Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

Toán học và khoa học

Toán học và khoa học


GS Nguyễn Văn Tuấn.


http://www.cesame.calpoly.edu/images/hdr-other-teach-geninfo.jpgGs Neal Koblitz (ĐH Washington) mới có một bài gọi là góp ý cho Viện toán cao cấp, nhưng thật ra bài viết cũng là những góp ý cho ngành toán học VN. Ông là một người rất có cảm tình với VN và từng có những đóng góp cho khoa học VN. Tôi đồng ý với hầu hết những gì ông viết. Ở đây, tôi chỉ muốn thêm vài ý chung quanh góp ý của ông dựa trên quan điểm khoa học thực nghiệm. 

Vai trò quan trọng của toán học trong khoa học thì tôi nghĩ không có gì để bàn cãi. Toán học được xem là “hoàng tử” của khoa học, dù có không ít nhà toán học phê bình rằng toán hiện đại là một ngành vô dụng (“modern mathematics is completely useless”) mà tôi nghĩ là quá nặng nề. Toán học không hề vô dụng, chỉ có việc ứng dụng toán cỡ nào mà thôi. Nhưng vai trò của toán quan trọng cỡ nào thì còn tuỳ thuộc vào trình độ khoa học của một nước. Ông Koblitz cũng có nói đến ý này: “[…] việc áp dụng toán trong ngành công nghiệp phải dựa trên nền tảng khoa học vững chắc. Công chúng và những lãnh đạo ngành không nên bị đưa cho bức tranh phóng đại về khả năng của toán học.” Quá chính xác! Một nước mà nền khoa học chưa phát triển cao thì rất khó ứng dụng thành tựu nghiên cứu toán học. Do đó, không ngạc nhiên khi nhiều nhà khoa học Việt Nam không xem toán học đóng vai trò gì trong việc làm của họ. Một nền toán học xa rời với khoa học thực nghiệm thì rất khó thuyết phục đồng nghiệp khoa học về sự hữu ích của toán.
Tôi nghĩ khoa học VN hiện nay rất cần toán và thống kê học. Từ nông nghiệp, vật lí, hoá học, y khoa, sinh học, đến khoa học xã hội, tất cả đều cần đến toán và thống kê. Nhưng họ cần toán và thống kê không phải loại đang làm ở VN, mà là loại bên Mã Lai và Thái Lan làm.
Thử tưởng tượng một nhà khoa học nông nghiệp làm thí nghiệm, họ cần phải chọn mô hình thí nghiệm trên ruộng, họ cần tính toán tối ưu hoá các yếu tố thí nghiệm, họ cần phải làm mô phỏng để biết khả năng thành công của thí nghiệm ra sao, và khi xong thí nghiệm, họ cần phương pháp để phân tích dữ liệu. Tất cả những khía cạnh đó – không ít thì nhiều – đều cần đến thống kê. Thế nhưng hiện nay các đồng nghiệp khoa học phải “tự bơi”, vì đồng nghiệp toán và thống kê chẳng giúp gì cho họ. Mà, muốn giúp cũng chẳng làm được, vì VN thiếu các nhà khoa học toán và thống kê có kinh nghiệm khoa học. Ngày xưa thì toán học có thể đi trước khoa học thực nghiệm, còn ngày nay thì khoa học thực nghiệm đi trước toán học. Rất nhiều vấn đề về di truyền học mà toán học chỉ đi sau. Nếu toán học muốn có tác động đến khoa học thì nhà toán học cần phải học cách làm khoa học thực nghiệm. Do đó, tôi rất đồng cảm với ông Koblitz khi ông đề nghị “VIASM nên khuyến khích giới làm toán tham vấn cho các ngành nghề, và đồng thời cũng phải kiểm soát chất lượng tư vấn.” Nhưng đừng quá kì vọng và đánh giá cao toán học. Rất nhiều vấn đề thực tế, toán học không giải quyết được. Có những thuật toán một thời được xem là “thời thượng” (như neural network) nhưng khi đưa vào ứng dụng thì chẳng ai hiểu kết quả là gì! Ngay cả chính nhà toán học cũng không hiểu kết quả của họ có ý nghĩa gì.
Nói cho cùng, làm cái gì cũng phải có cái mà tiếng Anh gọi là impact – tác động. Việc làm phải có tác động tích cực. Bác sĩ điều trị bệnh nhân là một tác động tích cực. Thầy cô dạy học cũng là một tác động tích cực. Nhưng tác động của nghiên cứu khoa học thì khó đánh giá hơn. Hôm nọ, viện trưởng mới của viện Garvan trong bài diễn văn nhậm chức ông nói đại khái rằng viện nghiên cứu của chúng ta (ý nói Viện Garvan) không nên tồn tại nếu công trình nghiên cứu của viện không gây tác động tích cực đến xã hội và y khoa. Ông nói thêm rằng nếu các anh chị ở đây cảm thấy công việc của mình không có ảnh hưởng gì, thì nên suy nghĩ lại có nên làm việc ở đây. Năm nay, nghe nói trong tất cả các cuộc phỏng vấn ứng viên cho chức danh fellow của NHMRC, ai cũng bị hỏi “Anh/chị nói cho tôi nghe nghiên cứu của anh/chị đem lại lợi ích gì cho thực tế y khoa và chính sách y tế công cộng”. Chẳng những hỏi như thế, họ còn đòi đánh giá tác động phải bằng các chỉ số bibliometrics, chứ không phải nói suông, nói chung chung. Câu hỏi này bắt buộc tất cả các ứng viên phải suy nghĩ và tự mình nhìn lại mình. Tôi nghĩ một cách đánh giá không nhân nhượng như thế cũng có thể áp dụng cho bất cứ lĩnh vực nào, bất cứ cơ quan nào.
Trong bài “góp ý” của Gs Koblitz có nói một ý mà tôi từng nói trước đây. Ông viết rằng Viện toán cao cấp “không nên trả tiền hậu hĩnh cho người nước ngoài và không nên đài thọ vé máy bay cho họ.” Trong bài trước (Tiền và toán học) tôi cũng có nói rằng ở Úc, không có chuyện tài trợ cho nghiên cứu mà có khoản mời nhà khoa học đến để giảng (nhưng có quĩ để mời người ngoài đến làm seminar). Đại đa số các seminar ở viện tôi đều là những hoạt động tự nguyện của người đến giảng, chứ chẳng có ai trả tiền vé máy bay. Cố nhiên, phải phân biệt seminar và workshop. Trong workshop thì người đến giảng được trả vé máy bay, khách sạn, và thậm chí họ tính … từng giờ. Chính vì thế mà các workshop trong ngành y, người học phải đóng vài trăm USD để dự.
Nhưng ông Kobltiz còn nói một ý mà tôi nghĩ rất khó thực hiện. Ông viết “Các nhà toán học thỉnh giảng nên dùng ngày nghỉ của mình và tiền của chính phủ nước họ. VIASM nói chung chỉ nên có sự giúp đỡ mang tính địa phương - ví dụ một phòng trọ trong nhà khách.” Làm sao họ có tiền để đến VN giảng? Ai tài trợ cho họ? Tôi còn nhớ khi dự phỏng vấn fellowship, một người trong hội đồng phỏng vấn hỏi tôi một cách khiêu khích: Ông nghĩ có công bằng không nếu chúng tôi tài trợ fellowship cho ông để ông đi giúp các nước khác? Chính phủ Úc đâu có hào hiệp đến nổi cấp tiền cho giáo sư của họ đi làm việc cho các nước ngoài Úc. Chẳng hạn như cá nhân tôi, trong thực tế, những chuyến tôi đi nói chuyện hay giảng trong workshop đây đó chỉ là … dạng “ăn ké”. Chuyến đi do các công ti dược tài trợ (qua những cơ quan quản lí expert toàn cầu của họ) hoặc vài quĩ quốc tế tài trợ, và tôi chỉ tận dụng cơ hội để giảng thêm đây đó vài ngày. Phải cám ơn các công ti dược và các quĩ quốc tế ở đây, vì đó cũng là cách họ giúp nhà khoa học. Do đó, đề nghị trên của ông Koblitz hơi thiếu thực tế, vì chẳng có chính phủ nào tài trợ cho nhà khoa học của họ đi giảng chỗ khác cả. Phải ghi nhận một thực tế: mình cần họ, chứ họ đâu cần mình! Cần họ thì phải trả tiền cho họ.
Những ồn ào gần đây làm tôi chợt nhớ câu chuyện những gánh mãi võ sơn đông ở dưới quê. Khi gánh hát mới xuất hiện, họ làm bọn nhỏ như tôi loá mắt với những màn trình diễn ảo thuật, nhưng dần dần tôi cũng nhận ra họ chỉ là mãi võ để buôn bán một món hàng nào đó mà thôi, chứ phần lớn màn trình diễn chỉ là ảo thuật. Cũng giống như khi một viện hay trung tâm mới ra đời, người ta đặt nhiều kì vọng, vì những tuyên bố rất đẹp, rất lí tưởng. Nhưng kinh nghiệm thực tế trong những năm qua, chúng ta thấy những viện và trung tâm mới ra đời, sau một thời gian ồn ào, rồi cũng chẳng gây tác động gì đáng kể.
Nói tóm lại, tôi nghĩ một cách thực tế nhất là đừng kì vọng gì ngành toán có thể vực dậy khoa học VN. Khoa học phải tự mình cứu mình, chứ đừng trông chờ gì đến toán học. Cũng không nên kì vọng quá cao vào viện toán cao cấp. Thật ra, trong bối cảnh hiện nay, không nên kì vọng vào bất cứ cái viện cao cấp nào, và càng không nên quá tin vào những tuyên bố quá đẹp. Những góp ý của ông Koblitz, do đó, rất đáng để chúng ta suy nghĩ cho tương lai khoa học VN.
NVT
====
Góp ý cho Viện Toán Cao Cấp
Có bốn lý do căn bản để Việt Nam cần hỗ trợ nghiên cứu toán học cả lý thuyết lẫn ứng dụng.
1. Toán học đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Toàn bộ lĩnh vực toán học đều liên quan chặt chẽ với nhau, vì vậy thật khó dự đoán nhánh nào sẽ tạo ra lợi ích kinh tế quan trọng nhất trong tương lai. Ví dụ, tôi được đào tạo theo một ngành rất trừu tượng của toán ở Đại học Princeton, và giảng viên phụ trách luận án của tôi chưa từng làm những vấn đề ứng dụng. Tuy vậy, 10 năm sau khi nhận bằng tiến sĩ, tôi bắt đầu áp dụng kiến thức vào lĩnh vực an ninh máy tính và dữ liệu. Suốt một phần tư thế kỷ qua, toàn bộ công việc của tôi là trong những lĩnh vực ứng dụng.
Tương tự, nhà toán học nổi tiếng Hoàng Tụy nhận bằng tiến sĩ toán thuần túy ở Moscow, hợp tác với những nhà toán học Liên Xô chưa bao giờ làm ứng dụng. Nhưng sau này, ông có đóng góp tiên phong về lĩnh vực tối ưu hóa, tìm kiếm những phương thức hiệu quả nhất để tổ chức các nhiệm vụ hậu cần trong sản xuất, vận tải và liên lạc.
2. Toán học đóng vai trò trung tâm trong văn hóa nhân loại. Toán - như âm nhạc, nghệ thuật, văn học - là ngôn ngữ của tư duy và văn hóa con người. Khi một thanh niên từ Việt Nam giành huy chương Olympic toán học - ví dụ như khi Ngô Bảo Châu được huy chương vàng hai năm liền ở tuổi 16 và 17 - người Việt rất tự hào. Đúng thôi, vì nó có nghĩa là đất nước có danh tiếng cao về toán, và nó chứng tỏ thế hệ trẻ sẵn sàng đóng góp chủ chốt cho kiến thức toán học của thế giới.
Ngược lại, một đất nước không có đóng góp độc đáo cho toán cũng giống như một nước không có nền âm nhạc, nghệ thuật hay văn học của riêng mình.
"Ngoại trừ các trường hợp hiếm hoi, Việt Nam không nên trả tiền hậu hĩnh cho người nước ngoài và không nên đài thọ vé máy bay cho họ. "
3. Việt Nam vốn đã có truyền thống mạnh để tiếp tục phát triển. Ở Việt Nam, toán đã có từ thời xa xưa. Hơn 500 năm trước, cái tên Lương Thế Vinh đã được vinh danh trong Văn Miếu. Hơn 60 năm trước, trong cuộc chiến đánh Pháp, Việt Minh ấn hành một sách giáo khoa hình học của Hoàng Tụy để dùng trong vùng giải phóng. Tôi chưa thấy có nơi nào mà nhà xuất bản du kích trong rừng lại in một sách về toán! Và dĩ nhiên, ví dụ gần đây nhất về truyền thống toán học của Việt Nam là giải Fields dành cho Ngô Bảo Châu năm 2010.
4. Một cộng đồng nghiên cứu toán mạnh sẽ thúc đẩy giáo dục về toán. Tại Mỹ, chúng tôi dùng chữ "gateway" (cổng vào) để chỉ toán học vì người trẻ cần được đào tạo tốt về toán để có thể vào học và thành công ở một trong bốn lĩnh vực (khoa học, công nghệ, kỹ sư và toán). Cải thiện giáo dục toán học ở mọi mức độ - tiểu học, trung học, đại học, sau đại học - là rất cần cho phát triển kinh tế và công nghệ của một quốc gia.
Bây giờ chúng ta cần đặt một câu hỏi khác: Việc chính phủ hỗ trợ cho Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) có phải là cách hiệu quả để phát triển toán học?
Cụ thể là, làm sao để tiền bạc không bị lãng phí, và Viện không trở thành một thứ đồ triển lãm cao cấp mà không có mấy lợi ích cho đất nước?
Tôi rất lo ngại nguy cơ lãng phí tiền chính phủ cho những dự án hào nhoáng nhưng không hiệu quả. Ví dụ, tôi đã mạnh mẽ chỉ trích đề nghị của Nhóm Chuyên trách về giáo dục Việt Nam – Hoa Kỳ muốn chính phủ Việt Nam dành 100 triệu đôla cho một liên hợp các trường Mỹ để họ xây một đại học "kiểu Mỹ" ở miền Nam.
Tôi cũng phản đối cái gọi là "chương trình cao cấp", tức là chính phủ Việt Nam trả bộn tiền cho các giáo sư Mỹ có vài tháng ở Việt Nam dạy các khóa đại học nâng cao. Ở cả hai trường hợp, tôi cho rằng tiền cần dùng để cải thiện lương bổng, điều kiện làm việc, cơ sở vật chất ở Đại học Quốc gia và các đại học công.
Tương tự, tôi tin rằng với VIASM, tiền chủ yếu cần được dùng ở Việt Nam. Ngoại trừ các trường hợp hiếm hoi, Việt Nam không nên trả tiền hậu hĩnh cho người nước ngoài và không nên đài thọ vé máy bay cho họ.
"Tôi rất lo ngại nguy cơ lãng phí tiền chính phủ cho những dự án hào nhoáng nhưng không hiệu quả"
Các nhà toán học thỉnh giảng nên dùng ngày nghỉ của mình và tiền của chính phủ nước họ. VIASM nói chung chỉ nên có sự giúp đỡ mang tính địa phương - ví dụ một phòng trọ trong nhà khách. Ngược lại, VIASM nên rộng lòng cung cấp thời gian nghỉ để nghiên cứu cho các giáo sư đại học Việt Nam. Nghiên cứu của họ có thể được hỗ trợ nhờ thời gian không phải giảng dạy và môi trường nghiên cứu rất tốt ở VIASM.
Để không phí tiền, người ta cần tránh một sai lầm nữa. VIASM không thể trở thành một tổ chức cao cấp tách rời thực tế Việt Nam. Tại nhiều nước, các viện kiểu này dành tài nguyên để tạo quan hệ và uy tín quốc tế, chứ không tham gia mấy vào sự phát triển nội tại của đất nước.
Ví dụ tại Mexico, viện CINVESTAV (Trung tâm nghiên cứu cao cấp) bị chỉ trích vì thiếu quan hệ, cũng như hỗ trợ các khoa học gia Mexico ở các viện khác. Hai năm trước, CINVESTAV tổ chức một hội nghị quốc tế thuộc lĩnh vực của tôi, và sau đó tôi mới biết các đồng nghiệp ở các đại học khác của Mexico không được mời hay thậm chí biết về hội nghị.
Nguy cơ xa rời thực tế là có thật trừ phi có những biện pháp ngăn chặn cụ thể. Có nhiều cách để VIASM hòa nhập với giáo dục và ngành nghề vì lợi ích của Việt Nam.
1. Hỗ trợ toán ở đại học. VIASM nên làm việc chặt chẽ với mọi đại học công để giúp khoa toán cải thiện trình độ nghiên cứu và giảng dạy. Viện nên giúp các giảng viên có cơ hội nghỉ phép để làm nghiên cứu. Ngoài ra, khi các nhà toán học Việt Nam lấy bằng tiến sĩ ở nước ngoài, VIASM có thể đóng vai trò quan trọng giúp thu hút họ quay về. Đầu tiên là trải qua một năm tại Viện, và sau đó về với khoa toán của một đại học công. Bằng cách này, VIASM có thể thúc đẩy đại học và ngăn chặn "chảy máu chất xám".
Các nhà toán học hàng đầu có quan hệ với VIASM cần vận động chính phủ cải thiện điều kiện cho Đại học Quốc gia và các đại học công. Cố gắng tăng tiền cho VIASM chỉ nên là ưu tiên thấp hơn so với cố gắng nâng cao điều kiện làm việc ở các đại học.
2. Cải thiện việc dạy toán ở mọi mức độ. VIASM nên tạo quan hệ với sinh viên đại học, học sinh cấp hai cũng như người học sau đại học, và tư vấn cho chính phủ về việc đào tạo giáo viên và chương trình học.
3. Khuyến khích giới trẻ đi vào toán học. VIASM nên tổ chức các chương trình đặc biệt cho những bạn trẻ có thành tích thi toán quốc gia, quốc tế để thu hút họ làm việc trong ngành toán và khoa học cơ bản. Quá nhiều những học sinh như thế rốt cuộc đi làm kinh doanh và lãng phí tài năng.
4. Ủng hộ bình đẳng giới trong toán học. Phụ nữ Việt Nam xuất hiện cực kỳ ít trong ngành toán. VIASM cần hợp tác với Hội Phụ nữ Việt Nam để tổ chức các chương trình đặc biệt cho những bạn nữ có khả năng về toán.
5. Hợp tác với các ngành nghề. VIASM nên khuyến khích giới làm toán tham vấn cho các ngành nghề, và đồng thời cũng phải kiểm soát chất lượng tư vấn. Nghĩ là việc áp dụng toán trong ngành công nghiệp phải dựa trên nền tảng khoa học vững chắc. Công chúng và những lãnh đạo ngành không nên bị đưa cho bức tranh phóng đại về khả năng của toán học.
Nhiều nhà toán học đặt nhiều hy vọng vào Viện Toán Cao Cấp dưới sự lãnh đạo của Ngô Bảo Châu. Chúng tôi đã để ý nhiều điểm so sánh giữa Ngô Bảo Châu và nhà toán học huyền thoại Trung Quốc S. S. Chern. Khi ông này làm giám đốc Viện Nghiên cứu Toán ở Berkeley của Hoa Kỳ, ông đã làm việc không mệt mỏi và thành công trong phát triển toán học ở Trung Quốc. Chúng tôi tin rằng Ngô Bảo Châu, giống như ông Chern, sẽ chứng tỏ là một nhà quản lý hành chính tài năng và cũng là nhà toán học xuất sắc.
"VIASM không thể trở thành một tổ chức cao cấp tách rời thực tế Việt Nam. Tại nhiều nước, các viện kiểu này dành tài nguyên để tạo quan hệ và uy tín quốc tế, chứ không tham gia mấy vào sự phát triển nội tại của đất nước."
Khi ta xem triển vọng cho toán và khoa học ở Việt Nam, có nhiều vấn đề trầm trọng nhưng cũng có lý do hy vọng. Chỉ cần nhắc một trong những bức xúc, các giáo sư đại học hầu như chẳng bao giờ gặp sinh viên bên ngoài giờ hành chính hay những dự án đặc biệt. Họ thường làm thêm và không có thời gian, và thường cũng chẳng có văn phòng riêng. Đây là một hệ quả của lương thấp và cơ sở vật chất tồi ở các đại học công.
Nhưng cũng có lý do để hy vọng. Giới trẻ Việt Nam được tiếng trên trường quốc tế là chăm chỉ và được chuẩn bị tốt. Ngay cả trong thập niên 1970, khi tôi lần đầu gặp sinh viên Việt Nam ở Moscow, người Nga luôn ca ngợi họ thuộc số giỏi nhất trong các sinh viên nước ngoài ở Liên Xô. Các gia đình Việt Nam đặt ưu tiên cho giáo dục và đã truyền lại tiêu chuẩn cao cho thế hệ đi sau.
Các giáo viên Việt Nam cũng đều rất tận tụy và nỗ lực. Việt Nam có nguồn nhân lực tuyệt vời để dựa vào. Nếu các lãnh đạo chính quyền và khoa học sử dụng tiền khôn ngoan, họ có thể thúc đẩy những tiến bộ lớn trong giáo dục, khoa học và công nghệ.
Tiến sĩ Neal Koblitz hiện là Giáo sư Toán ở Đại học Washington, Hoa Kỳ. Bài viết gửi riêng cho BBCVietnamese.com, do Lê Quỳnh biên tập và dịch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét