Rắn thần Naga và thả chim phóng sinh ở Lào (Phần I)
Mười ngày trước tôi có chuyến bay sang Lào cùng nhiều nhà báo để tham dự lễ khai trương Chi nhánh Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) tại Thủ đô Viên Chăn. Về lễ khai trương này nhiều tờ báo trong nước và cả nước ngoài đã đưa tin nên tôi không nhắc lại. Trong bài viết này tôi chỉ đê cập đến một chuyện mà trong chuyến sang thăm Lào lần này và chuyến sang trước vào đầu năm 2011với tư cách là khách du lịch “ta ba lô” tôi đã cảm nhận và khám phá được. Đó là chuyện về Rắn thần Naga mà ai đã từng đến Thái Lan, Campuchia và Lào đều được nghe, được biết; chuyện tôi từng thả chim phóng sinh khi đến thăm một ngôi chùa ở cố đô Luong phrabang, Lào và những gì đôi đọc trên báo giấy, báo mạng nói về chuyện phóng sinh chim lâu nay tôi không để ý tới.
Theo nhiều tài liệu và bài báo đăng trên các báo mạng, nhất là nghe chàng hướng dẫn viên du lịch người Lào, có tên Việt Nam là Đăng, từng ở Việt Nam nhiều năm nên rất thạo tiếng Việt, hướng dẫn chúng tôi đi thăm nhiều ngôi chùa cổ kính ở thủ đô Viên Chăn, thì Naga trong tiếng Phạn có nghĩa là rắn lớn, nhằm chỉ con rắn hổ mang, loài rắn có nọc độc rất nguy hiểm. Rắn hổ mang còn tượng trưng cho thần Siva, còn rắn Naga có tới 7 đầu, bao hàm cả hai ý nghĩa hủy diệt và tái sinh.
Chàng Đăng, hướng dẫn viên du lịch Lào kể rằng, theo truyền thuyết, khi Phật Thích Ca ngồi thiền định, thấy trời mưa, Rắn Thần Naga 7 đầu đã xoè ra thành cái tán che cho Phật. Một truyền thuyết khác trên nhiều trang báo mang lại kể rằng, một lần Đức Phật trông thấy một con rắn khổng lồ xuất hiện trên sông Mê Kông, gần thị trấn Noọng Khai (một thị trấn nhỏ ở Đông Bắc Thái Lan, giáp Lào, chỉ cách thủ đô Viên Chăn trên 70 km mà cả hai lần thăm Lào tôi đều đến đây), mình đeo thắt lưng, hai mắt đỏ như hai hòn ngọc, đầu có bờm che phủ. Đó chính là Rắn Thần Naga, người ban nguồn nước và bình an cho những ai cầu khẩn Ngài. Vì thế hiện nay, vào đêm trăng rằm cuối cùng của mùa ăn chay, ở Noọng Khai, hàng năm đều có Lễ hội Thần Rắn, có hàng ngàn du khách hiếu kì ở Thái Lan, Lào và nhiều nước đến xem.
Tôi đọc trên báo mạng internet bài viết của Th,s Phan Anh Tú ở Đại hoc Quốc gia TP Hồ Chí Minh còn được biết, Rắn Thần Naga vốn có quan hệ mật thiết với Makara, vật cưỡi của Thủy thần Vanura trong đạo Bà La Môn. Thần phả Ấn Độ mô tả thủy quái Makara có thân hình giống cá sấu, rồng hay giống Rắn Thần Naga nhưng lại có bốn chân và chỉ có một chiếc đầu. Trong văn hóa Khmer, Lào và Thái Lan, Makara thường được miêu tả với chiếc miệng rộng, đang phun ra rắn Naga, cây cỏ hay hoa lá v.v…
Còn một số tác giả nghiên cứu về Bà la môn giáo và Phật giáo Theravada thì cho rằng văn hóa Phật giáo ở Thái Lan, Campuchia và Lào có nhiều điểm tương đồng. Trong nhiều ngôi chùa ở ba nước này đều có tượng Rắn Thần Naga, không những là vị thần mưa mà còn là vị thần dẫn dắt tín đồ ngoan đạo lên cõi Niết bàn. Trong các ngôi đền cổ xây dựng theo kiểu kiến trúc Khơme thì nhiều chiếc cầu vồng có hình Rắn Thần Naga, tượng trưng cho chiếc cầu nối liền giữa cõi trần gian và niết bàn. Rắn Thần Naga nhiều đầu còn tượng trưng cho chiếc cầu trải dài dưới chân những ngôi đền núi (thế giới con người) đến đỉnh của ngôi đền (thế giới thần linh).
Phật thoại mô tả cuộc đời của đức Phật từ khi ngài mới hạ sinh cho đến khi nhập cõi niết bàn đều có liên quan ít nhiều đến Rắn Thần Naga. Và hình tượng Rắn Thần Naga bảo vệ cho đức Phật tọa thiền là một đề tài quen thuộc trong Phật giáo. Trong các ngôi chùa ở Campuchia và Lào, Rắn Thần Naga ngự trên các mái chùa, các đầu đao để xua đuổi tà ma và bảo vệ đức Phật…
Không chỉ trong các ngôi chùa mà ngay khuôn viên trước cửa Khách sạn 5 sao Don Chăn ở thủ đô Vien Chăn, nơi chúng tôi nghỉ lại trong những ngày thăm Lào cũng có sự “hiện diện” của Rắn Thần Naga, dường như mang ý nghĩa để xua đuổi tà ma và báo vệ sự an toàn cho du khách đến nơi đây!
Dưới đây là bức ảnh tôi chụp Rắn thần Naga trước khách sạn Don Chăn và một vài bức ảnh về vị Thần Rắn này tôi copy từ bài của Th,s Phan Anh Tú đã nói ở trên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét