Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

(2) Christmas Bombing – Ném bom trong dịp Giáng Sinh


B52 rải thảm. Ảnh: Internet
B52 rải thảm. Ảnh: Internet
Hiệu Minh Blog
Tác giả: Marshal Michel, Air & Space Smithsonian Magazine, 01/2001
Tháng 12/1972, các máy bay ném bom B-52 mà những khẩu đội tên lửa của  Bắc Việt đón lõng đã bay đến Hà Nội. Đêm này sang đêm khác, chúng xâm nhập bầu trời thủ đô hầu như theo cùng một đường bay.

4. Đất và trời
Trong khi thời tiết tại mặt đất lạnh và mưa, ở bên trên tầng mây dày đặc là một buồi tối đẹp với bầu trời trong vắt và ánh trăng rằm phản chiếu từ những đám mây.
Các máy bay yểm trợ của Hoa Kỳ đưa B-52 xung trận. Đội hình của phi đoàn không kích bao gồm: Các máy bay F-4, một số rải các băng giấy bạc hoặc các mảnh vụn kim loại (để gây nhiễu) và số còn lại thực hiện nhiệm vụ hộ tống; EB-66 máy bay gây nhiễu điện tử và đáng sợ hơn là Wild Weasel (Cáo hoang) – máy bay được trang bị các phương tiện điện tử đặc chủng, tên lửa chống rađa Shrike và ARM để tìm diệt các rađa ngắm bắn của tên lửa SA-2 (xem Counterpunch,” Aug./Sep. 1998).
Khi phi đoàn không kích áp sát Hà Nội, các máy bay ném bom F-111 bay ở tầm thấp tấn công những sân bay MIG của Bắc Việt. Các máy bay B-52 được phân thành cụm 3 chiếc nối tiếp bay sau.
Tại phòng tiêu đồ, Đồng Thị Vân, một trong 3 nữ điền đồ viên của Bộ Tư lệnh, đã rất bồn chồn khi các máy bay B-52 bay đến. “Thoạt đầu …một chiếc, sau đó là 2, tiếp theo là vài chiếc khác bay tới như một bầy chim,” chị ấy đã nhớ lại, “tuy nhiên ý thức về nghĩa vụ của người chiến sỹ đã giúp tôi trấn tĩnh lại và tiếp tục vẽ các đường bay.”

Bộ Tư lệnh sư đoàn số 361 đã quan sát (trên tiêu đồ) các mũi không kích đang áp sát đến, rồi đánh số các cụm B-52 và bàn giao chúng cho các tiểu đoàn để nghênh chiến.
Nhận được báo động B-52, các khẩu đội tên lửa được đặt vào tình trạng sẳn sàng chiến đấu. Các xe chở tên lửa ầm ĩ khởi động động cơ diesel để cấp điện cho rađa và cho xe chỉ huy. Chiếc xe này không có điều hòa nhiệt độ, to như xe tải 18 bánh và là trái tim của tiểu đoàn tên lửa SA-2.
Trong xe, kíp chiến đấu, bao gồm tiểu đoàn trưởng, một sỹ quan điều khiển, 3 trắc thủ, một điền đồ viên và một kỹ thuật viên đảm trách việc theo dõi bảng tín hiệu thể hiện trạng thái của sáu bệ phóng và các tên lửa đã được gài lên bệ phóng.
Tiểu đoàn trưởng liên lạc với Bộ chỉ huy tiểu đoàn bằng điện thoại và ngồi trước màn hiện sóng của rađa tìm mục tiêu để quan sát sự xâm nhập của các máy bay và đợi lệnh phân công mục tiêu cho tiểu đoàn. Bên cạnh anh là tiêu đồ trong suốt thể hiện khu vực tác chiến của tiểu đoàn, được kẻ lưới tọa độ tham chiếu giống như các tiêu đồ tại Bộ Tư lệnh.
Tên lứa SAM2. Ảnh: QĐND VN
Tên lứa SAM2. Ảnh: QĐND VN
Phía sau tiêu đồ là điền đồ viên, cũng có liên lạc trực tiếp với Bộ Tư lệnh bằng điện thoại. Sau khi nhận mục tiêu được phân công, tiểu đoàn trưởng xác định nó trên màn hiện sóng của rađa tìm mục tiêu, còn điền đồ viên đánh dấu nó lên tiêu đồ (theo dữ liệu từ Bộ Tư lệnh).
Trong trường hợp rađa tìm mục tiêu bị nhiễu, tiểu đoàn trưởng vẫn có thể xác định được vị trí và hướng bay của mục tiêu trên tiêu đồ và quyết định thời khắc giao chiến.
Sỹ quan điều khiển ngồi bên phải tiểu đoàn trưởng ở khoảng cách vài thước Anh (khoảng 1m), trước mặt là màn hiện sóng của rađa ngắm bắn để xác định và theo dõi mục tiêu. Phía trước sỹ quan điều khiển là 3 trắc thủ, mỗi người có nhiệm vụ kiểm soát một tọa độ của tên lửa (độ cao, phương vị và khoảng cách).
Mỗi trắc thủ được trang bị một màn hiện sóng được gắn kèm bánh lái lớn ở bên dưới nó. Họ quay các bánh lái này để giao hội với tín hiệu phản hồi của mục tiêu.
Xe chỉ huy được chế tạo kín như bưng, sao cho kíp chiến đấu nhìn thấy rõ các màn hiện sóng. Ngoài giọng nói của những người trực chiến chỉ có độc nhất tiếng động của một chiếc quạt lớn, để làm mát các bóng đèn chân không của hệ thống điện tử tương đối thô sơ để điều khiển tên lửa SA-2. “Nền tiếng ồn của cái quạt không phải là vấn đề nghiêm trọng”, một tiểu đoàn trưởng, không muốn được xưng danh, đã nhớ lại. “Nó ồn lắm, nhưng mọi người rồi cũng quen đi. Nói to đến mức nào là tùy theo tiếng ồn và mỗi tiểu đoàn trưởng đều có phong cách riêng của mình phụ thuộc vào đặc điểm cá nhân và cái cách mà họ huấn luyện đồng đội.”
5. Trận đầu đối mặt
Đêm hôm ấy, những máy bay ném bom đầu tiên xâm nhập vùng trời Bắc Việt là những chiếc B-52 thuộc phi đoàn 21 đóng tại U-Tapao, Thái Lan. Các máy bay B-52 từ căn cứ Andersen nối tiếp theo sau và hợp thành chuỗi 49 chiếc tại vùng biên giới Tây Bắc Việt Nam rồi cùng bay về hướng Đông Nam đến Hà Nội.
“Khi chúng tôi rời Lào ngoặt về phía Đông vào Bắc Việt để ném bom” – Bob Certain nhớ lại trong hồi kí của mình – “tất cả chúng tôi đều tập trung để thực hiện nhiệm vụ một cách tốt nhất, đó là một nhiệm vụ bay chính xác nhất mà chúng tôi đã từng thực hiện. Chúng tôi sẽ bay khoảng 20 phút trong tầm sát thương của các tên lửa SAM (tên lửa không đối đất), nhưng không thể hoảng sợ trước nguy cơ đó.
Tôi và hoa tiêu rađa đã tắt radio để tập trung thực hiện danh mục thao tác và phối hợp hoạt động của phi hành đoàn.
Chúng tôi không được phép cơ động né tránh trên tuyến bay từ điểm ngắm mục tiêu đến điểm thả bom. Mệnh lệnh này càng trở thành một mệnh lệnh tự sát hơn khi chúng tôi nghe được hàng loạt thông báo về SAM của các B-52 từ U-Tapao, đã bay vào vùng mục tiêu từ 30 phút trước đó.”
Tiểu đoàn SAM đầu tiên đã tình cờ đụng độ với cuộc ném bom là tiểu đoàn 57, trung đoàn 261, đóng ngay tại bờ Bắc sông Hồng. Nguyễn Văn Phiệt – Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 57 là một cựu binh. Mặc dù đã có 5 năm kinh nghiệm chiến đấu chống lại các cuộc không kích của Hoa Kỳ, nhưng chưa bao giờ anh thấy nhiễu như lần này.
“Tất cả các tín hiệu rađa phản hồi bị chôn vùi trong màn sương nhiễu trắng sáng,” anh nhớ lại. “Trên các màn hiện sóng của sỹ quan điều khiển và của các trắc thủ hiện ra nhiều bó xanh đậm đan xiên với nhau và thay đổi với một tốc độ không bình thường.
Các cụm sáng đè lên và hòa lẫn vào với nhau, cụm sáng này hòa với cụm khác rồi lại tách xa nhau. Sau đó, hàng trăm và hàng ngàn điểm sáng làm cho màn hình lốm đốm những cụm mục tiêu chuyển động vật vờ.
Vậy, làm thế nào mà chúng tôi có thể phân biệt được nhiễu của máy bay tiêm kích, của B-52 hoặc của EB-66 hay nhiễu thụ động, do các máy bay F-4 thả các mảnh kim loại gây ra, trong điều kiện cái mớ hỗn độn như đã nêu kết hợp với sự nhấp nháy thường xuyên của màn hiện sóng như khi có mưa to?
Chẳng bao lâu sau, các tòa nhà, mặt đất của Hà Nội và vùng ngoại vi, kể cả xe chỉ huy của các tiểu đoàn tên lửa bắt đầu rung chuyển nhẹ khi những quả bom đầu tiên được ném xuống các các sân bay MIG tại Hòa Lạc và Phúc Yên.
Bộ Tư lệnh phòng không Bắc Việt đã cấp tốc gọi điện cho sỹ quan trực chiến của trung đoàn 261:
- “Đã phát hiện được B-52 chưa?”
- “Đã có đơn vị nào phóng tên lửa chưa?”
- “Tại sao họ phóng?”
Trong các xe chỉ huy tên lửa của Bắc Việt, các kíp chiến đấu cố gắng sử dụng rađa tìm mục tiêu để phát hiện B-52 bằng cách truy theo các cụm nhiễu, họ không sử dụng rađa ngắm bắn vì tín hiệu của nó làm lộ mục tiêu và họ sẽ bị các máy bay Cáo hoang tấn công bằng tên lửa chống rađa.
Tuy nhiên, trong trường hợp nhiễu dày đặc, việc phát hiện mục tiêu thụ động đã không mang lại hiệu quả.
Khi các máy bay đến gần, Nguyễn Chấn – Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 78, thấy “sóng nhiễu này tiếp theo sóng nhiễu khác tràn đến – tựa như những nan quạt giấy được đóng lại rồi mở ra. Chúng xóa trắng toàn bộ dải phổ…Sáng đến mức chói cả mắt…[Các tín hiệu phản hồi bị] xoắn lại và cuộn với nhau nom giống như mớ tóc rối.”
Chấn bật rađa ngắm bắn ở chế độ chờ và nếu cần thiết thì chỉ cần 4 giây sau khi nhấn phím phát tín hiệu mục tiêu, rađa sẽ hoạt động với toàn bộ công suất. Khi các B-52 bay đến thì rađa tìm mục tiêu của Chấn vẫn bị vô hiệu hóa vì nhiễu, anh quan sát mục tiêu được phân trên tiêu đồ và quyết định bật rađa ngắm bắn để tìm các B-52.
Đó là một quyết định tương đối mạo hiểm vì nếu càng phát sóng lên trời càng lâu thì khả năng bị tấn công càng cao, mặc dù vậy Chấn đã chấp nhận mạo hiểm bật nút kích hoạt rađa và sử dụng phương vị và khoảng cách được viết bằng tay trên tiêu đồ để hướng anten của rađa về phía các máy bay ném bom đang bay đến.
Chẳng mấy chốc, sỹ quan điều khiển Nguyễn Văn Luyện đã nhận ra một đốm sáng đơn độc của nhiễu B-52. Luyện đưa đốm sáng vào hồng tâm lưới ngắm, nhất nút truyền tín hiệu và mục tiêu hiện ra trên màn hiện sóng của 3 trắc thủ.
Trắc thủ khoảng cách Đinh Trọng Duệ đã phấn khích hô to “B-52″ và cả 3 sỹ quan đã điều chỉnh lại bộ dữ liệu khoảng cách, phương vị và độ cao để chốt cùng một đốm sáng. Sau đó họ nhịp nhàng quay các bánh lái để bám theo đốm sáng. Duệ tiếp tục hô “Đấy thực sự là B-52″ và Chấn đã yêu cầu anh ta yên lặng để kíp chiến đấu bình tĩnh và tập trung hoàn thành nhiệm vụ.
Do bị nhiễu nên kíp chiến đấu đã không thể sử dụng tính năng chính xác nhất của rađa ngắm bắn đó là tự động bám mục tiêu. Cuối cùng, lúc 7h49, Chấn đã ra lệnh khai hỏa; hai nút đã được bấm cùng lúc và hai tên lửa phụt lửa sáng chói lao qua mây mù hướng đến mục tiêu.
Thiếu tướng Trần Nhân, Tư lệnh lực lượng phòng không Hà Nội, đã nhớ lại khi Chấn báo cáo lệnh phóng tên lửa về Bộ tư lệnh của trung đoàn 257, “tất cả các cấp chỉ huy của bộ tư lệnh đều thở phào nhẹ nhõm.”
Xác B52 ở làng Ngọc Hà. Ảnh: internet.
Xác B52 ở làng Ngọc Hà. Ảnh: internet.
Một cựu sỹ quan Bắc Việt đã giải thích hiện tượng trên (thở phào) cho tôi. “Bắn trả làm cho người ta cảm thấy sức mạnh của mình, đó là cảm giác họ đang đánh lại kẻ thù chứ không phải là một nạn nhân thụ động,” anh ấy nói. “Chúng tôi giao súng cho mọi người và động viên họ bắn vào các máy bay Mỹ.
Cho dù chúng ở xa mấy đi chăng nữa thì điều hệ trọng là mọi người cảm thấy rằng họ đang đánh trả. Chúng tôi đặc biệt muốn các em thiếu nhi từ trong hầm trú ẩn trông thấy bố mẹ chúng từ cửa hầm bắn vào kẻ thù.”
Cách Hà Nội vài dặm, Nguyễn Thắng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tên lửa 59 đã trải qua một buổi chiều đáng thất vọng. Tiểu đoàn đã phóng đi 4 tên lửa nhưng đều trượt mục tiêu. Quả bom nổ liền kề đã dội như mưa bùn và sỏi lên nóc xe chỉ huy.
Bây giờ, khi Thắng đang quan sát đợt không kích đang áp đến trên cả màn hiện sóng của rađa tìm mục tiêu và trên cả tiêu đồ ở kế bên thì anh nghe điện thoại từ Bộ chỉ huy Trung đoàn 261 báo động cho anh về mục tiêu T671 tại độ cao 10.000m.
Thắng ra lệnh cho sỹ quan điều khiển Dương Văn Thuận: “Mục tiêu phương vị 350, khoảng cách 30km, độ cao 10.000m.”
Thuận quay anten về hướng 350 độ, sau đó nhấn nút phát tín hiệu mục tiêu và sau 4 giây rađa ngắm bắn đã hoạt động hết công suất. Anh thấy đám nhiễu dày đặc trên màn hiện sóng cho thấy dấu hiệu của một tốp 3 B-52. Anh báo cáo lại với Thắng: “Đã phát hiện được mục tiêu, phương vị 352, chưa rõ khoảng cách, độ cao 10.000m.”
Thắng kiểm tra nhanh mọi thứ trên màn hiện sóng rađa của sỹ quan điều khiển, sau đó quay lại màn hiện sóng của mình và ra lệnh cho Thuận chuẩn bị phóng 2 tên lửa. Mặc dù chỉ xác định được phương vị, nhưng do độ cao đã biết vì thế có thể tính toán dễ dàng tọa độ còn lại là khoảng cách.
Do B-52 thường bay ở độ cao từ 30.000 – 38,000 feets (9,0 – 11,6 km) nên tính khoảng cách chỉ là bài toán hình học sơ cấp: sử dụng cạnh (độ cao) và 2 góc đã biết của tam giác vuông – 90 độ và góc của tia rađa ngắm bắn để tính cạnh huyền.
Thắng theo dõi đốm nhiễu trên màn hiện sóng và khi tín hiệu phản hồi ổn định, anh ra lệnh cho 3 trắc thủ bám mục tiêu bằng tay. Đó là nhiệm vụ đòi hỏi kỹ năng rất cao. Trong bài báo được đăng trên một tạp chí Việt Nam vào năm 1982, Thắng đã mô tả vấn đề như sau: “Việc điều khiển tên lửa bằng tay là đủ khó cho dù mục tiêu được nhìn thấy rõ. Nó sẽ khó hơn khi phải bám theo nhiễu mờ ảo của B-52 trên màn hiện sóng rađa. Nếu quay bánh lái không đều hoặc giật cục, tên lửa có thể bay trệch mục tiêu hàng trăm mét hoặc thậm chí phát nổ trong không khí.”
Khi máy bay B-52 bay vào tầm bắn, Thuận đã phóng 2 tên lửa, các trắc thủ dồn hết sự tập trung vào các màn hiện sóng và bánh lái. Tiếp đó, 24 giây sau khi các tên lửa được phóng đi, một đèn tín hiệu trên bảng điều khiển lóe sáng, báo hiệu ngòi nổ của tên lửa thứ nhất đã điểm hỏa và tiếp theo là đèn tín hiệu thứ hai lóe lên.
Trắc thủ phương vị Nguyễn Văn Đô (Độ, Đỗ ?) hô to đốm sáng đã biến mất, tiếp đó trắc thủ độ cao Lê Xuân Linh báo cáo đốm nhiễu của mục tiêu đang mất độ cao nhanh chóng.
6. Phút cuối cùng Robert Thomas, Donald Rossi
Chiếc B-52, có tên Than Chì 01, của Bob Certain hầu như đã đến mục tiêu. Trong hồi k‎í của mình, Certain đã mô tả những gì đã xảy ra sau đó tại tầng dưới của khoang phi hành đoàn: “Tôi và hoa tiêu rađa, thiếu tá Dick Johson đã nén lại mọi cảm xúc để tập trung hoàn thành giai đoạn then chốt của nhiệm vụ ném bom. Chúng tôi mở cửa vào lúc 15 giây trước khi thả bom và 5 phút sau tôi bật đồng hồ đếm giây để đề phòng mọi sai sót. Và hầu như ngay lập tức điều đó đã xẩy ra.”
“Màn hiện sóng ra đa trống không và mọi thiết bị khác đều bị mất điện. Ý nghĩ đầu tiên của tôi là phi công phụ Bobby Thomas đã sơ ‎ý ngắt máy phát điện ra khỏi mạng. Trước khi tôi kịp nói gì thì Bobby đã hét vào máy điện đàm, “Phi công đã bị chúng nó giết rồi! Phi công đã bị chúng nó giết rồi!”
“Sỹ quan tác chiến điện tử (EW), đại úy Tom Simpson cũng hét lên, Có ai đó không? Pháo thủ, pháo thủ ơi!’
“Tôi nhìn qua vai trái và thấy rõ lửa bốc lên từ bánh trước thông qua khung cửa ở phía sau tôi. Việc trước hết mà tôi nghĩ đến là 27 trái bom 750 cân Anh (khoảng 340kg) nằm ngay trong khoang chứa bom ở phía sau đám lửa, tôi quay về phía hoa tiêu rađa (RN) và thét, ‘Thả quách những trái bom chết tiệt đó đi!’.
Anh ấy khóa chốt an toàn của các trái bom lại (bởi nhẽ chúng tôi không biết bom sẽ rơi xuống đâu) và kéo cầu dao thả bom. Có lẽ tất cả các trái bom đã rơi khỏi chiếc B-52 nát bươm của chúng tôi. Suy nghĩ tiếp theo là lửa đang cháy ngay bên dưới khoang chứa nhiên liệu chính chứa 10.000 cân Anh (khoảng 4,5 tấn) nhiên liệu phản lực JP-4, được đặt ở giữa thân máy bay.’
“Khi đó giọng của cơ trưởng Don Rissi yếu ớt vang lên từ máy điện đàm. ‘Phi công vẫn còn sống.’
“Đã đến lúc bay khỏi đây”, tôi gọi phi công phụ “Đây là hoa tiêu, hướng thoát là 290.”
“Khoảng 10 giây sau khi tên lửa đầu tiên trong số 2 tên lửa bắn trúng máy bay, tôi nghe thấy báo cáo “EW đang rời máy bay” đó là lúc Tom Simpson nhảy dù. Tôi nghe thấy tiếng khoang cửa của anh mở bung ngay ở bên trên tôi và tiếng nổ bục của chiếc ghế anh ngồi khi nó bay vọt lên trên và lọt ra khỏi máy bay nhưng không được giảm áp.
SAM 2 rời bệ phóng. Ảnh: internet
SAM 2 rời bệ phóng. Ảnh: internet
Tôi nhìn RN. Ánh mắt chúng tôi gặp nhau và cả hai bắt đầu chuẩn bị nhảy dù. Tôi đẩy hộp đựng đồ về phía rìa buồng lái xa hết mức mà tôi có thể, nắm cần gạt của thiết bị phóng ghế khỏi máy bay, ngoái nhìn RN một lần nữa và sau đó hướng mặt về phía trước. Tôi thấy ánh sáng của thiết bị phóng lóe lên khi phi công nhảy ra và kéo cần gạt. Nhưng chiếc ghế có lẽ bị kẹt.
“Ít ra, tôi đã nghĩ – thiết bị phóng theo dự kiến thổi bung khoang cửa bên dưới ghế ngồi và đẩy tôi ra khỏi bụng máy bay trong 1/10 giây, nhưng tôi e rằng mảnh sàn phía trước tôi thoạt đầu dường như chỉ tách ra một chút rồi sau đó từ từ mở tiếp.
“Điều tiếp theo mà tôi đã nhận thức được là tôi đang ngã nhào vào không khí giá lạnh của tầng bình lưu và nghĩ rằng mình đã làm một chuyện ngu ngốc. Tôi đoán rằng máy bay vẫn đang bay được. Vậy nó đang ở đâu? Có nhẽ tôi có thể trèo lại vào nó. Sau đó một khoảnh khắc tôi cảm thấy dù đã bung ra. Vậy là cho đến giờ mọi chuyện đều ổn thỏa.
Để kiếm vị trí tiếp đất ổn thỏa, lần đầu tiên tôi đã nhìn xuống phía dưới. Tôi thấy quang cảnh rùng rợn được tạo nên bởi 3 mục tiêu mà hơn 20 phút trước chúng tôi đã nhằm đến. Tôi quan sát thấy những chuỗi tiếng nổ dịch chuyển dọc theo mục tiêu, một chuỗi khác gồm 27 quả bom tìm được chỗ rơi. Sau đó, [từ phía mặt đất], tôi nghe thất một loạt tiếng nổ đúng theo hướng dù bay.
“Ôi, lạy Chúa, bây giờ là cái gì đây?’ Chắc là có một mục tiêu nào khác ở đâu đó dọc theo hướng thoát của chúng tôi. Khi nhìn xuống dưới tôi nhận thấy đó là một vệt lửa hình mũi tên – đó là chiếc B-52 của chúng tôi, nó đã đùng đùng bốc cháy và lao vào một ngôi làng.
“Bây giờ thì sự hoảng hốt đã bắt đầu thay thế cho sự lo âu. Các đám mây che phủ mặt đất khi tôi nhảy dù ra khỏi máy bay đã biến đi đâu mất rồi? Trong ánh trăng rằm tôi có thể nhìn thấy rõ mọi thứ trên mặt đất, các vạch trắng trên dù và chiếc mũ phi công màu trắng của tôi sẽ chẳng còn có ích gì khi tôi chầm chậm hạ xuống mặt đất cách 10km về phía Bắc Hà Nội.”
Phía Bắc Việt đã không nhìn thấy gì qua màn mây che phủ, phải vài phút đã trôi qua trước khi Bộ tư lệnh phòng không nhận được báo cáo về việc B-52 bị bắn rơi tại ngoại ô thành phố. Ít phút sau đó họ nhận được các báo cáo qua điện thoại là đã bắt được 3 thành viên phi hành đoàn của chiếc B-52 bị bắn rơi, trong số đó có Bob Certain.
Ngay sau khi bị bắt, người ta đã cho Certain xem thi thể của cơ trưởng Don Rissi, người có vẻ đã chết vì những vết thương nặng khi tên lửa SAM bắn trúng máy bay.
<Còn tiếp…>


Lại Trần Mai còm ở trang gốc Hiệu Minh:

Lai Tran Mai says:
Chào bác HM và các anh chị Hang Cua. Lúc xảy ra sự kiện này tôi còn nhỏ nên không tham gia trận chiến, nhưng cũng có “may mắn” sống ở thủ đô Hà Nội 2 đêm đầu tiên diễn ra trận ném bom. Quả thực những kỷ niệm về 12 ngày đêm đó không thể quên được. Mặc dù được chứng kiến tận mắt cảnh tang tóc, nhà cửa tan hoang… nhưng tôi cũng chứng kiến sao hồi đó người VN ta dũng cảm thế, hầu như chẳng ai có cảm giác sợ hãi cả. Từ trẻ con tới người lớn, tất cả đều bình tĩnh lăn xả vào thực hiện những công việc cần làm để giải quyết hậu quả của vụ ném bom đêm trước. Có lẽ chiến tranh kéo dài hàng chục năm đã tôi luyện người VN trở lên chai lỳ với mọi đau thương, mất mát do chiến tranh mang lại, coi việc chấp nhận chúng như là một phần tất yếu của cuộc sống…
Đến đêm thứ ba thì tôi phải quay lại chỗ sơ tán, vượt cầu phao sông Hồng dài dằng dặc và dưới làn bom, rồi qua cầu treo sông Đuống lắc lư như võng làm người chóng mặt như đi trên dây, nhưng theo trí nhớ của tôi thì chẳng có không khí hoảng loạn, chỉ có một vài bà mẹ lo lắng sợ con rơi xuống sông và nhờ người khác giúp đỡ. Sang đến phố Thắng thì gặp một đám đông đang tụ tập, hóa ra là họ vừa hò nhau đuổi bắt được 1 tên phi công Mỹ mới nhảy dù xuống. Sau đó ở chỗ sơ tán, hàng đêm bọn tôi thường không xuống hầm trú ẩn mà toàn ra đồi nhìn về Hà Nội xem cảnh Mỹ ném bom và tên lửa bắn trả sáng lòa. Những kỷ niệm về cuộc không chiến B52 của tôi chỉ có vậy.
Sáng sớm ngày 28.1.1973, nghe tin Hiệp Định Paris được ký kết, ngừng bắn trên toàn Việt Nam sẽ bắt đầu từ 27 tháng 1 năm 1973, tất cả hò reo, và không ai bảo ai, lập tức vứt bỏ hết đồ đạc, chào bà con địa phương đã cưu mang mình trong suốt năm 1972, rồi cứ xe đạp mà xuôi về HN. Ngày ấy còn nhỏ, đồi núi thì cao (sau này làm đường ta thường hạ thấp xuống), lên dốc, xuống dốc đều phải dắt bộ, nhưng bọn tôi vẫn đi băng băng, chập tối là tới Hà Nội, và hòa mình luôn vào đêm vui của người đang ở Hà Nội. Cảm giác sung sướng tột cùng này cũng từng xảy ra vào trưa ngày 30.4.1975 khi nghe tin Sài Gòn thất thủ. Chuyện đúng sai trong cuộc chiến không nói, nhưng ít nhất cũng là niềm vui vô bờ khi từ nay đất nước hòa bình trở lại, hai miền Nam Bắc thống nhất 1 nhà…
Đã từng chứng kiến cuộc chiến và sống qua hai đợt Mỹ ném bom miền Bắc (1964-1968 và 1972), nên tôi rất thích đọc các sách sử liên quan đến giai đoạn này. Vì vậy tôi kể vài hồi ức trên như là một hình thức còm cám ơn bác Hiệu Minh, bác Dove đã sưu tầm, dịch và giới thiệu bài rất hấp dẫn này.
15
2

Đánh giá comment
  • Hiệu Minh says:
    Anh Lại Trần Mai viết một bài dài dài đi. Chỉ cần viết những gì anh thấy trên đường đi sơ tán, lúc bom đạn, cảnh thành phố vắng lặng… 40 năm đủ cho lớp người như anh và tôi nhìn thấy những điều đáng suy ngẫm.
    Anh đăng lên blog bên anh và HM Blog sẽ xin đăng lại.
    3
    2

    Đánh giá comment
    Reply


    Lai Tran Mai says:
    Cám ơn bác HM đã trân trọng. Tôi cũng như bác Dove, dù hơi ngược 1 chút: xuất thân là nhà toán học, viết luận án là TS tài chính tiền tệ lạm phát và mô hình kinh tế lượng (econometric model), mới tham gia blog, và nhất là hạ quyết tâm giờ chỉ đọc chứ không nói và viết cho thanh thản cái đầu nên văn chương tậm tịt lắm, thế nên tôi mới rất khâm phục các bác về kỹ năng viết.
    Vả lại cả đời toàn viết theo ý lãnh đạo (VN) nên có viết cũng sẽ lại theo đường mòn đấy, chắc chắn sẽ bị ném đá thôi. Do đó, chỉ dám thỉnh thoảng tham gia sẻ chia một tý với các bác để cười vui thôi.
    Riêng về vụ Mỹ ném bom trong dịp Giáng Sinh, ngoài Khâm Thiên, Bạch Mai, Ga Hàng Cỏ, HN còn nhiều điểm nữa bị tàn phá nặng nề mà không hề được báo chí đề cập tới, lúc nào cũng chỉ nhắc tới 3 điểm trên, làm tôi rất buồn.
    Ra ngoại ô còn thê thảm hơn. Đêm rời Hà Nội đi Thái Nguyên, trên đường quốc lộ số 1 chạy ngang qua thị xã Từ Sơn dài hơn 2km, tôi thấy hình như không còn ngôi nhà nào còn nguyên vẹn; hầu như mọi ngôi nhà đều chỉ còn một số bức tường đổ vỡ nham nhở vôi trắng với khói đen do bị bom B52 rải thảm theo vệt. Nhà cửa ngoài mặt đường bay hết nên có thể nhìn thấy cả những ngôi nhà phía sau cũng y như vậy. Đến đoạn rời quốc lộ 1A, rẽ ngang qua đường tàu, qua một cánh đồng chuối rộng mênh mông như sân vận động thấy tất cả các cây chuối dường như bị đốn ngã đồng loạt, nằm ngổn ngang, phơi thân trắng xóa như hàng nghìn thây người đang chết nằm đó, mờ ảo dưới ánh trăng đêm và ánh sáng phát ra mỗi khi tên lửa bảo vệ thủ đô bắn lên không trung. Sau này nghĩ lại thấy rất khủng khiếp, nhưng lúc đó thằng bé 12 tuổi là tôi chỉ thấy lạ và ngạc nhiên…
    Lúc đó các đơn vị tên lửa tạo thành 1 vành đai bao bọc thủ đô và nằm cách thủ đô khoảng 25-30km, hướng về thủ đô để nhằm bắn các B52 bay ngang qua thủ đô để trút bom. Theo tôi được biết, bình thường mục tiêu của lưới lửa phòng không là bắn loạn xạ để máy bay địch không hạ thấp độ cao được, thả bom sẽ không trúng tọa độ cần thả, thế là ta sẽ bảo vệ được mục tiêu (chứ mục tiêu phòng không không phải là bắn hạ máy bay địch). Tuy nhiên đợt B52 vào HN tháng 12.1972, địch liều lĩnh cứ hạ thấp độ cao quyết tâm hủy diệt chính xác các mục tiêu chiến lược, nên ta buộc phải nhằm bắn hạ các máy bay…
    Sau ngày 27.1 về HN, tôi được gia đình kể lại đoạn từ Giáp Bát đi Ngọc Hồi cũng bị rải thảm tan hoang như Từ Sơn, nhưng do mật độ dân cư, nhà cửa ít hơn nên mức độ thiệt hại không bằng. Sau đó tôi đã đạp xe đi trên quốc lộ 1A đoạn đường này, thấy hai bên đường chi chit hố bom B52, cách nhau 5-10 mét lại một hố. Cây cối không thể mọc lại được quanh các hố bom vì có quá nhiều hóa chất độc… Đến tận giữa những năm 80 mới cơ bản lấp hết các hố bom này.
    Riêng nhà tôi ở đường Trương Định đợt B52 này rất may là không bị, chỉ bị F4 và F105 ném bom, nhà cũng bị thiệt hại đôi chút, bên hàng xóm ngay canh nhà bị bom tan hoang, 1 cụ già chết, nhưng tường nhà tôi chỉ bị nứt, mái nhà bê tông thủng. Sau này vá lại bằng xi măng nhưng vá kiểu gì thì mưa hơi to vẫn bị dột. Cuối cùng đành phải xây thêm 1 tầng nữa để chống dột cho mái. Bình thường tuyến đường nhà tôi cũng nằm trong tọa độ ném bom vì nó chạy thẳng từ Hồ Gươm qua chợ Mơ ra quốc lộ 1; các đoàn xe chở vũ khí, lương thực, kể cả xe tăng… ra tiền tuyến thường xuyên đỗ trên tuyến này mỗi khi di chuyển từ biên giới Lạng Sơn về qua Hà Nội, thay vì đỗ trên đường 1A nguy hiểm hơn, hay bị ném bom hơn (đoạn đường Giải phóng bây giờ).
    Nói chuyện chiến tranh thì nhiều lắm, vui có, buồn có, nhưng không hiểu sao, tôi hay nhớ các chuyện vui, nhất là thời gian sống ở nơi sơ tán, được vào rừng hái nấm, nhặt hạt rẻ; ra sông suối nhặt trai ốc hến, bơi lội, cưỡi trâu, lên núi chơi với dân quân trực chiến. Hồi đó trên các đỉnh núi ở Thái Nguyên, Yên Bái, Ba Vì, Sơn La ta thường đặt đặt các ổ phục kích đón lõng các máy bay địch. Máy bay địch sau khi thả bom Hà Nội, Hải Phòng… lúc quay về căn cứ UtapaoThái Lan sẽ bay ngang qua các đỉnh núi cao trên 1000 mét này, bọn phi công Mỹ tưởng ném hết bom là hoàn thành nhiệm vụ nên chủ quan, bay lả lướt, thế là dễ dàng bị ăn đạn của các cụ bô lão…
    Bài dài rồi, xin dừng đây, Chúc cả Hang Cua có 1 tuần làm việc mới vui vẻ, hiệu quả và… thanh bình.
    7
    1

    Đánh giá comment
    • Dung HN says:
      Anh kể như cho người đọc xem phim tài liệu. Cảm ơn anh.
      1
      1

      Đánh giá comment
    • Hiệu Minh says:
      Hello anh Mai. Có lẽ anh xem loạt bài này (còn một bài nữa), anh viết một entry về 12-1972 đi. Hai comments của anh đã được nửa bài rồi.
      Anh cứ đăng lên blog của anh, tôi sẽ xin lại. Cảm ơn anh.
      3
      1

      Đánh giá comment
      Reply


      Cám ơn cụ Dove đã giới thiệu bài này. Vừa mới đọc xong toàn bộ bản gốc. Bài viết cực hay, tái hiện cuộc chiến 12 ngày đêm thật khéo léo bằng thủ thuật xen kẽ những hồi ức từ cả hai phía.
      Tuổi thơ tôi gắn liền với tiếng máy bay và bom rơi đạn nổ. Làng tôi cách Hà Nội không xa. Gần làng, giữa cánh đồng trống là một trận địa tên lửa (giờ nghĩ mãi vẫn không hiểu sao họ chọn chỗ đó làm trận địa tên lửa). Mấy ngày sau khi đơn vị tên lửa chuyển đến máy bay Mỹ bắt đầu bu đến đông như ruồi. Lúc ấy người ta đồn có gián điệp. Nhưng sau lớn lên mới hiểu chỉ cần sóng rada phát ra là bị máy bay phát hiện liền.
      Thời Giôn Xơn ta chưa có nhiều tên lửa lắm, chủ yếu dùng pháo cao xạ. Mỗi lần máy bay đến là dạn pháo nổ như bắp rang, mảnh đạn rơi xuống bụi tre rào rào như mưa đá. Trẻ con đi học phải mang theo mũ rơm. Có tiếng máy bay là mạnh ai nhảy xuống hầm cá nhân đào rải rác trên đường đến trường. Khổ nhất là khi trời mới mưa xong, hầm ngập nước đến thắt lưng, có khi thấy cả rắn bơi trong hầm. Sau bọn trẻ quen dần với tiếng máy bay thì không đứa nào chịu vào hầm nữa, cứ ngồi cạnh miệng hầm ngửa cổ lên xem máy bay. Bọn tôi đã có thể phân biệt được những chiếc F4, F105 “thần sấm con ma” bay thành từng đám. Thú vị nhất là lúc thấy từng chiếc tên lửa từ dưới đất phóng lên, biến thành những vệt khói trắng đuổi theo máy bay. Tụi phi công Mỹ rất giỏi, khi vệt khói tên lửa đến gần máy bay chúng lập tức hạ thấp độ cao thật nhanh, vệt trắng tên lửa bám theo một lúc là phát nổ. Thành ra dù nhiều lần thấy máy bay rơi, tôi vẫn chưa một lần tận mắt thấy cảnh tên lửa đâm trúng máy bay Mỹ.
      Thời Nich Xơn trang bị của bộ đội ta có vẻ khá hơn. Những tiếng rơi lạc xạc như mưa đá của mảnh đạn không còn nữa. Mũ rơm cũng biến mất. Trận địa tên lửa cũng dọn đi nên làng tôi trở nên bình yên hơn. Tuy nhà nào cũng vẫn giữ một căn hầm đào sâu trong nhà để bọn trẻ con chui vào trú những khi máy bay đến. Tháng 12/1972 đêm nào bọn tôi cũng đứng nhìn về phía Hà Nội. Đêm nào cũng vậy, đầu tiên là tiếng F111 như xé tai xẹt qua ngay trên đỉnh đầu. Ít lâu sau là từng đợt chớp loé liên hồi phía HN. Thỉnh thoảng những vệt sáng của tên lửa từ mặt đất phóng lên trông rõ mồn một. Rồi đài phát thanh báo tin số máy bay B52 bị bắn rơi. Thỉnh thoảng các cán bộ tuyên huấn về làng nói chuyện với dân, rằng tên lửa SAM 2 do LX viện trợ bắn không tới máy bay B52 nên bộ đội ta phải cải tiến. Người thì nói là ông Trần Đại Nghĩa cho lắp thêm một tầng nhiên liệu nữa vào tên lửa để tăng độ cao. Lúc ấy chả hiểu mô tê gì nhưng ai cũng thấy sướng rêm.
      Gần chục năm chiến tranh phá hoại làng tôi bị trúng 2 trái bom lấy đi 2 mạng người. Một trong 2 người bị chết là thằng bạn chăn vịt của tôi. Hú hồn hôm đó nó rủ tôi đi câu cá ở ao giữa làng. Tôi phải đi chăn vịt ngoài đồng chưa về kịp. Thế là một trái bom lạc rơi đúng ao nơi đứa bạn đang ngồi câu. Sức ép của bom đẩy nó rơi xuống ao, ngày hôm sau mới thấy xác. Cả chục năm sau khi hoà bình lập lại thỉnh thoảng vẫn có người bị chết do bom bi còn lại. Một phụ nữ chết do cuốc trúng bom bi khi làm đồng. Còn lại là mấy vụ trẻ con tìm thấy bom bi đem về nghịch bị chết rất thảm thương.
      Cách đây vài năm khi qua Mỹ tôi được đi thăm viện bảo tàng air force của QĐ Mỹ. Lần đầu tiên được tận mắt nhìn thấy những chiếc B52 to lớn đồ sộ nằm cạnh những chiếc F4, F111. Những ký ức xưa chợt bùng dậy mãnh liệt. Chiến tranh quả là khủng khiếp, nhất là cuộc chiến tranh với một siêu cường như nước Mỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét