Nguyễn Tường Thụy: Xin thử đứng trộm vào vị trí chủ tịch hội trí thức (tuy chưa thành lập) để viết bài hịch này, đối tượng là bạn bè thân của tớ (chứ không dám nói với toàn thể trí thức đâu nhá).
HỊCH TRÍ THỨC
Ta thường nghe, bà Ba Sương chút nữa lâm vào vòng tù tội; Bùi Thị Minh Hằng bị bắt đi cải tạo 2 năm chỉ vì đòi thả khỏi trại phục hồi nhân phẩm Lộc Hà những người biểu tình ủng hộ thủ tướng và quốc hội; Cù Huy Hà Vũ lĩnh án 7 năm vì tội tuyên truyền chống nhà nước; cụ Lê Hiền Đức đi đầu trong việc chống tham nhũng, bất chấp mọi sự đe dọa, được tổ chức Minh bạch quốc tế trao giải thưởng Liêm chính. Đoàn Văn Vươn, một chàng nông dân cần cù khai hoang ngăn biển, dùng súng hoa cải chống lại quân cưỡng chế đểu. Từ xưa đến nay, những người bất khuất sẵn sàng chấp nhận bị trả thù, tù tội đời nào chẳng có. Ví thử những vị đó cứ khư khư theo thói an phận thủ thường thì cũng đến chết già trong xó cửa, sao được toàn dân biết đến, lưu danh trong Việt sử ký Ba Sàm được.
Các ngươi vốn dòng chữ nghĩa nhưng không đủ bản lĩnh của kẻ sĩ, nghe những chuyện ấy dẫu có tin nhưng sợ không dám lên tiếng. Thôi, việc trước đây ta không bàn. Nay ta chỉ lấy chuyện Cống Rộc – xứ thuốc lào mà nói:
Đoàn Văn Vươn là người thế nào? Em trai của anh là Đoàn Văn Quý lại là người thế nào mà giữ ngôi nhà chỉ đáng gọi là “chòi trông cá” đương đầu với quân Đại Ca Ca đông đến hàng đại đội, khiến cho dân oan sau này phải chịu ơn sâu. Nguyễn Thị Thương, vợ Đoàn Văn Vươn là người thế nào, em dâu của Vươn là Nguyễn Thị Hiền lại là người thế nào mà trả lời đài RFA rành rọt, đầy nghĩa khí để công luận đều ghi tiếng tốt.
Huống chi, ta cùng các ngươi sinh ra phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi nhiễu nhương. Nhìn bọn tham nhũng cướp bóc của dân giữa ban ngày, đem thân dê chó mà khinh rẻ người thấp cổ bé họng. Ỷ danh chính quyền nhân dân phá nhà, bắt chó nấu nhựa mận, dùng xung điện vét sạch đầm hồ, thành quả lao động của kẻ khác; khoác hiệu đảng, nhà nước để cướp ruộng vườn, quĩ đất có hạn, lòng tham khôn cùng. Thật khác nào đem thịt mà nuôi hổ đói, tránh sao cho khỏi tai họa về sau.
Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm giận chưa thể xả súng hoa cải, lôi chúng ra vành móng ngựa, dẫu cho trăm thân này vào vòng tù tội, bị dí điện, dùi cui thúc vào bụng, đầu bị cắt trọc ta cũng cam lòng.
Ta cùng các ngươi trông coi các trường, viện đã lâu ngày; không có mặc thì dân cho áo, không có ăn thì dân cho cơm, bằng cấp thấp thì dân cho đi học tại chức, lương ít thì dân cho thêm khoản phụ cấp. Đường không thì dân cho vé máy bay, đường bộ dân cấp ô tô, được giải Fields dân cho căn hộ VIP. Các công trình nghiên cứu tốn tiền tỷ, không áp dụng được, phủ đầy mạng nhện, dân không nỡ truy xét. Không nghiên cứu ra được cái gì thì dân vẫn cấp tiền để nuôi dưỡng. Cách đối đãi so với trí thức Âu, Mỹ nào có kém gì.
Nay các ngươi ngồi nhìn cường hào hoành hành mà không biết lo, bị dân bảo trùm chăn mà không biết thẹn. Là trí thức mà xun xoe kẻ có chức quyền mà không biết nhục, thấy nạn phong bì trở thành thông lệ mà không biết căm. Có kẻ chăm lo hư danh, kẻ bẻ cong ngòi bút; có kẻ quyến luyến vợ con để thỏa lòng vị kỷ, kẻ sợ mất ghế mà nhắm mắt trước bao bức xúc trong xã hội, kẻ ham vui mà trễ nải việc cơ quan; kẻ nghiện ca ve, kẻ phụ họa cho quân lừa bịp. Nếu sâu mọt thành bầy thì dẫu xun xoe cũng không ngăn được bàn tay tội ác, sự lươn lẹo không thể đưa bọn chúng ra tòa. Bằng cấp mua không làm cho cường hào nể, mải vun vén cho gia đình không ích gì trong việc giúp dân. Chữ nghĩa dẫu nhiều không khuyên nổi quân ác bá, thơ phú tuy hay không ngăn được bạo tàn. Ca ve dẫu đẹp không làm cho quan tham quên cướp bóc, nịnh hót có hay không làm cho chúng hoàn lương.
Lúc bấy giờ, trí thức cũng như nông dân bị tịch thu hết đất đai nhà cửa, đau xót biết chừng nào. Chẳng những ruộng đất của dân không còn mà nhà cửa các ngươi cũng thuộc về tay kẻ khác, chẳng những gia quyến anh Vươn phải ở lều tạm mà vợ con các ngươi cũng không có chỗ nương thân; chẳng những họ Đoàn không có nơi thờ cúng tổ tiên mà tông miếu các ngươi cũng không còn nơi hương khói. Chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục mà đến trăm năm sau, tiếng nhơ khôn rửa, tên xấu còn lưu mà gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang tiếng trùm chăn chờ công lý. Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi muốn trùm chăn phỏng có được chăng?
Nay ta bảo thật các ngươi: Là trí thức nhưng các ngươi trước hết là một công dân. Phải lo đến an nguy của đất nước, phải quan tâm đến số phận con người. Nên lấy nạn tham nhũng tràn lan làm nguy; lấy điều lòng dân ly tán làm sợ. Phải tu dưỡng nhân cách, phải dũng cảm bênh dân; phải trau dồi kiến thức sao cho ai nấy đều giỏi như Hà Vũ, can đảm như Minh Hằng, luật pháp thạo như Trần Đình Triển, có thể bảo vệ được dân oan hoặc lôi lũ quan tham ra tòa tống vào ngục tối. Như thế, chẳng những ruộng vườn của dân mãi mãi vẫn còn mà nhà cửa các ngươi cũng không nơm nớp lo bị qui hoạch; chẳng những nông dân được yên tâm canh tác mà vợ con các ngươi cũng không phải tính chuyện tái định cư. Chẳng những họ Đoàn có nơi thờ phụng tổ tiên mà tông miếu các ngươi cũng được yên bề thờ cúng; chẳng những nông dân kiếp này thỏa chí làm giàu mà các ngươi muôn đời sau vẫn còn lưu tiếng tốt; chẳng những tầng lớp trí thức hôm nay được tiếng thơm, mà tên tuổi các ngươi cũng lưu truyền sử sách. Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi không muốn trùm chăn, phỏng có được chăng?
Nay ta chọn đường link các bài báo trong vụ Cống Rộc tập hợp thành một chuyên mục gọi là “Đoàn Văn Vươn”. Nếu các ngươi biết chuyên tập báo này, dày công nghiên cứu, biến thành hành động cụ thể thì mới xứng là trí thức, nhược bằng khinh bỏ nó, trái lời ta khuyên thì là kẻ quay lưng lại với nỗi đau của đồng loại.
Bởi cớ sao? Bởi bọn cường hào với nhân dân là kẻ thù không đội trời chung; thế mà các ngươi cứ điềm nhiên không dám lột mặt nạ chúng; không lo trừ tham nhũng, lại lơ mơ về pháp luật chẳng khác nào quăng ngòi bút mà theo quân ác bá, chìa tay mà xin chúng chút lộc thừa. Nếu vậy rồi đây, sau khi dẹp hết tham nhũng, để thẹn muôn đời, há còn mặt mũi nào đứng trong cõi trời che đất chở này nữa?
Cho nên ta viết bài hịch này để các ngươi hiểu rõ bụng ta.
15/02/2012
“Chủ tịch hội trí thức giả tưởng”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét