trung Việt Nam.
Thế nhưng hôm nay B-52 vượt qua cao điểm 300 và bay tiếp về hướng Bắc.
Bỗng nhiên, Thận nhận thấy rằng chúng bay theo hướng mà các máy bay cường kích của Hoa Kỳ thường sử dụng để tấn công Hà Nội. Anh đã quan sát các tín hiệu phản hồi thêm vài giây, sau đó vào lúc 7h15 theo giờ Hà Nội, báo cáo lên ban chỉ huy trung đoàn: “Nhiều máy bay B52 đã vượt qua cao điểm 300. Chúng có vẻ đang trên đường bay đến Hà Nội.”
Trung đoàn, lập tức chuyển thông báo về Bộ chỉ huy phòng không ở Hà Nội.
Sau khoảnh khắc chờ đợi không bao lâu, Thận được yêu cầu nhắc lại thông báo. Trận chiến cuối cùng của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam đã được mở màn như thế đấy.

3. Mạng lưới phòng không của Bắc Việt
Thận và khẩu đội rada của anh là một bộ phận của mạng lưới rada phòng không phủ kín toàn bộ lãnh thổ Bắc Việt. Tuy nhiên các rada chỉ được kết nối thô thiển bởi một hệ thống do người điều khiển, bởi vậy gặp nhiều nhiều khó khăn khi phải đối mặt với các cuộc tấn công phức hợp bao gồm nhiều đợt liên tiếp nhau hoặc trong tình huống chiến sự thay đổi nhanh.
Báo cáo của Thận về đợt không kích được chuyển đến Bộ tư lệnh phòng không. Trung tâm của Bộ tư lệnh là một sảnh rộng, bị choán bởi các bản đồ mica trong suốt được kẻ lưới tọa độ.
Một bên của bản đồ là các sĩ quan chỉ huy phòng không và các máy điện thoại để liên lạc với các đơn vị tên lửa. Phía bên kia là các điền đồ viên đánh dấu diễn biến của trận không kích lên bản đồ theo thông báo bằng điện đàm của các trắc thủ rada về tọa độ của các máy bay. Các điền đồ viên phải thể hiện thông tin lên bản đồ sao cho các sĩ quan phòng không có thể đọc được từ phía mặt sau của nó.
Vietnamese_Antiaircraft_Weapons (1)
Hệ thống phòng không Bắc VN. Ảnh: WIKI
Sư đoàn phòng không số 36 đảm nhận trách nhiệm bảo vệ khu vực Hà Nội. Sư đoàn này có nhiều rada và pháo phòng không, tuy nhiên đóng vai trò chủ lực là 3 trung đoàn tên lửa SA-2, đó là: Trung đoàn số 26 bảo vệ vùng phía Bắc và phía Đông thành phố, trong khi đó các trung đoàn số 257 và 274 bảo vệ phía Tây và Nam.
Mỗi trung đoàn được trang bị một số rada cảnh giới (early warning rada) và trong biên chế có 3 tiểu đoàn SA-2. Các tiểu đoàn này đều có rada cảnh giới, các ra đa điều khiển đạn đạo và 6 bệ phóng tên lửa SA-2.
Do khả năng cơ động linh hoạt của các máy bay chiến đấu Hoa Kỳ cho nên hệ thống điều khiển đạn đạo SA-2 chỉ phát huy hiệu quả không ổn định trong suốt cuộc chiến. Nói chung, hệ thống có độ tin cậy chấp nhận được, nhưng không thực sự tiện lợi vì sử dụng đèn chân không, máy tính cơ học nên chậm. Rada điều khiển đạn đạo dễ bị vô hiệu hóa bởi các phương tiện điện tử gây nhiễu.
Như vậy, hiệu quả của hệ thống chủ yếu phụ thuộc vào kỹ năng của 7 thành viên của khẩu đội.
Các khẩu đội tên lửa của Hà Nội đã có kinh nghiệm nhiều năm chiến đấu chống lại các cuộc không kích của Hoa Kỳ và đều đặc biệt nóng lòng được hạ gục B-52. Các máy bay ném bom hạng nặng này đã làm tiêu hao lực lượng của Bắc Việt tại khu vực Khe Sanh và mới đây đã ném bom túi bụi những đơn vị chiến đấu của Bắc Việt tại một nơi nào đó về phía Nam.
Các chuyên gia Bắc Việt đã nghiên cứu hầu như hàng ngày chiến thuật chuẩn của B-52 và các quy trình gây nhiễu bởi vì các máy bay này đã được sử dụng để tấn công các mực tiêu tại Lào và phía Nam của BắcViệt.
Tại một hội nghị, được tổ chức vào tháng 10/1972, chỉ huy của các tiểu đoàn tên lửa đã nghiên cứu hàng trăm thước phim về nhiễu B-52 do các đơn vị đóng ở nam phần Bắc Việt chụp từ các màn hiện sóng của rada cảnh giới (Spoon Rest rada) và ra đa điều khiển.
Sau hội nghị này, Bộ Tư lệnh phòng không đã biên soạn cẩm nang “Cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa” và phân phát cho toàn bộ các đơn vị tên lửa SA-2.
<Còn tiếp…>

Lại Trần Mai còm ở trang gốc Hiệu Minh:

Lai Tran Mai says:
Chào bác HM và các anh chị Hang Cua. Lúc xảy ra sự kiện này tôi còn nhỏ nên không tham gia trận chiến, nhưng cũng có “may mắn” sống ở thủ đô Hà Nội 2 đêm đầu tiên diễn ra trận ném bom. Quả thực những kỷ niệm về 12 ngày đêm đó không thể quên được. Mặc dù được chứng kiến tận mắt cảnh tang tóc, nhà cửa tan hoang… nhưng tôi cũng chứng kiến sao hồi đó người VN ta dũng cảm thế, hầu như chẳng ai có cảm giác sợ hãi cả. Từ trẻ con tới người lớn, tất cả đều bình tĩnh lăn xả vào thực hiện những công việc cần làm để giải quyết hậu quả của vụ ném bom đêm trước. Có lẽ chiến tranh kéo dài hàng chục năm đã tôi luyện người VN trở lên chai lỳ với mọi đau thương, mất mát do chiến tranh mang lại, coi việc chấp nhận chúng như là một phần tất yếu của cuộc sống…
Đến đêm thứ ba thì tôi phải quay lại chỗ sơ tán, vượt cầu phao sông Hồng dài dằng dặc và dưới làn bom, rồi qua cầu treo sông Đuống lắc lư như võng làm người chóng mặt như đi trên dây, nhưng theo trí nhớ của tôi thì chẳng có không khí hoảng loạn, chỉ có một vài bà mẹ lo lắng sợ con rơi xuống sông và nhờ người khác giúp đỡ. Sang đến phố Thắng thì gặp một đám đông đang tụ tập, hóa ra là họ vừa hò nhau đuổi bắt được 1 tên phi công Mỹ mới nhảy dù xuống. Sau đó ở chỗ sơ tán, hàng đêm bọn tôi thường không xuống hầm trú ẩn mà toàn ra đồi nhìn về Hà Nội xem cảnh Mỹ ném bom và tên lửa bắn trả sáng lòa. Những kỷ niệm về cuộc không chiến B52 của tôi chỉ có vậy.
Sáng sớm ngày 28.1.1973, nghe tin Hiệp Định Paris được ký kết, ngừng bắn trên toàn Việt Nam sẽ bắt đầu từ 27 tháng 1 năm 1973, tất cả hò reo, và không ai bảo ai, lập tức vứt bỏ hết đồ đạc, chào bà con địa phương đã cưu mang mình trong suốt năm 1972, rồi cứ xe đạp mà xuôi về HN. Ngày ấy còn nhỏ, đồi núi thì cao (sau này làm đường ta thường hạ thấp xuống), lên dốc, xuống dốc đều phải dắt bộ, nhưng bọn tôi vẫn đi băng băng, chập tối là tới Hà Nội, và hòa mình luôn vào đêm vui của người đang ở Hà Nội. Cảm giác sung sướng tột cùng này cũng từng xảy ra vào trưa ngày 30.4.1975 khi nghe tin Sài Gòn thất thủ. Chuyện đúng sai trong cuộc chiến không nói, nhưng ít nhất cũng là niềm vui vô bờ khi từ nay đất nước hòa bình trở lại, hai miền Nam Bắc thống nhất 1 nhà…
Đã từng chứng kiến cuộc chiến và sống qua hai đợt Mỹ ném bom miền Bắc (1964-1968 và 1972), nên tôi rất thích đọc các sách sử liên quan đến giai đoạn này. Vì vậy tôi kể vài hồi ức trên như là một hình thức còm cám ơn bác Hiệu Minh, bác Dove đã sưu tầm, dịch và giới thiệu bài rất hấp dẫn này.
15
2

Đánh giá comment
  • Hiệu Minh says:
    Anh Lại Trần Mai viết một bài dài dài đi. Chỉ cần viết những gì anh thấy trên đường đi sơ tán, lúc bom đạn, cảnh thành phố vắng lặng… 40 năm đủ cho lớp người như anh và tôi nhìn thấy những điều đáng suy ngẫm.
    Anh đăng lên blog bên anh và HM Blog sẽ xin đăng lại.
    3
    2

    Đánh giá comment
    Reply


    Lai Tran Mai says:
    Cám ơn bác HM đã trân trọng. Tôi cũng như bác Dove, dù hơi ngược 1 chút: xuất thân là nhà toán học, viết luận án là TS tài chính tiền tệ lạm phát và mô hình kinh tế lượng (econometric model), mới tham gia blog, và nhất là hạ quyết tâm giờ chỉ đọc chứ không nói và viết cho thanh thản cái đầu nên văn chương tậm tịt lắm, thế nên tôi mới rất khâm phục các bác về kỹ năng viết.
    Vả lại cả đời toàn viết theo ý lãnh đạo (VN) nên có viết cũng sẽ lại theo đường mòn đấy, chắc chắn sẽ bị ném đá thôi. Do đó, chỉ dám thỉnh thoảng tham gia sẻ chia một tý với các bác để cười vui thôi.
    Riêng về vụ Mỹ ném bom trong dịp Giáng Sinh, ngoài Khâm Thiên, Bạch Mai, Ga Hàng Cỏ, HN còn nhiều điểm nữa bị tàn phá nặng nề mà không hề được báo chí đề cập tới, lúc nào cũng chỉ nhắc tới 3 điểm trên, làm tôi rất buồn.
    Ra ngoại ô còn thê thảm hơn. Đêm rời Hà Nội đi Thái Nguyên, trên đường quốc lộ số 1 chạy ngang qua thị xã Từ Sơn dài hơn 2km, tôi thấy hình như không còn ngôi nhà nào còn nguyên vẹn; hầu như mọi ngôi nhà đều chỉ còn một số bức tường đổ vỡ nham nhở vôi trắng với khói đen do bị bom B52 rải thảm theo vệt. Nhà cửa ngoài mặt đường bay hết nên có thể nhìn thấy cả những ngôi nhà phía sau cũng y như vậy. Đến đoạn rời quốc lộ 1A, rẽ ngang qua đường tàu, qua một cánh đồng chuối rộng mênh mông như sân vận động thấy tất cả các cây chuối dường như bị đốn ngã đồng loạt, nằm ngổn ngang, phơi thân trắng xóa như hàng nghìn thây người đang chết nằm đó, mờ ảo dưới ánh trăng đêm và ánh sáng phát ra mỗi khi tên lửa bảo vệ thủ đô bắn lên không trung. Sau này nghĩ lại thấy rất khủng khiếp, nhưng lúc đó thằng bé 12 tuổi là tôi chỉ thấy lạ và ngạc nhiên…
    Lúc đó các đơn vị tên lửa tạo thành 1 vành đai bao bọc thủ đô và nằm cách thủ đô khoảng 25-30km, hướng về thủ đô để nhằm bắn các B52 bay ngang qua thủ đô để trút bom. Theo tôi được biết, bình thường mục tiêu của lưới lửa phòng không là bắn loạn xạ để máy bay địch không hạ thấp độ cao được, thả bom sẽ không trúng tọa độ cần thả, thế là ta sẽ bảo vệ được mục tiêu (chứ mục tiêu phòng không không phải là bắn hạ máy bay địch). Tuy nhiên đợt B52 vào HN tháng 12.1972, địch liều lĩnh cứ hạ thấp độ cao quyết tâm hủy diệt chính xác các mục tiêu chiến lược, nên ta buộc phải nhằm bắn hạ các máy bay…
    Sau ngày 27.1 về HN, tôi được gia đình kể lại đoạn từ Giáp Bát đi Ngọc Hồi cũng bị rải thảm tan hoang như Từ Sơn, nhưng do mật độ dân cư, nhà cửa ít hơn nên mức độ thiệt hại không bằng. Sau đó tôi đã đạp xe đi trên quốc lộ 1A đoạn đường này, thấy hai bên đường chi chit hố bom B52, cách nhau 5-10 mét lại một hố. Cây cối không thể mọc lại được quanh các hố bom vì có quá nhiều hóa chất độc… Đến tận giữa những năm 80 mới cơ bản lấp hết các hố bom này.
    Riêng nhà tôi ở đường Trương Định đợt B52 này rất may là không bị, chỉ bị F4 và F105 ném bom, nhà cũng bị thiệt hại đôi chút, bên hàng xóm ngay canh nhà bị bom tan hoang, 1 cụ già chết, nhưng tường nhà tôi chỉ bị nứt, mái nhà bê tông thủng. Sau này vá lại bằng xi măng nhưng vá kiểu gì thì mưa hơi to vẫn bị dột. Cuối cùng đành phải xây thêm 1 tầng nữa để chống dột cho mái. Bình thường tuyến đường nhà tôi cũng nằm trong tọa độ ném bom vì nó chạy thẳng từ Hồ Gươm qua chợ Mơ ra quốc lộ 1; các đoàn xe chở vũ khí, lương thực, kể cả xe tăng… ra tiền tuyến thường xuyên đỗ trên tuyến này mỗi khi di chuyển từ biên giới Lạng Sơn về qua Hà Nội, thay vì đỗ trên đường 1A nguy hiểm hơn, hay bị ném bom hơn (đoạn đường Giải phóng bây giờ).
    Nói chuyện chiến tranh thì nhiều lắm, vui có, buồn có, nhưng không hiểu sao, tôi hay nhớ các chuyện vui, nhất là thời gian sống ở nơi sơ tán, được vào rừng hái nấm, nhặt hạt rẻ; ra sông suối nhặt trai ốc hến, bơi lội, cưỡi trâu, lên núi chơi với dân quân trực chiến. Hồi đó trên các đỉnh núi ở Thái Nguyên, Yên Bái, Ba Vì, Sơn La ta thường đặt đặt các ổ phục kích đón lõng các máy bay địch. Máy bay địch sau khi thả bom Hà Nội, Hải Phòng… lúc quay về căn cứ UtapaoThái Lan sẽ bay ngang qua các đỉnh núi cao trên 1000 mét này, bọn phi công Mỹ tưởng ném hết bom là hoàn thành nhiệm vụ nên chủ quan, bay lả lướt, thế là dễ dàng bị ăn đạn của các cụ bô lão…
    Bài dài rồi, xin dừng đây, Chúc cả Hang Cua có 1 tuần làm việc mới vui vẻ, hiệu quả và… thanh bình.
    0
    0

    Đánh giá comment

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét