Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Vụ khởi nghĩa Hai Ông Đoàn được mô tả rất thú vị qua giọng văn Tầu

Vụ khởi nghĩa Hai Ông Đoàn được 
mô tả rất thú vị qua giọng văn Tầu


Báo Thanh niên tham khảo * Trung Quốc:

Cả nước theo dõi  -  Thủ tướng tỏ thái độ  -  Tòa án tối cao ra lệnh xét xử lại

 

TRẬN CHIẾN BẢO VỆ VƯỜN NHÀ CỦA MỘT NÔNG DÂN

 

Mìn tự chế và súng mộc [1] chống trả lại cưỡng chế, kết quả đã trở thành “anh hùng dân tộc”

22.2.2012
Phóng viên của báo: Hoàng Phưởng Nỉ
Người dịch: Quốc Thanh
Người nông dân Đoàn Văn Vươn đã trở thành “anh hùng dân tộc” của Việt Nam, tuy nhiên, hiện giờ, ông cùng 3 người thân vẫn đang bị giam trong tù.   
Ông dẫn đầu anh em, con và cháu mình dùng mìn tự chế và súng mộc kịch chiến với binh lính và cảnh sát.
Đây là vụ tranh chấp đất đai nghiêm trọng nhất kể từ năm 1977 đến nay ở Việt Nam.
Chắc rằng Đoàn Văn Vươn đã không ngờ được hành động này của mình tuy mang lại cái họa tù đày, nhưng lại đã giành được sự quan tâm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, nhận được lời khen ngợi của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh cùng sự ủng hộ của Tòa án tối cao.
 Dùng mìn tự chế kịch chiến với binh lính và cảnh sát     
 Người nông dân Đoàn Văn Vươn đã trở thành “anh hùng dân tộc” của Việt Nam, mặc dù trước mắt, ông cùng 3 người thân vẫn còn đang bị giam trong nhà tù Việt Nam.   
 Tất cả được khởi đầu vào ngày 5 tháng 1 năm nay. Hiện giờ chỉ có vợ Đoàn Văn Vươn là có thể kể lại với phóng viên truyền thông về những gì đã xảy ra vào ngày hôm ấy.      
Ngày hôm ấy, bà đi đón con tan học, trên đường về, từ xa đã nhìn thấy ngôi nhà 2 tầng của mình bị một đám binh lính cảnh sát có trang bị chống bạo động quây chặt. Một lát sau, bà nghe thấy tiếng súng và tiếng nổ –  Đoàn Văn Vươn trong nhà (**) đang dẫn đầu anh em, con và cháu mình dùng mìn tự chế và súng mộc kịch chiến với binh lính và cảnh sát.    
 Một trận kịch chiến xảy ra, 6 người bên đối phương bị thương, mấy anh em Đoàn Văn Vươn bị bắt vì bắn vào cảnh sát.
Đây là vụ tranh chấp đất đai nghiêm trọng nhất kể từ năm 1977 đến nay ở Việt Nam, song đến lần này, truyền kỳ về người “anh hùng dân tộc” Đoàn Văn Vươn mới vừa được bắt đầu.

“Chúng tôi đã đầu tư hết tâm huyết và cửa nhà vào ruộng vườn, thế nhưng các quan chức đương quyền lại muốn cưỡng bức đuổi chúng tôi đi”.
Trước khi chuyện này xảy ra, Đoàn Văn Vươn chỉ là một nông dân không chút tiếng tăm ở thành phố Hải Phòng Việt Nam. Song, hàng xóm của ông nói, với người dân ở đây, xưa nay ông rất có uy tín.
Đoàn Văn Vươn từng học đại học, là một kỹ sư nông nghiệp. Năm 1991, ông nhận thầu với hợp tác xã một mảnh đất rộng 20ha. Trong thời gian gian 20 năm tiếp đó, ông đã bỏ vào đó tất cả mọi dấn vốn và tinh lực của mình để xây dựng khu đầm ven biển hoang vu này thành nơi nuôi thủy sản. Ngôi nhà gạch 2 tầng của gia đình ông cũng được dựng lên trên mảnh đất này, giờ chỉ là một đống đổ nát.    
Chính giữa lúc nơi nuôi thủy sản của ông bắt đầu đi vào quy mô, thì mọi phiền phức đã ập tới.   
Theo pháp luật ViệtNam, thời hạn cho thuê đất là 20 năm. Đoàn Văn Vươn nhận thầu 20 ha lúc ban đầu xong, còn “quây hồ tạo ruộng”, mở rộng được thêm được 19,3ha đất nữa. Hành động này chẳng bao lâu sau đã bị chính quyền địa phương phát hiện, Đoàn Văn Vươn  phải nộp một khoản tiền phạt vì chuyện này. Khi ấy, tòa án phán quyết cho ông được tiếp tục hưởng quyền sử dụng mảnh đất này trong 14 năm, thời gian tính bắt đầu từ tháng 10 năm 1993.      
Hết hạn 14 năm, Đoàn Văn Vươn phát hiện thấy chính quyền có ý đồ thu hồi lại từ tay ông toàn bộ mảnh đất rộng khoảng 40ha này.    
Năm 2009, Đoàn Văn Vươn đầy bất bình đã cùng với vài nông dân khác cùng nhau viết đơn kiện ra tòa án về vấn đề thời hạn thuê đất. Tòa án trả lời là nếu như ông rút lại đơn kiện, thì sẽ cho kéo dài thêm thời hạn được thuê đất.       
Thế là, Đoàn Văn Vươn đã chọn cách rút đơn kiện. Điều không không ngờ được là, sau hành động đó, thành phố Hải Phòng liền đẩy nhanh thêm bước thu hồi đất. Theo thông tin từ giới truyền thông chính thức của ViệtNam, mảnh đất mà gia đình Đoàn Văn Vươn đang ở đã được quy hoạch thành đất ở và một sân bay quốc tế.     
“Gia đình chúng tôi đã bị bước vào đường cùng”, vợ Đoàn Văn Vươn sau đó đã nói với phóng viên AP, “chúng tôi đã đầu tư hết tâm huyết và cửa nhà vào ruộng vườn, thế nhưng các quan chức đương quyền lại muốn cưỡng bức đuổi chúng tôi đi, lại còn không bồi thường, quả là quá bất công”.  
Ngôi lều gia đình Đoàn Văn Vươn [2] hiện đang
 Thế là, gia đình Đoàn Văn Vươn đã bất chấp mệnh lệnh của chính quyền, từ chối rời khỏi ruộng vườn. Ngày 5 tháng 1 năm nay, chính quyền thành phố Hải Phòng đã điều hơn 100 binh lính cảnh sát tới bao vây ngôi nhà của họ.     
Đoàn Văn Vươn bị quây chặt trong nhà cũng đã có sự chuẩn bị từ trước.    
Họ đã dùng súng mộc nhằm bắn vào binh lính cảnh sát đang có ý định lại gần h  
Các binh lính cảnh sát bao vây ngôi nhà Đoàn Văn Vươn không hề biết là mình sẽ đối mặt với cái gì. Trước mắt họ là một ngôi nhà gạch xoàng xĩnh, xung quanh ngoài con đường bùn đất gập ghềnh và những vạt chuối ra, còn có 3 chướng ngại vật do chính những người trong nhà dựng lên.
Còn ở dưới mặt đường thì có chôn mìn do Đoàn Văn Vươn tự chế. Khi một đội cảnh sát có ý định lại gần ngôi nhà này, một quả mình đã được giật nổ.     
Viên chỉ huy cảnh sát một mực yêu cầu những người trong nhà ngừng tấn công điên cuồng vào đội thi hành án, nhưng nhà họ Đoàn đã phớt lờ lời kêu gọi của cảnh sát, dùng súng mộc nhằm bắn vào các cảnh sát có ý định lại gần.      
Rồi cuối cùng, đội thi hành án đã tấn công vào ngôi nhà này, người bên trong đã bỏ chạy, nhưng mấy ngày sau đã lần lượt bị bắt.     
Em trai Đoàn Văn Vươn sau khi bị bắt đã nói, nghe tin chính quyền quyết định thu hồi đất của anh trai, anh không sao ghìm được sự phẫn nộ của mình. Anh ta đã nhằm bắn vào 6 cảnh sát tại hiện trường.     
Ngôi nhà của Đoàn Văn Vươn đã bị phá dỡ. Những người thân thoát khỏi cảnh tù ngục đành dựng lên bên cạnh đống gạch vữa một ngôi lều bằng cọc tre và ni lông để sống qua ngày, đồng thời đã cắm một lá quốc kỳ Việt Nam ở chỗ cao nhất của “cổng nhà”.
Cái tên Đoàn Văn Vươn đã chiếm hết trang đầu của truyền thông Việt Nam   
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự kiện cưỡng chế ở thành phố Hải Phòng. Thế nhưng lần này, dường như do dũng khí của Đoàn Văn Vươn mà sự việc đã dần tiến triển vượt ra ngoài dự liệu của mọi người.      
Giới truyền thông Việt Nam đã bày tỏ sự cảm thông với cảnh ngộ của gia đình Đoàn Văn Vươn trong các tin tức điều tra. Theo luật pháp, những người trong gia đình này phải được hưởng thời hạn thuê đất là 20 năm, chứ không phải là 14 năm.
Trong hơn 1 tháng trở lại đây, cái tên Đoàn Văn Vươn đã chiếm hết trang đầu của truyền thông ViệtNam. Ở Việt Nam, tình huống này không hề thường gặp.     
Có nhà phân tích cho rằng, sự cảm thông đối với Đoàn Văn Vươn được bộc lộ rộng rãi như vậy làm nổi cộm lên sự bất bình phổ biến của dân chúng đối với việc xử lý tranh chấp đất đai của quan chức địa phương.    
Theo “Hiến pháp” Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý theo luật pháp và theo quy hoạch. Các quy định có liên quan trong “Luật đất đai” của Việt Nam được sửa đổi theo từng năm, từ chỗ cấm chỉ các hình thức mua bán thuở ban đầu đến chỗ xác định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng đất, cho phép chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp quyền sử dụng đất đai.     
Từ khoảng năm 1993, Luật đất đai của Việt Nam bắt đầu cho phép đại đa số người dân được thuê đất với thời hạn là 20 năm. Đất mà rất nhiều người nhận thầu khi ấy đã đến lúc sẽ bị thu hồi.      
Các chuyên gia luật pháp cho biết, để bảo vệ quyền sử dụng đất đai cho những nông dân này, thời hạn cho thuê đất sẽ được kéo dài vào năm tới. Nhưng, theo luật pháp trước mắt, chính quyền có thể tùy tiện thu hồi lại đất đai với các lí do phát triển kinh tế, lợi ích chung và an ninh quốc gia…    
Gần đây, ngày càng xuất hiện một hiện tượng là đất của nông dân bị chính quyền thu hồi, thế rồi, ao cá và ruộng đồng liền biến thành sân golf cao cấp hoặc resort mà chỉ có người giàu mới có khả năng hưởng thụ.     
Rất nhiều nông dân đành phải nhận tiền đền bù (thường là trả theo giá trị nông nghiệp của họ, chứ không phải là theo giá trị thương phẩm), sau đó phải di dời, song ngày càng có nhiều người bắt đầu chống đối lại việc này.    
 Sự gắng gỏi đấu tranh của Đoàn Văn Vươn đã giành được sự ủng hộ của rất nhiều người Việt Nam. Trong mắt họ, việc chính quyền thu hồi đất không cần phân biệt rõ trắng đen thực tế là một tín hiệu tham nhũng.    
“Ông ấy được người nông dân xem là anh hùng”. Dân làng cùng đi khiếu kiện với Đoàn Văn Vươn năm 2009 đã đánh giá về ông như vậy. 
Ở một đất nước mà đại đa số là nông dân, tiếng nói của ông ta không thể bị xem thường    
Ở những giây phút chôn mìn, giương súng, chắc Đoàn Văn Vươn không thể ngờ được rằng hành động ấy của mình, ngoài chuyện đem lại họa tù ngục ra, còn đã giành được sự quan tâm của cả Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cùng sự ủng hộ của Tòa án tối cao.
Sau khi cảnh ngộ của Đoàn Văn Vươn được giới truyền thông tiết lộ, rất nhiều blogger và luật sư đã biểu lộ sự ủng hộ đối với ông ta, nguyên Chủ tịch nước Việt Nam Lê Đức Anh đã ca ngợi ông là người “công dân mẫu mực”. Khi trả lời phỏng vấn của giới truyền thông, Lê Đức Anh nói: “Anh ấy đáng phải được khích lệ thì lại đuổi người ta đi, thật là quá tàn nhẫn”.
Vào ngày 10 tháng 2, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã triệu tập cuộc họp đặc biệt. Tối hôm đó, trang mạng chính phủ Việt Nam đã đăng tải bài phát biểu của ông, nói quan chức Hải Phòng đã xử lý không thỏa đáng đối với đất đai của Đoàn Văn Vươn.    
Nhà của Đoàn Văn Vươn 
“Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng thành phố Hải Phòng sau khi phân bổ xong, lại dùng vũ lực để cưỡng chế thu lại mảnh đất đã giao cho Đoàn Văn Vươn, đây là sai lầm”, Nguyễn Tấn Dũng nói, “quyết định thu hồi đất không phù hợp với “Luật đất đai”, là không hợp pháp”.
Nguyễn Tấn Dũng ra lệnh mở cuộc điều tra về việc phá dỡ nhà Đoàn Văn Vươn, đồng thời bày tỏ những quan chức đứng đằng sau vụ này cần bị đình chỉ chức vụ.    
 Nguyễn Tấn Dũng nói, do chính quyền xử lý không đúng, tòa án cần xem xét xử lý giảm nhẹ tội cho Đoàn Văn Vươn.
Sáu ngày sau khi bài nói này được đăng lên, Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam ra quyết định, tòa án địa phương vào tháng 4 năm 2010 đã ra phán quyết sai về vụ tranh chấp đất đai giữa Đoàn Văn Vươn với Ủy ban nhân dân địa phương, việc xét xử trước đây cũng không tuân thủ trình tự luật pháp, Tòa án tối cao đề nghị phải xét xử lại vụ án này.      
Một luật sư trong Tòa án nhân dân Hải Phòng khi tiếp báo “Sài gòn giải phóng”, cơ quan ngôn luận của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đã bày tỏ, những người có dính líu vào vụ án trưng thu  đất đai vi phạm pháp luật này, đồng thời bị nghi có liên quan đến việc cưỡng chế phá dỡ nhà Đoàn Văn Vươn, thậm chí cả những người đã viết báo cáo bừa lên cấp trên, đều sẽ phải chịu các hình thức xử phạt tương ứng. “Những người nào sẽ phải đối mặt với xử lý kỷ luật nặng, kết quả sẽ được công bố trong nay mai”.       
Đoàn Văn Vươn đã trở thành người “anh hùng dân tộc” của Việt Nam, chỉ có điều, thân mình anh vẫn đang chịu cảnh sau song sắt, anh đang phải đối mặt với lời buộc tội cố ý giết người. 
Theo tin từ AP, trường hợp của Đoàn Văn Vươn có thể sẽ không làm thay đổi được những quy định về đất đai ở quốc gia này, nhưng ở một đất nước mà khoảng 80% dân số là nông dân, thì tiếng nói của ông không thể bị xem thường.
“Thằng cha đánh lại cảnh sát này đã được rất nhiều cư dân thành phố ủng hộ”, một luật sư Việt Nam đã giải thích với giới truyền thông Phương Tây về căn nguyên vì sao Đoàn Văn Vươn lại có được một chuỗi trải nghiệm không tầm thường này, “rất nhiều người đã coi câu chuyện của ông ta là cảnh ngộ của mình”.  
[1] Nguyên văn:   土枪  (Thổ thương); chỉ súng hoa cải mà Đoàn Văn Vươn đã dùng –ND.
[2] Nguyên văn:  Đoàn Văn Vượng. Vì trong tiếng Hán không có chữ  nào tương đương với âm “Vươn”, nên tác giả phải mượn dùng chữ gần âm –ND.
* Báo “Thanh niên tham khảo” ra đời ngày 6 tháng 7 năm 1984, được sáng lập theo tinh thần từ chỉ thị của Hội nghị lần thứ 100 Ban thư ký Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc là làm một tờ tin tham khảo cho thanh niên. Hơn 20 năm qua, là tờ báo được phát hành hướng tới thị trường đầu tiên dưới quyền của Tòa soạn “Trung Quốc thanh niên báo”, tờ “Thanh niên tham khảo” từ 4 ấn bản lúc đầu đã phát triển thành 24 ấn bản, đã theo kịp được với tờ “Nhìn ra thế giới” của mấy thế hệ thanh niên Trung Quốc. (Theo hudong.com).
** Tác giả lầm lẫn chỗ này. Ông Vươn không trực tiếp tham gia hành động chống cuộc cưỡng chế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét