Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

Mong khoa học xã hội được như Viện Toán cao cấp

Bài trả lời phỏng vấn của TS Trung khá hay và thẳng thắn. Tuy nhiên mong muốn KHXH cũng được như Viện Toán cao cấp là điều viển vông lúc này. Tin tôi đi, CP bỏ nhiều tiền ra đầu tư nhiều như thế cho Viện Toán cao cấp là vì có đồ trang sức rất quý cần trưng bày (GS Ngô Bảo Châu). Chỉ khi KHXH có người đoạt giải thưởng Nobel về kinh tế hoặc một giải thưởng KHXH nào đó tầm cỡ gần như thế thì CP mới tính đến nguyện vọng này của TS.

Mong khoa học xã hội được như Viện Toán cao cấp

- Lần đầu tiên, Chính phủ chú trọng đầu tư cho khoa học cơ bản với một tinh thần có vẻ "rất Humboldt". Mong sao, sang năm mới này, khoa học xã hội và nhân văn cũng sẽ được hưởng một ngân sách và một tinh thần như thế. TS Nguyễn Khánh Trung, đang làm nghiên cứu tại ĐH Nantes của Pháp trao đổi với VietNamNet về lý do cần phải phát triển ngành khoa học xã hội và nhân văn trong bối cảnh ngành này đang không được coi trọng hiện nay.



Thí sinh sau giờ thi ĐH. Mùa tuyển sinh ĐH 2012 đang tới, xu hướng lựa chọn các ngành học khoa học xã hội và nhân văn ngày càng giảm. Ảnh: Lê Anh Dũng
 
Phóng viên: Theo thống kê từ 1996 – 2005, cả Việt Nam chỉ có 69 công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội, nghĩa là trung bình chỉ khoảng 7 công bố mỗi năm cho hằng trăm viện nghiên cứu và đại học trong cả nước. Anh có số liệu nào mới hơn trong những năm gần đây? Năm qua, ĐHQG TP.HCM cũng công bố chỉ có 8 bài báo quốc tế về lĩnh vực KHXH&NV và không có bài nào lọt danh sách ISI. Theo anh, việc ít có bài báo quốc tế về lĩnh vực này có ảnh hưởng gì tới Việt Nam? Có phải do Việt Nam là nước nghèo nên mới có tình trạng này?
 
TS Nguyễn Khánh Trung: Hiện tại, tôi không có số liệu nào mới về các công bố quốc tế KHXH&NV của Việt Nam.

Những số liệu chị đưa ra trong câu hỏi cũng như một loạt các bài viết của các trí thức đăng trên báo Tia Sáng gần đây đã miêu tả tình trạng “báo động đỏ” về nghiên cứu và giảng dạy KHXH&NV ở nước ta hiện nay (ở đây không nói đến mấy ngành "hot" nhé).

Tôi xin trả lời các ý sau cùng trong câu hỏi lớn của chị.

Đó là sự liên hệ giữa tình trạng nghèo nàn trong nghiên cứu và tình trạng nghèo nàn chậm tiến của xã hội. Có phải vì nước mình nghèo nên mới có tình trạng này không?

Ðúng, nghèo cũng là một nguyên nhân. Người ta nói “có thực mới vực được đạo”, bụng mà còn đói thì chẳng có thể nào có ý tưởng gì cao xa, chẳng ai có thể vô tư ngồi đó mà nghiên cứu văn, sử, địa, triết... vốn chẳng đem lại cơm cháo gì ngay lập tức được, trong khi bản thân người giảng viên thường là trụ cột kinh tế của cả gia đình.

Tổng lương (gồm lương cơ bản và các khoản thu nhập khác) của một giảng viên có học vị tiến sĩ, có thâm niên công tác hiện nay trung bình khoảng từ 6 đến 7 triệu/tháng tại ÐHQG  TP.HCM.

Như thế, để sống và nuôi gia đình, các giảng viên buộc phải dạy thêm, làm thêm bên ngoài, những việc thêm này đã chiếm hết thời gian, sức lực và cả tinh thần của họ, làm sao họ có thể chuyên tâm tạo ra những sản phẩm khoa học tốt được. Trong trường hợp này, chuyện nghiên cứu trở thành một thứ xa xỉ và không thực tế.

Tuy nhiên, kinh tế chỉ là một trong những nguyên nhân thôi. Một nguyên nhân khác cũng hết sức quan trọng làm nên tình trạng này là môi trường chính trị xã hội. Nước ta hiện nay chưa phải là môi trường tốt, ươm mầm và thúc đẩy khoa học phát triển.

Ðiều kiện tiên quyết nhất để nhà nghiên cứu, nhất là nhà nghiên cứu ngành KHXH&NV làm việc tốt, cho ra những công trình có giá trị là “tự do học thuật”.

Nghĩa là tự so suy tư, tự do tìm tòi khám phá, tự do viết ra và tự do công bố sản phẩm của mình.

Lịch sử đã chứng minh, nền đại học nào trên thế giới đi sát con đường tự do học thuật của W.V. Humboldt đã đề ra hơn 200 năm nay thì nền đại học đó mạnh mẽ, và từ đó thúc đẩy cả xã hội phát triển về mọi mặt.


Ngược lại thì “... phải trả giá đắt về mặt trí tuệ, sự tha hoá xã hội cũng như sự trì trệ về kinh tế”, như những gì UNESCO đã cảnh báo.

Vừa rồi, Nhà nước đã đầu tư 650 tỷ đồng giai đoạn 2010 – 2020 cho Viện Toán cao cấp mới ra mắt, với một cơ chế đặc biệt. Đầu tư lớn nhưng theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thì “Chính phủ không yêu cầu Viện nghiên cứu cái gì. Sử dụng số tiền này như thế nào là quyền của GS. Ngô Bảo Châu...”.

Lần đầu tiên, tôi thấy Chính phủ chú trọng đầu tư cho khoa học cơ bản với một tinh thần có vẻ "rất Humboldt". Mong sao sang năm mới này, KHXH&NV cũng sẽ được hưởng một ngân sách và một tinh thần như thế, để chúng ta có thể thoát ra khỏi hoàn cảnh u ám của nghiên cứu và giảng dạy hiện nay và góp phần phát triển đất nước.
 
Phóng viên: Anh có thể chia sẻ tại Pháp, vấn đề KHXH&NV được chú trọng như thế nào? Sự phát triển của KHXH&NV tại Pháp có giúp ích gì cho nền kinh tế và xã hội của nước này không?
 
TS Nguyễn Khánh Trung: Pháp là quê hương của “Ánh sáng”, quê hương của nhiều ông tổ trong khoa học, nhất là KHXH&NV. Truyền thống mạnh mẽ này thể hiện trong mọi thời, thời nào thì Pháp cũng có những tên tuổi nổi tiếng trong khoa học, có những lý thuyết, những tư tưởng lớn mà ai làm nghiên cứu KHXH&NV cũng phải tham khảo. Ðể có được như vậy, KHXH&NV phải được chú trọng cũng như phải được tôn trọng.

Trên phương diện quốc gia, Nhà nước Pháp đã đầu tư thành lập, hay tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu tự thành lập nhiều viện chẳng hạn như CNRS (Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa học Quốc Gia), CREDOC (Trung Tâm Nghiên Cứu và Quan Sát Ðiều kiện Sống), cũng như hệ thống các trung tâm nghiên cứu gắn liền với các ngành đào tạo trong các đại học (PRES)...

Trên phương diện cá nhân nhà nghiên cứu, điều kiện về tài chính, về thời gian, về tinh thần theo tôi là luôn thuận lợi, ví dụ một giáo sư Pháp có mức lương khởi điểm là 2305 euros/tháng, giữa sự nghiệp tăng lên 4066 euros/tháng và lúc gần về hưu là 4.622 euros/tháng (tương đương khoảng 130 triệu đồng/tháng), đó là chưa kể các khoản thu nhập thêm từ tiền nhuận bút, hội nghị, hội thảo, hướng dẫn luận án.
Nguyễn Khánh Trung tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành xã hội học giáo dục tại ĐH Toulouse 2 của Pháp, nghiên cứu về giáo dục Việt Nam. Hiện là nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu giáo dục IRED và là nghiên cứu viên hợp tác của Trung tâm nghiên cứu xã hội học của ĐH Nantes- Pháp.

Trong khi đó, tôi thấy giá cả tiêu dùng tại Pháp không cách xa giá cả tại Việt Nam là bao nhiêu. Hưởng lương như thế, nhưng họ chỉ dạy 192 giờ/năm (bao gồm đứng lớp và thực dạy: mỗi giờ đứng lớp tương đương với 1,5 giờ thực dạy), thời gian còn lại dành cho nghiên cứu.

Ðặc biệt, có những trường như CĐ Thương mại Paris, Collège de France sẵn sàng cho các giáo sư nghỉ dạy từ 2 đến 3 năm khi phải tiến hành một nghiên cứu gì đó quan trọng.

Về việc KHXH&NV tại Pháp có giúp gì cho nền kinh tế và xã hội Pháp không, theo logic mà tôi đã trình bày ở trên thì đương nhiên là có. Hãy lấy vài ví dụ.

Sau Ðệ nhị Thế chiến, trong hoang tàn đổ vỡ, các nhà lãnh đạo Pháp đã tập trung các nhà nghiên cứu KHXH&NV như địa lý học, kinh tế học, xã hội học, tâm lý học... nhằm tìm kiếm con đường phát triển cho đất nước.

Các nhóm nghiên cứu được thành lập và đã tiến hành các nghiên cứu như quy hoạch đất đai, mạng lưới giao thông, mạng lưới thành phố, phát triển đô thị. Theo Edmond Lisle, cựu giám đốc của CREDOC, những nghiên  cứu này trong những năm 1950 – 1960, đã phục vụ đắc lực cho công cuộc kiến thiết nước Pháp: “Khoa học đã giúp chúng ta tưởng tượng, nhận diện, dẫn dắt phát triển và hiện đại hóa nước Pháp”.

Các nhà lãnh đạo của Pháp đã tìm thấy trong các nghiên cứu này những công cụ để phát triển đất nước về mặt kinh tế và công nghiệp, đưa quốc gia này trở lại vị trí trong nhóm các quốc gia đứng đầu trên thế giới.

Hay một ví dụ khác, cũng trong thời gian đó, CREDOC đã tiến hành những nghiên cứu trên người “tiêu dùng” (cụ thể là người tiêu dùng xe hơi), nghiên cứu đã cho ra những phân tích, những số liệu trên phương thức hành xử và thái độ của người tiêu dùng, từ đó giúp các doanh nghiệp định hướng, lên kế họach sản xuất, tạo ra các dịch vụ mới, v.v....

Nói chung KHXH&NV, với những kết quả nghiên cứu của nó, rất hữu ích cho các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, các tập đoàn công nghiệp và thương mại tại Pháp, bổ ích vì các ngành khoa học này giúp họ phân tích, nhận diện các vấn đề, giúp họ biết họ đang ở đâu và nên đi về hướng nào, các khoa học này cũng trang bị cho họ những công cụ, phương pháp.

Chẳng hạn, từ năm 1955 đến 1965, CREDOC đã liên tục tổ chức các hội thảo dành cho các chủ doanh nghiệp, các cán bộ Nhà nước nhằm trang bị cho họ các kỹ thuật điều tra thị trường.

Ðó là những ví dụ rất thực dụng, nói lên tầm quan trọng của KHXH&NV trong những chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Pháp thời điểm sau chiến tranh.

Tuy nhiên, khi nói về vai trò của khoa học của một quốc gia, nhất là KHXH&NV, chúng ta không nên chỉ gắn chúng với kinh tế, mà quên đi vai trò và ý nghĩa của chúng trên phương diện văn hóa và xã hội.

Ngày nay các khoa học này vẫn tiếp tục đóng vai “soi sáng đại chúng” xét trên bình diện tộng thể, và “mở mang tinh thần” xét trên bình diện cá nhân đối với con người và xã hội Pháp.
 
Phóng viên: Năm qua, chỉ có 6% thí sinh thi đại học chọn ngành KHXH&NV. Có phải do KHXH&NV của nước ta không phát triển nên mới có tình trạng này? Thêm vào đó, việc làm sau khi ra trường cũng như mức lương không khuyến khích được người học?
 
TS Nguyễn Khánh Trung: Lại là con số phần trăm phản ánh thực trạng u ám của KHXH&NV, lần này là về phía người học, cũng có nghĩa là phản ánh tương lai đen tối của KHXH&NV.

Việc học ngành nào, trường nào, quyền lựa chọn thuộc về các cô cậu tú và gia đình của họ. Hành động lựa chọn lúc nào cũng dựa trên logic của tính hợp lý, theo chủ quan của mỗi người, và có khi bị ảnh hưởng bởi đám đông, bởi phong trào.

Những yếu tố như sự không phát triển của KHXH&NV, việc làm sau khi ra trường, mức lương... đều được đặt lên bàn cân khi các bạn trẻ lấy quyết định có nên theo học các ngành KHXH&NV hay không. Khi bỏ tiền và thời gian ra học, đương nhiên là các bạn trẻ sẽ chọn những gì hữu ích, thiết thực cho bản thân họ, cho tương lai của họ.

Các bạn trẻ không chọn theo học KHXH&NV, ngoài những nguyên nhân trên, còn có một nguyên nhân nội tại ngay trong cách giảng dạy của các ngành KHXH&NV.

Một cách giảng dạy truyền đạt không vì lợi ích thực sự của người học, không lấy người học làm trung tâm, mục tiêu giảng dạy không nhắm đến “khai phóng” con người, mà đang cố đúc, ép con người theo một khuôn mẫu nhất định nào đó với những “giáo điều” đã được đặt định.

Và vì thế, một cách gián tiếp hay trực tiếp, nhà trường bóp méo, làm biến dạng KHXH&NV, làm cho các bạn trẻ hiểu lầm, làm các bạn thấy các ngành khoa học này chẳng có hữu ích gì cho bản thân, cho công việc của mình và cho cả xã hội.

KHXH&NV có lẽ vì vậy bị khinh thường, thậm chí chỉ dành cho những bạn trẻ thuộc diện “chuột chạy cùng sào”.

Những nguyên nhân khách quan, chủ quan nói trên cùng tạo ra những mảng tối trong bức tranh KHXH&NV, tạo ra một vòng tròn luẩn quẩn. Một bức tranh thiếu hấp lực như thế làm sao có thể thu hút các bạn trẻ, trong khi họ phải bỏ tiền ra để học.
Thí sinh thi vào Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội. Ảnh: Lê Anh Dũng

  Phóng viên: Anh có chia sẻ gì với các bạn trẻ về những lợi ích của KHXH&NV đem lại, và có nên theo đuổi ngành này, cho dù nó không hứa hẹn gì về một đời sống vật chất tốt như nhiều ngành “hot” hiện nay?
 

TS Nguyễn Khánh Trung: Lợi ích của KHXH&NV như tôi đã trình bày là rất rõ, nó hữu ích cho xã hội, cho sự phát triển và cho mỗi người chúng ta trong đời sống xã hội.

Nó soi sáng cho chúng ta cần làm gì để đời sống, môi trường sống xung quanh tốt đẹp hơn, nhân văn hơn. Nó trang bị cho chúng ta biết phương pháp tư duy, phản biện, có khả năng giải quyết các vấn đề mà cuộc sống, công việc đặt ra...

Ðất nước chúng ta đang thay đổi, kéo theo vô số vấn đề xã hội nan giải đang đặt ra, nên hơn bất kỳ quốc gia nào tại thời điểm này,

Việt Nam đang rất cần sự có mặt của ngành KHXH&NV để phân tích, định dạng, có những chiến lược phát triển phù hợp... Như vậy, không thể nói là thiếu việc làm, vấn đề là chúng ta có nhìn ra, có được phép làm, và chịu làm hay không thôi.

Tuy nhiên, đối diện với một tình trạng giảng dạy KHXH&NV như hiện nay, tôi không dám khuyên các bạn hãy đăng ký học các ngành này, nhưng nếu các bạn đã quyết định, thì nên nhớ rằng mình là sinh viên, các bạn đừng phụ thuộc hoàn toàn vào nhà trường, vào nội dung được giảng dạy tại lớp, các bạn hãy khai thác những phương tiện hiện đại để tự trang bị cho mình vốn liếng kiến thức, phương pháp, kỹ năng để tự giải phóng mình khỏi mọi giới hạn của bản thân và xã hội.

Khi làm được như vậy, những thứ bạn tự tìm được mới thực sự là của bạn, giúp bạn đắc lực trong cuộc sống và công việc.

Phóng viên: Cảm ơn anh  về cuộc trao đổi này.

  • Hương Giang (Thực hiện)

2 nhận xét:

  1. Nhà nghèo đeo nhiều trang sức quá thì mãi vẫn nghèo thôi!

    Trả lờiXóa
  2. Có thể để che giấu cái nghèo thì Chính phủ nghĩ ra cách đeo càng nhiều đồ trang sức càng lừa được người khác.

    Trả lờiXóa