Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Tập trung hóa và nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa* (Phần 1)

Tập trung hóa và nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa* (Phần 1) 

Kornai János

Kornai János sinh năm 1928
ở Budapest, Hungary
Nhà kinh tế người Hungary János Kornai nổi tiếng bởi những bài viết phân tích về nền kinh tế chỉ huy ở một số nước Đông Âu. Dưới đây là bài viết mới nhất của ông về chủ đề tập trung hóa trong quản lý nhà nước qua bản dịch của TS Nguyễn Quang A.
Gần đây ở một đại học địa phương người ta chỉ cho tôi các hạn mức tuyển sinh mà khoa kinh tế học nhận được từ bộ cho năm học này, dẫn từ các ngưỡng điểm tuyển quốc gia: “sinh viên đào tạo cơ bản 750, sinh viên cao học (thạc sĩ) 120,” và vân vân. Hầu như tôi đã không muốn tin vào mắt mình. Đúng, chính xác là 120 sinh viên cao học, và không phải 119 hay 121. Tôi đã tìm những người có trách nhiệm ở các đại học khác, những người đã xác nhận rằng họ cũng đã nhận được các hạn mức bằng số chi tiết tương tự từ cơ quan cấp trên. Chẳng ai trong số những người đại học có thể cho tôi biết chính xác các con số này hình thành thế nào. Họ đoán rằng từ đâu đó “ở trên” đã sinh ra từng con số hạn mức toàn quốc liên quan đến mỗi ngành đào tạo và họ phân các con số này xuống cho các tổ chức.
Những ký ức của 55 năm trước chợt hiện ra trước tôi; năm 1956 tôi chuẩn bị luận văn phó tiến sĩ của mình, và tôi đã thường xuyên nói chuyện với các giám đốc doanh nghiệp trong ngành công nghiệp nhẹ. Họ bất mãn kể lại, họ đã nhận được các chỉ thị kế hoạch chi tiết đến thế nào từ bộ. Bộ quy định cho họ rằng, trong năm tới – phân ra từng loại vải và từng loại khổ rộng – phải sản xuất bao nhiêu mét vuông vải len hay vải bông. Họ la, “ở trên” người ta lấy từ đâu ra các con số cụ thể này giữa những bất trắc của sản xuất và thị trường tiêu thụ? Dựa vào những nghiên cứu của mình luận văn của tôi đã hoàn thành, mà sau những sự kiện sóng gió ban đầu, đã được xuất bản năm 1957 với tiêu đề Sự tập trung quá mức của quản lý kinh tế.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ đó. Suốt hàng thập kỉ qua, ngay trong mơ cũng đã chẳng xuất hiện trong tôi ý nghĩ rằng đề tài của cuốn sách đầu tiên của mình, sự tập trung quá mức, lại trở nên có tính thời sự. Thế mà điều này đã xảy ra. Chủ đề của bài báo của tôi là xu hướng tập trung hóa có thể cảm nhận thấy mạnh mẽ trong hai mươi tháng vừa qua…
Các thí dụ

Tôi bắt đầu không với những định nghĩa, mà với các thí dụ. Tôi trình bày không theo thứ tự quan trọng, mà theo các khu vực của xã hội và của nền kinh tế. Khi chúng ta đến cuối các thí dụ, sẽ trở nên rõ ràng đối với bạn đọc rằng tôi gọi cái gì là “xu hướng tập trung hóa”.

CÁC BỘ. Chính phủ bị thay thế năm 2010 đã có 12 bộ; trong chính phủ mới số bộ giảm xuống còn 8.

NGÂN HÀNG QUỐC GIA HUNGARY. Quốc hội trong công việc gấp rút cuối năm đã thông qua luật ngân hàng trung ương mới. Thoạt nhìn, luật cốt yếu mới này chỉ quy định những thay đổi hình thức. Thế nhưng trong thực hành chính trị thực sự, trong thực tế nó cho phép chế độ Fidesz nắm việc chỉ đạo chiến lược của Ngân hàng Quốc Gia Hungary, vì ý chí của Fidesz chiếm ưu thế trong các hoạt động của cả chính phủ, của quốc hội mà nó nắm đa số hai phần ba, lẫn của tổng thống cộng hòa. Quyền quyết định của Hội đồng Tiền tệ, hội đồng đóng vai trò quyết định trong việc hình thành chính sách tiền tệ, tăng lên. Thủ tướng có thể đề xuất – bên cạnh hai phó chủ tịch từ trước đến nay – thêm một phó chủ tịch nữa; đề xuất của ông ta hiển nhiên sẽ được tổng thống chấp nhận. Bốn thành viên mới đã lọt vào Hội đồng Tiền tệ rồi dưới chính phủ Orbán; bây giờ có thể bổ nhiệm thêm hai thành viên nữa. Số người của họ chiếm đa số, và các thành viên được chế độ Fidesz bổ nhiệm còn có thể có đa số mạnh hơn trong một hội đồng, nơi các quyết định được đưa ra bằng đa số phiếu. Vị trí của chủ tịch Ngân hàng Quốc gia lung lay. Các quy định quá độ của Luật cơ bản mới cho phép việc hợp nhất Ngân hàng Quốc gia và Cơ quan Nhà nước Giám sát các Tổ chức Tài chính Hungary. Bất luận việc hợp nhất sẽ có hữu ích về mặt chuyên môn hay không, nó tạo cơ hội cho việc hình thành một tổ chức được hợp nhất, một “siêu cấu trúc” mà người ta có thể bổ nhiệm lãnh đạo mới đứng đầu nó và hạ cấp chủ tịch Ngân hàng Quốc gia thành phó chủ tịch. Không ai biết liệu các luật mới liên quan đến ngân hàng trung ương sẽ có sống lâu hay không. Bài báo của tôi không xét việc phỏng đoán. Trong mọi trường hợp, chỉ riêng sự thực rằng các luật đặc biệt quan trọng này đã được thông qua bất chấp những sự phản đối từ trong nước và nước ngoài, chứng minh sức mạnh của xu hướng tập trung hóa, tức là quyết tâm của ban lãnh đạo cao nhất tập trung tất cả quyền lực vào tay mình.

CÁC CƠ QUAN GIÁM SÁT VÀ ĐIỀU TIẾT. Trước khi thay đổi chính phủ, Ủy ban Ngân sách đã có bộ máy nghiêm túc làm việc song song với Bộ Tài chính; đã phải thực hiện những công việc tính toán tương tự – nhưng độc lập với Bộ Tài chính – như các tính toán được tiến hành trong bộ máy chính phủ. Họ đã chấm dứt sự song song, về sau Ủy ban Ngân sách không còn bộ máy phân tích riêng của mình.

Trước đây có bốn ombudsman (ủy viên [thanh tra] độc lập của quốc hội) hoạt động song song nhau1. Dưới chế độ mới sẽ có một ombudsman duy nhất. Trước kia các ombudsman lên tiếng với tư cách lương tâm sống động của các công dân – bây giờ hoạt động này trở thành một phần hoạt động của bộ máy nhà nước.

Dưới thời chính phủ trước, Thanh tra Bảo hiểm Y tế đã được thiết lập, với các nhiệm vụ khác với của ÁNTSZ (Cục Sức khỏe Nhân dân và Quân y – Állami Népegészségügyi és Tisztiorvosi Szolgálat – National Public Health and Medical Officer Service) và Bộ Y tế khi đó. Bây giờ người ta chấm dứt Thanh tra – phạm vi quyền hạn của nó một phần được giao cho các cơ quan khác, một phần còn bỏ trống.

CÁC LỰC LƯỢNG VŨ TRANG. Lực lượng Bảo vệ Hải Quan và Tài chính được hợp nhất với Cục quan Kiểm soát Thuế và Tài chính để hình thành Cục Thuế và Hải quan Quốc gia.
Trung Tâm Chống Khủng bố được thành lập kết hợp chức năng của nhiều tổ chức tách biệt trước đây. Cựu cận vệ chính của Thủ tướng Orbán Viktor được bổ nhiệm chỉ huy Cục này.

Hội đoàn Bảo vệ Trật tự Hungary được thành lập dưới hình thức “nghiệp đoàn chủ nghĩa” kỳ lạ, nửa-nhà nước. Tất cả các thành viên của các tổ chức bảo vệ bắt buộc phải tham gia Hội đoàn này, mà nó hoạt động như một cơ quan bảo vệ quyền lợi. Sự ủy nhiệm này ở mức độ nào đó sẽ đẩy các tổ chức công đoàn khỏi quá trình đại diện.


CÁC CHÍNH QUYỀN TỰ QUẢN ĐỊA PHƯƠNG. Luật chính quyền tự quản địa phương mới tước đi nhiều nhóm nhiệm vụ lớn của chính quyền tự quản địa phương. Tôi nhấn mạnh riêng rằng trong tương lai toàn bộ lĩnh vực giáo dục, y tế và phòng chống tai họa sẽ thuộc về trách nhiệm của chính phủ trung ương.

Phần lớn các cơ quan quản lý nhà nước địa phương được gộp vào các cơ quan chính quyền cấp tỉnh, từ các cơ quan đất đai, đến các tổ chức bảo hiểm, và các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng. Đứng đầu các cơ quan này là các phái viên chính phủ do thủ tướng bổ nhiệm.
 
TƯ PHÁP. Cho đến nay mạng lưới tòa án được chỉ đạo bởi một hội đồng độc lập với hình thức tự quản đặc thù. Hội đồng này bị thay bởi Cơ quan Tòa Án Toàn quốc, mà lãnh đạo của nó do Quốc hội (tức là trong trường hợp này do lãnh đạo của đảng nắm quyền) bổ nhiệm. Bây giờ một cách tình cờ là vợ của một trong những nhân vật ảnh hưởng nhất của Fidesz đảm nhiệm trọng trách này, bà đích thân quyết định về việc bổ nhiệm và cất nhắc các thẩm phán. Bà quyết định vụ nào do tòa nào xử.

TRUYỀN THÔNG ĐẠI CHÚNG. Từ việc hợp nhất nhiều cơ quan hình thành một cơ quan tối cao về các vấn đề truyền thông đại chúng, với tên gọi đầy đủ là Nhà chức trách Quốc gia về Truyền thông đại chúng và Truyền tin, có phạm vi quyền hạn rộng lớn từ theo dõi nội dung của các kênh truyền hình và phát thanh đến phân chia tần số. Bên cạnh nó, có một hội đồng, cái được gọi là Hội đồng Truyền thông Đại chúng, mà các thành viên của nó toàn là người của nhóm chính trị trong chính phủ.

Trước đó các kênh TV và phát thanh do nhà nước sở hữu và được cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước đã hoạt động tách biệt với nhau, cũng vậy là Thông tấn xã Nhà nước. Bây giờ các tổ chức này được hợp nhất thành một trung tâm khổng lồ được gọi là Quỹ Hỗ trợ Dịch vụ Truyền thông đại chúng và Quản lý Tài sản (MTVA). Tổ chức tối cao này tập trung việc cấp tài chính, và không ít quan trọng hơn, có quyền chọn, thuê và sa thải cán bộ.

Trước khi sáp nhập, các ban biên tập đài truyền hình và phát thanh nhà nước tự chọn các nguồn tin của mình. Bây giờ tất cả chúng buộc phải dùng tin của văn phòng tin trung ương.


BẢO HIỂM. Cải cách trong các năm 1990 đã tạo ra hệ thống hưu bổng dựa trên ba “trụ cột”, cụ thể là bảo hiểm nhà nước bắt buộc, bảo hiểm tư nhân bắt buộc, và bảo hiểm tư nhân tự nguyện. Bây giờ chính phủ về cơ bản đã thủ tiêu trụ cột thứ hai, đã chiếm đoạt phần lớn tài sản của nó và đã tiêu hết một phần, còn các nghĩa vụ của nó về nguyên tắc được đẩy sang cho cột trụ thứ nhất, bảo hiểm nhà nước bắt buộc.

Các ngân hàng thương mại đã lập ra một tổ chức bảo hiểm đặc biệt, Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi Toàn quốc, đảm bảo chi trả các khoản tiền gửi trong trường hợp có rắc rối trong khu vực ngân hàng. Quỹ này do các ngân hàng cấp kinh phí. Bây giờ, dưới áp lực của chính phủ các ngân hàng buộc phải giao việc quản lý tài sản của quỹ cho một cơ quan nhà nước, Trung tâm Xử lý Nợ Nhà nước (ÁKK).

CÁC DỊCH VỤ. Tại Budapest bảy công ty độc lập trước đây cung cấp các dịch vụ tắm chữa bệnh, vệ sinh đường phố, tang lễ và mai táng vân vân được hợp nhất thành một hãng. Siêu công ty mẹ này cũng đại diện cho thủ đô trong các doanh nghiệp dịch vụ được tư nhân hóa hoàn toàn hay một nửa (thí dụ các doanh nghiệp cung cấp nước và gas vân vân).

Thương nghiệp thuốc lá được quốc hữu hóa. Người ta giảm số vị trí bán lẻ thuốc lá từ 40.000 xuống còn 5.000.

Như tôi đã nhắc đến, các bệnh viện do các chính quyền tự quản cấp tỉnh duy trì cho đến nay, được chuyển sang cho chính phủ trung ương. Chúng ta ta có thể tính đồng thời đến sự thay đổi quan hệ sở hữu, đến việc sáp nhập và giải thể mà người ta sẽ tiến hành, mà do đó số các tổ chức sẽ giảm đi. Việc tổ chức lại tạo cơ hội để bổ nhiệm các lãnh đạo mới.

Việc loại bỏ nước thải bẩn của các nhà trong các khu chưa có cống rãnh thải nước bẩn của Budapest được hút và chở bằng xe bồn và một phần do các công ty tư nhân tiến hành, trong thời gian tới sẽ là nhiệm vụ của công ty thuộc sở hữu thành phố. Bằng khuyến khích vật chất mạnh mẽ người ta ép buộc sự tập trung việc hút chở bằng xe bồn: nếu người dân vẫn ủy thác cho hãng tư nhân hút chở nước bẩn họ phải trả gấp đôi: trả đầy đủ giá một lần cho công ty tư nhân và một lần nữa cho công ty của thành phố.


GIÁO DỤC, VĂN HÓA, KHOA HỌC, GIẢI TRÍ. Như tôi đã nhắc đến, các trường phổ thông và trung học trước đây thuộc sở hữu của các chính quyền tự quản địa phương chuyển thành sở hữu của chính phủ trung ương. Nhưng trước việc này người ta đã tổ chức lại việc điều khiển các trường gimnázium (các trường trung học hướng đại học) do thủ đô sở hữu rồi. Việc quản lý chúng đã được tập trung; đã hình thành Tổ chức Kinh tế của các gimnázium (GGSZ). Trước kia việc bổ nhiệm giáo viên là quyền của hiệu trưởng; bây giờ cần sự đồng ý của GGSZ. Trước kia mỗi trường gimnázium tự cai quản hạn mức tài chính của mình. Bây giờ mỗi trường gimnázium nhiều nhất có thể quyết định chi vài ngàn forint “tiền tiêu vặt” mà không cần cho phép trước của GGSZ. Đến khi các trường gimnázium quen với tổ chức mới, có thể kỳ vọng sự tập trung hóa thêm, bởi vì các trường gimnázium bây giờ chuyển sang thuộc sở hữu của chính phủ trung ương.

Theo luật cốt yếu về giáo dục công, chúng ta hấp tấp tiến về hướng chương trình giảng dạy đồng đều, tập trung. Tính độc lập của giáo viên hầu như chấm dứt; 90 phần trăm phải theo chương trình bắt buộc và chỉ có 10 phần trăm là chương trình tự chọn. Trước kia, các trường do chính quyền địa phương sở hữu đã có quyền tự do lớn hơn để điều chỉnh chương trình giảng dạy của mình cho hợp với các điều kiện địa phương, bây giờ người ta muốn ép buộc sự đơn điệu.

Cho đến nay các đại học cũng không hoàn toàn tự trị. Bây giờ sự nửa tự trị này sẽ giảm một cách đáng kể. Trước kia hiệu trưởng được bổ nhiệm qua quá trình hai bước. Hội đồng trường chọn từ nhiều ứng viên và người mà cuối cùng hội đồng lựa chọn được chính phủ bổ nhiệm. Chính phủ chỉ có thể bổ nhiệm người do hội đồng trường đề xuất. Chính phủ có quyền phủ quyết đề nghị của đại học, nhưng rất ít khi sử dụng khả năng này. Từ nay sẽ khác. Hiệu trưởng sẽ do chính phủ lựa chọn và bổ nhiệm, trong quá trình chuẩn bị các hội đồng của đại học chỉ có quyền bày tỏ ý kiến; ngay cả nếu không đồng ý với sự lựa chọn, thì cũng không có quyền phủ quyết. Cũng như trước, tổng thống sẽ đóng dấu ấn vào văn kiện bổ nhiệm. Nói cách khác, khâu mấu chốt của quá trình lựa chọn được chuyển từ đại học sang tay của chính phủ trung ương.

Làn sóng tập trung hóa quét qua mạng lưới các viện nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Hungary. Các viện nghiên cứu khoa học tự nhiên và xã hội có uy tín cao đã hoạt động độc lập và tách biệt suốt nhiều thập kỷ được dồn vào các nhóm và đặt dưới sự lệ thuộc vào các trung tâm mới được tạo ra.

Sự sáp nhập và tập trung hóa xảy ra trong lĩnh vực đào tạo nghề nghiệp, các trung tâm đào tạo chuyên môn hợp nhất xuất hiện.

Cho đến nay việc cấp tài chính công cho nhiều hoạt động liên quan đến nghệ thuật và khoa học và các nhiệm vụ phúc lợi xã hội được phân phối qua các quỹ công cộng. Một phần của các quỹ công cộng này tích tụ được tài sản đáng kể. Các quỹ công cộng này thể hiện các hình thức đặc thù của sự tự quản chuyên môn; các hội đồng quản trị (board of trustees) bao gồm các đại diện xuất sắc của ngành nghệ thuật hay khoa học liên quan, hoặc hoạt động xã hội, và họ quyết định về các khoản tài trợ theo tiếng gọi lương tâm chuyên môn của họ. Người ta đã chấm dứt các quỹ công cộng. Nhiệm vụ, tài sản và quyền quyết định về hỗ trợ của phần lớn các quỹ công cộng, cụ thể là của 24 quỹ, được chuyển vào tay các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Viện 1956, một tổ chức độc lập trước đây, bị sát nhập vào Thư viện Quốc gia Szécheny. Tương tự, Cơ quan Lưu trữ Lukács đã mất tính độc lập; nó bị gộp vào thư viện của Viện Hàn lâm Khoa học Hungary.

Người ta bổ nhiệm một phái viên chính phủ đứng đầu nhà hát Opera Quốc gia Budapest. Không phải bộ trưởng văn hóa, mà đích thân thủ tướng quyết định việc lựa chọn phái viên chính phủ.

Người ta sáp nhập Bảo tàng Mỹ thuật và Gallery Quốc gia Hungary.


Người ta sáp nhập nhà hát cabaret Mikroszkóp (diễn các vở vui nhộn) và nhà hát Thália, mà chủ yếu là nhà hát để giới thiệu các tác phẩm nghiêm túc.


Hội đồng thành phố Budapest đã có nghị quyết nguyên tắc để sáp nhập Trung tâm văn hóa thanh niên Petőfi (Petőfi Csarnok) với Nhà Nghệ thuật Đương đại Trafó.


Gallery Budapest sẽ sát nhập vào Bảo tàng Lịch sử Budapest.


Người ta tập trung việc tài trợ nhà nước cho sản xuất film. Phái viên chính phủ được chỉ định, Vajna Andy, đòi cho mình “quyền cắt cuối cùng” đối với các film được nhà nước tài trợ chủ yếu.


Cái gì là chung trong các thí dụ này?

Tôi đã nêu ra ba mươi ba thí dụ. Sẽ không khó để phát hiện ra các thí dụ thêm. Bên cạnh những thay đổi “lớn”, có tác động với sức mạnh kịch tính, như việc xóa bỏ trụ cột thứ hai của hệ thống hưu bổng, hay việc thiết lập cơ quan trung ương đầy quyền lực đe dọa nghiêm trọng đến tính độc lập của tòa án, hoặc luật ngân hàng nhà nước mới, tôi đã chủ ý liệt kê những sự thay đổi “nhỏ”, thí dụ như việc đặt hai gallery hay hai cơ sở giải trí dưới các Thủ trưởng chung. (Tuy các sự kiện sau rõ ràng cũng làm xáo trộn cuộc sống của những người liên quan). Sở dĩ bên cạnh những chấn động có sức mạnh to lớn, tác động đến cuộc sống của hàng triệu con người, tôi cũng liệt kê những thay đổi vụn vặt, nực cười, hầu như kỳ quái nữa, là để minh họa: sự tập trung hóa và sự sáp nhập thực sự đã trở thành chứng cuồng (mania). Bất cứ đâu cảm thấy có vấn đề gì đó, thì phương thuốc bách bệnh là tập trung hóa và hợp nhất. Tôi muốn cho thấy rằng các cú đẩy tăng tốc của những sự biến đổi đã khuấy tung hoạt động quen thuộc của nhiều loại cơ quan đến thế nào trong cơ cấu xã hội. Việc tái tổ chức đột ngột xảy ra một cách đồng thời ở nhiều nơi đến như vậy khiến chúng ta có lý để sử dụng công thức Hegelian: sự thay đổi số lượng đã chuyển thành sự thay đổi chất lượng; toàn bộ những thay đổi cùng nhau đã làm thay đổi triệt để hệ thống kiểm soát.


Hình thức pháp lý của những sự thay đổi – sự nhanh trí đáng chú ý! – là khác nhau theo từng mục. Có nơi người ta hợp nhất các tổ chức độc lập, có nơi quy trình bổ nhiệm thủ trưởng được thay đổi, có nơi bằng việc mở rộng số các thành viên hội đồng tạo khả năng tăng cường của ảnh hưởng trung ương, có nơi điều lệ bị thay đổi. Thế thì, hình mẫu, “pattern”, nào là chung trong cả ba mươi ba sự kiện?


Mọi bộ máy nhà nước nhất thiết được tập trung. Sự tập trung hóa bên trong bộ máy nhà nước mạnh lên, nếu (i) người cấp trên có ít người cấp dưới hơn, và vì thế với năng lực chỉ đạo và kiểm tra cho trước, cấp trên có khả năng chỉ huy họ một cách dứt khoát hơn. Sự tập trung hóa mạnh lên nếu (ii) số mức trên-dưới giảm đi. Sự tập trung hóa mạnh lên nếu (iii) các mệnh lệnh trở nên chi tiết hơn. Sự tập trung hóa mạnh lên nếu (iv) việc bổ nhiệm những người do lãnh đạo chính trị tối cao lựa chọn vào tất cả các vị trí quan trọng trở nên dễ dàng hơn. Xét toàn bộ xã hội, sự tập trung hóa tăng lên nếu (v) các hoạt động trước đây được tiến hành một cách tự trị, bên ngoài bộ máy nhà nước, rơi vào sự kiểm soát nhà nước một phần hay toàn bộ. Và, cuối cùng, sự tập trung hóa tăng lên nếu (vi) các quá trình trước đây xảy ra bên ngoài bộ máy nhà nước và không có sự giám sát và can thiệp của nhà nước, sau này bị nhà nước giám sát và can thiệp.


Trong tất cả các thí dụ, có thể chỉ ra ít nhất một trong những thay đổi loại (i) đến (vi) theo hướng tăng cường sự tập trung hóa. Có thí dụ, trong đó không chỉ có một, mà có hai hay nhiều thay đổi thuộc loại (i)–(vi). Kết luận này cho phép tôi khẳng định: chúng ta đối mặt không phải với một sưu tập ngẫu nhiên của những thay đổi. Hướng của tất cả những thay đổi được liệt kê này có thể cảm nhận được rõ ràng: tăng cường sự tập trung hóa. Tôi gọi quá trình biến đổi sắc nét, có thể cảm nhận được rõ ràng, có tác động sâu sắc và nhanh đến chóng mặt này là xu hướng tập trung hóa.


Tôi đưa vào một tên gọi trung lập, không chứa phán xét giá trị, theo tinh thần của cách tiếp cận thực chứng, khoa học. Phân tích chuẩn tắc và phán xét giá trị sẽ diễn ra muộn hơn trong bài báo. Ngay cả những người tán thành những thay đổi này cũng chẳng bõ công đi phủ nhận sự tồn tại của xu hướng tập trung hóa như vậy.


Một số giữa các hình thái, các quy định pháp lý và các hình thức tổ chức mới hình thành sau những thay đổi, có thể thấy thấy ở cả các nền dân chủ phương Tây nữa, nhưng ở đó bản thân chúng không làm tan rã các nền tảng của nền dân chủ. Nét đặc thù của sự biến đổi hai mươi tháng ở Hungary là, cùng một lúc rất nhiều yếu tố chuyển động theo hướng tập trung quá mức và hủy hoại các cơ chế tự trị, những thay đổi rất nhiều loại, và tự tăng cường lẫn nhau này đã hợp thành một xu hướng.

---
* Központosítás és kapitalista piacgazdaság đăng trên nhật báo Népszabadság ngày 28-1-2012, Nguyễn Quang A dịch từ nguyên bản tiếng Hungary có tham khảo bản dịch tiếng Anh.

1. Đó là các omdusman về (1) các quyền công dân, (2) bảo vệ dữ liệu, (3) các quyền thiểu số, và (4) các thế hệ tương lai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét