Thăm Đường Lâm, một làng Việt cổ không xa trung tâm Hà Nội
(DVT.vn) - Dịp cuối tuần có lẽ là thích hợp nhất để bạn chìm đắm trong không gian yên lành và thắm đượm tình quê.
Ngay từ quốc lộ rẽ vào, đã nhìn thấy Đường Lâm với đường làng uốn lượn giữa cánh đồng. Làng nay thuộc thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội. Cổng làng nép mình bên gốc đa cổ thụ - nét đặc trưng vùng Bắc bộ. Đi qua những con ngõ ngoằn ngoèo, chúng tôi tới nhà anh Hà Nguyên Huyến - nhà văn, nhà báo (báo Văn Nghệ). Qua tám đời thừa kế, với biết bao thăng trầm và rêu phong, ngôi nhà vẫn luôn là điểm đến của nhiều du khách, là đề tài của biết bao nghệ sĩ nhiếp ảnh trong và ngoài nước, xuất hiện trong nhiều bộ phim truyện Việt Nam, và cũng là nơi giới sinh viên mỹ thuật, kiến trúc tới thực tập sáng tác.
Cổng làng.
Làng Mông Phụ là đại diện duy nhất về văn minh lúa nước châu Á còn sót lại. Đây là một làng Việt cổ, được xây dựng bằng đá ong với quy mô khá rộng, nghệ thuật kiến trúc tinh xảo. Nét độc đáo của làng là những ngả đường hình xương cá, gồm trục đường chính và những ngõ nhỏ thông nhau. Dù bạn xuất phát từ đâu và đi qua ngõ nào thì điểm gặp nhau cũng là đường chính của làng. Những con đường làng lát gạch được làm theo lệ xưa của làng này. Mỗi chàng trai muốn lấy vợ thì phải mang gạch lát đường làng. Sau mỗi đám cưới, lại có thêm những đoạn đường làng lát gạch mới.
Những ngôi nhà đã có tuổi đời gần trăm năm.
Gạch đất ong ấm áp vào mùa đông, mát mẻ khi sang hè.
Đường Lâm còn có tục danh là Kẻ Mía và có một ngôi chùa mang tên chùa Mía (làng Đồng Sàng). Đây là ngôi chùa có nhiều tượng nghệ thuật nhất nước ta và đã được đưa vào sách kỷ lục Việt Nam. Hiện chùa còn lưu giữ 287 pho tượng thờ. Nổi bật nhất là pho tượng Phật bà Quan Âm. Người Đường Lâm có câu ca dao: “Nổi danh chùa Mía làng ta. Có pho tống tử Phật bà Quan Âm”.
Món quà quê: kẹo dồi, bánh nếp, nhót chín.
Và chè lam uống với trà nóng ngon tuyệt.
Bài: HạnhVũ
Ảnh: Lam Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét