Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

ĐẤT NƯỚC TA LIỀN MỘT DẢI MỤC NAM QUAN ĐẾN MŨI CÀ MAU

ĐẤT NƯỚC TA LIỀN MỘT DẢI MỤC NAM QUAN ĐẾN MŨI CÀ MAU

Tác giả: Tô Văn Trường
Nguồn: vietecology.org

Đối với bất cứ vật gì thì “mũi” là nơi nhạy cảm và quan trọng bậc nhất. Từ thuở “mang gươm đi mở cõi”, ông cha ta đã gọi mỏm đất cực Nam ấy là “Mũi Cà Mau” cũng vì nhận thức được tầm quan trọng của nó. Mũi Cà Mau là điểm cực Nam của dải đất hình chữ S , tạo nên hình hài độc đáo của Tổ quốc ta trên bản đồ thế giới để mọi người dễ tìm, dễ thấy. Và mỏm đất quan trọng bậc nhất ấy đang có nguy cơ bị biến mất do sự tác động của sóng gió, biến đổi dòng chảy nhưng chủ yếu do sự vô tâm và vô cảm của con người.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng cả ở trung ương và địa phương trong mấy năm gần đây đã luôn cảnh báo tình trạng mũi Cà Mau đã và đang bị sạt lở nghiêm trọng. Ngay cả con lộ đá, rộng khoảng 4 m được bảo vệ phía ngoài bằng kè đá vững chắc, với các nhà nghỉ cho khách du lịch thì nay, tất cả các công trình nói trên đã bị “Hà Bá” nuốt chửng! Con lộ xi măng dọc theo khu du lịch Lý Thanh Long, dẫn đến một nhà hàng thủy tạ cũng đã bị sóng biển cuốn trôi. Ngay cả dãy bờ biển chạy dọc về hướng đông cũng đang hàng ngày hứng chịu cảnh biến xâm thực đất liền.

Đất Mũi Cà Mau lấn ra biển nhìn từ hướng Đông Nam


Nhiều người dân sống ở địa phương cho rằng việc xói lở do tác động của con người vào tự nhiên từ khi xây dựng khu du lịch Mũi Cà Mau, đưa cơ giới vào đào xới, lấy cát vùng bãi bồi, đào hào lấy đất xây lộ làm đảo lộn cân bằng môi trường sinh thái. Nhiều vùng lân cận phá rừng ngập mặn, nuôi tôm cũng tác động đến biến đổi dòng chảy và đa dạng sinh học của cả khu vực. Người viết bài này, có lần được nghe trực tiếp Thủ tướng Võ Văn Kiệt kể lại, Ông đã phải 2 lần đích thân đi chỉ huy dẹp lọan “phá rừng ngập mặn” nuôi tôm ở bán đảo Cà Mau . Ông Sáu Dân cũng là người chỉ đạo, dốc lòng cổ vũ, góp sức xây dựng rừng ngập mặn Cần Giờ thành “lá phổi” của thành phố Hồ Chí Minh. Vai trò, giá trị của rừng ngập mặn rất quan trọng như tấm lá chắn bảo vệ đất liền, là nơi cư trú của nhiều loại thủy hải sản, và đặc biệt là tác dụng lấn biển của cây mắm, cây đước. Không chỉ ở đất Mũi Cà Mâu, mà ngay tại vùng ven sông Cần Giuộc, từ năm 1975 đến nay cũng đã lở vào khoảng 200 m đất. Ngày xưa ven sông là dãy bần , mắm và dừa nước mọc dọc bờ sông. Lúc đó, sinh hoạt đường thủy là chính, nhà nào cũng có một cầu tàu nhỏ vừa đủ để làm bến ghe lúc nước ròng, vừa làm nơi lấy nước sinh hoạt. Chỉ có khu vực cầu khoảng 1m là không có cây mắm, cây bần, xen kẽ là một dãy cây xanh gần giống rừng phòng hộ Cần Giờ. Những năm đời sống khó khăn sau 1975, cây mắm, cây bần được chặt làm củi tận gốc , dần dần bị mất tiêu. Dừa nước cũng không ai trồng vì không còn bán được lá. Thế là dòng sông mất đường viền bảo vệ và sạt lở “gặm nhấm ” dần vào sâu đất thổ cư và vườn ruộng.
Nhìn lại quá trình chinh phục thiên nhiên, chúng ta đã tốn không biết bao nhiêu là tiền của vào công tác nghiên cứu và xây dựng các công trình chống xói lở từ Nam ra Bắc. Thành công có nhưng thất bại cũng không ít. Tôi nhớ có lần Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ phát biểu trong cuộc hội thảo đại ý như sau: “Xưa kia mối khi thất bại điều gì , chúng ta thường bảo do tại ĐQPK (đế quốc phong kiến) ngày nay nếu công trình nào thất bại dễ nhất là cứ đổ cho BĐKH (biến đổi khí hậu)“! Nghe thật chua xót, đắng cay nhưng đó là sự thật. Trong quản trị/kinh tế đã lâu rồi người ta không chỉ nói đến tài sản hữu hình mà còn nói đến cả tài sản vô hình. Diện tích của một quốc gia, có bao nhiêu đảo, bao nhiêu đất thì đó chỉ là tài sản hữu hình. Nhiều quốc gia hùng mạnh từng đi xâm chiếm các nước khác để cướp đoạt tài nguyên và tài sản hữu hình này thì nay họ thu hút tài sản vô hình đó bằng nguồn nhân lực. Các nhà khoa học trên thế giới đã cảnh báo sự nóng lên toàn cầu là nguyên nhân chủ yếu gây ra hàng loạt thiên tai như nước biển dâng, xâm nhập mặn có thể đến năm 2050 sẽ làm mất đi một phần lãnh thổ của nhiều nước trên thế giới, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long của chúng ta sẽ phải gánh chịu nặng nề. Song cái Mũi Cà Mau, biểu tượng tự hào của Tổ quốc luôn vươn lên, tiến ra biển chứ không phải đứng trước biển là tài sản quốc gia phải được gây dựng từ hiệp đồng trí tuệ của cả một dân tộc kể cả các chuyên gia Việt Nam đang sống và làm việc ở nước ngoài. Có thể biến đổi khí hậu, nước biển dâng sẽ đe dọa làm mất đi nhiều phần của lãnh thổ song chúng ta không chỉ giữ hình ảnh Mũi Cà Mau trong sách sử mà hãy gây dựng và trỗi dậy những giá trị của Mũi Cà Mau, giá trị chinh phục vùng đất mới mà bây giờ không phải là những vùng đất hữu hình mà là vùng đất khoa học kỹ thuật với đầy trách nhiệm xã hội cho cộng đồng và nhân loại.
Để có giải pháp phòng chống thiên tai và “nhân tai” đang hàng ngày, hàng giờ đe dọa xâm thực Mũi Cà Mau, trước hết phải xác định được đúng nguyên nhân thực chất bằng định lượng về xói lở mũi Cà Mau (có chẩn đoán đúng bệnh mới chữa được bệnh). Từ lâu, các nhà khoa học trên thế giới đã nhận thức khu vực ven biển là một hệ thống rất đa dạng và phức tạp gồm những vùng bị ngập bởi thủy triều, rừng ngập mặn, đầm lầy, và bãi triều, bãi biển, cồn cát cho nên rất cần quy hoạch tổng thể đới bờ biển theo hướng tiếp cận liên ngành. Các chương trình quản lý tổng hợp đới biển bao gồm cả công tác phòng chống thiên tai và bảo tồn tài nguyên. Sự tham gia của người dân sẽ là sự đảm bảo hữu hiệu của các giải pháp quản lý. Cách tiếp cận hiệu quả nhất để phát triển ven biển và kỹ thuật ven biển là thích ứng hay bắt chước thiên nhiên. Các phương pháp đánh giá tác động môi trường kể cả đánh giá tác động về xã hội (SIA) là cần thiết để quản lý hiệu quả đới bờ, cải thiện hỗ trợ cho công tác quy hoạch và ra quyết định, đồng thời là cách đo lường những gì có thể xảy ra với người dân do thay đổi môi trường cụ thể.
Ngày nay, bài toán quy hoạch tích hợp cho việc nghiên cứu lượng hóa vùng mũi Cà Mau, theo chúng tôi cần được tiến hành các bước cụ thể sau đây: (1) Đánh giá hiểm họa bao gồm thu thập các số liệu cơ bản trên biển Đông và vùng ven biển Cà Mâu (trường gió, trường áp suất, các thành phần của thủy triều), cũng như tài liệu địa chất của vùng bờ Cà Mâu. Tính toán mô hình thủy lực (có hiệu chỉnh) cho biển Đông để xác định dòng chảy theo các mùa khác nhau. Kết quả của mô hình này sẽ được dùng làm điều kiện biên cho mô hình vùng ven biển Cà Mâu. Xây dựng mô hình tính sóng biển (có hiệu chỉnh) cho vùng ven biển của Cà Mâu. Xây dựng mô hình thủy lực (có hiệu chỉnh) kết nối với mô hình sóng cho vùng ven biển. Các mô hình này được kết nối với mô hình biến hình có hiệu chỉnh (morphology) cho vùng ven biển. Xây dựng bản đồ xói lở (bồi lắng) cho vùng ven biển Cà Mâu theo các kịch bản khác nhau. (2) Đề xuất Quy hoạch tích hợp (Integrated Coastal Zone Management-ICZM) trong đó có các quy hoạch sử dụng đất theo nghĩa rộng , quy hoạch đô thị kết hợp phát triển du lịch, các công trình bảo vệ bờ kết hợp giao thông, công trình giảm thiểu năng lượng sóng vv…(3) Đánh giá lại hiểm họa dựa trên quy hoạch đề nghị, tính toán hiệu quả kinh tế-xã hội-dân sinh của các phương án quy hoạch. 4) Bước 1 đến 3 nói trên cần được xem xét cẩn thận, rà đi rà lại để tìm ra các luận cứ đúng đắn và tối ưu nhất để có được một quy hoạch bền vững. Nếu không thực hiện theo các bước kể trên mà vội vã xây dựng các công trình chống xói lở ở Mũi Cà Mau thì lại “tiền mất, tật mang” tiếp tục làm mồi cho “Hà Bá”!
Mũi Cà Mau, mảnh đất nhỏ bé và vô cùng thiêng liêng của Tổ quốc ta đang đứng trước nguy cơ bị biến mất! Trước bao nhiêu giông bão (về cả nghĩa đen và nghĩa bóng) mũi Cà Mau vẫn đứng vững, thế mà mũi Cà Mau có thể mất đi trong nay mai chủ yếu bởi chính chúng ta – những con người đã từng hy sinh để bảo vệ giữ gìn nó. Phải hành động ngay bằng mọi cách với các chương trình, kế hoạch cụ thể đồng bộ trước mắt cũng như lâu dài, để giữ gìn và tôn tạo vững chắc mảnh đất thiêng liêng ấy cho muôn đời con cháu chúng ta, để chúng mãi mãi còn được đọc vang trong lớp học một cách tự hào câu thơ từ lâu đã trở thành ca dao:
“Đất nước ta liền một dải
Từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét