Làm ăn ở Lào
Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang thăm vườn caosu 2 năm tuổi của Hoàng Anh Gia Lai tại Lào. (Blog: Lâu lắm mới nhìn thấy bác Sang và anh Thoong Lun Sisulit cười tươi đến thế).
Từ dăm bảy thập kỷ trước, trong bối canh tao loạn và Đông Dương còn thuộc Pháp, dân nghèo vùng duyên hải miền Trung, chủ yếu từ Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An... thường dắt díu nhau sang vùng trung Lào, ngược lên cả vùng đông bắc Thái Lan, tìm đất sống.
Những lưu dân ngày đó đã tạo ra các thế hệ Việt kiều sống hoà thuận với dân bản địa, tạo lập cuộc sống an lành, những khu vực dân cư trù phú giữa lòng nước bạn... Ngày nay, trong xu thế hội nhập quốc tế và với riêng khu vực ASEAN, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào có vẻ đang là quốc gia cởi mở nhất, hiền hoà nhất, cũng mở ra nhiều cơ hội nhất cho thế hệ người Việt mới đặt chân lên đất này. Đó là những doanh nghiệp, doanh nhân Việt đã và đang đầu tư tại Lào, theo kêu gọi của chính phủ nước này, cũng là một trong những mục tiêu phát triển cộng đồng ASEAN và khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.
Caosu của Hoàng Anh Attapeu vừa một năm tuổi. Ảnh: N.T |
Attapeu - “thiên đường xanh” nam Lào
Trong phòng riêng tại “bản doanh” của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) ở Lào, mời tôi một ly rượu “gối đầu giường”, Phan Thành Thủ hồ hởi và khoáng đạt: “Mai này thôi, HAGL chắc chắn phải tậu trực thăng mới có thể đi thăm, giám sát hết những dự án đã đầu tư tại Lào”. Thủ phát ngôn trong dịp Tập đoàn HAGL khởi công công trình sân bay quốc tế Hoàng Anh Attapeu hôm 11.2 vừa rồi (dự kiến sẽ đi vào hoạt động cuối tháng 6.2013). Trước đó đôi tháng, cũng tại đây và trong dịp HAGL khởi công- khánh thành một loạt công trình tại Attapeu, Thủ với tư cách là “tư lệnh” của HAGL tại Attapeu, dẫn đầu đoàn ôtô gần 50 chiếc lội khắp những cánh rừng caosu 1 - 4 năm tuổi, rộng ngót 20.000ha và... lạc đường. Tậu trực thăng để thăm rừng caosu là cách nói... “chữa thẹn” của Thủ, mà cũng thực lòng, đơn giản vì dự án này quá lớn.
Công nhân chuẩn bị cây giống cho cụm công nghiệp mía đường Hoàng Anh Attapeu. |
Riêng tại vùng nam Lào, tập trung ở Attapeu - tỉnh cực nam, giáp với Kon Tum, Tây Nguyên - HAGL được Chính phủ Lào cấp phép cho dự án caosu - dầu cọ rộng 36.000ha, hiện đã trồng ngót 20.000ha caosu từ 1 - 4 năm tuổi. Tậu trực thăng để giám sát dự án cũng là một nét “tiên phong” thường tình của HAGL như “bầu” Đức đã từng tiên phong tậu máy bay riêng. Ngay trong việc trồng caosu ở Lào cũng thể hiện một khả năng “tiên phong” khác: Lần đầu tiên một công ty VN áp dụng (thành công) công nghệ... tưới caosu; mà chỉ thực hiện... trên đất Lào.
Cả chục ngàn hécta caosu tại đây đang được chăm sóc như sau: Đặt máy chủ bơm nước từ sông Xekamạn, đẩy lên nhiều hồ nước nhân tạo rộng cả hécta, từ đây lại đặt các trạm bơm vào những hồ nhỏ hơn, nằm rải rác trong toàn vùng. Nước sông từ hệ thống khép kín này, được bơm tưới đến từng gốc caosu trồng đều chằn chặn thông qua hệ thống đường ống nhỏ bằng ngón tay cái và van tưới trông như đồ chơi trẻ con, bé bằng hạt đậu; phân và thuốc cũng được trộn tưới cùng. Nhưng không đùa: Đường ống rải đều từ đầu đến cuối từng hàng cây; cạnh mỗi gốc caosu được găm một van nhỏ mà từ đầu đến cuối mỗi đường ống, áp lực tưới là như nhau, “mỗi thằng 2 lít/ngày”. Cả thế giới hiện nay chỉ mới có Thái Lan áp dụng công nghệ này - theo lời “bầu” Đức. Nhờ đó, trong vùng tưới, caosu cứ xanh nhưng nhức và không có “mùa lá rụng” như tất cả caosu ở nơi khác như lệ thường. Công nghệ tưới này giúp caosu rút ngắn thời gian xây dựng cơ bản, đi vào khai thác mủ sớm hơn lệ thường từ 1 - 2 năm, đồng thời sản lượng mủ sẽ tăng trên 30%.
Dạo trước Tết Nhâm Thìn, sau khi đưa hàng trăm nhà đầu tư từ VN sang thăm dự án và giới thiệu công nghệ này, trở về, vẫn có tin xấu rằng “HAGL chỉ tưới... biểu diễn - ông Nguyễn Văn Sự - Tổng Giám đốc HAGL - nói đùa một cách... nghiêm túc - Vì thế mà ông Tư Sang (Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang) phải đến tận nơi kiểm tra” (trong chuyến thăm, làm việc chính thức với nước bạn Lào vừa rồi). Hiện Tập đoàn HAGL đang dẫn đầu các doanh nghiệp VN đang làm ăn tại Lào và đã gây dựng được đội ngũ công nhân đến 5.000 người mà 90% là dân Lào, với mức lương công nhân bình quân đạt đến 350USD/người/tháng.
Thứ hai, Việt Nam
Gần 10 năm trước, máu “giang hồ” trỗi dậy, tôi một mình một ba lô, không hộ chiếu, không visa, lặn lội “chơi” khắp nam Lào. Attapeu ngày đó đìu hiu không bằng một huyện lẻ vùng sâu Tây Nguyên. Vậy mà chỉ vài năm lại đây, với hệ thống đường đôi, công sở, rồi bệnh viện, trường học (công trình phúc lợi HAGL tài trợ cho Lào), khách sạn 4 sao Hoàng Anh Attapeu, rồi sân bay quốc tế Hoàng Anh Attapeu vừa khởi công đón chào kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị Việt - Lào (2012), tỉnh lỵ Attapeu đã “lột xác”; thị xã tân kỳ đang thành vóc vạc bên con sông Xêkông vẫn còn nhiều hoang dại như vết tích của một thời chiến loạn, trì trệ nhưng đầy... bản sắc. Với hàng loạt công trình, dự án đã và đang thực hiện về caosu - dầu cọ, mía đường, thuỷ điện, khai khoáng..., HAGL đã đạt ngưỡng đầu tư trên 1 tỉ USD vào Lào.
Thông tin từ buổi làm việc giữa Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang với Tổng Bí thư - Chủ tịch nước CHDCND Lào Chummaly Sayasone mới rồi cũng cho biết VN hiện là nước có tổng mức đầu tư đứng thứ hai vào Lào (sau Trung Quốc, trước Thái Lan - PV), lên đến 3,57 tỉ USD cho trên 100 doanh nghiệp VN đã và đang làm ăn tại Lào. Sau HAGL là các tập đoàn, công ty có thương hiệu của VN như Tập đoàn Công nghiệp Caosu VN (dự án caosu đã triển khai từ năm 2004 với 10.000ha hiện đã bắt đầu thu hoạch), TCty 15 - Binh đoàn 15 - với trên 3.000ha dự án trồng caosu (hiện chỉ mới triển khai được vài trăm hécta)... Các ngân hàng lớn của VN như BIDV, rồi Vietinbank... cũng đã hoặc đang đặt chân trên các thành phố chính của Lào để “bơm sữa” kịp thời cho các dự án của VN tại đây. Song cũng còn nhiều doanh nghiệp VN sang Lào “xí phần để đó”.
Nếu nhìn sang đối tượng cạnh tranh là các nhà đầu tư Trung Quốc, thành tích của doanh nghiệp VN vẫn còn khá khiêm tốn: Từ nhiều năm qua, khi doanh nghiệp VN mới chớm khởi nghiệp tại đây, các nhà đầu tư Trung Quốc đã kịp đặt chân vào rất nhiều dự án thuỷ điện và hầm mỏ trên khắp nước Lào; gần đây lại dồn sức vào những dự án caosu thiên nhiên, giao thông vận tải, nông - lâm nghiệp, khách sạn - nhà hàng, dịch vụ giải trí... Mà tổng vốn đầu tư riêng năm 2007 trên 1,1 tỉ USD (theo Asia Times).
Năm 2012 - năm kỷ niệm đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào - như nội dung làm việc mới đây giữa lãnh đạo hai nước, hàng loạt mục tiêu đã được đặt ra: Triển khai đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực”; tăng cường hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng, du lịch, văn hoá và bưu chính viễn thông; cùng nhiều chương trình hợp tác quốc tế khác. Đây chính là thời cơ, vận hội mới cho các nhà đầu tư VN vào Lào, trên căn bản “tình anh em” giữa hai nước đã được kiến tạo từ lịch sử quan hệ đã ngót trăm năm của chính mình.
Nguyễn Thịnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét