Ấn tượng xấu về du lịch Việt Nam
Lại có thêm những ấn tượng không đẹp về du lịch Việt Nam. Mỗi câu chuyện thực tế từ du khách đề cập đến một vấn đề "muôn thuở" nhưng luôn đáng để suy ngẫm.
Bất ngờ đầu tiên mang tên “Taxi”…
Cô bạn Ceridwen xuống sân bay Phú Bài (Huế). Cô đưa địa chỉ ghi trên mảnh giấy cho anh taxi để yêu cầu được về đúng khách sạn đã đặt từ trước. Mọi thứ dường như ổn thỏa cho đến khi Ceridwen bước vào phòng tắm của khách sạn.
Cô hoảng hốt vì địa chỉ ghi trên khăn tắm chính xác không phải là địa chỉ mà cô yêu cầu. Sau khi thanh toán tiền phòng 1 đêm ở khách sạn với giá: 500 ngàn đồng, thay vì 300 ngàn đồng như giá niêm yết, cô lập tức chuyển sang khách sạn như ban đầu cô muốn đến (khách sạn 2 sao với mức tiện nghi hơn khách sạn kia, với giá chỉ 10 euro = 280.000 VND).
Ceridwen nói với tôi: “Tôi không hiểu tại sao người taxi đã làm như vậy, nhưng dường như điều đó luôn xảy ra đối với những người nước ngoài tại Việt Nam. Khi tôi nhận ra rằng, tôi không phải ở DMZ, khách sạn đã lấy Passport của tôi, vì vậy tôi không thể thay đổi khách sạn”.
Giá thức uống "bí mật" và 10 USD "boa" cho người chèo đò
Tôi nghỉ đêm tại Hạ Long trên con tàu gỗ H.. Trên tàu chỉ có vợ chồng tôi là người Việt, còn lại là khách nước ngoài. Ở đây có một điểm rất kỳ lạ là không cho du khách biết giá thức uống. Tôi ngồi ăn trưa cùng bàn với một gia đình người Pháp, họ có hỏi tôi về giá một số loại thức uống để gọi thêm.
Tôi đã đến hỏi lễ tân cũng như người phục vụ, nhưng tuyệt đối họ không hé răng mà chỉ nói: “Anh chị cứ uống thoải mái đi, trước khi lên bờ mới có phiếu tính tiền”. Nhưng sau đó cả tôi và hầu như toàn bộ du khách trên tàu đều "méo mặt" khi phải thanh toán thức uống với giá "bí mật": Tiger lon 60.000 đồng (tương đương 2,5 USD), gấp gần 6 lần giá bình thường và gấp 3,4 lần giá dịch vụ trong các nhà hàng khác. Một cốc nước cam giá 80.000 VND (tương đương 3,9 USD), gấp 4 lần giá dịch vụ ở các nhà hàng khác….
Khi đoàn chúng tôi chia nhau lên các ghe nhỏ để đi thăm một số nơi trên vịnh Hạ Long (giá vé tour đã bao trọn gói) thì đến phiên người chèo thuyền không hề để cho tôi và 3 du khách yên chút nào. Cô ta luôn miệng kêu la như kiểu ráng hết sức mỗi khi vung tay chèo, một người khách quay sang hỏi tôi: “Cô ấy bị đau à?” .
Tôi thấy rõ sự khó chịu hằn lên trên mặt các du khách. Suốt quá trình đi, cô ta luôn nhắc đến từ “boa” rõ to với đồng nghiệp của cô ấy đang tác vụ ở chiếc thuyền sát bên. Khi lên bờ tôi đưa cho cô ta 50.000 VND và tội thay, gia đình ở chiếc xuồng bên kia phải móc ra đến 10 USD để “boa” cho người chèo thuyền. Họ nói với tôi: “Chúng tôi phải trả thêm tiền cho những người này để được họ chở đi à?!!...”
Gia đình người Pháp đã phải “boa” cho người chèo đò vì tưởng đó là bắt buộc. |
Ấn tượng cuối cùng khi rời Việt Nam
Trên chuyến xe Bus 24 chỗ ngồi ra sân bay, Josiane, một du khách người Pháp nhớ lại: “Tôi không thể hiểu tại sao người tài xế này có thể lái xe bằng một tay, còn tay kia lại có thể gọi điện thoại để luyên thuyên về một vấn đề gì đó suốt nhiều phút liên tục. Anh ta cũng không thèm thắt dây an toàn. Với chúng tôi tất cả điều đó là tối kỵ. Khi xe đỗ xịch trước sân bay, chúng tôi mới thực sự tin là mình an toàn. Cầu chúa cho điều đó”.
Cặp vợ chồng Josiane và Alain sau chuyến du lịch an toàn trở về Pháp |
Ngồi trên máy bay với những nghĩ suy miên man về chuyến du lịch Việt Nam, đôi vợ chồng Josiane và Alain lại tiếp tục bất ngờ về cung cách phục vụ của tiếp viên hàng không: “Họ chìa trước mặt chúng tôi một trong hai cái bình gì đó và nói một cách cộc lốc "trà hay cà phê ?", liệu có phải đó là cách mời chào thông thường của tiếp viên nước bạn? Josiane hỏi tôi như vậy!
Khi tôi hỏi lại: “Bạn thấy thế nào khi đến du lịch Việt Nam”, bà cho hay: “Tôi hài lòng khi được khám phá các nền văn hóa dân tộc bản địa của các bạn, Hà Nội thật tuyệt đẹp, nhưng có vẻ như người Hà Nội sống khép kín hơn so với người Sài Gòn”.
Cũng đúng thôi, bất cứ du khách nào đến Việt Nam đều thực sự ấn tượng với cảnh quan thiên nhiên đẹp, với các nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Nhưng với cách làm du lịch như trên thì Josiane đã kết thúc bằng câu nói: “Thật khó cho tôi khi nói về cách làm du lịch của đất nước bạn với các bạn bè của tôi khi họ muốn đến Việt Nam”.
Lê Minh Sơn
Du lịch Vũng Tàu
Tôi thường đi du lịch Vũng Tàu vì thích biển và thích thành phố này, một lần tôi nhận được tờ rơi và vào quán ăn HK trên đường Hoàng Hoa Thám, gần ngã 3 Thùy Vân- Hoàng Hoa Thám. Một quán ăn chặt chém với mức giá gấp 10 lần bên ngoài! Quán này lại có lực lượng nhân viên bảo vệ xăm rồng rắn, sẵn sàng dùng bạo lực với khách. Điều kỳ lạ là quán này vẫn ngang nhiên hoạt động trong nhiều năm mà không có cơ quan nào xử lý! Từ hôm bị chặt chém đó đến nay tôi không còn có ý định ghé Vũng Tàu 1 lần nữa. Vũng Tàu là 1 TP du lịch đẹp, thiết nghĩ TP Vũng Tàu nên có biện pháp chấm dứt kiểu làm ăn của các hàng quán như trên thì du lich Vũng Tàu mới phát triển được.
Là người Việt, tôi cũng ngại đi du lịch!
Tôi hay bị vợ phàn nàn vì không chịu đưa vợ con đi du lịch hoặc thăm thú những nơi gần nhà. Quả thật, tôi không thể chịu được những cảnh chen lấn, thái độ và hành xử thiếu tế nhị của nhiều người ở chỗ đông người. Có anh thì bặm trợn chen ngang. Có chị thì đường bệ đi ngược chiều lấn cả đường của người khác. Chỗ khác một toán cười đùa thô tục, ồn ào. Dịch vụ thì không biết đâu mà lần. Mình có tài chính không mấy dư nên đi chơi mà cứ lo ngay ngáy vấn đề giá cả. Khi thì phải trả thêm mới được ổn, lúc lại buộc phải mất tiền tip. Rồi chất lượng nữa chứ, quảng cáo một đường nhưng thực tế một nẻo. Vợ tôi bảo tôi xét nét quá, suy nghĩ tiêu cực, không nhìn vào cái tích cực như cảnh đẹp, thời tiết tốt, gia đình được thảnh thơi... Nhưng thử hỏi, ai có thể vui ngắm cảnh, thư thái khi bị người khác vừa chửi vừa đánh vào ống quyển mình cơ chứ!
Ở VN đi du lịch Đà Nẵng cũng tốt
Gia đình tôi hay đưa trẻ nhỏ đi nghỉ mát trong nước, và cũng hay bị "chặt chém", rất khó chịu. Theo tôi chỉ còn mỗi Đà Nẵng và Hội An là có thể đến. Còn những nơi khác chắc phải chờ có sự thay đổi tốt hơn rồi hẵng đi.
Sự thật đáng buồn
Đọc một số bài viết gần đây về du lịch Vietnam nói chung mà người nước ngoài phản ánh sau chuyến đi của họ cũng như của người Việt nói chung, thì đây là sự thật hàng ngày. Đối người Việt khi gặp phải những chuyến đi khó chịu như vậy sẽ tự nhủ " Không thèm quay lại cho đó nữa, đẹp gì thì đẹp cũng bực mình mất vui" thì đối với người nước ngoài cũng vậy thôi.
Tôi hay đi du lịch nên có cơ hội nghe nhiều cuộc nói chuyện của những du khách đã vừa ra khỏi Việt Nam với những " ký ức khó quên", nghe mà ái ngại nếu mình là người bị như vậy, nhưng bên cạnh đó vẫn có những khách "may mắn" có được chuyến đi êm đẹp. Nếu những người kinh doanh dịch vụ du lịch và các công ty du lịch không đào tạo nhân viên với thái độ dịch vụ tốt thì sớm muộn gì cũng bị mất thị phần mà thôi.
bài viết hay
Tôi cảm nhận bài viết này rất đúng với thực tế ngành du lịch VIỆT NAM hiện nay,mỗi khi đi du lịch hay đi ăn uống gì đó ở những nơi sang thì có vẻ như tôi đều có cảm nhận là những người phục vụ đa phần họ đều có tâm lý muốn nhận được tiền "bo" khi phục vụ.Trong khu nhà trọ tôi đang ở cũng có vài sinh viên đi làm thêm cho các quán nhậu và nhà hàng,tôi có tiếp xúc thì họ bảo đi làm lương không bao nhiêu nhưng tiền bo hàng tháng thì nhiều hơn tiền lương. Bài viết trên lại thêm một lần nữa nói lên thực trạng ngành du lịch và các ngành phục vụ ở nước ta hiện nay.
Cấp biển " Đạt Chuẩn" cho cơ sở, phương tiện
Vấn nạn chặt chém du khách từ lâu đã làm xấu mặt du lịch Việt, để khắc phục việc này tôi nghĩ phải có cơ quan, tổ chức như Hiệp hội du lịch địa phương đưa ra các qui định về việc phục vụ đúng chất lượng, đúng giá..., ai đồng ý thì cấp cho họ biển "Đạt chuẩn" hay dấu hiệu gì đó kiểu như cấp sao cho khách sạn. Khi khách thấy biển đó thì an tâm về giá cả và chất lượng, nếu cơ sở nào vi phạm thì có biện pháp chế tài như rút biển...thực hiện điều này tôi nghĩ sẻ khắc phục được vấn nạn trên.
cần xem lại văn hóa giao tiếp
tôi thấy tất cả người dân VN cần xem lại cách giao tiếp, cách nói chuyện lịch sự... để thể hiện 1 con người có học
Con người làm xấu bộ mặt VN
Tôi vừa có chuyến đi du lịch đất nước chùa tháp 4 ngày 3 đêm. Sau chuyến đi, cảm xúc của tôi đối với đất nước và con người nới đó chỉ gói gọn trong 2 từ: TUYỆT VỜI! Nghĩ đến cảnh du khách đến VN với sự chém chặt khắp nơi, sự đeo bám của ăn xin - hàng rong, rác rưới vứt lung tung, ...mà thấy buồn quá.
Ngành du lịch không chịu hết được trách nhiệm
Ngành du lịch là ngành mang tính chất liên ngành liên vùng, Nhân viên của ngành đào tạo chuyên nghiệp , bài bản ..... nhưng những ngành nghề liên quan, những người " Ăn theo " ngành du lịch như : Bán hàng rong, xe ôm, taxi .... vẫn theo cái cách là nhìn thấy khách du lịch là như "cây ATM di động" thì hình ảnh của du lịch Việt Nam vẫn mãi còn những khoảng tối như bài Viết. Thiết nghĩ, để đạt được những thành tựu như Thái Lan hay Singapore thì không phải riêng ngành du lịch cần phải thay đổi mà ý thức của xã hội phải thay đổi khi nhìn vào khách du lịch
Tôi cũng bị lừa ở Nha Trang
Cuối tuần vừa rồi tôi chở người nhà đi Nha Ttrang chơi. Vừa mới đến khách sạn thì "cò" tàu du lịch đến và cho biết có tàu đi tham quan các điểm du lịch tại 5 điểm (đảo) trong đó có điểm Hòn Tằm để tắm biển và thuê trọn gói nên muốn dừng lại điểm nào, bao lâu tuỳ ý. Đến bến tàu, chúng tôi được hướng dẫn lên một con tàu. Sau khi tham quan một thủy cung xong tàu chở chúng tôi đến Bãi Tranh và vì cũng là trưa nên chúng tôi yêu cầu tàu chở đến Hòn Tằm để tắm biển và nghỉ ngơi nhưng thuyền trưởng nói là không có điểm này, khi lấy hợp đồng ra xem thì trên đó chỉ ghi 4 điểm mà thôi và tất nhiên là không có điểm Hòn Tằm!!!
Bị lừa nên cũng không còn hứng thú tắm biển nữa, chúng tôi quay trở về đi tắm bùn và tôi (cũng như các thành viên trong đoàn) tự hứa là khi đến Nha Trang sẽ không bao giờ thuê tàu du lich tham quan biển đảo nữa!
Tôi đưa ý kiến này lên để mọi người khi đến Nha Trang thì cần thận trọng.
Bị lừa nên cũng không còn hứng thú tắm biển nữa, chúng tôi quay trở về đi tắm bùn và tôi (cũng như các thành viên trong đoàn) tự hứa là khi đến Nha Trang sẽ không bao giờ thuê tàu du lich tham quan biển đảo nữa!
Tôi đưa ý kiến này lên để mọi người khi đến Nha Trang thì cần thận trọng.
Chịu thua
Nói thật, mình đi công tác nhiều nơi ở Việt Nam mình rồi, phải nói thật là chịu thua cách phân biệt đối xử khách và chặt chém. Mười lần mình đi thì có tới 6 lần bị chặt chém. Nên mình hạn chế đi đâu lắm, mặc dù có điều kiện để đi, mình chỉ dám đi quanh quanh khu mình ở thôi. hic
góp ý
Thật tình mà nói đây là một tín hiệu rất tốt cho du lịch VN. rất cám ơn họ những người khách nước ngoài chân thành và nhiệt tình. Những điều họ nói hoàn toàn chính xác. là người VN tôi còn thấy ngao ngán mỗi khi phải đi du lịch, do nhu cầu của những đứa con nên đành phải cố gắng đến những nơi mà họ chỉ xem mình là "miếng mồi ngon" sẵn sàng ra tay chặt chém không thương tiếc. vì vậy tiêu chí của tôi là mỗi nơi cố gắng đến 01 lần cho biết để rồi không bao giờ trở lại.
Hỡi ôi, trông người lại ngẫm đến ta
Nói đến Thái Lan là đất nước nụ cười (smiling land), xã hội thanh bình, cảnh sắc không thật nổi trội nhưng bù lại là con người hiền hậu, hiếu khách thực sự, lịch sự và chuyên nghiệp... Nói đến người Singapore là nói đến đất nước sạch sẽ, trong lành, xã hội kỷ cương ngăn nắp, chuyên nghiệp... Nói đến người Nhật là đến xã hội cực kỳ ngăn nắp, hài hoà giữa cổ kính và hiện đại, con người trung thực, quy củ, cực kỳ tinh tế, hiếu khách.... Còn nói đến Việt Nam: đất nước có nhiều tiềm năng du lịch như danh lam thắng cảnh nhưng ngành du lịch-phục vụ kém cỏi từ phương tiện đi lại đến khách sạn, ô nhiễm (không khí bẩn thứ 10 thế giới), giao thông ách tắc và lộn xộn bậc nhất thế giới, người đông chen chúc chật chội (một trong 10 nước có mật độ dân cư đông nhất thế giới), phong cách phục vụ thiếu chuyên nghiệp, thiếu chỗ chơi đúng nghĩa (ở Thái, Indonesia, Singapore các hàng quán có thể mở suốt đêm trong khi ở Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh du khách không biết đi chơi ở đâu vì sau 12h đếm là phải đóng cửa... bó tay) trong khi tệ nạn chặt chém, lường gạt du khách là chuyện thường ngày ở huyện.... Tôi có nhiều bạn nước ngoài nhưng quả thực chẳng mấy khi dám giới thiệu họ đến du lịch Việt Nam vì... xấu hổ.... Còn bản thân tôi cũng khá giả và hay đi du lịch nhưng dù muốn tiêu tiền ở trong nước nhưng lại thường đi du lịch nước ngoài, thà làm giàu cho nước ngoài nhưng phải chịu vì du lịch trong nước nhiều khi như cực hình...
ko đi Hạ Long
Mình chưa đi Hạ Long. nhưng qua theo dõi báo đài thì chắc mình cũng không muốn đi Hạ Long làm gì cho khổ. còn nhiều nơi khác cũng đẹp và phù hợp với mình hơn.
Khôn vặt ?
Tôi cũng thường xuyên đi du lịch, và cũng bị tình trạng như trên, mặc dù là dân VN. lần sau nếu có đi thì chỉ đi từ Huế trở vào mà thôi, mặc dù miền Bắc có rất nhiều cảnh đẹp.
Các quan chức nghành du lịch hãy đọc và suy ngẫm.
Toàn những điều nhức nhối, không biết các quan chức ngành du lịch Việt Nam có đọc những bài viết này không. Năm nào cũng thấy câu "Tính đến thời điểm này, Vn đã thu hút được ... triệu lượt khách du lịch, tăng ... % so với cùng kì năm trước"...
Tôi ko muốn đi du lịch trong nước
Thiên nhiên ưu đãi cho Việt Nam rất nhiều cái đẹp,thế nhưng con người VN làm du lịch rất dở -đó là trách nhiệm của những người quản lý- để tình trạng du lịch của tệ như thế đến bao giờ nữa...ngay đến Campuchia họ tổ chức hơn ta rất nhiều
Giá dịch vụ chỉ là tương đối
"Tiger lon 2.5 USD = 60.000, gấp gần 6 lần giá bình thường và gấp 3,4 lần giá dịch vụ trong các nhà hàng khác. Một cốc nước cam giá 3,9 USD = 80.000 VND, gấp 4 lần giá dịch vụ ở các nhà hàng khác…." Ngủ đêm trên vịnh Hạ long là một dịch vụ cao cấp, không phải thượng đế nào cũng đủ tiền để hưởng thụ dịch vụ đó. Tôi tin số lượng khách trên tàu hôm đó không quá 10 người, nhưng bạn không biết tàu ngủ đêm mỗi lần ra khơi số nhân viên phục vụ các bạn không dưới 20 nhân viên bao gồm tổ: lái tàu, tổ nhà bếp, tổ bar, tổ housekeeping...và để đóng được một tàu ngủ đêm chủ tàu phải đầu tư mất mấy tỉ đồng mới làm được, chi phí rất cao. Giá cả bạn nói thì các quán cafe cao cấp hà nội cũng bán giá đó, mà một ngày bán cho hàng trăm khách, trên tàu ngủ đêm 2 ngày 1 đêm chỉ bán được cho duy nhất mấy khách ngủ trên tàu. Giá dịch vụ chỉ là tương đối, chúng ta biết hưởng thụ thì phải biết trả tiền. Nhân viên bán đồ uống không đưa menu có giá cho khách thì đó là họ sai. Trường hợp như vậy là rất hiếm
Không thể chấp nhận được
Việt Nam mình còn tồn tại những bất cập từ nhỏ nhất như thế này thì thật khó mà sánh ngang với các cường quốc 5 châu.
Ngay cả với dân bản xứ
Ngay cả dân bản xứ còn phải chịu thì nói gì đến du khách ngoại. Cơm tù, chặt chém, chửi bới khi hỏi mà không mua....
THẤT VỌNG
Không riêng gì khách du lịch nước ngoài, Ngay cả người VN cũng bị " chém" khi đi du lịch trong nước. Mình vừa có chuyến đi Bắc về, và rất bức xúc vì kiểu phân biệt và đối xử. Taxi thì chạy vòng vòng để tính tiền khách, không thì đồng hồ lừa đảo, chỉ đi vài trăm mét phải trả trăm mấy ngàn tiền taxi. Mình đi ăn bò nướng hỏi trước bao nhiêu 1 phần,nhân viên trả lời 300.000/phần, mình đồng ý ngồi ăn, 1 người khách HN ngồi xuống ăn hỏi bao nhiểu, nhân viên trả lời 200.000/1 phần. Xe taxi dù và xe thồ thì chèo kéo, rồi chửi bới khách khi lắc đầu không đi. Người bán hàng thì chửi bới khi trả giá với họ.Ngay cả nhân viên khách sạn thuê xe máy cũng kê tiền lên. Người VN còn bức xúc nói gì đến người Nước Ngoài.Hi vọng ngành du lịch VN sẽ có nhiều thay đổi trong tương lai, để ngành du lịch VN còn phát triển hơn
NỖI KHỔ ĐÂU PHẢI RIÊNG TÂY
Đâu phải chỉ mình Tây mới bị khổ khi đi du lịch. Vợ chồng mình cùng một người bạn đi du lịch rừng Nam Cát tiên. Ấn tượng đầu tiên " - Hết chỗ gửi xe rồi a chị" (bãi giữ xe trống không). Thế là phải mang xe ra nhà dân gửi - 30.000đ/xe (năm 2008). - Ấn tượng tập 2: - Hết phòng rồi, anh chị thông cảm. - Ấn tượng tập 3: - Còn xe tour không e (xe tour tham quan rừng). Dạ hết luôn rồi. 5 phút sau 1 đoàn tây balô vào "-Dạ còn phòng" " - Dạ còn xe" đến đây là botay.com rồi. Nản quá đi vòng, thấy cho thuê xe đạp. Thôi thì thuê xe đạp chạy vòng vòng cho biết cái rừng. Tiện thể hỏi a nv cho thuê xe đạp " - Ủa ở đây hết phòng rồi hả a?" "- Còn nhiều mà, e vào hỏi tiếp tân xem". Lòng khấp khởi chạy ra hỏi "- Dạ hết rồi" bây giờ mới thấy bảng giá. Một bên cho VN giá VN đồng, một bên cho Tây giá USD. Giá chênh nhau quy ra tiền việt chênh nhau khoảng 2-3 lần gì đó. Chắc đây là lý do họ không tiếp mình. Mà cũng tội nghiệp dân du lịch nước ngoài bị chém giá kinh thật. Thôi thì ra lấy xe đạp chạy moột vòng cho gọi là có ấn tượng 1 chuyến đi chơi rừng vậy.
Không chỉ riêng khách du lịch nước ngoài
Thực trạng này không chỉ riêng khách du lịch nước ngoài mới như vậy. Tết vừa rồi tôi có đi chùa Hương, mặc dù đã mua vé đò cùng với vé tham quan. Tôi không nhớ rõ lắm về mức vé đò mà nhà nước bán ra. Hình như là 14.000 VNĐ/ 1 người. Dù đã có 5 vé đò cho 5 người nhưng khi lên đò người lái đò đề nghị "Mỗi người cho em xin thêm 10.000 thôi, vì vé đò kia em nộp lại cho nhà nước còn lại chẳng được là bao nhiêu".
Tôi cũng biết họ vất vả và thông cảm và tôi hỏi là như vậy thì sẽ đưa cho chị 50.000 VNĐ là được chứ gì. Người lái đò nói rằng cả lượt đi và lượt về nên cần đưa thêm 100.000 VNĐ. Anh chị tôi không đồng ý, nhưng sau đó tôi vẫn quyết định đưa thêm cho họ 100.000 VNĐ để được đi ngay. Nếu ai đó không đồng ý với thỏa thuận này thì khi đi ra cũng không có đò nào chở hoặc bị giá cao hơn rất nhiều. Vì các đò ra chủ yếu là đò đợi khách cũ.
Thật ra không phải tôi dung túng cho hành vi của họ nhưng việc thời gian đi lại rất hạn chế vì chúng tôi đi từ tỉnh ngoài và không có ý định qua đêm, nếu cứ ở đó đôi co với họ hoặc tìm đò khác cũng rất lâu và ảnh hưởng đến hành trình. Trong khi các chủ đò khác họ cũng đã ngầm thỏa thuận với nhau như vậy, dù không phải là khách quốc tế nhưng cũng rất khó cho bạn kiếm 1 chủ đò khác sẵn sàng chở bạn đi với vé đò trên tay.
Trên hành trình những người chủ đò còn trò chuyện với nhau rằng họ vừa chở 1 cặp 2 người với phụ thu là 500.000 VNĐ và bỏ rơi lại những người khác nữa vì tiền bo họ trả cho chủ đò thấp hơn yêu cầu. Những tưởng mua vé để yên tâm không bị chặt chém nhưng chẳng có tác dụng gì, tấm vé chỉ là bắt buộc để các chủ đò được phép lưu thông mà thôi.
Nắm bắt được tâm lý về thời gian hành trình của khách du lịch nên họ tự do mặc cả. Dù rất bực mình nhưng chẳng ai muốn bị lỡ hành trình chỉ vì 1 chút đỉnh tiền công nên đành phải đưa cho họ để tiếp tục cho đúng chương trình. Còn sau đó thì ai cũng biết rằng khách du lịch quốc tế họ sẽ chẳng bao giờ quay lại Việt Nam
Cần thay đổi
Thật xấu hổ khi nghe các bạn nước ngoài nói về du lịch Việt Nam, những gì các bạn nói không sai tý nào. Đây là vấn đề đáng báo động cho du lịch VN cũng như người dân VN, sự hiếu khách không có, an toàn thì thôi "miễn bàn" và còn nhiều cái "tệ" khác nữa.
Tôi cũng đã đi du lịch nước ngoài rồi, tuy danh lam thắng cảnh và văn hoá dân tộc không bằng VN nhưng sự hiếu khách, cung cách phục phụ thì rất Ok, giao thông thì không chê được. Họ luôn tôn trọng người du lịch
Việt Nam ơi! Hãy luôn là điểm đến an toàn và trìu mến của du khách nước ngoài
Tôi cũng đã đi du lịch nước ngoài rồi, tuy danh lam thắng cảnh và văn hoá dân tộc không bằng VN nhưng sự hiếu khách, cung cách phục phụ thì rất Ok, giao thông thì không chê được. Họ luôn tôn trọng người du lịch
Việt Nam ơi! Hãy luôn là điểm đến an toàn và trìu mến của du khách nước ngoài
Dulich VN
Tôi là người VN, tôi còn khó chịu nữa nói chi người nước ngoài. Tôi đi từ ga tàu lửa Hanoi về ks. Do không biết đường tôi đưa địa chỉ có tài xế , anh ta nói là 150k và tôi nghĩ chắc cũng giống như tôi đi taxi ở SG, nhưng khi tới KS thì đồng hồ chỉ 30K haizz. Còn taxi Nội Bài, tôi đi chưa được 1km, bị lấy 80k haizz, tưởng hãng có tên tuổi, tôi leo lên taxi ko thỏa thuận trước sẽ chạy theo đồng hồ, ai ngờ người ta chạy theo thỏa thuận, ko biết đường thì ráng chịu hic, ko biết đồng hồ trên xe taxi có để làm gì nữa!!!!Còn nhiều nhiều chuyện nữa, kể ra chắc gõ cả ngày!
Tại sao người Việt ta không được coi trọng
Tôi phải nói đến thực tế này, mong mọi người đừng tự ái. Nói về visa, dân các nước châu Á gần ta, khi đi du lịch hầu hết các nước họ được miễn trong khi người Việt xin visa trầy trật (vì các nước sợ người Việt đến rồi trốn ở lại, nhập cư trái phép...) Khi gặp gỡ nói chuyện, hễ nói đến Việt Nam là họ chỉ nghĩ đến chiến tranh/đánh nhau, nào là dân Việt Nam thích đánh nhau, lạc hậu.... Hoặc nếu là người đã đi du lịch Việt Nam về thì họ cũng có nhiều ấn tượng xấu như báo gần đây nêu.. Mong gì người dân Việt có được vị trí như người dân các nước khác.
Người Việt ngủ trong giường chiếu hẹp
Tôi tán thành như bạn Tuy Can (cái khôn vặt nó bó cái khôn lớn). Nhưng xin nói thêm ở đây rằng người Việt có thói quen suy nghĩ tù túng, chỉ biết lợi nhỏ trước mắt mà bỏ quên ích lớn lâu dài,.Thật xấu hổ khi nhiều người nước ngoài nhìn người Việt bằng cái nhìn đó. Không thay đổi thì Việt Nam sẽ chẳng bao giờ khá lên được.
Mình cũng rất thất vọng
Trước khi đi du lịch miền Bắc, mình đã rất háo hức, đợi chờ vì thấy hình chụp cảnh thiên nhiên rất đẹp. Nhưng khi ra đến nơi thì mình đi từ thất vọng này dến thất vọng khác, chủ yếu đến từ yếu tố con người. Tất cả những gì về bài viết bên trên mình đều đã nghe và đã trải nghiệm vài thứ trong số đó. Cho dù cảnh có đẹp đến đâu, bọn mình đều không còn tâm trạng tốt để ngắm cảnh nữa. Mình là người Việt mà còn bị như thế, huống chi du khách ngoại quốc. Đi du lịch mà luôn mang tâm trạng đề phòng, thật oải! Hy vọng Việt Nam sớm cải thiện được tình trạng này để giữ gìn hình ảnh đẹp trong mắt bạn bè quốc tế.
Những vấn đề như vậy ai chịu trách nhiệm?
Tôi nghĩ phải có người chịu trách nhiệm, và người đó phải là bộ văn hóa thể thao du lịch. Đặc biệt là thời gian gần đây, thông tin xấu liên tục xuất hiện về thực trạng du lịch Việt Nam. Tôi nghĩ đã đến lúc phải lên tiếng, dù có muộn.
Người Việt mình còn khó chịu
Tôi thấy bài viết hoàn toàn chính xác. bản thân tôi là người Việt Nam đi du lịch trong nước mà còn gặp nhiều phiền toái, huống chi là du khách nước người lạ nước lạ cái và bất đồng ngôn ngữ.
Và nói thật không phải kỳ thị, tôi thấy phong cách phục vụ của những khu vực thuộc miền Bắc thường thiếu niềm nở, đôi khi thô lỗ. Rất buồn, rất đáng buồn!!!
Và nói thật không phải kỳ thị, tôi thấy phong cách phục vụ của những khu vực thuộc miền Bắc thường thiếu niềm nở, đôi khi thô lỗ. Rất buồn, rất đáng buồn!!!
Quá tệ
Tôi ko thường xuyên đi du lịch VN, nhưng thông qua những người bạn và báo đài cũng như nơi tôi đang sống cũng cho thấy 1 điều là sự quản lý của các ban ngành chức năng quá tệ. Tình trạng mồi chài khách dai như "đỉa", tình trạng móc túi, tình trạng "ép giá",...vì họ nghĩ dân "Tây" giàu có, mức sống cao nên cứ "hét" lên thì cũng ko sao. Nhưng người ta rất rõ ràng, 1000 vnđ họ vẫn tính, cái nào ra cái đó. Chính vì điều này dường như là "thói quen" của du lịch VN mà chả có ai lên tiếng bảo vệ hành khách, để rồi một ngày nào đó nói đến VN là người ta chỉ biết "lắc đầu". Không chỉ những người khách nước ngoài, chính bản thân tôi đi du lịch cũng bị chặt chém bởi họ quan sát biết được mình là người nơi khác tới,...
CÁI KHÔN VẶT NÓ BÓ CÁI KHÔN LỚN !
Trước đây tôi viết là "dân mình vẫn còn nghèo nên cái khó nó bó cái khôn " trong mục Ý Kiến bạn đọc sau bài viết của anh du lịch bụi người Mỹ ; nay thì tôi phải sửa lại và viết là "cái khôn vặt nó bó cái khôn lớn ", nên du khách ngoại quốc cứ liên tục chê ngành du lịch VN. Khổ thật !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét