Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Tản mạn về… China Number One

Cám ơn HM có một bài viết rất thú vị. Những chuyện này về TQ thì ai cũng biết, chỉ có điều qua văn chương của HM chúng trở nên rất sinh động và lôi cuốn. Nhưng đọc chuyện 2 cô bạn TQ của HM thì tôi thấy khiếp, và thương cho những gia đình có những bà vợ như thế, vì trong đầu những bà này chỉ có công việc, thăng tiến, tiền bạc... mà chẳng còn tình thương hay thời gian chăm sóc chồng con đâu. Việc họ bỏ tiền ra đầu tư cho con cũng là để con nhanh chóng trở thành thiên tài, nổi tiếng và làm rạng rỡ thêm cho thương hiệu của chính bản thân họ. Họ cũng hy vọng những tham vọng mà họ chưa hay không đạt được thì những đứa con sẽ tiếp tục thực hiện. Cách sống của họ có thể phù hợp với phương Tây song chắc không phù hợp với truyền thống phương Đông, nơi tiền bạc, danh vọng không phải là số 1 mà chính hạnh phúc gia đình và cuộc sống thoải mái của mỗi cá nhân mới là số 1.

Tản mạn về… China Number One

 

Thế hệ TQ mới. Ảnh: HM

Blog Hieu Minh: Mới đây anh Tịt Tuốt bàn vấn đề Bài Hoa và quan hệ Việt Trung được bạn đọc phản ứng rất đa chiều.  Có thể một số bạn đọc blog không hiểu hết về người Hoa và phản ứng thái quá.
Nếu đọc vài entry do Tổng Cua bàn về người phương Bắc, văn hóa của họ, nhiều bạn sẽ lầm tưởng, tác giả hiểu về văn hóa Trung Hoa. Xin nói ngay, tôi không biết chữ Nho, về Hán Nôm, không biết tiếng Tầu, chẳng hiểu nhiều về nền văn hóa 5 nghìn năm.
Nhưng chuyện về vài bạn là người Hoa hội nhập thì có thể chia sẻ, dù chỉ là cóp nhặt, giúp bạn hiểu thêm về hàng xóm.

Sự thành đạt lặng lẽ
Nhớ năm 2008 đi từ sân bay về khách sạn China World Hotel nằm giữa Bắc Kinh, chàng lái taxi trông rõ nhà quê như Tổng Cua ở Hoa Lư, tôi hỏi đường toàn gật lắc, nhưng lại nói rất rõ bằng tiếng Anh “China Number One – Trung Quốc số 1” và giơ ngón tay cái lên, vẻ tự hào.
Có một giai thoại về người Tầu di cư thế kỷ trước. Người đàn bà gánh đôi thúng, một bên là đứa bé, bên kia là xoong chảo nồi niêu, trông rất nhếch nhác.
Bà thuê tạm vỉa hè của một gia đình để bán mỳ vằn thắn. Sau một năm bà thuê gian phía ngoài. Sau vài năm, bà mua luôn cả nhà và hơn một thập kỷ, mua luôn cả dãy phố.
Sự thành đạt của họ bắt đầu từ món ăn bình dân và ít người để ý. Đó là sự lặng lẽ kiểu Hoa.

Theo báo cáo (2012) của WB về Trung Quốc cho tới năm 2030, hơn ba mươi năm qua, thế giới đã chứng kiến một China với tăng trưởng trung bình 9.9 % hàng năm, hơn 600 triệu người thoát nghèo.
Tới năm 2030, nếu đạt 16.000$/người/năm so với hiện thời 5000$ thì Trung Quốc có sức mạnh bằng 15 lần Nam Triều Tiên hôm nay, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, xã hội và chính trị cả thế giới.
Cho dù mô hình phát triển chưa phải là bền vững, vì Trung Quốc đứng trước thách thức về dân số, về năng lượng toàn cầu, về lương thực, về nước, môi trường và sức sản xuất. Chưa kể đến sự bất công trong xã hội có thể làm xáo trộn hệ thống chính trị.
Nhưng nhiều người phải thừa nhận, trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc là đối trọng duy nhất của Hoa Kỳ. China Number One là có thể.
“Dốt” tiếng Anh hội nhập sang tận Mỹ
Trong nhóm IT của vùng Đông Á Thái Bình Dương (EAP – East Asia and Pacific Region), mình có cô bạn người Trung Quốc tên là Tina. Đặt tên Tây cho tiện giao tiếp vì nếu gọi theo tiếng Trung là Qiuhong Xu, thì dân Tây méo cả mồm.
Hồi năm 1999, mình gặp Tina ở Bắc Kinh, khi dự hội thảo IT của khu vực. Nàng nói tiếng Anh nghe như dân Quảng Đông nói tiếng Tây Tạng, hảo hảo, lơ lớ, hảo hảo. Mình nghĩ, sao tiếng Trung giống tiếng Anh thế.
Đã kém tiếng lại hay phát biểu, còn “phạm tội” nói dài “sủng soảng” như đài Bắc Kinh. Mọi người ngao ngán, cho rằng, vốn tiếng Anh của Tina như thế này chỉ làm ở văn phòng sở tại được thôi.
Khoảng hơn chục năm sau, mình sang Mỹ làm việc, Tina cũng sang ngắn hạn 6 tháng ở DC. Mình vô cùng ngạc nhiên, nàng bắn tiếng Anh như gió và quyết không cho mình chen vào câu nào dù ngữ âm vẫn nặng hảo lờ.


Tina bên Timor Leste năm 2003

Nàng kể học ngày đêm, lúc nào cũng đọc tiếng Anh, trong nhà vệ sinh, lúc đợi xe bus. Và công lao được đền đáp.
Khu vực khác có một job IT hợp với Tina đang làm. Nàng hỏi mình, có nên dự tuyển không. Mình khen lấy khen để, ngoại giao là chính, nói là Tina đủ trình độ, dù trong lòng, tiếng Anh giả cày xứ Quảng Đông của cô này, khó mà qua tuyển chọn.
Hôm thi tuyển, trước một nhóm phỏng vấn 5 người, có cả Tổng Cua, Tina trả lời các câu làu làu, tựa như biết trước các câu hỏi, thái độ rất tự tin. Nàng vượt qua cả một ứng viên Mỹ trắng đang làm master về IT. Tina nhận việc dài hạn đến lúc về hưu, năm ngoái đưa cả chồng con sang Washington DC.
Theo bạn, cô gái Trung Hoa này có đáng khâm phục, đáng tin cậy và đáng làm bạn với người Việt chúng ta hay không?
Christine chân dài làm ICT
Kể thêm một chân dài khác tên là Christine, từng tham gia dự án ICT khoảng 90 triệu đô la cho Việt Nam. Nhiều cán bộ phụ trách dự án IT bên Bộ KH ĐT, Bộ 4T, Tp HCM, Đà Nẵng, và Hà Nội, nhớ người đẹp này.
Card visit mang tên Christine Zhen-Wei Qiang. Chẳng ai nhớ phần đuôi, họ chỉ nhớ tên tây tây Christine.
Chân dài này đúng là chân dài thật, người rất đẹp và sang trọng, trắng nõn nà, sinh năm 1972, lớn lên ở Thượng Hải, học đại học ở đó, sang Mỹ làm master và tiến sỹ.


Giấc mơ Harvard của Luck và Bin. Ảnh: HM
Hồi làm dự án ICT ở Việt Nam (2001-2003), mình rất hay đi công tác với Christine. Có lẽ người đẹp, lịch sự, mềm mỏng nên đi đâu cũng được OK rất nhanh. Từ cuộc gặp với bác Nguyễn Quốc Triệu (PCT TP HN), đến bác Nguyễn Thiện Nhân, rồi cả PTT Phạm Gia Khiêm, chỗ nào cũng được niềm nở.
Mấy anh bên Chính phủ cứ hỏi thăm, sao Tổng Cua có cô bạn đẹp thế, giỏi và sắc sảo, nói tiếng Anh như người Hoa Kỳ, tiếng Tầu như người Trung, viết báo cáo hay như người Mỹ.
Thỉnh thoảng có report về tiến độ dự án ICT (dù rất bê bết vì không giải ngân được do nhiều lý do), Christine thường copy cho mình.
Hồi đó level của hai anh em giống nhau. Nàng than thở, không được nâng bậc, dù làm việc rất tốt, một mình chạy mấy dự án liền. Trong lúc ấy Tổng Cua thấy hài lòng những gì mình đang có, vượt quá sức tưởng tượng bên VN rồi.
Bẵng đi 5 năm, Christine gặp mình trong quán café của WB, vui vẻ thông báo, nàng đã lên hàng manager, hơn Tổng Cua một bậc, dù y cũng được lên quân hàm năm trước.
Rồi nàng rủ đi ăn, hẹn gặp ở văn phòng để nói chuyện thêm về công việc. Christine còn nhớ mình hai con trai, nhà nàng có hai con gái và bảo, lúc nào cho chúng gặp nhau.
Không để ý vài năm, Christine của China đã bỏ xa Tổng Cua chỉ vì y chỉ biết…đứng lại.
Nguyên chuyện cái tên Christine hay Tina cũng đủ cho thấy tư duy “mèo trắng mèo đen” của Đặng Tiểu Bình đã ăn sâu như  thế nào, kể cả tầng lớp trí thức.
Người Hoa thành đạt
Kể ra còn nhiều người Trung Quốc thành đạt tại các tổ chức quốc tế, nắm rất nhiều trọng trách và quyền quyết định. Khó mà kể hết. Họ còn đòi giữ cả chức chủ tịch IMF, tổ chức tài chính lớn nhất nhì thế giới.
Nơi Tổng Cua làm việc có ông Justin Yifu Lin, kinh tế trưởng của WB, sinh ở Taiwan, làm việc tại Đại học Bắc Kinh, và có bằng cao học về kinh tế chính trị Mác tại Trung Hoa lục địa.
Trước đó, anh Shengman Zhang từng làm tới managing director (hàm đứng sau Chủ tịch WB) khi mới 39 tuổi. Shengman đến từ Trung Quốc cộng sản, từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài chính.
Tầm cỡ directors, mangers, những người nắm trong tay quyền tuyển chọn và ra quyết định (hiring managers và decision makers) thì nhan nhản. Tổng Cua quen cả chục người như vậy trong WB.
Người Hoa len lỏi khắp thế giới, từ quán ăn vỉa hẻ đến dự án khổng lồ hàng chục tỷ đô la, từ người quét dọn cửa hàng, bưng bê đến chính khách quốc tế, chỗ nào cũng có mặt. Sự hội nhập của họ đã bén rễ rất sâu.

Giáo dục làm nên thương hiệu
Người Hoa có truyền thống văn hóa, giúp đỡ lẫn nhau và cộng đồng thì cực kỳ gắn bó. Khắp thế giới đâu cũng có China Town, nhưng Vietnam Town thì quả là hiếm.
Thêm vào đó, đầu tư lớn cho giáo dục, kèm tính ham học, cần cù và chịu khó của người Hoa, đã làm nên thương hiệu quốc gia này.
Quyết tâm của một bạn IT bình thường như Tina đã làm mình nể phục. Còn nói chuyện với tầm cỡ Christine hay cao hơn thì đúng là người Việt mình lép vế.


Giấc mộng Harvard của người Hoa. Ảnh: HM
Nhớ lần thăm Đại học Harvard do anh Nguyễn Anh Tuấn làm tour guide. Đến chân tượng Harvard, thấy đông nghịt sinh viên trẻ Trung Quốc thay nhau chụp ảnh, sờ giầy của Harvard, người sáng lập ra thương hiệu đại học nhất nhì thế giới này.
Cánh sinh viên đồn rằng, nếu sờ giầy của ông thì sẽ học giỏi và thành đạt. Quanh quẩn đó khoảng 30 phút, hầu hết thanh niên trẻ đến từ Trung Quốc. Đi một vòng quanh đại học, gần tiếng sau quay lại, cũng toàn là người Hoa sờ giầy Harvard. Lớp trẻ Trung Quốc hướng giáo dục ngoại hơn bất kỳ một dân tộc nào.
Theo thông báo hàng năm về sinh viên vào Mỹ, trong số hơn 700.000 sinh viên quốc tế, có hơn 150.000 sinh viên Trung Quốc. Người Việt ta cũng có số hơn 14.000 sinh viên.
Nếu kể thêm Hongkong (8000) và Taiwan (24.000) thì Trung Quốc không có đối thủ nào trong tương lai xa.
Quay lại chuyện Tina. Nàng có cậu con trai 6 tuổi. Có bao nhiêu tiền kiếm được Tina dành cho con đi học ngay từ bé. Anh bạn Carl Fu cũng người Hoa có triết lý thật đơn giản “Một cent tiêu hôm nay cho giáo dục thì sẽ lấy lại được 10 cent hoặc hơn nữa sau 20 năm”.
Câu chuyện “Con phải vào Harvard” là điển hình về giấc mộng giáo dục toàn cầu của người Trung Quốc.
Vĩ thanh
Trung Quốc đang lớn mạnh và sức lan tỏa trong hội nhập rất lớn. Họ và tên Hoa đã cải biên thêm tây hóa, chứng tỏ họ không chỉ dừng ở GDP đứng đầu thế giới. Giấc mộng của họ xa hơn nhiều.
Và người Việt, đừng ngủ quên, đừng tìm cái xấu của người Hoa để bài qua vài chuyện đâm tầu, cắt cáp. Có thể là nguy hiểm khi biển đảo bị lấn chiếm, nhưng nguy hơn là không nhìn ra cái cần học để mình thay đổi và phát triển. Khi mạnh lên rồi thì biển đảo sẽ vững.
Đặng Tiểu Bình có triết lý “mèo trắng mèo đen” đã giúp Trung Quốc thay đổi chóng mặt và trở thành đối thủ đáng gờm của Mỹ.
Hơn chục năm qua, phương Tây không để ý đến Trung Quốc nên quốc gia này lặng lẽ đi lên như đồng nghiệp Tina hay Christine.
Như ngưới bán hàng rong thuê vỉa hè, sau vài năm mua cả dãy phố, vì bà ta trả giá trên trời, chủ nhà không có cách gì cưỡng lại được.
Khi đó, giấc mộng “China Number One” của anh chàng lái xe taxi ở Bắc Kinh thưở nào là có thật.
HM. 28-02-2012.
Bài liên quan

Nguyễn Văn Ấn says:
Bác Hiệu Minh ạ! có thể có “China Number One” nếu trên địa cầu chỉ có Mỹ, Tây Âu,.. Nhưng không may cho China là trên địa cầu còn có Nga. Mà Nga thì “Tướng Nga: Nếu cần, sau 20 phút là Nhật Bản đi tong
2/10/2012 10:46:00 PM | Lượt xem: 20170 Vân Hà .VietnamDefence – Các máy bay ném bom chiến lược Nga đã làm cho Nhật Bản hoảng hốt. Nhật và Hàn cho hơn 10 F-15, F-16 lên ngăn chặn.
Một tốp máy bay hùng mạnh của Nga hôm thứ tư đã bay sát không phận Nhật Bản ở khu vực quần đảo Hokkaido và Honshu. Tốp máy bay gồm 2 máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS, 2 máy bay trinh sát chiến thuật Su-24 và 1 máy bay báo động sớm А-50. Chúng cất cánh làm nhiệm vụ tuần tra chiến đấu từ căn cứ Ukrainka ở Viễn Đông, Nga. Ở một số đoạn bay nhất định, chúng được các tiêm kích Su-27 hộ tống.
Không quân Nga cho hay, trong chuyến tuần tra này, các tổ lái Tu-95MS tập luyện các kỹ năng bay trên địa hình không có vật chuẩn, tiến hành nhận tiếp dầu trên không từ 2 máy bay tiếp dầu Il-78. Thời gian bay tuần tra là gần 16 giờ. Các máy bay Nga tuân thủ nghiêm quy tắc quốc tế về sử dụng không phận trên vùng biển quốc tế, không vi phạm không phận Nhật Bản.
Nhưng Nhật và Hàn Quốc đã phản ứng với cuộc diễn tập của Không quân Nga rất mạnh. Khoảng 10-13 máy bay tiêm kích F-15 và F-16 đã cất cánh từ các sân bay của hai nước này.
Bộ Quốc phòng Nhật cho biết, các máy bay quân sự Nga lần đầu tiên bay gần không phận Nhật với số lượng đông như thế và máy bay A-50 cũng chưa từng bay sát biên giới Nhật đến thế. Chiếc A-50 đã được các máy bay đánh chặn lần đầu tiên chụp ảnh trực tiếp.
Tokyo đã chính thức yêu cầu Moskva tránh thực hiện các chuyến bay như thế.
Điều gì có thể ở sau chiến dịch trên của Không quân Nga và tại sao Nhật lại phản ứng dữ dội thế?
Phi công thử nghiệm công huân, Anh hùng nước Nga, Đại tá về hưu Magomed Tolboyev cho rằng, chẳng có gì khác thường ở những chuyến bay như thế. Không quân chiến lược được gọi là chiến lược là vì thỉnh thoảng vẫn bay trên các vùng lãnh thổ khác nhau trên khắp thế giới. Máy bay chiến lược Nga vẫn đang bay trên Bắc Cực, cả trên Thái Bình Dương. Không hiểu, Nga đã làm phiền gì Nhật Bản. Nga từ lâu đã đến lúc thức tỉnh và thực hiện càng nhiều càng tốt các chuyến bay như vậy. Cần bay dọc theo biên giới trên không của cả Mỹ và cả Anh nữa.
Còn về chuyến bay này chỉ có ý nghĩa thực tiễn hay hàm chứa ý nghĩa chính trị nào hay không thì ông Tolboyev nói rằng, nhiệm vụ chính của chuyến bay thì chỉ có Tổng thống Nga mới biết. Máy bay ném bom chiến lược chỉ cất cánh khi được Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang, tức Tổng thống Nga cho phép. Theo ông Tolboyev, đây là chuyến bay theo kế hoạch, để luyện tập các nhiệm vụ kỹ thuật. Ngoài Nga, chỉ có Mỹ có không quân chiến lược và họ cũng đang bay bằng B-52 gần không phận các nước trên toàn thế giới. Điều chủ yếu là không bay vào không phận của các nước khác, còn việc Không quân Nga tập luyện ở đâu thì chẳng liên quan đến ai. Còn việc Nhật Bản lo lắng thì luôn vẫn thế. Đó là vì họ sống gần hai nước lớn là Nga và Trung Quốc. Nhật thì dân số vừa quá đông, vừa có sự già hóa dân số. Đất nước này đang suy yếu nên cái gì họ cũng lo.
Phó Chủ tịch Hội đồng chuyên gia quân sự, Thiếu tướng về hưu Aleksandr Vladimirov thì khẳng định, tất cả rất đơn giản. Nước Nga mà ai đó đã chôn cất, bỗng nhiên lại thể hiện là có khả năng làm cái gì đó. Các phi công Nga đã thực hiện các nhiệm vụ chiến lược. Nga đang cho thấy Nga đang tồn tại trong không gian này và có thể kiểm soát nó. Theo ông Vladimirov, Nga không cần để ý đến những la ó, cứ làm việc của mình, thể hiện sự hiện diện của mình ở đâu Nga cho là cần thiết. Nhật Bản đến lúc phải hiểu là không cần khua tay múa chân trước mặt Nga, đòi quần đảo Kurils. Cần bình tĩnh thỏa thuận. Việc người Nhật khiếp sợ như thế là tự nhiên. Họ không thích bất cứ biểu hiện sức mạnh nào của Nga.
Về số lượng, các máy bay Nhật có lợi thế, nhưng so sánh sức mạnh hai tốp máy bay Nga, Nhật ở đây là vô nghĩa. Các máy bay ở các đẳng cấp quá khác nhau. Các máy bay chiến lược Nga bay hoàn toàn không phải để đánh nhau với các máy bay tiêm kích. Nếu cần, chúng sẽ phóng các tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân của mình và Nhật Bản sẽ không còn tồn tại sau 20 phút. Điều quan trọng ở đây là Nga lại xuất hiện trên không phận Thái Bình Dương. Nga phải hành động như Mỹ, họ thích thì họ cứ làm.
Ông Vladimirov bình luận, nước Nga có thể hoặc là một đế chế, hoặc chẳng là cái gì. Trước đây, khi Nga còn là một đế chế, người ta tôn trọng và phải tính đến Nga. Sau đó, Nga đã bị “bạn bè” và kẻ thù hợp lực tiêu diệt và Nga biến thành chẳng là cái gì. Còn nay tư “chẳng là gì”, Nga đang cố đứng dạy. Hiện thời thì chưa thật thành công lắm, nhưng phương hướng đã được xác định. Và đó là điều đúng đắn.
Nguồn: SP, 9.2.12.” (http://vietnamdefence.com/Home/phantich/Tuong-Nga-Neu-can-sau-20-phut-la-Nhat-Ban-di-tong/20122/51349.vnd)
Nếu cần, ta đề nghị V.V Putin thì sau không quá 5 phút là Tàu đi tong. Bác Hiệu Minh chẳng việc gì phải bận tâm đến Tàu cho mệt người.

Bình Nhân. says:
Tôi là người có thời gian sống (60 năm) gần người Hoa , ở sát cái nước khổng lồ này ! Tôi không có kiến thức về kinh tế cũng như các lĩnh vực khoa học khác…Cũng chả dám nói là đã hiểu rõ người Trung Hoa…Tối hôm 26-2 vừa qua, nghe RFI thấy có cái tin : Có rất nhiều người TQ lục địa đã dùng máy tính cá nhân ,” trèo tường”. vào được web riêng của Tổng thống Obama và “tỏ tình” với Tổng thống Mỹ rằng “hãy giúp triệt hạ chế độ hà khắc hiện tại ở đất nước chúng tôi !” ,” Hãy mở rộng chế độ cấp Thẻ xanh cho chúng tôi được đến Mỹ dễ dàng hơn..” v.v.. Và thực tế, ở TQ , vài năm nay đã có trào lưu : những người có tiền luôn tìm cách đầu tư (mọi cách) ra các nước giàu có và dân chủ hơn chỉ để “thoát ra khỏi quê hương.” (?) Những câu chuyện , hoàn cảnh người Hoa từ VN ra đi từ 1978 – 1979 , phần lớn họ chỉ tạm trú ở TQ 1 thời gian ngắn…rồi lại ra đi tiếp tới nước thư 3…là những trường hợp không hiếm , không lạ gì với những người sống gần TQ
Về việc có nên “Bài Hoa” ? – Tôi xin đưa ý nghĩ của mình là : Không nên “bài” tất cả những gì thuộc về Trung Hoa ! Không nên nhầm lẫn “bài” nền chính trị TQ hiện thời với cả nền Văn hóa đáng nể Trung Hoa và hàng tỷ người Hoa , những người lao động chân chính cũng cần cù, nhẫn nại ; cũng sung sướng và khổ đau như dân Việt ta thôi !
Do nghĩ vậy , nên tôi không đồng ý với câu cuối cùng của bạn Mr Kitchenhand :..” bài Hoa, có cực đoan thì cũng là cần thiết, để bảo đảm rằng chúng ta độc lập trên mọi phương diện.” – Tôi không tin rằng “bài Hoa” lại là cách “bảo đảm” cho nước VN được Độc lập hoàn toàn !






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét