Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

Vượt lên chứ không thể chỉ đi tắt đón đầu

Các nhận định của ông TS này chẳng có gì mới, thậm chí cái tiêu đề do phóng viên đặt còn quá tệ. Nếu VN cứ đòi vừa đi tắt đón đầu, vừa muốn vượt lên đầu người khác thì chuyện hết khủng hoảng này đến khủng hoảng khác sẽ là đương nhiên. Tôi lưu bài này vì rất tâm đắc với ý kiến của các bạn đọc ở cuối bài. Càng ngày càng thấy kiến thức kinh tế của dân VN đã trưởng thành nhiều so với trước. Họ hoàn toàn có thể đưa ra các lựa chọn chính sách đúng cho chính phủ nếu chính phủ dám tôn trọng và lấy ý kiến dân chúng.


“Chúng ta cần chuẩn bị năng lực để vượt lên, chứ không thể chỉ nói là đi tắt đón đầu bởi có thể Việt Nam sẽ phải trả giá”...

“Nhiều năm qua, Việt Nam luôn khẳng định là đến năm 2020 sẽ cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào các mục tiêu này, thì có nhiều vấn đề phải bàn”, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu, chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright, chia sẻ.

Ông lý giải: Thứ nhất, đó là thế nào là nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Đến thời điểm này, chúng ta vẫn chưa minh định được một cách chính xác và vì vậy mục tiêu này trở thành mục tiêu di động và đạt mục tiêu di động là rất khó.
Thứ hai, cấu trúc công nghiệp Việt Nam đến thời điểm này vẫn dựa vào những lợi thế cơ bản như tiếp cận đất đai, nhân công rẻ, chi phí rẻ. Vì vậy, Việt Nam vẫn là một nền công nghiệp gia công, lắp ráp chứ chưa tạo được giá trị gia tăng cao.
Thứ ba, theo tôi, đây là vấn đề trọng yếu đó là Việt Nam không phát triển công nghiệp dựa trên những lợi thế nền tảng của mình. 

Ví dụ, nông nghiệp, Việt Nam đến thời điểm này vẫn là quốc gia nông nghiệp với khoảng 60 -70% dân số đang hoạt động trong lĩnh vực này. Nhưng chúng ta vẫn chạy theo công nghệ cao mà bỏ qua điều này, theo tôi đây chính là một sai lầm. Tôi nghĩ đây là vấn đề cần thay đổi. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, tăng trường công nghiệp chỉ đạt 4,6% - 4,7%, một tỷ lệ rất thấp trong khi nông nghiệp vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng nhưng sẽ không được tiếp thêm sức mạnh nếu không được đầu tư vào công nghệ.

Việt Nam đã thu hút FDI song không tận dụng được tác động lan tỏa từ khu vực này. Tôi cho rằng, kết nối này thể hiện qua hai khía cạnh. Đó là kết nối của doanh nghiệp Việt Nam với thế giới và doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp FDI ở Việt Nam. Và trên thực tế, kết nối chủ yếu của chúng ta thiên về lượng, thiếu về chất và rất yếu, lỏng lẻo.

Đơn cử như vấn đề xuất khẩu. Trong 11 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 104 tỷ USD và nếu cộng cả nhập khẩu thì chiếm khoảng gần 200% GDP. Đây là con số đáng ca ngợi nhất là trong bối cảnh như hiện nay. Tuy nhiên, nhìn vào đằng sau con số xuất khẩu, chúng ta xuất chủ yếu là hàng gia công, nguyên liệu, tài nguyên thiên nhiên chứ hàm lượng giá trị gia tăng đóng góp cho xuất khẩu lại đang giảm đi. 

Thứ nữa là chúng ta không có những doanh nghiệp đứng đầu và vận hành chuỗi giá trị toàn cầu mà chúng ta mới chỉ đứng ở vị trí thấp nhất trong chuỗi giá trị.

Đối với kết nối với doanh nghiệp FDI trong nước, nhiều tập đoàn hàng đầu như Sam Sung, Intel, Canon…đã đầu tư vào Việt Nam. Nhưng cái mà chúng ta làm cho họ mới chỉ là gia công đơn giản. Tính kết nối của doanh nghiệp FDI với nền kinh tế nội địa ở phương diện cung ứng dịch vụ, sản phẩm hỗ trợ thấp đấy là chưa kể đến chuyện tính lan tỏa của những doanh nghiệp này đối với các doanh nghiệp trong nước là rất thấp.

Lợi thế của người đi sau rõ ràng là có song để tận dụng lợi thế của người đi sau Việt Nam cũng phải có năng lực để khai thác lợi thế đi sau. Đã có những trường hợp Việt Nam học bài học sai của thế giới, chẳng hạn như học tập kinh nghiệm phát triển các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước theo mô hình Chaebol của Hàn Quốc (nguyên nhân khủng hoảng tài chính của Hàn Quốc năm 1997 và 1998). Cũng có lúc chúng ta học bài học nửa vời. Học bài học đúng đã quan trọng, quan trọng hơn là học bài học đầy đủ. 

Nền kinh tế Việt Nam vẫn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chúng ta để khu vực này bơi trong bối cảnh thời tiết toàn cầu kém, bối cảnh trong nước khó khăn nên doanh nghiệp này sụp đổ hàng loạt. Cơ hội người đi sau có, nhưng phải tìm hiểu cụ thể, chuẩn bị năng lực để vượt lên, chứ không thể chỉ nói là đi tắt đón đầu bởi có thể Việt Nam sẽ phải trả giá.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)


  • Trong cuộc đua kinh tế toàn cầu không có đường tắt để chạy, mọi quốc gia phải đua nhau trên đường đua duy nhất. Chỉ có điều quốc gia nào có thể chế kinh tế tốt thì chạy nhanh, quốc gia nào nào có thể chế kinh tế kém thì chạy chậm. Bởi vậy để đuổi kịp các nước đã phát triển, các nước chậm phát triển phải cải cách thể chế kinh tế.
    12:12 (GMT+7) - Thứ Hai, 10/12/2012Trả lờiThích
  • Theo quan điểm cá nhân, không thể nói "Việt Nam không thể công nghiệp hoá, hiện đại hoá bằng cách "thu hút đầu tư nước ngoài" được, vì họ có tính toán riêng của họ" được. Đúng là họ có kế hoạch của họ nhưng muốn chơi ở Việt Nam thì họ phải tuân theo luật Việt Nam cơ mà.

    Đó còn là vấn đề luật của chúng ta nữa. Đầu tư quốc tế (gọi tên theo cách nhìn chung hiện nay) vẫn là một công cụ tốt để thực hiện CNH-HĐH nếu chúng ta tận dụng tốt và quản lí tốt hơn.

    Đúng là cần nâng cao công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh tế, có một vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nhưng thử hỏi xem, Việt Nam đang có lợi thế so sánh ở mặt hàng nào. Tại sao chúng ta lại phải cố gắng sản xuất những cái mà ta chưa có lợi thế.

    Thực tế là chúng ta hiện tại còn chưa làm tốt cả những mặt hàng có lợi thế chứ đừng nói là mặt hàng xa vời. Vị TS trên nói đúng, "vấn đề trọng yếu đó là Việt Nam không phát triển công nghiệp dựa trên những lợi thế nền tảng của mình".
    14:07 (GMT+7) - Chủ Nhật, 9/12/2012Trả lờiThích
  • Đọc các ý kiến của các chuyên gia nhất là các chuyên gia nước ngoài tôi cảm nhận được họ mong muốn ở chúng ta điều gì nhưng tôi nghĩ họ tránh nói thẳng và các ý kiến tâm huyết cũng vậy những ý kiến nhạy cảm, vùng cấm họ nói tránh đi.
    23:06 (GMT+7) - Thứ Bảy, 8/12/2012Trả lờiThích1 người thích bình luận này
  • Bao nhiêu tham luận, đánh giá của các chuyên gia cũng chỉ xoay quanh lại những vấn đề đã biết. Nhưng để giải quyết được những vẫn đề đã biết đó thì phải làm công việc gì? Ai sẽ làm công việc đó? Làm công việc như thế nào? Làm ở địa phương nào trước, địa phương nào sau? Mất bao lâu và bao nhiêu vật lực, tiền tài để thực hiện công việc? Những vấn đề này cần được thảo luận thấu đáo.

    Hy vọng các chuyên gia sẽ đưa ra cách làm cụ thể hơn là liệt kê lý do, và nên như thế nào một cách quá khái quát, chung chung.
    18:12 (GMT+7) - Thứ Bảy, 8/12/2012Trả lờiThích
  • Đúng lắm. Nếu cứ đi tắt, đón đầu thì chỉ đúng khi tất cả các nước phải không phát triển, hay phát triển âm. Chỉ có Việt Nam phát triển mới có cơ hội đón đầu. Khi con đường phát triển là một đường đua, ta đang chạy phía sau cuối mà cứ mơ đứng đầu. Điều này là không tưởng.
    15:22 (GMT+7) - Thứ Bảy, 8/12/2012Trả lờiThích4 người thích bình luận này
  • Các hãng nước ngoài đầu tư vào Việt Nam theo chiến lược toàn cầu của họ, theo tính toán của họ, chủ yếu là sử dụng nguồn nhân công giá rẻ của Việt Nam. Việt Nam không thể công nghiệp hoá, hiện đại hoá bằng cách "thu hút đầu tư nước ngoài" được, vì họ có tính toán riêng của họ. Thái Lan là ví dụ điển hình, họ thu hút đầu tư nước ngoài rất mạnh, nhưng họ chưa thể công nghiệp hóa như Hàn Quốc được, vì nền sản xuất của chính họ thì chả có gì.

    Muốn công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì Việt Nam phải tự hoạch định chính sách và tự thực hiện mới được, còn các nhà đầu tư nước ngoài chẳng giúp ta được việc này đâu. Cũng vì vậy, mà việc "đi tắt đón đầu" là hoàn toàn sai lầm và ảo tưởng. Tự chúng ta phải đặt nền móng cho nền công nghiệp và sản xuất của chúng ta, không ai có thể giúp ta được.

    Ví dụ: muốn sản xuất ô-tô, chế tạo máy thì ta phải chủ động được rất nhiều thứ như công nghiệp phụ trợ, đội ngũ kỹ sư, nguyên vật liệu, trình độ luyện kim, trình độ đúc, trình độ cơ khí ...

    Dệt may chẳng hạn, chúng ta nhập khẩu gần toàn bộ nguyên liệu rồi gia công cho nước ngoài, thế thì đến bao giờ chúng ta mới "công nghiệp hóa" được dệt may? Ta phải vượt lên, làm từng chi tiết nhỏ để vượt lên, chứ không thể đi tắt đón đầu được. Mà tôi thấy, có vẻ như nước ta đang quá coi trọng thu hút đầu tư nước ngoài và xem nhẹ việc hoạch định và thực thi chiến lược công nghiệp hóa của chính nước ta.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét