Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

Sự trưởng thành của ngành báo chí Việt Nam

Sự trưởng thành của ngành báo chí Việt Nam

Tác giả: David Brown
Người dịch: Bảo Anh - CTV Phía Trước
Hiệu đính: David Brown/ BTV trang BS
18-02-2012
Trong năm tuần qua, công chúng Việt Nam đã tranh luận về tác động của vụ cưỡng chế đất đai giữa một gia đình nông dân nuôi cá và lực lượng công an ở huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Sự kiện này đã nhấn mạnh lại sự bất cập trong hệ thống đất đai hiện hành, dẫn đến tình trạng oan ức của các nông dân bởi lòng tham và tệ nạn tham nhũng của các quan chức và cán bộ địa phương.
Vụ việc đã nhanh chóng được báo chí tường thuật, khiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải vào cuộc. Sau một cuộc họp ba tiếng đồng hồ, trợ lý chính của ông Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, đã nói với các phóng viên rằng một vài lớp quan chức – không phải là nông dân – sẽ bị trừng phạt và các nỗ lực nghiêm túc sẽ được xem xét để chỉnh sửa Luật Đất đai.
Tuy nhiên, trước khi thông báo những chi tiết quyết trong cuộc họp đó, ông Vũ Đức Đam cho biết ông có một thông điệp đặc biệt muốn gửi đến ngành truyền thông của Việt Nam, tức là Thủ tướng đã yêu cầu ông bày tỏ lòng biết ơn của Thủ tướng đối với vai trò của các phóng viên trong cuộc khủng hoảng này và hy vọng rằng truyền thông sẽ tiếp tục công việc “phục vụ đất nước” và “định hướng dư luận”.
Báo chí đã “cung cấp nhiều báo cáo kịp thời, bao gồm nhiều khía cạnh của vụ việc, phân tích từ quan điểm khác nhau và đã giúp các cơ quan trung ương thấy vấn đề rõ ràng và tiến hành các biện pháp đối phó một cách thích hợp”, ông Đam nói.
Việc khen thưởng bất thường này được cho là xứng đáng. Sau vụ náo động ở Tiên Lãng, những phóng viên của các tờ báo Việt Nam tiếp tục đun sôi sự kiện, bằng cách nêu ra những sự thật đáng chú ý mà các quan chức thành phố Hải Phòng đã tránh né trong việc giám sát công việc của huyện và làng xã. Vụ việc đã được các quan chức Tiên Lãng khẳng định rằng họ thực thi đúng pháp luật. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó thì báo chí đã phản biện lại câu chuyện của quan chức địa phương, bằng cách trích dẫn các lời nói của những người dân địa phương, và họ mô tả ông Vươn là một người có tầm nhìn dũng cảm và một công dân trung thực.

Các phóng viên cũng tiếp tục trích những lời giận dữ của các nông dân địa phương khi các quan chức nói sai sự thật, rằng hàng xóm của ông Vươn đã quyết định trừng phạt ông bằng cách đập phá nhà cửa và trộm cắp tôm cá trong đầm của gia đình ông. Những phóng viên khác thì tìm kiếm các nông dân nuôi cá ở địa phương và họ đã kể lại rằng họ đã cố gắng thương lượng với những quan chức ở huyện về việc cưỡng chế, nhưng tất cả đều thất bại. Họ còn kể lại các quan chức tại đây đã hủy ước một thỏa thuận giao đất được phán quyết cách đó không lâu.
Các phóng viên còn thuyết phục một người điều hành xe ủi đất kể lại, ông đã được các lãnh đạo trong thôn thuê mướn để ủi sập ba căn nhà trong khu đất của ông Vươn. Ông đã được các lãnh đạo trả tiền công 1.500.000 đồng. Nhà báo cũng phỏng vấn các quan chức cao cấp (nay đã nghỉ hưu), người đã kiểm điểm hành động thu hồi đất đai của gia đình ông Vươn từ phía pháp lý và quá trình hành chánh, phân tích những khiếu kiện về đất đai đang tràn đầy trong tòa án, và cho rằng vụ việc Tiên Lãng, nếu không xử lý đúng đắn, có thể bùng nổ sự nổi dậy trên phạm vi cả nước.
Chất lượng của việc thu thập tin tức và các bài xã luận, cùng với ý kiến của những bloggers, đã cho thấy rằng, chính quyền trung ương không can thiệp hoặc định hướng các nhà báo trong sự cố Tiên Lãng. Dù các hãng truyền thông quốc tế thường cho rằng, báo chí Việt Nam là “truyền thông kiểm soát bởi nhà nước”, điều đó chưa hẳn là đúng để mô tả về mối quan hệ phức tạp này. Mặc dù vẫn còn bị nhà nước “hướng dẫn”, nhưng ngành báo chí ở Việt Nam đã trở nên tự chủ hơn trong một thập kỷ vừa qua và cũng có thể cho là đứng đầu về mặt “xã hội dân sự.”
Hiện tại có hàng trăm tờ báo được lưu hành, nhưng tất cả đều phải có giấy phép xuất bản dưới sự bảo trợ của cấp tỉnh thành, các tổ chức quần chúng, hội nghề nghiệp hay các cơ quan chính quyền trung ương. Để chắc chắn, hầu hết các tờ báo này chỉ phục vụ một số độc giả rất hạn chế. Tuy nhiên, có khoảng ba chục nhật báo xuất bản cho độc giả trên toàn quốc. Những loại này thường phải cạnh tranh quyết liệt để có các tin tức, và thường xuyên thu lợi nhuận từ quảng cáo và tổng số phát hành.
Ngoài các báo in và báo điện tử, tại Việt Nam còn có một số báo khác không được nhà nước chính thức thừa nhận, bao gồm đủ loại trang blog khác nhau. Đa số các blog sử dụng các máy chủ ở nước ngoài để vượt ra khỏi tầm kiểm duyệt của nhà nước. Một số blog được trình bày khá chuyên nghiệp và thực hiện các nỗ lực nghiêm túc để đăng các bài khách quan cũng như bình luận về các vấn đề nổi bật trong ngày, nhưng còn lại những trang blog khác chỉ là những trang châm chọc gay gắt.
Các tờ báo bị kiểm duyệt và không kiểm duyệt ở Việt Nam có mối quan hệ năng động. Có một số  phóng viên nhà báo chính thống trở thành blogger, ngoài ra có khá nhiều phóng viên khác chỉ đọc và phản ứng lại trên các trang blog. Một sự khác biệt lớn giữa các blogger và những phóng viên làm việc cho các hãng truyền thông nhà nước, theo Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (một tổ chức quốc tế), là có nhiều blogger bị bắt giam vì các bài viết của họ hơn là những nhà báo chính thống. Theo Ủy ban này thì con số hiện nay là, có 6 bloggers đang bị giam cầm so với 3 nhà báo.
Đạo đức truyền thông
Tác giả này đã làm việc trong ban tiếng Anh trực tuyến của một tờ báo Việt Nam. Tờ báo này được cho là phản ánh quan điểm của cánh cởi mở trong Đảng Cộng sản cầm quyền. Đối với “trang tiếng Anh”, một số bài được lựa chọn hàng ngày từ tờ báo chính và từ các nhật báo hàng đầu khác, sau đó được dịch và đưa lên trang web.
Tổng biên tập phải họp thường xuyên với quan chức của Bộ Thông tin và cán bộ của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng CSVN vào mỗi thứ Ba, nơi mà họ và các đồng nghiệp từ các báo khác được cảnh báo về những “vấn đề nhạy cảm”. Đôi lúc tờ báo trên cũng bày tỏ ý kiến không chính thống và những lúc như vậy thì họ có thể bị nhắc nhở tại các buổi họp hàng tuần, hoặc nghiêm trọng hơn, bị trực tiếp khiển trách.
Những đề tài mà các báo không nên nhắc đến bao gồm các hoạt động nội bộ và các cuộc tranh luận của Đảng; các câu chuyện nêu lên câu hỏi về tính đúng đắn hay chính sách của chính quyền trung ương; cương lĩnh của Đảng, hay các vấn đề liên quan đến các quan chức trung ương hàng đầu; các bài kêu gọi đa nguyên hay ám chỉ đến “cuộc cách mạng màu” ở các nước cộng sản trước đây; các bài có tính cách khích động đối với vấn đề Trung Quốc; những bài viết đưa ra sự khác biệt giữa người Việt Nam ở miền bắc và miền nam; hoặc các bài ngụ ý rằng những vấn đề ở các cấp thấp là hình thức do lỗi hệ thống chứ không phải là hậu quả do quan chức cấp địa phương gây ra.
Ngoài những vấn đề vừa nêu, các tờ báo hàng đầu ở Việt Nam không là dụng cụ ngoan ngoãn của đảng và nhà nước. Để duy trì số lượng độc giả, họ tích cực theo đuổi các vụ bê bối, điều tra các tệ nạn xã hội, và những người bị áp bức. Các vụ tham nhũng, ít nhất là ở cấp địa phương, cũng là đề tài được báo chí nhắc tới. Chủ đề đạo đức là những gì được thấy thường xuyên trên các tờ báo hàng ngày ở Việt Nam và đa số mang tính bình luận xã hội hơn là tuyên truyền ủng hộ Đảng.
Ví dụ, một tờ báo nào đó có thể đăng bài về cuộc sống khó khăn của phụ nữ trẻ làm việc nhiều giờ trong nhà máy, dành một nửa tiền lương ít ỏi để gửi về cho gia đình. Một bài khác có thể phơi bày những mánh khoé được triển khai để buộc những trẻ em đi ăn xin ở các thành phố lớn. Hay một bài khác nói về một người đàn ông khuyết tật ở ngôi làng hẻo lánh nào đó lên thành phố phấn đấu thi đậu đại học. Những bài quen thuộc loại này cung cấp thông tin về những “cuộc sống không mục đích” của con cái gia đình mới giàu.
Những câu chuyện về một xã hội đang phải vật lộn để tìm hiểu và đối phó với nhiều phức tạp trong quá trình hiện đại hóa và phát triển kinh tế. Hiện tượng xã hội quen thuộc này thường thấy ở phương Tây, thì được các báo làm như họ chỉ mới được khám phá tại Việt Nam – bao gồm một chuyện gần đây của những số người Việt ở độ tuổi 9X, thích khám phá đất nước bằng xe gắn máy vào những buổi cuối tuần thay vì bỏ thêm vài ngày để làm việc tại văn phòng. Tuy nhiên, những ống kính thông qua các mẫu chuyện như thế này không phản ánh được lối sống phương Tây, đây là quan điểm Nho giáo, một triết lý về “tư cách đối xử đúng đắn”.
Báo chí tại Việt Nam đã trở thành một phần chính trị quan trọng vì chính quyền Hà Nội không còn đủ khả năng theo kịp và kiểm soát các cấp bên dưới và các doanh nghiệp nhà nước, với sự phức tạp ngày càng gia tăng đối với nền kinh tế và xã hội của đất nước. Rõ ràng là trong một thập kỷ qua, các nhà lãnh đạo của Đảng và chính phủ đã phải ngày càng nhiều dựa vào các nhật báo có tính cách toàn quốc để được thông báo thông tin kịp thời về những gì đang xảy ra ở các cấp địa phương, vì họ không thể dựa vào cấu trúc hành chính địa phương để nhận các thông tin này. Vì lý do đó, các tờ báo và tạp chí nói chung chỉ phải trả lời theo nhu cầu đòi hỏi của chính quyền trung ương.
Những mối quan hệ báo chí với Hà Nội không phải lúc nào cũng suông sẻ. Trong năm 2006, với sự chấp thuận của các nhà lãnh đạo hàng đầu, báo chí đã chủ đạo hăng hái theo đuổi các hành động phi pháp của Bộ Giao thông Vận tải, và việc này đã đón nhận được nhiều lời khen thưởng, hoan nghênh.
Tuy nhiên, sau đó hai nhà báo từ chối tiết lộ người cho nguồn tin mà họ viết được, và đã bị công an bắt giữ, và bị kết án tù với tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” và tuyên truyền “thông tin sai lệch”. Hậu quả là nhiều người cảm thấy sự suy giảm lòng sốt sắng và nhiệt huyết của nhà báo để đưa ra ánh sáng những vụ việc bê bối đã xảy ra.
Trong vụ Tiên Lãng gần đây, các nhà lãnh đạo lại một lần nữa phải dựa vào các nhà báo để tìm ra sự thật và những phản ảnh từ dư luận. Có lẽ mạnh mẽ hơn bao giờ hết, ngành báo chí Việt Nam đang nói lên sự thật của họ đến chính phủ. Nhiều nhật báo và tạp chí đã đồng loạt cảnh báo rằng nếu Đảng và nhà nước không có các hành động kiên quyết và hiệu quả để chấn chỉnh tệ nạn tham nhũng cũng như các hành vi lộng hành của các cán bộ cấp dưới thì họ phải đối mặt với nguy cơ mất tín nhiệm của các tầng lớp nông dân.
Đó là thông điệp nghiêm trọng và có vẻ như đã gây được tiếng vang tới các nhà lãnh đạo ở Việt Nam. Chính quyền cũng lên tiếng rằng sẽ xem xét việc “đổi mới” hệ thống cấp thấp “là một vấn đề sống còn của chế độ”. Nếu đây được nhắm đến là một cuộc cải cách toàn diện, thì cuộc tranh cãi trong sự cố Tiên Lãng đã giúp tăng cường sức mạnh của lãnh đạo nhà nước. Quá trình đó cũng đã cho thêm sức mạnh tìm ra sự thật do các nhà báo dẫn đầu.
David Brown là một nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã nghỉ hưu, ông thường xuyên viết các bài liên quan đến những vấn đề về Việt Nam. Có thể liên lạc với ông qua email tại địa chỉ: nworbd@gmail.com.
Nguồn: Asia Times (Tiếng Anh)/ TC Phía Trước (Tiếng Việt).
© 2012 Bản tiếng Việt TCPT
© 2012 Bản tiếng Việt David Brown

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét