Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

Luật Đất đai rắc rối của Việt Nam – Phần 4

Luật Đất đai rắc rối của Việt Nam – Phần 4

Tác giả: David Brown
Người dịch: Đan Thanh
Hiệu đính: David Brown
13-2-2012
 

Trang trại gia đình bị tàn phá kia có thể đưa đến những thay đổi trong luật pháp Việt Nam.
Đôi khi, một sự vụ gây sốc nào đó sẽ thay đổi tư duy chính trị của một quốc gia. Vụ nổ súng ở Tiên Lãng ngày 5-1 – khi các quan chức cố đuổi một gia đình nông dân khỏi mảnh đất của họ với lý do bịa ra là đã hết thời hạn cho thuê – có thể là tiếng súng thay đổi luật chơi ở Việt Nam.
Các nhà bình luận, viết bài cho những tờ báon nội địa và các blog chính trị ở Việt Nam, bảo rằng cuộc đối đầu giữa gia đình tuyệt vọng kia và cảnh sát – những kẻ kéo đến để cướp lại nông trang của họ – đã khiến cho nhiều người, kể cả các lãnh đạo trong đảng Cộng sản, phải nghĩ khác đi về “vấn đề đất đai”.
Ở đây có thể đã có sự thổi phồng từ phía báo chí. Tuy nhiên, các quyết định của chính phủ vào ngày 10-2 vẫn khiến người ta tin rằng đã diễn ra một sự thay đổi về mô hình.
Năm tuần trôi qua kể từ khi gia đình Đoàn Văn Vươn sử dụng súng hỏa mai và mìn tự chế chống lại lực lượng cảnh sát và quân đội kéo đến cưỡng chế trang trại nuôi cá rộng 20 hecta của họ (xem phần 2 loạt bài này để biết thêm chi tiết). Cánh nhà báo, trích lời những người dân làng không ngại mở miệng, đã đổ xô về hiện trường trong những ngày sau khi vụ nổ súng xảy ra và nhanh chóng đập tan cách giải thích của quan chức địa phương về vụ việc. Các chuyên gia về luật đất đai tuyên bố quan chức không có cơ sở pháp lý nào để thu hồi giấy cho ông Vươn thuê đất hoặc từ chối đền bù cho ông. Một số vị tướng về hưu lên án việc sử dụng quân đội để thi hành lệnh cưỡng chế, các thẩm phán đã nghỉ hưu chê trách việc tòa án cấp huyện bác bỏ kháng cáo của ông Vươn.

Chính quyền ở cấp cao hơn – lãnh đạo TP Hải Phòng và chính quyền trung ương ở Hà Nội – phản ứng khá chậm. Quan chức thành phố dường như hoàn toàn không muốn tìm hiểu gì về câu chuyện Tiên Lãng, và nói chung đều cố ý làm chệch hướng những ý kiến phê phán. Trong khi đó, đoàn điều tra của các bộ và các viện trên trung ương cử xuống đã đem về những báo cáo đáng báo động.
Vào ngày 16-1, chỉ vài ngày trước Tết âm lịch, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lệnh cho Ủy ban Nhân dân TP Hải Phòng phải điều tra và báo cáo đầy đủ sự việc.
Trong khi đó, giới bình luận trên các báo nội địa và blog chính trị phát hiện thấy một ý nghĩa lớn hơn trong vụ việc. Một cựu phó thủ tướng nói: “Vụ việc ở Tiên Lãng tưởng như chỉ mang tính địa phương nhưng lại rất điển hình, phản ánh nhiều điều đang diễn ra trong cả nước”. Một nhà phân tích khác nhấn mạnh rằng: “có lẽ ít ai ngờ kịch bản khuấy động dữ dội từ Tiên Lãng sẽ như một sóng dung nham tràn lên miền đồng bằng dư luận khắp cả nước”.
Các tác giả bình luận về sự dè dặt của chính quyền. Một số người nhận thấy một ý nghĩa đặc biệt trong việc chính quyền không đưa ra “định hướng chính thức” nào với báo chí – một chỉ dấu cho thấy trung ương muốn vụ Tiên Lãng được bàn thảo rộng rãi. Một số băn khoăn tự hỏi trung ương có đang học từ bài học của Trung Quốc hay không, tìm giải pháp ôn hòa cho cuộc đối đầu kéo dài giữa dân làng và cảnh sát ở Ô Khảm mới cách đây vài tuần không.
Quan điểm thú vị nhất khẳng định có một sự thay đổi căn bản trong nhận thức của chế độ về tâm trạng bất mãn sâu xa với chính quyền địa phương tham nhũng và lạm quyền. Những gì đáng chú ý và được nhớ đến nhiều nhất gắn với lời kêu gọi của Tổng Bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào cuối năm 2011, đề nghị chỉnh đốn lại hàng ngũ cấp dưới của đảng. Một tác giả viết: Rõ ràng đã có một sự thay đổi về nhận thức, về sự xem lại “lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền”. Các nhà phân tích này dường như đi đến kết luận rằng giới lãnh đạo Việt Nam có khả năng và có lẽ sẽ thúc đẩy thay đổi thật sự, thông qua vụ Tiên Lãng, để quét sạch nạn lạm quyền ở cấp làng xã, cấp huyện.
Do vậy, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã thu hút được sự chú ý tuyệt đối khi ông họp báo với các phóng viên, công bố kết luận của Thủ tướng – phê chuẩn ngày 10-2 sau khi Thủ tướng chủ trì cuộc họp cấp cao nhất về vụ Tiên Lãng.
Ông Đam nói, các đại biểu tham dự cuộc họp kéo dài cả ba giờ đồng hồ này đã nhất trí rằng, cốt lõi là sự yếu kém của lãnh đạo huyện và xã trong xử lý vấn đề đất đai. Các quan chức đó đã ra những quyết định sai lầm cả khi cho ông Vươn thuê đất lẫn khi định lấy lại đất. Họ càng sai lầm hơn nữa khi sử dụng vũ lực và muốn xử lý ông Vươn ngay trước Tết âm lịch.
Quan chức địa phương cũng bị buộc tội hình sự vì hành động cho máy xúc phá ba ngôi nhà của gia đình ông Vươn trên mảnh đất của ông, và để cho kẻ trộm vào xúc hết cá tôm trong đầm nhà ông Vươn.
Ông Đam nói thêm, chính quyền TP Hải Phòng đã không điều tra thỏa đáng, không đánh giá trách nhiệm của người làm sai và cũng không cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho báo chí và công luận. Phải đến báo cáo gần đây nhất của họ, chính quyền Hải Phòng mới tỏ ra quan tâm thích hợp đến mức độ nghiêm trọng và phức tạp của vụ việc.
Ông Đam nói rằng thủ tướng đã chỉ thị cho chính quyền Hải Phòng cho ông Vươn sử dụng lại đất. Họ sẽ phải xem xét sửa chữa những bất ổn về pháp lý và tố tụng trong vụ việc của ông Vươn, để ông Vươn có thể tiếp tục sử dụng đất mà ông được thuê. Ngoài ra, chính quyền Hải Phòng còn phải khởi tố hình sự các quan chức địa phương đã tổ chức phá ba căn nhà trên mảnh đất của ông Vươn. Họ cũng phải xem xét các tình tiết giảm khinh truy tố ông Vươn vì tội cố ý giết người thi hành công vụ.
Cuối cùng, Thủ tướng chỉ thị cho chính quyền Hải Phòng làm rõ ai cho phép quan chức Tiên Lãng theo đuổi mối thù hằn với ông Vươn, và giải thích tại sao sau khi vụ việc xảy ra, lại có sự chậm trễ trong việc xác định các bên vi phạm cũng như chậm báo cáo chính quyền trung ương về kết quả điều tra.
Ông Đam nói thêm rằng, bên cạnh những yếu kém của tầng lớp lãnh đạo địa phương và thành phố, thủ tướng và các đồng sự cũng thừa nhận những vấn đề căn bản trong Luật Đất đai – vốn dĩ đã có nhiều sửa đổi – của Việt Nam. Ông nói, tình trạng của luật hiện nay là rất phức tạp, nhiều mâu thuẫn, không theo kịp các bước phát triển mới, và là một thách thức đáng kể với những cán bộ địa phương ít được đào tạo về quản lý.
Vì các lý do này, theo ông Đam, bộ chính trị và chính phủ quyết tâm sẽ rà soát lại toàn bộ Luật Đất đai. Liên quan đến việc đó là vấn đề sửa đổi hiến pháp Việt Nam.
Nhìn chung, đây là những điều công luận Việt Nam muốn nghe. Rất hiếm khi nhà nước thừa nhận có vấn đề hệ thống, nhưng, trên thực tế, đó là những gì họ vừa làm. Cho dù bây giờ chính quyền có thể sửa đổi cơ chế cho thuê đất theo hướng minh bạch, rõ ràng hơn hay không, để phòng ngừa quan chức địa phương làm lợi cho họ – đây là chuyện hoàn toàn khác.
Nếu như đây là chuyện đã xảy ra, thì người dân hẳn đã thấy Hà Nội phản ứng theo một cách khác không như vụ việc Tiên Lãng này. Suy cho cùng thì đây là một chế độ do thành phần bào thủ thống trị.  Quá trình ra quyết định nội bộ diễn ra một cách bí mật mà nhân dân không rõ. Đã nhiều năm qua – chẳng hạn vào năm 1997 khi hàng chục nghìn nông dân nghèo nổi dậy chiếm đóng văn phòng đảng ủy xã và tuần hành về thị trấn ở tỉnh Thái Bình – chính quyền không hề ngại phải dùng bạo lực để dập tắt những phản kháng ở nông thôn.
Như một số nhà phân tích đã chỉ ra, có thể ông Trọng, ông Dũng và các đồng sự của họ ở hàng ngũ lãnh đạo cao cấp đã nghĩ lại về những việc cần phải làm để gìn giữ chấp nhận của dân chúng đối với quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Cách xử lý của chính quyền đối với những vấn đề đặt ra sau vụ nổi dậy của gia đình ông Vươn, người chống lại những côn đồ ở địa phương, dường như cho thấy chính quyền đang nỗ lực nhằm nắm bắt và phản ứng phù hợp với ý kiến dư luận.
Ông Trọng – người được bầu làm tổng bí thư đảng một năm về trước – đã gọi việc kiềm chế nạn lạm quyền của các cán bộ đảng ở địa phương là vấn đề sinh tử của chế độ.  Bộ chính trị cũng ý thức rất rõ về những gì người dân Việt Nam mong muốn: ổn định xã hội và phát triển có trật tự, theo hướng tiến đến một hệ thống chính quyền tự do hơn, công bằng hơn, minh bạch hơn và bao quát hơn. Liệu chính quyền có làm được như thế hay không là điều chưa biết rõ.
Nguồn: Asia Sentinel
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét