Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

Có học thức, nhưng tôi thích công việc tạp vụ

Có học thức, nhưng tôi thích công việc tạp vụ

Tôi thích công việc tạp vụ còn hơn cả việc đi học. Không phải nó nuôi sống tôi, cũng không phải tôi kiếm tiền nhiều từ nghề đó.

Nếu bạn thực sự yêu quý, tâm huyết, kiên trì theo đuổi thì không khó để làm đúng nghề đã chọn. Nhưng nếu vì lý do nào đó phải tạm thời làm công việc khác thì cũng đừng xem nhẹ, dù đó là bất cứ nghề gì, miễn sao trong sạch. Đọc bài viết của bạn Nguyễn Đức Thảo Chinh: "Tôi là nỗi nhục của gia đình vì học nghề giáo mà đi rửa chén”, tôi có vài điều muốn chia sẻ với bạn.
Trước hết, tôi phải nói với bạn một điều là làm nghề nào thì phải yêu nghề đó, chọn nghề nào thì nên dành tâm huyết cho nó. Tôi nghĩ, bạn học nghề giáo, đâu nhất thiết phải đi dạy. Nếu như bạn năng động, có lẽ bạn sẽ xin được nghề khác phù hợp hơn. Hoặc ví như làm nghề rửa chén cũng vậy, tôi chẳng thấy có gì là xấu, là nhục cả. Có thể do gia đình không hiểu bạn, hoặc có thể do bạn chưa chứng tỏ được với gia đình, đó là nghề bạn yêu thích.
Tôi cũng có học thức, thậm chí tôi còn cận 5,0 độ. Nhưng công việc tôi làm chỉ là tạp vụ, dọn dẹp văn phòng. Cũng nhiều người, thậm chí cả người thân, bạn bè hỏi tôi sao không đi kiếm việc khác làm, tôi chỉ cười bảo họ, đó là công việc tôi thích.
Thực đấy bạn ạ! Không biết từ bao giờ, tôi thích công việc đó còn hơn cả việc đi học. Không phải nó nuôi sống tôi, cũng không phải tôi kiếm tiền nhiều từ nghề đó. Đồng lương mỗi tháng tôi nhận dù có gấp đôi hoặc gấp trăm ngàn lần bạn thì không có tình yêu nghề, tôi không thể làm được.
Công việc tôi làm rất nặng nhọc và vất vả. Ngoài đồng lương ít ỏi tôi nhận hàng tháng so với công việc tôi làm ra, thì hàng ngày, tới nơi làm việc, tôi còn phải đối diện với rất nhiều khó khăn và thách thức. Tôi bị người ta xoi mói, bị người ta sai vặt, bị người ta coi chẳng ra gì, thậm chí, lúc nào người ta cũng nghi ngờ tôi gian xảo. Mỗi sáng tới nơi làm việc, tôi phải đứng chờ người ta có khi hơn tiếng đồng hồ mới có người tới mở cửa cho tôi vào làm. Và tôi lại vội vàng, tất bật với công việc phải làm sạch văn phòng trước khi người ta kêu ca, phàn nàn. Thậm chí tôi còn bị mắng, bị người ta nhìn khinh bỉ không ít lần.
Từ một cô gái chân lấm, tay bùn, tôi bước ra đời. Tôi vừa học, vừa làm. Với mức lương 1,5 triệu một tháng chỉ đủ trang trải học phí. Toàn bộ chi phí sinh hoạt khác, tôi trông chờ cả vào chị gái.

Mặc dù đồng lương tôi nhận quá ít so với công việc tôi làm nhưng tôi vẫn vui vẻ chấp nhận. Tôi khá nhanh nhẹn, thế nên, ngoài công việc quét dọn, tôi đón khách, chuẩn bị tiệc, giúp mọi người photo tài liệu và làm rất nhiều việc khác nữa. Nếu như so sánh tôi với một người hành chính, tôi hơn hẳn họ về mọi việc. Tôi làm việc có trách nhiệm.
Chị tôi cũng nhiều lần khuyên bảo tôi đi xin việc khác, ít nhất là đỡ vất vả và sau đó là có thêm thu nhập. Nhưng tôi cương quyết lắm, hoặc tôi thích nó thực sự. Bạn bè trên lớp hỏi, tôi cũng sẵn sàng khoe tôi là người tạp vụ. Không ai tin điều đó cả, dù tôi có nói thế nào thì cũng không thể làm mất vẻ học thức trong tôi.
Bạn à! Tôi là người làm nghề tạp vụ, công việc lẽ ra là người ta rất coi thường. Nhưng, tôi luôn tâm niệm là phải sống tốt. Lòng sỹ diện tôi rất cao và cứ khi nào người ta động đến, tôi lại tự ái. Điều đó chẳng tổn hại gì cho ai. Khi người ta hiểu tôi, người ta coi tôi như người thân thiết vậy. Người ta quan tâm tôi lắm đấy, yêu mến và giúp đỡ, cảm thông với tôi. Tôi nghĩ, với tôi như vậy cũng đủ để bù đắp những gì người ta đã đối xử với tôi trước đấy.
Tính tôi không hay để bụng. Nhưng bạn thử nghĩ mà xem. Sáng tôi phải dậy thật sớm, ăn vội ăn vàng bát cơm nóng cho ấm bụng, chen xe buýt đông kinh khủng chỉ để tới nơi làm việc, ngồi vật vờ chờ đợi người ta tới mở cửa. Chắc bạn và rất ít người làm được như tôi. Vậy mà tôi đã làm ở đó qua hai cái Tết rồi! Tôi coi như rèn luyện tính kiên trì vậy.
Nếu bạn không có tính kiên trì, bạn sẽ không làm được gì cả. Khó ai nghĩ là ngoài công việc đó ra, tôi còn có ước mơ rất lớn. Và để thực hiện được ước mơ riêng của mình, tôi sẵn sàng chấp nhận vất vả, sẵn sàng đón nhận tất cả thái độ người ta dành cho tôi.
Tôi nghĩ bạn hoặc bất kỳ ai trên đời cũng có ước mơ. Nhưng bạn ơi, ước mơ sẽ chỉ là ước mơ nếu người ta không làm việc. Để thực hiện được một ước mơ nhỏ nhất thì cũng tốn rất nhiều công sức và thời gian.
Bạn là người tự lập, tôi nghĩ bạn không thích người ta trải thảm ra để đi trên con đường đẹp đẽ. Vì thế, bạn đừng buồn chỉ vì câu nói của người thân, càng không được coi thường nghề đang làm. Đến bản thân bạn còn coi thường nó thì nói gì người khác không làm vậy với bạn. Hãy coi đó là động lực để bạn cố gắng.
Tôi chúc bạn thành công trên con đường mình đã chọn. Cảm ơn bạn vì bài viết của bạn. Vì nhờ bạn, tôi mới dám nói lên nỗi lòng mình, nỗi lòng của người tạp vụ.
Hà Yên


http://vnexpress.net/gl/ban-doc-viet/2012/02/toi-la-noi-nhuc-cua-gia-dinh-vi-hoc-nghe-giao-ma-di-rua-chen/

Tôi là nỗi nhục của gia đình vì học nghề giáo mà đi rửa chén

Tốt nghiệp sư phạm, một nghề được xem là cao quý nhưng giờ đây tôi chỉ là một người phụ việc cho quán ăn.

Các bạn có biết sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm ra, những sinh viên như chúng tôi phải làm gì không? Có phải chúng tôi được đào tạo để làm giáo viên không? Rất nhiều câu hỏi tôi muốn gửi đến những ai đang công tác trong lĩnh vực này.
Từ khi ra trường chưa một ngày nào tôi thấy hãnh diện vì cái tiếng giáo viên kia. Những bạn học của tôi, đứa thì đi phụ quán phở với mức lương 600.000 đồng/tháng, đứa thì dọn buồng phòng, đứa thì chỉ biết dạy kèm từ năm này đến năm nọ, đứa thì đi rửa chén, đứa làm công nhân...
Tôi thì công việc khổ cực nào cũng làm hết rồi: buồng phòng, rửa chén, rửa ly, phục vụ… Chúng tôi được học để làm công việc này sao? Nhiều lúc chúng tôi ngồi lại và an ủi nhau rằng: "Cứ đợi rồi một ngày sẽ có công việc”. Nhưng đợi đến khi nào đây? Hôm qua bố tôi nói tôi là nỗi nhục nhã của gia đình vì được ăn học mà lại làm cái nghề không cần học cũng làm được, tôi đã khóc nhiều lắm.
Tôi chỉ muốn kiến tiền tự lo cho mình thôi và lo kiếm tiền học ngành khác. Chắc cả đời này tôi không làm giáo viên được rồi. Tôi không mơ nữa vì vừa rồi 1 trường ở Nha Trang thiếu giáo viên do có một giáo viên qua đời vì bệnh, nhờ sự quen biết của gia đình dù không thân lắm nên tôi được vào dạy hợp đồng 3 tháng. Sau đó tôi có hỏi nếu được vô biên chế thì sao? Câu trả lời là phải tốn ít nhất 100 triệu, đó là ít nhất thôi.
Tôi đành "bỏ của chạy lấy người" thôi. Tôi bỏ dạy, bỏ mộng làm giáo viên. Hầu như mọi giáo viên trong trường đều phải lo khoản đó. Tôi chạy bàn chỉ có 800.000 đồng/tháng và tôi thấy đồng tiền quý lắm. Sao lại như vậy? Lớp tôi có 25 bạn nhưng chỉ 3 bạn đi dạy và chỉ có 1 người được vào biên chế chính thức.
Tôi sợ, sợ một ngày đang phục vụ, rửa chén, có một học sinh đã đi thực tập gặp tôi và hỏi: "Có phải cô thực tập không?”. Tôi rất xấu hổ với gia đình, với bản thân vì học hành 15 năm nhưng kết cục chỉ đi rửa chén cho người ta thôi. Muốn đi dạy kèm bây giờ cũng phải đóng 300.000 đồng cho trung tâm giới thiệu.
Đó là nỗi khổ của riêng tôi thôi. Còn các bạn Châu, Hương không dám ở quê vô Nha Trang làm vì cũng xấu hổ với hàng xóm, gia đình.
Tôi hối hận vì đã học sư phạm. Sau nhiều khổ cực như vậy, tôi tự hỏi: “ Bao giờ mình mới được người ta phục vụ để ăn 1 bữa đàng hoàng?”. Một câu hỏi không biết đến bao giờ mới kết thúc của một cựu sinh viên sư phạm mới ra trường. Một điều ước rất đơn giản mà dường như không thực hiện được.
Nguyễn Đức Thảo Chinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét