Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

Ban Bí thư trung ương đảng cấm “nhiệt liệt chào mừng”

Ban Bí thư trung ương đảng cấm “nhiệt liệt chào mừng”

 

page[11] Ban Bí thư trung ương đảng vừa ban hành văn bản nhắc nhở yêu cầu cấm treo khẩu hiệu “nhiệt liệt chào mừng”.
          Công văn số 2430/CV VPTW, gửi các tỉnh ủy thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc trung ương, các đảng ủy đơn vị sự nghiệp trực thuộc trung ương, văn phòng Chủ tịch nước, văn phòng Quốc hội, văn phòng Chính phủ. Đồng gửi: các ủy viên Bộ chính trị, Ban bí thư, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch quốc hội, Phó Thủ tướng chính phủ.
          Văn bản do Phó chánh văn phòng thường trực trung ương đảng Hoàng Thanh Khiết ký ngày 7/2/2012.
          Toàn văn như sau:
          “Ban Bí thư trung ương đảng đã có công văn (số 18-CV/TW ngày 16/9/2011) yêu cầu các cấp ủy và tổ chức đảng tiếp tục tổ chức thực hiện Qui định số 60 QĐ/TW ngày 11/2/2003 của Bộ chính trị (khóa IX) và qui chế làm việc của Ban chấp hành trung ương đảng khóa XI về chế độ đi công tác cơ sở, dự hội nghị, lễ kỷ niệm, lễ hội của các ngành, địa phương, đơn vị và tiếp khách quốc tế.
          Tại hội nghị toàn quốc công tác văn phòng tỉnh ủy thành ủy (ngày 28 và 29/9/2011), đồng chí Lê Hồng Anh, ủy viên BCT, thường trực BBT đã yêu cầu: khi các đồng chí lãnh đạo đảng và nhà nước đến thăm và làm việc với địa phương đơn vị, không được treo khẩu hiệu “nhiệt liệt chào mừng…” ở ngoài và trong nơi làm việc của lãnh đạo với địa phương, đơn vị. Việc này cần phải được thực hiện thống nhất và thực hiện ngay trong toàn bộ hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở.
          Tuy nhiên thời gian vừa qua, nhất là trong dịp trước trong và sau tết Nhâm Thìn 2012, một số tỉnh thành phố cơ quan đơn vị, khi đón tiếp các đồng chí lãnh đạo đảng và nhà nước đến thăm, làm việc vẫn treo khẩu hiệu “nhiệt liệt chào mừng đồng chí…” hoặc “chào mừng đồng chí…”.
          Theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí thường trực BBT, văn phòng trung ương đảng đề nghị các tỉnh ủy thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn đảng ủy trực thuộc trung ương chỉ đạo chặt chẽ để thực hiện nghiêm chỉnh các qui định nói trên”

cấm nhiệt liệt chào mừng
page[11]
         Kỳ lạ, những tin này không hề thấy đăng trên báo, kể cả báo Nhân Dân và một hệ thống báo đảng hùng hậu. Dày đặc trang nhất các nhật báo vẫn là chuyện đâm chém giết người, cởi áo tụt quần, hiếp dâm thủ dâm…

Tôi đã vận động đảng & chính phủ bỏ “nhiệt liệt chào mừng” như thế nào?

nhiet lietchaomung 1 Tôi muốn phong trào “nói không với nhiệt liệt chào mừng” được phát động và áp dụng ngay từ hôm nay. Mà trước hết, từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội… đến tất thảy các ngài Bộ trưởng, Thứ trưởng và Trung ương ủy viên. Không “nói không với nhiệt liệt chào mừng” được thì cái quãng cách cầu nối với dân vẫn còn rất xa. Và mọi lời huấn thị, rao giảng dưới những câu “nhiệt liệt” ấy rất khó lọt tai dân”- Đấy là những dòng tôi viết từ năm 2009.
          Làm phóng viên thường trú trên địa bàn miền Trung, nơi thường xuyên xảy ra thiên tai, bão lũ. Mỗi năm không biết bao bận bám các quan chức từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội, Thủ tướng, Bộ trưởng… về thị sát và trao quà cứu trợ dân, đến đâu cũng thấy băng rôn “nhiệt liệt chào mừng” đỏ chói trông… ngứa mắt! Trên thì “nhiệt liệt”, dưới thì dân tình đói khổ, nhà trôi sập tan hoang, xác người chết la liệt đắp chiếu chưa kịp chôn…
          Vậy mà xe hàng đoàn hú còi inh ỏi, băng rôn “nhiệt liệt” đỏ chói.
          Vài lần, nhân lúc gần gũi với ông này cụ nọ, tôi mạnh dạn góp ý: Nhìn chướng tai gai mắt lắm, nên nhắc các địa phương bỏ cái “nhiệt liệt” kia đi. Cũng có vài cụ ậm ừ. Nhưng chẳng thấy chuyển thay gì.
          Cũng vài lần viết gửi báo, viết… lách đủ kiểu, khéo léo vận động, thuyết phục mãi nhưng chẳng tay Tổng nào dám đăng.
          Nản!
nhiet lietchaomung 1
          Từ Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, đến Bí thư Chủ tịch tỉnh thành … đi đến đâu, băng rôn “nhiệt liệt chào mừng” đến đó
          Đến dạo bão số 4 năm 2007 thì… tức không thể nhịn được, sau khi xem bản tin trên VTV.
          Bão số 4 sắp ập vào đất liền. Tối 25/9/2007, VTV đưa tin Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đi kiểm tra tình hình… chỉ huy phòng chống lụt bão tại Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia. Ngay sau lưng, phía trên đầu ông Hải, người ta căng sẵn một câu khẩu hiệu “nhiệt liệt chào mừng Phó Thủ tướng…” to tổ bố.
          Không báo nào dám chơi thì đăng blog. Tôi viết bài “nhiệt liệt chào mừng… bão lụt!” đăng trên blog của mình.
          Khi đó, hình ảnh ông Nguyễn Tấn Dũng đang nổi lên như một vị Thủ tướng hoàn toàn… mới (bấm xem bài “Tản mạn về hai ông Dũng”).
          Nhiều người đặt niềm tin, kỳ vọng. Tôi cũng vậy. Trong niềm tin và kỳ vọng đó, ngày 22/11/2007 tôi gửi một bức thư cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (dù rất dị ứng với các loại thư gửi lãnh tụ tràn lan trên mạng, nhưng đây là lần đầu tiên tôi có thư dạng này). Tôi gửi nó qua hộp thư điện tử trên trang web chính phủ. Toàn văn như sau:
          “Nhà báo TRƯƠNG DUY NHẤT
          (Báo Đại Đoàn Kết, 82, Trần Quốc Toản, TP Đà Nẵng
          ĐT: 0913473247, Email: truongduynhat@vnn.vn)
          __________
Đà Nẵng, ngày 22 tháng 11 năm 2007
KÍNH GỬI: THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG
          (V/v một số hình ảnh phản cảm của quan chức Chính phủ đi thăm và kiểm tra bão lụt)
__________
          Thưa Thủ tướng, đây là bài "nhiệt liệt chào mừng… bão lụt" tôi viết trên trang weblog của mình ngày 26-9:
          "Bão số 4 sắp ập vào đất liền. Tối 25-9, VTV đưa tin Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đi kiểm tra tình hình… chỉ huy phòng chống lụt bão tại Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia. Ngay sau lưng, phía trên đầu ông Hải, người ta căng sẵn một câu khẩu hiệu "nhiệt liệt chào mừng Phó Thủ tướng…".
          Lạ vì quan chức các địa phương quen tung hô "nhiệt liệt", kể cả khi Phó Thủ tướng đi kiểm tra phòng chống bão lụt. Kỳ hơn khi Phó Thủ tướng vẫn chẳng nói gì, thản nhiên ngồi chễm chệ ngay trước câu khẩu hiệu "nhiệt liệt" đó để huấn thị về phòng chống bão!
          Mà sao sóng truyền hình quốc gia vẫn cứ phát những hình ảnh như thế cho dân tình cả nước xem nhỉ?"
          Sau đó vài hôm, cũng trên VTV đưa tin Thủ tướng đi kiểm tra việc khắc phục bão lụt, và sau lưng Thủ tướng cũng hiện lên câu khẩu hiệu "nhiệt liệt" như thế. Đợt lũ lụt vừa qua tại miền Trung, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và một số quan chức chính phủ về kiểm tra tình hình bão lụt, tại một số địa phương vẫn thấy treo khẩu hiệu "nhiệt liệt chào mừng".
          Tại sao đi kiểm tra và chỉ đạo khắc phục bão lụt lại cứ phải "nhiệt liệt chào mừng"? Mà hầu hết các hình ảnh như thế lại ngay tức thời được phát trên sóng truyền hình quốc gia VTV.
          Thưa Thủ tướng, đấy là những hình ảnh rất phản cảm và cần phải chấm dứt. Và nó chỉ có thể chấm dứt khi có ý kiến thẳng từ chính Thủ tướng. Một văn bản nhắc nhở và nghiêm cấm các địa phương treo khẩu hiệu "nhiệt liệt chào mừng". Đồng thời, khi về các địa phương, nếu thấy treo khẩu hiệu, Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các quan chức cấp cao nên yêu cầu địa phương tháo gỡ xuống thì mới bắt đầu làm việc. Làm một vài lần như thế, sẽ không địa phương nào dám treo nữa. Hình ảnh Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các quan chức cấp cao khi về với dân sẽ gần gũi và đẹp hơn, chứ không gây sự phản cảm.
          Mặt khác, phía Đài truyền hình quốc gia, nên hạn chế phát những hình ảnh gây phản cảm như thế. Trong lúc bão lụt, việc cần làm là dừng các chương trình (có thể dừng) để phát trực tiếp hình ảnh dân tình trong lũ, cần gì và cứu dân ra sao, chứ không phải cứ lôi hết Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch rồi giám đốc sở này, ban nọ ra phỏng vấn.
          Vài ý kiến nhỏ, rất nhỏ của tôi, trên tư cách một nhà báo, kiến nghị và đề xuất với Thủ tướng nhằm hạn chế và chấm dứt các hình ảnh gây phản cảm thường thấy trong các chuyến thăm của lãnh đạo mỗi mùa lũ lụt.
          Kiến nghị này, tôi gửi đến Thủ tướng qua hộp thư điện tử trên trang web chính phủ. Hi vọng nó sẽ đến tay Thủ tướng. Kính chúc Thủ tướng sức khỏe!
                                                                            Kính thư:
                                                                          clip_image001
                                                                           Nhà báo TRƯƠNG DUY NHẤT”
          thu gui thu tuong 2007
           Bức thư gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 22 tháng 11 năm 2007
          Tôi tin là nó không thể không đến tay Thủ tướng. Nhưng tuyệt không thấy phản hồi gì. Tuy vậy từ đó về sau, bắt đầu không còn thấy những băng rôn “nhiệt liệt chào mừng” trong các đợt bão lụt nữa.
          Dù sao, thế cũng là một biến chuyển.
          Tuy nhiên, cũng mới chỉ bỏ được “nhiệt liệt chào mừng… bão lụt”. Những kiểu “nhiệt liệt” ngoài bão lũ, trong các chuyến công du, “về với dân” của quan chức từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội, Thủ tướng, Bộ trưởng… vẫn nhan nhản và phản cảm.
          Năm 2009, thấy ông Nguyễn Thiện Nhân hô hào hàng loạt những chương trình “nói không”, nhưng chả thấy cái “không” nào ra hồn. Tôi bực mình viết: cái “không” cần nhất mà tôi thèm thấy nhất, muốn vận động từ ông Tổng Bí thư đến Chủ tịch tỉnh thực hiện ngay, đó là “nói không với nhiệt liệt chào mừng”. Xin trích lại một đoạn ngắn trong bài viết này:
          “Nhiệt liệt chào mừng” là câu khẩu hiệu dành cho nghi thức ngoại giao. Mọi quan hệ quan-dân, trên-dưới trong hoạt động đối nội, trong trách nhiệm đương nhiên của đảng, nhà nước và chính phủ phải chấm dứt “nhiệt liệt”. “Đầy tớ” phải chấm dứt không được và không có quyền bắt “ông chủ nhân dân” của mình phải “nhiệt liệt chào mừng”. Tôi muốn phong trào “nói không với nhiệt liệt chào mừng” được phát động và áp dụng ngay từ hôm nay. Mà trước hết, từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội… đến tất thảy các ngài Bộ trưởng, Thứ trưởng và Trung ương ủy viên. Không “nói không với nhiệt liệt chào mừng” được thì cái quãng cách cầu nối với dân vẫn còn rất xa. Và mọi lời huấn thị, rao giảng dưới những câu “nhiệt liệt” ấy rất khó lọt tai dân” (Bấm đọc lại bàiNói không với “nhiệt liệt chào mừng”)
          Khi đó ông Nông Đức Mạnh đang là Tổng Bí thư. Soạn in sẵn, mấy lần chần chừ định gửi ông Mạnh (tất nhiên là có cách để gửi đến tận tay), nhưng rồi tôi quyết định xé không gửi.
          Nhá thử vài ba tòa báo, ông nào cũng lắc đầu ngoày ngoạy bảo là “đồ nhạy cảm”!
          Điên tiết, mấy lần tôi quát rằng: Tại sao cái gì cũng nhạy cảm, và tại sao lại tránh né chuyện nhạy cảm? Nhạy cảm mới cần báo chí phải đăng phải lên tiếng, chứ không nhạy cảm thì báo chí đăng để làm cái gì?
          Nhưng không phải ông làm báo nào cũng nghĩ như mình. Không ông nào chơi thì tôi đăng blog.
          Bài viết được khá nhiều trang mạng đăng lại, và ngay lập tức tạo nên một hiệu ứng xã hội rộng lớn đến bất ngờ.
          Tuy nhiên, tôi chẳng còn niềm tin nào vào báo chí và các cụ “nhiệt liệt” nữa.
          … Đến khi ông Nguyễn Phú Trọng lên Tổng Bí thư. Cho dù sự nhạt nhòa của ông không để lại dấu ấn gì. Tôi cũng đã nhiều lần viết bài chê ông “nhu mì như ông giáo làng”. Nhưng rồi, “ông giáo làng” ấy đã tạo nên một bất ngờ. Bất ngờ ở chính điều mà bấy lâu nay tôi kiến nghị, vận động, gào thúc bao lớp nguyên thủ tiền nhiệm không được. Lần đầu tiên, Ông là người đầu tiên và duy nhất không cho các địa phương, đơn vị căng băng rôn “nhiệt liệt chào mừng” mình. Trong khi tất tật từ Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, đến các Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch tỉnh thành… đi đến đâu cũng bắt dân căng băng rôn “nhiệt liệt” đỏ chói.
oTrong
          Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, quan chức đầu tiên gương mẫu bỏ “nhiệt liệt chào mừng”
          Thoáng chút hi vọng. Tôi viết tiếp bài “Ấn tượng đầu tiên của ông “không ấn tượng”. Trong đó có những ý sau:
          “Dù sao thì đây cũng là điều không thể không khen. Tuy nhiên, ông không nên gương mẫu theo cách lẳng lặng “nói không” một mình. Với quyền năng Tổng Bí thư, ông phải làm sao để từ nay buộc tất thảy Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng, Thứ trưởng và Trung ương ủy viên… không được để cho các địa phương “nhiệt liệt chào mừng” mình. Làm tiếp được điều này, ông Trọng sẽ ấn tượng hơn, ấn tượng thật và tỏ rõ quyền uy thật. Hay biết đâu có thể các vị Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội… đến tất thảy các ngài Bộ trưởng, Thứ trưởng và Trung ương ủy viên nhìn thấy vậy sẽ biết “xấu hổ ” mà “nói không” theo? Tuy nhiên tôi không tin và kỳ vọng vào cái sự tự biết xấu hổ này”
          Tôi tin thế. Bởi dù sao ông Trọng cũng là một Tổng Bí thư nhân văn (ông là cựu sinh viên đại học Tổng hợp văn Hà Nội. Thầy Nguyễn Đình Thảng dạy chúng tôi ở khoa văn đại học Tổng hợp Huế chính là người kết nạp đảng cho ông Trọng khi còn ở khoa văn Tổng hợp Hà Nội và hay khen ông là người có đức).
          Nhưng lại hụt hẫng. Cứ thấy một mình ông Trọng bỏ “nhiệt liệt”, chẳng ai nghe theo. Tất tật từ Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội, Thủ tướng đến các Phó Thủ tướng, thậm chí cả những vị Bộ trưởng thành viên chính phủ đến đâu cũng “nhiệt liệt chào mừng”, chễm chệ dưới những tấm băng rôn “nhiệt liệt” đỏ lòm để làm việc và huấn thị các bộ ngành và địa phương.
          Chán. Trong bài nhìn lại “Việt Nam 2011”, đoạn về ông Trọng tôi viết thế này:
          “Điểm “ấn tượng” duy nhất của vị Tổng Bí thư “không ấn tượng” lại vô tình phơi lộ sự bất lực trong vai trò người đứng đầu của ông. Đúng ra đây phải là qui chế, thậm chí mệnh lệnh. Mà không cần qui chế, mệnh lệnh, nếu thấy ông làm vậy thì các vị khác từ Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội, Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các thành viên chính phủ phải răm rắp thực hiện theo. Nhưng không ai làm theo, chứng tỏ họ xem ông… không ra gì! Uy lực Tổng Bí thư có vẻ bị xem nhẹ nhìn từ chuyện “nhiệt liệt” này”
          Không ai nghe theo, không ai biết xấu hổ.
          Không chỉ “nhiệt liệt”. Đến mức Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân còn để các cháu học sinh xếp hàng phơi nắng giương hồng kỳ chào đón ông như thể vua chúa khi về dự lễ khai giảng ở một trường học- Một hình ảnh phản cảm và… phản giáo dục! (bấm đọc bàiđón Phó Thủ tướng ngày khai trường”)
NguyenThienNhan1
          Học sinh xếp hàng phơi nắng giương hồng kỳ chào đón thầy giáo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về dự lễ khai giảng
          Đến mức một ông Bí thư địa phương như thành ủy Hải Phòng còn nghĩ ra “sáng kiến” cho dựng bục kẻ khẩu hiệu “nhiệt liệt chào mừng” mình dựng ngay giữa sân một công ty khi ông về thăm. Một kiểu “nhiệt liệt chào mừng” có một không hai trong lịch sử (bấm đọc bài “Nhân chuyện Tiên Lãng, nhắc lại “tấm gương nhiệt liệt” của Bí thư thành ủy Hải Phòng”)
1311
          Bí thư thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành với sáng kiến “nhiệt liệt chào mừng” có một không hai trong lịch sử
          Tôi chưa thấy ở đâu quan lại bắt dân “nhiệt liệt chào mừng” loạn như cái nước mình. Cái trò “nhiệt liệt” nó ngấm trong máu não của quan Việt đến độ nhiều khi đâm phản cảm, lố bịch như bức ảnh này:
khau hieu chao mung
          Tưởng cũng như trò đánh trống phong trào. Đến hôm qua tôi nhận được văn bản 2430/CV VPTW do Ban Bí thư trung ương đảng ban hành, yêu cầu cấm treo khẩu hiệu “nhiệt liệt chào mừng” và nhắc rõ đây là việc “phải được thực hiện thống nhất và thực hiện ngay trong toàn bộ hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở”.
          Đọc xong, phấn chấn đến mức không thèm ăn trưa và ngồi gõ bài này: Ban Bí thư trung ương đảng cấm “nhiệt liệt chào mừng”.
          Không biết tất cả những bài viết về “nhiệt liệt chào mừng” của tôi trong những năm qua có đến tay Tổng Bí thư? Tôi tin là ông đọc. Tôi tin là những bài viết của mình ít nhiều có tác động. Tôi biết trang của mình “bị ” nhiều cụ “soi ”. Không ít bài được lệnh in ra để phát cho các cụ đọc.
          Không biết có phải “chiến dịch phê bình- vận động” đảng và chính phủ nói không với “nhiệt liệt chào mừng” do tôi khởi xướng và kiên trì hô gào mấy năm qua đã có tác động và hiệu quả? Hay do tự thân Tổng Bí thư và đảng biết xấu hổ nên quyết từ bỏ trò “nhiệt liệt” này?
          Thôi, do bởi điều gì không quan trọng. Điều đáng nói là đảng đã chính thức tuyên bố nói không với “nhiệt liệt chào mừng” bằng một văn bản chỉ thị hẳn hoi, coi đó là việc “phải được thực hiện thống nhất và thực hiện ngay trong toàn bộ hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở”, chứ không phải hô hào suông.
          Hi vọng, cái thói bệnh “nhiệt liệt” chết hẳn từ đây.
          Tuy nhiên, đọc xong bản chỉ thị cấm “nhiệt liệt” này, tôi vẫn muốn thêm một ý nhỏ nữa:
          Đối tượng nhắc nhở, cấm (thậm chí kiểm điểm kỷ luật) trong chiến dịch “nói không với nhiệt liệt chào mừng” này chính là các quan chức, cụ thể là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội, Thủ tướng, Bộ trưởng… chứ không phải là các bộ phận văn phòng và chính quyền địa phương. Chẳng lẽ khi đến làm việc, các vị không nhìn thấy những băng rôn đỏ lòm, to tướng án ngay trên đầu mình hay sao? Địa phương họ lỡ treo thì anh phải giơ tay chỉ bắt họ tháo xuống ngay, xong mới ngồi làm việc. Ai thản nhiên giả như không thấy, vẫn chễm chệ ngồi rao giảng huấn thị dưới những băng rôn “nhiệt liệt” đó thì phải kiểm điểm, xử lý kỷ luật công khai, nghiêm khắc, bất kể là Tồng Bí thư hay Thủ tướng. Phải nghiêm từ trên xuống, từ Bộ Chính trị như tinh thần hội nghị trung ương 4.
          Phong trào “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được tổ chức rầm rộ bao năm qua. Nhưng có được mấy vị thật tâm học cụ Hồ? Tôi chỉ xin nhắc chuyện nhỏ vầy: Khi xuống địa phương, cụ Hồ luôn nhắc nhở phải tháo gỡ những tấm băng rôn “nhiệt liệt chào mừng” xuống, xong mới làm việc. Có bận thấy địa phương treo câu “Ho Chu Tich muon nam” (nghĩa là Hồ Chủ tịch muôn năm, nhưng không có dấu- kiểu phổ biến thời đó). Cụ Hồ liền đùa rằng: Thế này hóa ra bảo Hồ Chủ tịch muốn nằm à? Quan chức địa phương nghe xong ai nấy đỏ hết mặt, vội vã tháo gỡ băng rôn “muốn nằm” xuống.
          Cùng với sự nghiêm khắc, triệt để của chỉ thị 2430, tôi hi vọng nhiều vị còn biết đỏ mặt xấu hổ như những quan chức ngày xưa trong câu chuyện “Hồ Chủ tịch muốn nằm”.

Bài viết liên quan:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét